Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: VÀI NÉT HƯỚNG DẪN ĐỌC XÉT NGHIỆM CÔNG THỨC MÁU

VÀI NÉT HƯỚNG DẪN ĐỌC XÉT NGHIỆM CÔNG THỨC MÁU 9 years 7 months ago #55879

Giới y học Tây phương thường ví chẩn đoán như là một bản án (a diagnosis is a sentence). Trong khi bác sĩ có thể hài lòng vì đã tìm được bệnh và đặt tên cho căn bệnh, nhưng bệnh nhân phải sống suốt đời với “bản án” đó, và trong nhiều trường hợp bệnh nhân có thể tìm đến cái chết. Câu nói ví von đó đã thành sự thật bi thảm qua trường hợp một giáo viên ở Sơn La đã tự vẫn vì bị chẩn đoán là nghiện ma túy (Lao Động 28/8/2006) và nhiều trường hợp công chức mất việc chỉ vì xét nghiệm điện não đồ cho ra kết quả dương tính.

Tất cả những trường hợp trên xảy ra chỉ vì một số bác sĩ và giới chức y tế và chính quyền địa phương tin rằng một kết quả xét nghiệm điện não đồ dương tính có nghĩa là đối tượng nghiện ma túy hay đang mắc chứng bệnh nào đó nguy hiểm. Nhưng rất tiếc đó là một hiểu lầm rất tai hại. Nói một cách ngắn gọn: một kết quả dương tính của bất cứ một phương pháp xét nghiệm nào, kể cả điện não đồ, không có nghĩa người bệnh đã mắc phải chứng bệnh nào đó mà xét nghiệm đưa ra.

Kết quả xét nghiệm không phải là tất cả!

Trong một mức độ hạn chế, chúng tôi cũng muốn cho các thầy thuốc Đông y hiểu biết thêm về mục đích của những xét nghiệm cũng như việc chẩn đoán qua hình ảnh. Qua đó, chúng ta có thể kết hợp với những chẩn đoán bằng vọng văn vấn thiết mà đưa ra một cách điều trị chính xác và kịp thời.

Việc xét nghiệm cung cấp cho thầy thuốc những thông tin rất cần thiết qua công thức máu, điện não, hình ảnh siêu âm…để biết thêm về tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Tuy nhiên, phải hiểu rằng công thức máu hay các xét nghiệm không đủ xác định nguyên nhân gây bệnh. Việc này chỉ giúp định hướng, gợi ý mà thôi. Bởi vì các chỉ số xem ra bình thường lại thay đổi tùy vào lứa tuổi, tình trạng sinh lý, tiêu hóa, hoạt động thể chất hay cơ địa của cơ thể bệnh nhân; loại máy xét nghiệm; chủng tộc của người được xét nghiệm…Nên nhớ rằng máy móc không thể thay thế con người và thiện chí cũng như y đức y thuật của thầy thuốc. Đây cũng là mối ưu tư của tôi từ lâu nay, là nếu cứ khám bệnh dựa vào mấy cái xét nghiệm, thì một thời gian nữa các bác sĩ không còn biết khám bệnh đâu!

Dù sao thì trong trường hợp có yêu cầu cần thiết, những ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng giúp cho việc chẩn đoán thêm chuẩn xác. Thế nên những thông tin sau đây chắc là rất cần thiết để mỗi người tự tham khảo.


I. TÌM HIỂU SƠ LƯỢC VỀ XÉT NGHIỆM

CÔNG THỨC MÁU




1. Xét nghiệm máu là gì?

Xét nghiệm máu là lấy một vài ml máu trực tiếp từ bệnh nhân, cho vào máy đặc biệt có khả năng phân tích thành những thành phần khác nhau của máu. Kết quả thu được đem so sánh với chỉ số trung bình của người bình thường để biết được những thông tin về máu, nhằm giúp thầy thuốc kiểm tra sức khỏe bệnh nhân hay chẩn đoán và điều trị kịp thời và đúng hướng.

Có 2 loại hình xét nghiệm cơ bản: xét nghiệm huyết học và xét nghiệm sinh hóa.

Xét nghiệm huyết học gồm: xét nghiệm công thức máu (CBC hay CTM), tốc độ máu lắng (VSS), thời gian máu đông (MĐ), thời gian máu chảy (MC), ký sinh trùng, nhóm máu, tủy đồ …

Xét nghiệm sinh hóa gồm các xét nghiệm đánh giá chức năng của các cơ quan như gan, thận, đường máu, mỡ máu, ure, creatinin, ion đồ…

2. Xét nghiệm công thức máu là gì?

Là xét nghiệm máu cho phép ta xác định được số lượng các tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và các thành phần liên quan của máu như Hemoglobin, Hematocrit. Đây là xét nghiệm được làm nhiều nhất vì nó cung cấp nhanh các thông tin về thành phần cơ bản của máu, là căn cứ đánh giá tổng quan sức khỏe bệnh nhân chỉ trong vài phút.

