Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Suy Niệm Tết Nhâm Thìn - 2012

Re: Suy Niệm Tết Nhâm Thìn - 2012 12 years 3 months ago #648


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN MỒNG HAI TẾT NHÂM THÌN
Lm Giuse Đinh lập Liễm

ptTet1.jpg

Hôm nay Giáo hội Việt nam kính nhớ ông bà tổ tiên nhân dịp đầu năm mới. Kính nhớ các bậc tiền nhân chính là thể hiện tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt nam “Uống nước nhớ nguồn”. Các ngài đã tận tụy nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, đặc biệt là giúp chúng ta biết Chúa là Đấng đáng tôn thờ và yêu mến.

Công ơn của tiền nhân đòi hỏi chúng ta phải báo hiếu bằng cách cầu nguyện cho các ngài trong dịp đầu xuân này; đồng thời tiếp tục những gì các ngài đã làm : hãy tận tâm săn sóc dạy dỗ con cháu chúng ta nên người.

Chúng ta hãy dâng Thánh lễ hôm nay đặc biệt cầu cho ông bà tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo vì “đó chính là của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Cl 3,20)

I. NÓI VỀ ĐẠO HIẾU

1. Ý nghĩa đạo hiếu.

Truyền thống cha ông chúng ta coi trọng chữ Hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em theo “tinh thần hiếu đễ”. Thậm chí các cụ coi việc báo hiếu còn quan trọng hơn cả việc đi tu :

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.

Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, dưỡng dục, giúp ta khôn lớn thành người trong xã hội.

Đã làm con thì phải chu toàn chữ Hiếu và người ta đã nâng nhiệm vụ của con cái đối với cha mẹ lên hàng Đạo :”ĐẠO LÀM CON”. Chúng ta tìm được tư tưởng này ngay trong ca dao tục ngữ :

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chứ Hiếu mới là “Đạo con”.

Thế đó, thật nhẹ nhàng, nhưng từ lời ru của bà mẹ Việt nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày dần đã đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên tâm thức của từng người Việt nam tâm tình hiếu thảo, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là “hiếu” đứng đầu trăm nết :”Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. Do đó đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trong 5 tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, tr 326).

Ở Việt nam, chữ “Hiếu” được nêu cao, nhắc nhở cái đạo làm con. Đó là căn bản của đạo đức gia đình, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhắc chữ “Hiếu” có khi người ta còn nói tới “Đức cù lao” hay “Chín chữ cù lao” có nghĩa là nhắc nhớ đến chín điều cha mẹ nuôi nấng gánh chịu vì con : sinh, cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt), xúc (cho bú), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (săn sóc dạy bảo), phúc (bảo vệ).

Trong Kinh Thi có câu :”Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” có nghĩa là thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc.

Trong bài thứ năm, dạy học trò ở cho phải đạo, sách Gia huấn của Nguyễn Trãi có viết :

Chữ rằng sinh ngã cù lao

Bể sâu khôn ví, trời cao khôn bì.

2. Thể hiện lòng hiếu thảo.

Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ.

Trong đêm giao thừa, người ta có lễ Trừ tịch. Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm. Lễ Trừ tịch cử hành lúc giao thừa là lúc cũ mới giao tiếp. Hết giờ Hợi sang giờ Tý vào lúc nửa đêm, là bắt đầu sang ngày khác âm lịch. Đêm 30 Tết lúc này là giao thừa, người ta làm lễ Trừ tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới, cũ giao lại công việc, mới tiếp nhận.

Trong lễ Trừ tịch con cháu khấn với ông bà cha mẹ ví dụ như lời khấn đêm trừ tich sau đây :

Thời gian thấm thoát, ngày xuân sắp hiện

Nhờ công tiên tổ, phù hộ ở trên.

Nghĩa nặng ân sâu, lòng buồn khôn nén.

Uống nước nhớ nguồn, muốn tỏ tình riêng,

Cơm canh trầu rượu, hoa quả dâng lên

Báo gốc nhớ công, bộc bạch tâm thiêng

Cúi mong lượng trên soi chiếu

Ngõ hầu hiếu tâm không thẹn.

