Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Suy niệm về Tuần lễ Hiệp Nhất 18.1 -25.1

Re: Suy niệm về Tuần lễ Hiệp Nhất 18.1 -25.1 12 years 3 months ago #632


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Tuần lễ Hiệp Nhất - Suy niệm về con đường trở lại của Thánh Phaolô Tông Đồ vĩ đại


200px-StPaul_ElGreco_2012-01-19.jpg


1. Nhiều con đường

Trong tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất của Hội Thánh, ký ức chúng ta nhớ đến những cuộc phân ly đớn đau trong Hội Thánh công giáo, rồi phát sinh những "đạo" khác, như Tin lành, Chính thống, Anh giáo... Chúng ta rất đau buồn vì chiếc áo là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô là Hội Thánh bị chia ra thành nhiều mảnh, thân thể ấy vẫn tiếp tục rướm máu từ những vết thương bên ngoài lẫn bên trong.

Tôi đã nghe nhiều người ngoài tôn giáo hỏi tôi -" Tại sao có nhiều đạo thế ? Và bên các anh chị, nhiều người, nhiều đạo tin vào Đức Kitô, tin vào Thiên Chúa (như Hồi Giáo) tin vào Đức Giêsu (như Tin lành), nhưng lại chia rẽ lẫn nhau, thậm chí đã đi đến chiến tranh, đổ máu; điều nầy thật mâu thuẩn cho ĐẠO và chúng tôi cũng cảm thấy quá khó hiểu về tôn giáo! ?"

Thưa thật, nói về đạo thì tôi cũng chẳng rành; nhưng từ nhỏ tôi đã học được chân lý nầy: "Đạo là đường; và có một đường rất chính rất thật là đạo Thánh Đức Chúa Trời ". Và tôi tin vào chân lý như đinh đóng cột ấy. Tôi sung sướng vì tôi đang đi trên chính lộ ấy... Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Nhưng thú thật, càng nói về Đạo, tôi càng thấy mình còn đang xa Đạo ! hay nói cách khác, Đạo mà hiểu được trọn vẹn thì không còn là Đạo nữa!

Vậy, thưa Đạo là gì ? Ai trong chúng ta cũng biết Đạo là Đường, nhưng đường thì rất nhiều, để đến với Thiên Chúa con người phải tìm cho mình một đường đi, con đường đó dẫn đến chân lý vẹn toàn, là chân lý mang lại Sự sống, ơn cứu rỗi. Con đường đó chính là Đức Kitô, Ngài đã xuống trần gian để chỉ cho ta con đường về với Thiên Chúa Cha. Ngài đã khẳng định với Thôma và các tông đồ : " Chính Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14, 6)

Cuối tuần cầu nguyện cho Sự Hiệp Nhất nầy, Phụng vụ của Hội Thánh mừng lễ Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, điều nầy muốn nói lên điều gì ?

2. Bị đón đường - Bị chộp bắt

Thánh Tông Đồ dân ngoại đã tìm cho mình con đường chân lý, con đường này trứơc biến cố " ngã ngựa" là một con đường lạc lối và mù tối. Vì thế, hơn ai hết, với kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh sau biến cố " ngã ngựa ", Thánh nhân đã vạch cho chúng ta con đường dẫn đến Thiên Chúa, đồng thời chỉ cho chúng ta Con Đường, cách sống Đạo trong "đời thường" giữa cuộc sống nhiều thách hôm nay.

Hết lòng nhiệt thành bênh vực cho đạo Do thái, Saolô nổi tiếng là người hung ác, bạo tàn, nhưng bản chất ông có hung ác không ? - Xin thưa có thể là không - Mà chỉ do lòng nhiệt thành! Một khi Saolô đã làm thì làm cho tới cùng, không làm đại khái hay làm cho có. Với Saolô, Đức Giêsu và các môn đệ của ông ấy là những kẻ nguy hiểm, kẻ phá hoại đức tin chân chính của cha ông, cần phải diệt trừ. Saolô nghĩ ông ta hành động như vậy là tôn vinh Thiên Chúa, nên ông hùng hổ đi bắt những người theo " tà đạo " này.

Trên đường đi, bỗng một quầng sáng quật Saolô ngã ngựa (x. Cv 9, 3-9).