3. Các thành phần của công thức máu

· WBC - White Blood Cell (hoặc Leukocyte Count) số lượng bạch cầu/ mm3 máu Các thành phần của bạch cầu · RBC - Red Blood Cell (hoặc Erythrocyte Count): số lượng hồng cầu
· Hct - Hematocrit: dung tích hồng cầu.
· Hb (hay Hbg) - Hemoglobin: huyết sắc tố.
· MCV - Mean Corpuscular Volume: thể tích hồng cầu trung bình
· MCH - Mean Corpuscular Hemoglobin: giá trị hemoglobin trung bình
· MCHC - Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration: nồng độ hemoglobin trung bình
· RDW - Red Cell Distribution Width: độ phân bố về kích thước của hồng cầu.
· PLC - Platelet Count (PLV): số lượng tiểu cầu
· MPV - Mean Platelet Volume: thể tích trung bình của tiểu cầu.

4. Chức năng của các thành phần trong xét nghiệm công thức máu và ý nghĩa của sự thay đổi các chỉ số

a. Dòng bạch cầu:

WBC – số lượng tế bào bạch cầu trong 1mm3 máu

Bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể thông qua hình thức đại thực bào (nuốt chửng vi trùng) và tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn sự xâm nhập của yếu tố gây bệnh. Khi cơ thể có bộ phận bị nhiễm trùng thì đội quân này được sản xuất tăng lên và được huy động đến đó để làm nhiệm vụ bảo vệ.

Bạch cầu tăng trong các bệnh viêm nhiễm: viêm ruột thừa cấp, viêm họng, vết thương…. Đặc biệt tăng trong bệnh bạch cầu cấp (bệnh máu trắng) có thể tăng tới hàng chục hoặc hàng trăm lần.

Bạch cầu giảm trong các bệnh về hệ thống tạo máu, suy giảm hệ thống miễn dịch (nhiễm siêu vi, HIV…)

Bạch cầu có nhiều loại tế bào khác nhau, mỗi loại có nhiệm vụ riêng.

Ø Neu – Neutrophil: bạch cầu đa nhân trung tính (hay còn gọi là bạch cầu hạt, đại thực bào), có khả năng thực bào để tiêu diệt vi trùng. Tăng cao khi nhiễm trùng cấp tính.

Ø Lym – Lymphocytes (hay còn được gọi là T-cell DC4): đóng vai trò điều động hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tăng trong các bệnh nhiễm trùng mãn tính: nhiễm lao, viêm khớp mãn, thương hàn, nhiễm siêu vi…

Ø Mono – Monocyte: là tế bào non của đại thực bào (chưa có khả năng thực bào). Tăng trong nhiễm khuẩn mạn tính.

Ø Eos – Eosinophil: là bạch cầu đa nhân ái toan (ưa acid), khả năng thực bào yếu. Tăng khi có nhiễm ký sinh trùng, bệnh ngoài da.

Ø Baso – Basophil: bạch cầu đa nhân ái kiềm (ưa kiềm). Đóng vai trò quan trò quan trọng trong các phản ứng dị ứng.

b. Dòng hồng cầu:

Ø RBC – Red blood cell (HC): là số lượng hồng cầu trong 1mm3 máu. Là tế bào máu hình dĩa, không có nhân, nhỏ hơn bạch cầu nhưng lớn hơn tiểu cầu, chiếm đa số trong thể tích máu. Chức năng của hồng cầu là vận chuyển dưỡng khí (oxygen) đi nuôi khắp các mô trong cơ thể.

Hồng cầu tăng khi máu bị cô đặc (mất quá nhiều nước như tiêu chảy, sốt cao, ói mửa…).

Hồng cầu giảm khi thiếu máu do ăn uống hấp thu kém, do thuốc, bệnh lý về ký sinh trùng như giun móc, sốt rét. Hoặc do mất máu: chảy máu do bị thương, xuất huyết nội tạng (thường giảm cả 3 dòng).

Ø Hb – hemoglobin (hay HGb) là nồng độ hemoglobin trong máu. Cho biết lượng chất đạm (protein) có trong những hồng cầu đang chuyên chở oxygen đi nuôi cơ thể. Là yếu tố tạo màu đỏ của hồng cầu. Hb tăng khi bệnh về tủy xương, giảm khi nồng độ oxy máu giảm.

Ø Hct – Hematocrit: là tỷ lệ thể tích tế bào máu (chủ yếu là hồng cầu có trong máu toàn phần) hay còn gọi là dung tích hồng cầu. tỷ lệ này thay đổi tùy theo giới: Nam từ 45% - 52%, nữ từ 37% - 48%.

- Nếu Hct giảm: do mất máu, hệ thống tạo máu kém.

- Tăng khi máu bị cô đặc do mất nước.

Ø MCV – thể tích trung bình hồng cầu: được tính bằng công thức:

MCV = Hct / RBC

cho biết các loại thiếu máu.

Thiếu máu hồng cầu nhỏ: MCV < 90 fl.

Thiếu máu hồng cầu vừa: 90 fl < MCV < 100 fl.