Cẩn cáo

Sáng sớm ngày mồng một Tết, người ta pha trà cúng gia tiên, mọi người làm lễ trước bàn thờ theo thứ tự cha trước con sau, anh trên em dưới. Sau đó, con cháu mới đến chúc tuổi mới ông bà cha mẹ. Con cháu chúc ông bà, cha mẹ những lời tốt đẹp nhất trong năm mới, sau đó người ta ăn Tết.

II. ĐẠO HIẾU ĐỐI VỚI CHÚNG TA

1. Đạo hiếu, một giới răn.

Đối với người Kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản Thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan con người đối với nhau. Điều đó cho thấy việc hiếu thảo đối với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người Kitô hữu.

Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cũng đã lặp lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi. Chúa Giêsu nói :”Thiên Chúa dạy : ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

Còn thánh Phaolô thì nói :”Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”.

Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta , nhưng là thánh ý của Thiên Chúa.

2. Sách Thánh nói về chữ Hiếu.

Nếu như truyền thống Việt nam ghi nhận rằng, ai tôn kính cha mẹ, người đó được hưởng công đức cha mẹ mình để lại, rồi cho con cháu, thì Thánh Kinh xác định :”Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3,3-5).

Như vậy nếu trong ngày Tết chúng ta thường chúc nhau : Phúc, Lộc, Thọ, thì ai thờ cha kính mẹ, sẽ được hưởng cả ba điều cầu chúc này.

Chẳng những thế, điều quan trong là “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20). Bởi vì, “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con” (Hc 3,2); đồng thời lời cầu nguyện của người con sẽ được nhận lời.

3. Hãy biểu lộ lòng thảo hiếu.

Chúng ta phải bày tỏ lòng hiếu thảo đối với các ngài bằng cách nào ? Hãy tôn kính các ngài bằng tấm lòng quí trọng và chân thành. Đừng báo hiếu vì lợi danh, vì ý định cá nhân. Và nếu có thể, hãy làm với tinh thần vượt lên trên bổn phận (vì bổn phận chì dừng lại là báo đáp, là công bằng), mà báo hiếu đâu phải là sự vay – sự trả, nhưng đó là sự đáp trả của tình yêu.

Chính Chúa Giêsu đã phê bình các luật sĩ :”Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn chủa Thiên Chúa ? Quả thật, Thiên Chúa dạy : người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo :”Ai nói với cha mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” (Mt 15,3-6).

Chúa Giêsu đã vạch trần sự ngụy biện của các luật sĩ. Và qua đó cho thấy, lòng tôn kính cha mẹ cần xuất phát từ tấm lòng yêu thương, đồng thời điều đó phù hợp với thánh ý, với điều răn của Chúa chứ không hề ngược lại.

Hãy thể hiện sự hiếu thảo, lòng tôn kính bằng việc quan tâm, lo lắng và săn sóc cha mẹ trong mọi hoàn cảnh. Nghĩa là không chỉ hiện diện với cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ trong lúc cha mẹ vui vẻ, hạnh phúc, mạnh khỏe, mà còn cả trong lúc ốm đau, bệnh tật, trở chứng :”Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi con” (Hc 3,12-14).

Một lần nữa, chúng ta phải ý thức về lòng hiếu thảo của chúng ta đối với ông bà cha mẹ vì đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa. Hãy tri ân các ngài và luôn thể hiện tâm tình “Uống nước nhớ nguồn” :

Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.

Người ta có gốc từ đâu

Có cha có mẹ rồi sau có mình.

Truyện : Hiếu thảo của con gái

Một bà quí phái La mã bị kết án vào tội tử hình và bị giam trong ngục tối để chờ ngày chịu tội.

Tên gác ngục có nhiệm vụ phải treo cổ bà lên, thương tình không nỡ ra tay và có ý để cho bà nhịn ăn rồi cứ thế rạc dần dần đi cho đến khi nào chết thì thôi.

Hằng ngày, tên gác ngục ấy cho phép đứa con gái bà vào thăm, nhưng cấm không cho mang đồ ăn, và khám xét nghiêm ngặt lắm.

Nhiều ngày qua đi, vậy mà nữ tù nhân vẫn sống. Người gác lấy làm lạ lắm, tự hỏi không biết người nữ tù làm thế nào mà cứ sống dai dẳng như thế được. Y bèn để tâm rinh mò và sau biết tất cả sự thực. Cô con gái người nữ tù nuôi mẹ bằng cách đưa vú cho bẹ bú.