Luồng ánh sáng bao phủ, gây kinh hoàng cho ông, ánh sáng làm cho đôi mắt ông bị mù, Saolô mù đôi mắt thân xác nhưng lại mở cho ông cặp mắt tâm linh (x. Cv 9,8). Một tiếng gọi vọng xuống từ trời. Gọi là dấu chỉ còn ở xa, gọi là mong ước được ở gần, Chúa gọi đích danh, tức là Ngài muốn thiết lập một tương quan cá vị với Saolô:"Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta" (Cv 22, 7tt) - Đức Giêsu đồng hoá Ngài với các Kitô hữu, cho hay khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa là yêu thương anh chị em vì họ là hình ảnh sống động của Thiên Chúa. Người ta cầm tay dắt ông vào Đamas (x. Cv 9,8 ). Saolô đi vào Đamas với sự biến đổi thật sâu xa; vì ngay từ đầu ông định đến đây với quyền lực trong tay để phá hoại Hội Thánh, nhưng giờ đây ông rơi vào tình trạng mù loà, bất lực, cần có người cầm tay dắt ông mới vào Đamas được. Trước mắt người đời Saolô gặp tai hoạ, nhưng đối với Saolô đó lại là hồng ân. Ông ngỡ ngàng xúc động vì không ngờ Thiên Chúa đã đoái đến ông như thế, đang khi ông là kẻ thù không đội trời chung, tìm cách bắt bớ Ngài, thì Ngài lại đón đường chộp lấy Saolô với tình yêu mãnh liệt, Chúa Kitô, Ngài vẫn thương ông và gọi chính tên ông.

Cảm nghiệm của những ai nhận biết Thiên Chúa, được gặp chính Đấng là Tình Yêu, Thiên Chúa luôn đi bước trước, một kinh nghiệm của chính Phaolô đã cảm được, đã chạm được Đức Giêsu-Đấng Phục Sinh, chính vì lẽ đó Phaolô vẫn nhắc đi nhắc lại biến cố này trong suốt cuộc đời (x. Cv9; 22;26, 1Cr 9,1; Gal1,11...). Phaolô đã nói lên kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu. Chinh Người đã can thiệp làm đảo lộn dự tính của ông. Đức Giêsu đã tự đồng hoá mình với những tín hữu bị bách hại. Như thế, Người không hiện diện ở ngoài, nhưng ở trong Hội Thánh, gắn bó với từng tín hữu... Sự hồi tưởng lại biến cố nầy nhiều lần trong đời, Phaolô cho ta thấy tình thương bao la của Thiên Chúa đối với ông, không những chỉ nhắc lại kinh nghiệm thiêng liêng mà Ngài còn khẳng định : " Sự sống hay sự chết..... không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô" (x. Rm 8,38 tt). Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, một biến cố nào đó, một dấu chỉ nào đó dù trước mắt người đời thấy khó chịu, thất bại, nhưng lắm khi đó chính là cơ hội để thử thách lòng trung tín và là khởi điểm cho một hồng ân, một sứ mạng mới mà lắm lúc chúng ta không ngờ !