Cảm động vô cùng, người gác bèn đem việc đó báo cho các nhà chức trách và chẳng mấy lúc đến tai tòa án. Các quan tòa, cảm động vì lòng hiếu thảo của người con gái, truyền tha tội cho bà quí phái La mã nọ.

Còn cảnh tương nào cảm động bằng thấy con gái cho mẹ bú và vì thế mà người mẹ được tha (Vũ Bằng, Đông Tây kim cổ tinh hoa, tr 59).

“Uống nước nhớ nguồn” – Cội nguồn của chúng ta là ở nơi Thiên Chúa và được trải dài nối tiếp nơi ông bà tổ tiên và các tiền nhân. Hôm nay chúng ta hân hoan đón mừng xuân mới trong hạnh phúc cũng là nhờ công lao của ông bà tổ tiên chúng ta để lại. Chúng ta cùng nhau xin dâng một nén hương, một lời cầu nguyện và một tấm lòng hoài niệm lên ông bà cha mẹ chúng ta. Xin Chúa nhờ Thánh lễ vô giá này mà trả công bội hậu cho các ngài.
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 3 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.

Re: Suy Niệm Tết Nhâm Thìn - 2012 12 years 3 months ago #647


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
HẠNH PHÚC TRƯỜNG SINH
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
Người đời vẫn coi ba hạnh phúc lớn nhất của con người là Phúc – Lộc - Thọ. Phúc là công danh chức tước – Lộc là con cháu đông đảo – Và thọ là tuổi già.

Có công danh, sinh con cái là những dịp để người ta khao vọng, mừng rỡ, và khi hưởng tuổi già người ta lại càng cần phải mừng rỡ hơn để tạ ơn trời đất tiên tổ đã phù hộ cho được sống lâu. Vì đây là nỗi khao khát của con người vượt qua mọi thời đại. Dân tộc nào cũng ước mơ trường thọ, thời đại nào cũng mong được trường sinh bất tử. Dân tộc Việt Nam cũng biểu lộ sự khao khát trường sinh bất tử qua câu truyện Từ Thức lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Nỗi khao khát này còn được biểu lộ nơi chúng ta trong những dịp lễ tết đầu năm thường chúc nhau mạnh khỏe sống lâu, và trong đám cưới người ta vẫn thường cầu chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc.

Vâng, sống hạnh phúc và trường thọ là nỗi khao khát nhất của đời người. Người đời không chỉ mong sống lâu mà còn mong được sống hạnh phúc và bình an. Hôm nay ngày đầu năm, mỗi người chúng ta đều chúc nhau hạnh phúc. Chúng ta cầu chúc cho nhau một năm an khang thịnh vượng. Chúng ta mong ước cho nhau luôn mạnh khoẻ sống lâu và làm ăn phát đạt. Đây chính là những ước mơ rất chính đáng của con người. Là người ai cũng mong được sống trường sinh và hạnh phúc.

Chính Chúa Giê-su cũng định hướng cho chúng ta một con đường dẫn tới bến bờ hạnh phúc và trường sinh. Đó chính là con đường của tám mối phúc. Đây là con đường đòi hỏi sự dấn thân quên mình, đòi hỏi phải hy sinh những cái nhỏ để được cái lớn hơn. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, có tấm lòng hiền hậu, dám chấp nhận khổ đau, yêu thích sự chính trực, thương xót đồng loại, giữ lòng trong sạch, và biết xây dựng hoà bình. Đây cũng là một đòi hỏi kiên quyết của người môn đệ Đức Kytô. Họ phải là những người nghèo trước mặt Thiên Chúa. Người nghèo của Thiên Chúa không phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ trước hết hoàn toàn tin tưởng phó thác cậy trông nơi Chúa, biết sống cho Chúa và cho anh em đồng loại của mình, lấy Chúa làm gia nghiệp, và luôn sống trong tình liên đới với anh em đồng loại, thực thi điều răn trọng nhất là mến Chúa yêu người. Cho dù mình có bị thiệt thòi một chút, đau khổ một chút nhưng họ lại có ích cho gia đình, cho xã hội và đồng loại. Cuộc sống của ta chỉ có niềm vui trong những gì chúng ta cho đi. Cho thì có phúc hơn nhận lãnh. Một con người không bao giờ biết cho đi, không bao giờ biết hy sinh vì người khác, hay không bao giờ sống thanh sạch lòng thanh – gìn giữ công lý và xây dựng hoà bình, họ chỉ là một ốc đảo xa xăm, tự nhốt kín đời mình trong ngục tù cô đơn. Họ là những con người vô dụng, vô tâm, sống xa rời tình Chúa – tình người nên họ chỉ là những cây xanh thiếu lá, xem ra trơ trụi, trơ trẽn giữa cuộc đời.

Năm nay được gọi là Năm Con Rồng. Con Rồng là linh vật đứng thứ 5 trong 12 con giáp, rồng được coi là là sản phẩm của truyền thuyết và các huyền thoại, biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng cũng như quyền lực mạnh mẽ. Rồng còn là biểu tượng của lòng bái ái bao dung. Theo truyền thuyết, khi Rồng vừa bay tới vừa nhả lửa trên bầu trời. Thượng Đế thắc mắc tại sao một con vật mạnh mẽ như Rồng lại không đến đích đầu tiên, Rồng trả lời vì nó còn phải dừng lại giữa đường, làm mưa giúp dân dưới trần thế.
Năm Rồng chúng ta cầu chúc nhau nhiều điều may mắn đến với chúng ta trong năm, đồng thời cũng cầu chúc nhau biết xây dựng hạnh phúc đời mình như con Rồng bằng việc thi ân cứu đời. Sống thanh cao như Rồng. Sống vươn lên khỏi những đam mê xác thịt thấp hèn. Sống thanh thoát khỏi những bon chen vật chất tầm thường, những danh lợi thú mau qua, và biết tìm niềm vui trong đời sống hiến dâng phục vụ cho đời.

Nguyện xin Chúa Xuân ban cho chúng ta một năm mạnh mẽ như rồng và nhiều điều may mắn đến với chúng ta. Xin Chúa Xuân chúc lành cho chúng ta một năm vạn sự như ý. Xin Chúa giúp chúng ta biết vươn lên trong nhân đức và mạnh mẽ trong đức tin đức cậy và đức mến. Amen
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.

Re: Suy Niệm Tết Nhâm Thìn - 2012 12 years 3 months ago #646


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
TẾT CHO MỌI NGƯỜI
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày Tết truyền thống, những ngày lễ hội dân gian đầy ý vị và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa cho đến lễ mở rừng đi săn. Đến như lễ tết ra giêng để vào hè thì có Tết Thượng Nguyên, Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt để tiễn mùa đông người Việt đã ăn Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó còn có nhiều tết khác như Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) của Phật Giáo, Tết Trung Thu (dành cho thiếu nhi), Tết Trùng Dương, Tết Ông Táo... Tất cả đều có sự tính toán dựa theo sự chuyển đổi của thời tiết trong năm và căn cứ vào nông lịch phương Đông.

Chữ "Tết" ngày nay đã được một số quốc gia sử dụng như là một "Lễ" hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng chữ "Tết" bắt nguồn từ "Lễ Tiết" bên Trung Quốc. Tết do Tiết đọc chệch đi. Từ chữ Tết người ta còn ghép theo từ Nhứt nữa nghe thật thú vị, như 'Tết Nhứt' là do đọc chệch đi từ hai âm Hán Việt "Tiết Nhựt", có nghĩa là ngày Tết. Còn Nguyên Đán, theo chữ Nôm: Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai, Nguyên Đán là sớm mai đầu năm. Nguyên Đán còn gọi là "Chính Đán" tức là "Chính Nguyệt Chi Đán" (buổi sớm mai tháng giêng), ngoài ra còn sử dụng từ tam chiêu, là ba cái sớm mai (sớm mai đầu năm, sớm mai đầu mùa, sớm mai đầu tháng).

Tự xưa nay, là người Việt Nam, dẫu ở bất cứ nơi đâu vẫn xem trọng ngày Tết Nguyên Đán. Một năm làm lụng vất vả mưu toan cho cuộc sống; một năm xa gia đình bôn ba mọi nơi, ba ngày Tết Nhứt vui vẻ, đoàn tụ, mọi chuyện buồn phiền lo toan đời thường tạm gác sang một bên để mọi người cùng hưởng niềm vui đón xuân về, tết đến.