3. Bóng tối và Sa mạc:

Biến cố ngã ngựa với ánh sáng quá chói chang đã làm cho Phaolô trở nên mù loà và bất lực, ông đã để cho người ta dắt tay ông vào Đamas, trong ba ngày ông không thấy gì, ông cũng không ăn không uống gì (x. Cv 9,9), ông hồi tưởng sự việc đã xãy ra, cho đến lúc Anania, người của Thiên Chúa sai đến, đặt tay chữa lành để Phaolô lại thấy, được chịu thanh tẩy và được đầy ơn Chúa Thánh Thần (x. Cv 9,17-18). Nhưng ba ngày chưa đủ để Phaolô có thể trở thành tông đồ... Để chiếm được Thiên Chúa cũng như muốn có động lực cho hoạt động loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô Tông đồ đã lánh đi vào cô tịch một thời gian (x. Gal1, 17-18). Đối với con người khi chiêm ngưỡng Thiên Chúa, con người cần trở về với chính mình để lắng nghe Chúa nói: " Hãy cho người khác những gì bạn đã chiêm niệm" (Thánh Thomas Aquino ). Với một Saolô nhiệt thành trở thành một Phaolô hăng say vì Đức Kitô, khi đề cập đến vấn đề này sử gia A. Salvini đã nói: " Người ta không thể hồ nghi Saolô đã sống tĩnh tâm tại sa mạc Ả rập, nơi đây Ngài thu toàn tâm lực để nghiền ngẫm chân lý làm động lực cho nội dung giáo thuyết sau này". Đúng thế, cuộc đời Thánh Tông đồ đã nói lên điều đó. Triết gia Niezsche có nói một câu rất chí lý: " Phàm ai muốn trở nên sứ giả đem lại một mệnh lệnh quan trọng, cần phải biết thinh lặng". Dựa vào tư tưởng này, giám mục J.Holzner OP quả quyết rằng: " Chốn rừng xanh thanh vắng thường là nơi đào tạo các nhà tiên tri và những người hùng biện". Suốt thời gian gần ba năm dài ẩn dật từ mùa thu năm 36 đến mùa xuân năm 38, dưới tác động của Thánh Thần Thiên Chúa, một biến trạng dần dần thay đổi cuộc đời Saolô để từ nay không còn là con người "nói về Chúa mà là người Chúa dùng để nói". Đúng thế, Chúa nói qua ngôn ngữ con người, Ngài đã dùng Phaolô làm lợi khí ưu tuyển để mang danh của Ngài đến với muôn dân.
Thời gian ẩn dật của Thánh Tông đồ chính là thời gian bí nhiệm, được Chúa chiếm đoạt trọn vẹn con người như chính Ngài đang là. Một Saolô trở thành nét son chấm phá cuộc đời chúng ta hôm nay, vì đang khi mãi chạy theo những ham muốn lợi lộc, tiền tài, hư danh, tham vọng, kiêu hãnh dựa vào những cái đang có (mà cũng là chính là ân huệ Chúa ban!), chúng ta không thanh thoát và khiêm tốn để cho Thiên Chúa "chen chân" vào đời ta, vào tận cõi thăm thẳm của lòng mình.

Cách sống của chúng ta linh mục, tu sĩ, kitô hữu, có phản ánh được một Đức Kitô đang sống hay không? Và tuỳ thuộc vào đời sống cầu nguyện của chúng ta có để cho Thiên Chúa chiếm hữu không ? Đời sống bác ái huynh đệ đối với người ở cạnh ta, anh chị em ta, ta có cảm thông, khoan dung vàmở lòng ? Hằng năm, hằng tháng, hằng ngày người tông đồ đều có những phút giây "cô tịch" bên Chúa Thánh Thể, chúng ta đã để Chúa chiếm hay chúng ta chiếm mất chỗ Chúa ? vì có thể lắm khi vào giờ cầu nguyện chúng ta đã thưa chuyện với Chúa như cách của người Pharisiêu kia, khoe khoang mình và khinh dễ kẻ khác, lấy mình làm tiêu chuẩn và khó lòng đón nhận sự thua thiệt, yếu kém, nhỏ bé của người anh chị em... Cách sống thiết thực nhất của Thánh Tông đồ là để Thần Linh Chúa tác động và chiếm hữu, " Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Vì thế Ngài dám nói một câu bất hủ, không tìm thấy một vị thánh nào nói được như thế : " Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Kitô" (Rm 8,28-39)

4. Hình ảnh Phaolô trong con người chúng ta

Thánh Phaolô trên con đường được mời gọi " trở lại " là một cuộc đổi đời 180 độ. Để có thể nắm bắt được ý nghĩa lời mời gọi nầy, Phaolô đã ẩn mình vào sa mạc Ả rập trong 3 năm (x. Gal 1,17), nơi thanh vắng cô tịch nầy, ông đã nghiền ngẫm lại những trang Kinh Thánh mà trước đây, ông đã thụ giáo dưới chân vị thầy tài ba Gamaliel, nhưng bây giờ thì không; ở đây, Thánh Thần của Thiên Chúa dạy dỗ ông, ông chỉ còn chiêm ngắm Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Trong sự thinh lặng vĩ đại nầy, ông làm điều duy nhất là: "Quên chặng đường đã qua, để lao mình tới phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa đã dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giêsu Kitô." (Gal 3,13-14).