Người Việt Nam vui hưởng Tết và luôn nhớ về Tổ tiên ông bà cha mẹ, nhưng không quên nghĩ đến người nghèo, thương đến những người đã khuất núi.

Tết cho người trần

"Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết", câu nói ấy đủ cho thấy người Việt chú trọng đến ngày Tết như thế nào. Dù khốn dù khó thì ngày Tết cũng phải có cặp bánh chưng, khoanh giò lụa, nải chuối, hộp mứt. Nhà có điều kiện thì mua sắm đủ thứ, nào là mâm ngũ quả thật đẹp, các loại bánh mứt thật hảo hạng, cây giò thật to, gà, thịt thật nhiều, bánh chưng và nhiều loại bánh khác. Cùng với những thứ ăn, là những chậu hoa, cây cảnh, chậu quất sai qủa, gốc mai cành đào đầy đủ lộc, nụ, hoa...

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" là cái Tết truyền thống của người Việt Nam. Ý nói cái Tết có cả phần vật chất lẫn tinh thần. "Câu đối đỏ" ngày nay được cải tiến rất nhiều. Bên cạnh những đôi câu đối viết bằng mực đen trên nền giấy điều, giấy lụa là những câu đối in trên loại giấy bóng tốt, nhiều nhà còn sắm về những hoành phi câu đối bằng gỗ, khảm trai hay những đôi câu đối thêu... Quan niệm của người Việt, ngày Tết tiễn cái cũ đi, đón cái mới về. Chính vì vậy, cùng với việc mua sắm, nhiều nhà có điều kiện, những tháng cuối năm thay đổi những cái cũ trong nhà như thay đổi tivi mới to hơn, đổi cái tủ lạnh, cái máy giặt hay thay xe... nhà không có điều kiện thì cũng cố gắng làm cho căn nhà mới hơn bằng việc quét vôi lại hoặc kê dọn đồ đạc trong nhà, lau chùi đánh bóng lư hương bát đèn, dọn dẹp sân vườn sạch sẽ...

Ngày Tết, còn là dịp để người người vui chơi. Bên cạnh việc "Ăn Tết", người ta nghĩ đến việc "Chơi Tết". Chơi Tết có thể kéo dài từ những ngày áp Tết 27, 28, 29 Tết với những cuộc đi ngắm chợ hoa, đi chợ Tết và ngày nay còn cả việc đi vào các siêu thị. Có thể mua hoặc có thể chẳng mua gì, song việc đi chợ như là niềm vui của ngày Tết, đặc biệt đối với giới nữ. Vì vậy, chợ là nơi thu hút đông người. Chợ vốn dĩ đã ồn ào, náo nhiệt thì những ngày áp Tết chợ càng thêm tưng bừng, rộn rã hơn. Nói đến "Chơi Tết" thì không thể không nói đến chuyện đi thăm hỏi, chúc Tết nhau, con cái đi chúc Tết cha mẹ, anh em, họ hàng, thân bằng cố hữu đến chúc Tết nhau. Trong nhà, ngoài đường vui như trẩy hội. Việc "Chơi Tết" không chỉ dừng lại ở ngày Mùng Một, Mùng Hai. Nó có thể kéo dài hết tháng giêng, tháng hai và cả tháng ba với những lễ hội, đình đám. Vìû thế mà người ta có câu: Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai đình đám, tháng ba hội hè. Có lẽ người người chờ đón Tết, thích Tết cũng vì lẽ đó.

Tết cho người âm

Người Việt rất trọng chữ "Lễ nghĩa - trước sau". Ngày Tết nhà ai cũng phải có mâm ngũ quả, mâm cơm thắp hương tổ tiên. Quan niệm "Trần sao, âm vậy" nên dễ thấy những ngày trước Tết, trong các chợ, quầy bán hàng mã cũng rất đông người. Người ta mua tiền, vàng, mua quần áo, có nhà chu đáo còn mua cả tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe honda hay cả xe hơi, điện thoại di động, toà nhà nhiều tầng về đốt cho người thân ở cõi âm.