Thế nhưng, không phải thiện chí và lòng nhiệt thành của Ngài được Giáo Hội sơ khai đón nhận đâu ! Bao nhiêu người - cả tông đồ đoàn - nghi ngờ về sứ mệnh của Ngài, người ta dè dặt đối với con người khó hiểu nầy, người trước kia là hùm xám bây giờ lại trở nên chiên hiền lành, mà lại còn đi rao giảng về Con Người Giêsu và Tin mừng mà trước đây Saolô ra tay bách hại ! Chính vì thế mà người Do thái ghen tức, nơi đâu cũng căm thù, làm hại, tìm kế bàn cách giết ông; ông bị người Do Thái ở Đamas đòi giết ông, các đồ đệ phải thòng ông qua tưòng thành ban đêm, trong một cái thúng (x. Cv 9,23-25). Đó là giá ông Phaolô phải trả khi ông "trở lại" theo Đức Kitô.

Thiên Chúa mời gọi và chờ đợi ta từ bỏ mọi điều mình mong ước, lắm khi Ngài đòi phải trắng tay, trống không, chính lúc ấy Ngài mới ban nó cho ta. Vấn đề là chúng ta có nhạy cảm để đón nhận ân huệ, và đọc ra dấu chỉ Chúa muốn tỏ bày không ? - Thời gian ẩn dật để thinh lặng cầu nguyện, đó là thời gian Thánh Phaolô suy tư, nghiền ngẫm về Kinh Thánh, về Đức Giêsu Kitô và cây đời của Ngài đã chín mùi, để từ một tư tưởng gia Pharisiêu nhiệt thành Ngài trở thành thần học gia đầu tiên của Kitô giáo.- Cuộc đời chúng ta khi sống trong hoàn cảnh của mỗi người cũng thế, những thử thách lâu dài có thể làm cho ta bị tổn thương, thất vọng và mất niềm tin..., nhưng thời gian và với sự kiên trì cầu nguyện sẽ giúp ta nhận ra kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa đặt để nơi ta, trong cuộc đời ta, trong công việc phục vụ của ta.

5. Con đường trở lại :

Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất của Giáo Hội rồi sẽ lặng lẽ qua đi, không để lại trong ta dấu ấn gì nếu ta không thấy vấn đề của chính mình. Chúng ta hiệp nhất với người khác làm sao được khi trong ta hồn và xác không cùng đi đôi, không hiệp nhất với nhau; lời rao giảng và hành động của chúng ta gây mâu thuẩn ? Chúng ta không chan hoà với anh chị em, hay không tha thứ cho anh chị em ? Hơn thế nữa, nếu tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa quá lỏng lẽo, lắm khi lại cố tình giải thích để cho ý mình thành ý Chúa, mọi sự được dễ dãi theo "đường" của ta. Bậc phụ huynh, bề trên hay người có địa vị, thể hiện quyền hành theo đường lối của mình chứ không phải là ý Chúa mà cũng chẳng hay ! Nếu mối tương quan cá vị với Thiên Chúa bình an, đầy ắp tình yêu mến sẽ dẫn đến một tương quan liên vị rộng lớn Trời - Đất - Tạo vật - Thiên Chúa - Con người, thiết lập trong ta một thế giới bình an, trật tự, hạnh phúc, yêu thương, con đường ấy chính là Đạo vậy !

“Con đường trở lại" diễn ra mọi ngày nơi chính bản thân chúng ta, điều nầy đòi hỏi một sự lột xác đau đớn, có khi phải trở thành mù loà, bất lực, trước ý muốn của Thiên Chúa... hầu Ngài có thể thay đổi chúng ta tận căn trong Sự Chết và Sự Sống Lại của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tuyên bố: " TA LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG " (Ga 6,14). Và suốt đời Thánh Phaolô đã sống cho Con Người và Tin Mừng ấy. Đức tin mà ông lãnh nhận, đã cảm nghiệm sâu xa thì ông cũng loan báo "Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô Chịu Đóng Đinh" (1 Cor 1,23) và Đấng đã Phục sinh là tất cả niềm tin và Lời chứng của Phaolô ."Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không và cũng hư không việc anh em tin... "(1 Cor 15, 14...) Và trong niềm xác tín đó Ngài nói với chúng ta như đã nói với môn đệ Timôtê, người con quí mến của Ngài: "Cha đã đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững niềm tin" (2Tm 4,7).