Ở nhiều làng quê, người ta còn nghĩ về người âm, lo Tết cho những người âm không có nhà cửa bằng việc nấu cháo hay cơm nát đơm từng thìa cho vào lá sung hoặc lá ổi đã được cuộn tròn như cái phễu đem để bụi tre, dọc đường vào đêm ba mươi. Và cũng trong đêm ba mươi, ngày mùng một chủ nhà nào cẩn thận còn bảo con cháu ra mở cửa, mở cả cửa trước, cửa sau, ngoài ý niệm trần thế đón Xuân vào nhà còn hàm ý mở cửa mời ông bà, tổ tiên về cùng vui đón Tết.

Tết cho người âm còn thể hiện ở việc người trần đi tảo mộ. Thường người ta đi tảo mộ vào sáng sớm mùng hai hoặc mùng ba Tết với mâm cơm nhỏ để ông bà, cụ kị chứng cho con, cho cháu, hoặc với những người trẻ xấu số thì mâm cơm tảo mộ còn để cho hương hồn họ không cảm thấy cô quạnh.

Tết cho hai phần thế giới... giao thoa


Ngày Tết, đất trời giao hòa, người người gần gũi nhau hơn. Trong cái không khí ấm áp lạ thường của ngày Tết, người đi xa lại thêm nhớ về nhà, về quê hương, nơi đó có những người thân yêu, ruột thịt. Bên mâm cơm gia đình, gợi nhớ những người ở xa, ngậm ngùi nghĩ về những người thân đã khuất. Trong cái khối đất trời hoà quyện, người người muốn tìm và gặp nhau có lẽ cũng xuất phát từ những ước nguyện ấy.

Những ngày Tết, người ta đến với cửa chùa, cửa đền nhiều hơn. Tuỳ từng điều kiện của mỗi gia đình, tuỳ vào lòng thành của mỗi người song hầu hết đến chùa ai cũng có được lễ vật để dâng. Ở nơi này, trong bảng lảng của khói hương, người người cầu ước và hy vọng những ông quan với bộ mặt hiền từ ngồi kia cùng những linh hồn quanh đó nghe được và giúp họ thực hiện những điều ước tốt đẹp trong năm mới. Trong dân gian, người ta cũng truyền miệng nhau rằng, ngày Tết, các quan trông coi các chùa cũng rất bận rộn. Họ phải cắt cử nhau ở chùa để ghi lại những điều mong ước của người trần. Sau đó báo cáo lên thiên đình, rồi căn cứ vào những việc làm thiện, ác của từng người, của từng gia đình mà thiên triều cho người đó được hưởng hạnh phúc hay khổ đau trong năm đó. Những vong hồn cũng quanh quẩn cửa chùa thường là những vong hồn phiêu dạt không cửa nhà, họ tìm đến đây để xin được ăn. Và cửa chùa chính là nơi giúp người âm và người dương gần nhau hơn. (Tổng hợp từ các báo xuân: tuổi trẻ, phụ nữ, nhân đạo, kinh tế, công giáo dân tộc).

Tết nơi xứ đạo

Những ngày giáp Tết mọi nhà tất bật bận rộn công việc bán mua, sắm sửa cho ngày Tết. Chợ búa đông vui nhộn nhịp.

Xứ đạo tôi thuộc miền quê, rộn ràng bao lo toan đón Tết. Chuẩn bị quà Tết cho người nghèo. Năm nay mất mùa, người nghèo nhiều hơn. Quà Tết cho người nghèo là lương thực cứu đói. Huy động hết mọi đoàn thể, mọi giới trong xứ đi lạc quyên giúp người nghèo được "Ăn Tết" cùng với mọi nhà, bởi lẽ "giàu thì ngày ăn ba bữa, nghèo thì cũng đỏ lửa ba lần". Quà cho các cụ già trên 70 tuổi như tấm lòng biết ơn cùng với lời chúc thọ của con cháu trong thánh lễ Mồng Hai Tết.

Năm nào giáo xứ cũng tổ chức hội thao cho giới trẻ, thiếu nhi, bóng đá bóng chuyền. Thêm ba đêm hội chợ, văn nghệ vui xuân. Vì thế khuôn viên Nhà thờ tấp nập mọi đoàn thể ngày đêm tập luyện, chuẩn bị cho ba ngày Tết. Vui Tết lành mạnh, ở làng quê giảm đi bao tệ nạn cờ bạc rượu chè say sưa.

Đất Thánh cũng đông người đến tảo mộ, sửa soạn cho Thánh Lễ sáng Mồng Hai Tết. Những ngày cận Tết, nghĩa trang lung linh ánh sáng đèn nến, nhập nhoà hương khói.