Nhân ngày lễ Thánh Tông đồ Phaolô Trở Lại, chúng ta lắng nghe lời tuyên thú khiêm tốn và đầy xác tín vào ơn gọi của Ngài trong thư Ngài gởi tín hữu Côrintô : “Tôi là người hèn mọn nhất trong các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu, trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả các vị khác, nhưng thật ra không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa nơi tôi." (1Cor 15, 9-10)

Lạy Chúa, mừng kỷ niệm ngày Thánh Phaolô Trở Lại tin theo Đức Kitô, xin cho chúng con biết noi gương ngài, mau mắn nghe lời mời gọi của Chúa, cho chúng con có đủ ý chí sức mạnh và nghị lực, khiêm tốn cậy trông vào ơn Chúa, mà trở lại mỗi ngày hầu tiến đến gần Chúa và trở nên chứng nhân của Tin Mừng Tình yêu.

Hãy cùng với Thánh Phaolô: "Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi Hội Thánh, mà làm gấp ngàn lần điều chúng con dám cầu xin hay nghĩ tới, Xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở muôn đời. Amen."
(Êphêsô 3, 20-21)
Attachments:
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 3 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.

Suy niệm về Tuần lễ Hiệp Nhất 18.1 -25.1 12 years 3 months ago #631


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
VÀI NÉT LỊCH SỬ VỀ TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT


hiep-nhat-kito-giao_2012-01-19.jpg

Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất được cử hành hằng năm từ ngày 18 đến 25 tháng giêng. Tất cả các tín hữu tin vào Chúa Kitô trên khắp thế giới (Công giáo, Chính Thống giáo, Tin lành, Anh Giáo) đều cử hành tuần lễ cầu nguyện này.

Tuần lễ cầu nguyện này bắt nguồn từ đầu thế kỷ XX, do sáng kiến của một linh mục Công giáo, trước đó là một tín hữu Anh Giáo. Được sự hỗ trợ của Đức Giáo Hoàng Piô X, vị linh mục này đã tổ chức hằng năm, từ ngày 18 đến ngày 25 tháng giêng, một tuần bát nhật "cầu cho những người lạc giáo và những người thuộc các bè rối trở lại với Giáo Hội Rôma". Đức giáo hoàng Bênêđictô XV đã mở rộng việc cầu nguyện này cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Năm 1935, Cha Paul Couturier, linh mục thuộc giáo phận Lyon, người tiên phong trong phong trào Đại Kết, đã lấy lại sáng kiến trên với một tinh thần mới. Xác tín rằng việc cầu nguyện là hình thức hiệp nhất duy nhất có thể có được trong hoàn cảnh lúc đó, đồng thời việc cầu nguyện của những tín hữu đơn sơ nhỏ bé nhất cũng quan trọng như những cuộc tranh luận của các nhà thần học, cha Couturier đề nghị các kitô hữu gặp gỡ nhau hằng năm để cùng nhau cầu xin cho "sự hiệp nhất mà Chúa Kitô muốn, bằng những phương thế mà Ngài muốn" (unité que le Dieu veut par des moyens qu'il voudra).

Lời đề nghị của cha Couturier đã được Đức Hồng Y Gerlier, Tổng Giám Mục Lyon nâng đỡ và đã được các giáo hội khác nhiệt tình đón nhận : năm 1936 Giáo Hội Cải Cách ở Pháp đã hỗ trợ tích cực… năm 1954 Hội Đồng Hiệp Nhất Các Giáo Hội (thành lập năm 1948) yêu cầu các thành viên (cụ thể là tất cả các Giáo Hội Kitô ngoài Giáo Hội Công Giáo Rôma) tham dự vào việc cử hành Tuần Hiệp Nhất hằng năm.

Từ năm 1958, những bản văn cầu nguyện và những bản văn kinh thánh được đề nghị cho những cuộc gặp gỡ này được phía Công giáo và Hội Đồng Hiệp Nhất Các Giáo Hội cùng nhau chọn. Trong Giáo Hội Công Giáo, Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục trong các giáo phận, các giáo xứ đã cho thấy những âm hưởng đối với tuần lễ Hiệp Nhất. Các giáo xứ của các Giáo Hội khác nhau chuẩn bị và thực hiện những cuộc biểu lộ chung thường được kéo dài bởi những hoạt động liên-giáo-hội (hoạt động bác ái-xã hội, những nhóm cầu nguyện, hoặc những nhóm kinh thánh …).
(Théo, Droguet-Ardant/Fayard 1992, p. 589)
Attachments:
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 3 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012