Chuyện Tết cho người trần, Tết cho người âm, Tết cho người nghèo chính là cuộc sống mà người người đang hối hả khi cái Tết bắt đầu gõ cửa.
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 3 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.

Suy Niệm Tết Nhâm Thìn - 2012 12 years 3 months ago #645


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
HẠNH PHÚC ĐẦU NĂM
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
17_348_MeLaMuaXuan.jpg

Giây phút huyền nhiệm của đêm giao thừa như có một sự gì đó hết sức linh thiêng vì năm cũ chuyển giao cho năm mới. Đây là giây phút trời với đất gặp nhau, trời và đất giao hòa như lời Thánh vịnh 133,3 viết:” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion “. Lời khẩn cầu ấy phải là lời nguyện xin của mỗi người, mỗi gia đình khấn van Chúa tưới đổ muôn hồng ân xuống năm mới để người người, nhà nhà được an bình, thịnh vượng và hạnh phúc.

Với truyền của người Việt Nam, đêm giao thừa là đêm thánh thiêng, đêm con người gặp gỡ thần linh, đêm con người gặp gỡ trời và đất. Thường người lớn trong gia đình đứng trước bàn thờ tổ tiên, ông bà để khấn vái tổ tiên, khấn xin người trên ban cho gia đình được nhiều hồng phúc, ban cho gia đình được dồi dào sức khỏe, may mắn và bình an. Đối với các Kitô hữu, giây phút giao thừa là giây phút con người gặp gỡ Thiên Chúa để nói lời cảm tạ tri ân Ngài vì muôn ân phúc Ngài đã ban cho con người, cho mỗi người, cho gia đình trong suốt một năm qua. Do đó, giây phút giao thừa là giây phút linh thiêng nhất: Thiên Chúa gặp gỡ con người và con người gặp gỡ Thiên Chúa. Giây phút linh thánh trời và đất gặp nhau, Thiên Chúa đang ở với con người và con người đang đối diện với Thiên Chúa. Giây phút huyền diệu này con người không biết diễn tả sao cho hết tình Chúa thương yêu con người. Trong giây phút ấy, con người chỉ biết hợp cùng Giáo Hội ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa: ” Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Trong Cha chúng con được hiện hữu, được sống và hoạt động. Ngay trên cõi đời này, chẳng những chúng con hằng nghiệm thấy hiệu quả tình thương của Cha, mà còn nhận bảo chứng sự sống muôn đời. Quả vậy, chúng con được nhận lãnh ân huệ mở đầu là Chúa Thánh Thần, nhờ Người, Cha đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết; do đó, chúng con hy vọng, muôn đời được sống lại từ cõi chết “ ( Lời Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật IV Thường niên ). Chúng ta có thể nói không ngoa vì giây phút này là giây phút tuyệt hảo, giây phút hạnh phúc nhất con người gặp gỡ Đấng vô cùng chí thánh, giống như giây phút trên núi Sinai, Môsê không dám nhìn vào bụi gai đang cháy khi Thiên Chúa đang ở đó. Môsê phải cúi mặt xuống, không dám nhìn vào Chúa.

Vâng, mỗi nước, mỗi dân tộc có một tập tục, một cách thể hiện để đón năm mới, nhưng dù với cách nào, với tập tục nào, truyền thống nào, người môn đệ Chúa luôn coi giây phút giao thừa là giây phút linh thiêng, giây phút năm cũ sẽ nhường chỗ cho một năm mới tới. Người môn đệ Chúa luôn ước mong năm mới sẽ đẹp hơn, tốt hơn năm cũ. Người môn đệ Chúa sẽ xua đi tất cả những gì được coi như xui xẻo, coi như không được may mắn của năm cũ và đón chào những gì tốt hơn, quí hơn của năm mới mà Thiên Chúa sẽ trao ban cho họ.

Lạy Chúa Giêsu, trong giây phút linh thánh của đêm giao thừa, xin cho mọi người môn đệ Chúa luôn biết nói lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì những ơn huệ đã nhận lãnh và nhận ra những hồng ân mà Ngài sẽ ban cho nhân loại, cho con người, cho mỗi gia đình trong năm mới bắt đầu này. Amen.
Attachments:
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 3 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012