Thiếu máu hồng cầu đại: MCV > 100 fl.

Ø MCH – số lượng Hemoglobin trung bình trong một hồng cầu, được tính bằng công thức MCH = Hb / RBC

Ø MCHC – Nồng độ Hemoglobin trung bình trong một hồng cầu, được tính bằng công thức MCHC = Hb / Hct

cho biết các loại thiếu máu:

- thiếu máu đẳng sắc: khi MCHC trong giá trị bình thường.

- thiếu máu nhược sắc: khi MCHC < 33 g/l

Ø RDW – độ phân bố về kích thước của hồng cầu.

c. Dòng tiểu cầu:

PLT – số lượng tiểu cầu có trong 1mm3 máu.Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Là những tế bào rất nhỏ so với hồng cầu và bạch cầu. Khi bị chảy máu, tiểu cầu sẽ cùng với những yếu tố đông máu khác như: canxi, fibrinogen tạo thành cục vón bít chỗ máu đang chảy, có tác dụng cầm máu.

Tiểu cầu tăng: gợi ý bất thường của tủy xương hoặc viêm nhiễm nặng.

Tiểu cầu giảm: dưới 100.000 cái/mm3 máu sẽ dễ chảy máu, do thời gian máu đông, máu chảy đều kéo dài. Gặp trong sốt xuất huyết, bệnh máu không đông…

Những người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao dễ bị kết tập tiểu cầu (tiểu cầu vón cục) cùng với mảng xơ mỡ động mạch tạo thành cục máu đông dẫn đến tắc mạch não gây tai biến mạch máu não, tắc mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim.

(MPV – thể tích trung bình của tiểu cầu)

5. Những điều cần lưu ý khi làm xét nghiệm máu

Hầu hết các xét nghiệm máu chỉ có tính chất tham khảo, bệnh nhân cần phải được khám xét lâm sàng kỹ lưỡng mới nên đưa ra chỉ định cần làm xét nghiệm hay không, nếu có thì cần phải làm những xét nghiệm nào cho phù hợp. Có thể một bệnh nhân phải làm nhiều loại xét nghiệm hoặc nhiều lần xét nghiệm khác nhau. Tránh lạm dụng chỉ định gây lãng phí cho bệnh nhân.

Xét nghiệm công thức máu được thực hiện bởi nhiều loại máy và đơn vị đo khác nhau, nên chỉ số trung bình có sự khác nhau.

- Kết quả xét nghiệm máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ bệnh nhân và thầy thuốc.

+ Cách lấy máu của kỹ thuật viên, cách bảo quản, thời gian lấy máu, máy móc, hóa chất, nhiệt độ phòng đều có thể làm thay đổi kết quả. Đánh giá kết quả xét nghiệm phải xem xét toàn diện cả 3 dòng và những thay đổi có liên quan mới rút ra kết luận.

+ Bệnh nhân: khi cần, có thể làm xét nghiệm công thức máu bất cứ lúc nào. Không cần nhịn ăn uống trước khi xét nghiệm .

Khi xét nghiệm mỡ máu, đường máu… thì cần phải nhịn ăn. Riêng xét nghiệm tiểu đường, không ăn trước đó 8 tiếng, không uống glucocorticoid trước đó 1 tuần.

Các thuốc đang điều trị vẫn dùng theo hướng dẫn để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc do phải chờ đợi lâu.

- Tránh tâm lý ngại đi xét nghiệm vì sợ phát hiện ra bệnh làm mất đi hoặc chậm cơ hội cứu chữa.

Biết cách ăn uống, và vệ sinh phòng bệnh để phòng và chữa thiếu máu.

II. TÌM HIỂU XÉT NGHIỆM MỠ MÁU

Mỡ, đường, đạm, vitamin, muối khoáng …là các chất thiết yếu cần cho sự tồn tại và phát triển của cơ thể con người. Mỗi chất giữ một vai trò riêng và có chỉ số nhất định trong máu. Khi chỉ số này tăng lên hoặc giảm xuống quá mức sẽ dẫn đến sự rối loạn.

Mỡ máu hay còn gọi lipit hoặc chất béo trong máu. Mỡ tồn tại trong máu dưới một số dạng, có loại mỡ tốt, có loại xấu. Có thể kể đến các loại chính là cholesterol triglycerit, phospholipit và axit béo tự do.

CHOLESTROL là một chất béo có ở màng tế bào khắp trong cơ thể, chủ yếu do gan tổng hợp lên (hay còn gọi là chất béo nội sinh), một phần nhỏ do thức ăn hàng ngày cung cấp.Cholesterol chiếm từ 60-70% trong tổng số mỡ trong máu, nó kém tan trong nước, không thể tan và di chuyển trong máu mà phải nhờ đến chất lipoprotein (do gan tổng hợp lên có khả năng tan trong nước) mang theo. Cholesterol rất cần cho sự hoạt động của màng tế bào, sản xuất nội tiết tố và muối mật.

Chỉ số trung bình của cholesterol toàn phần trong máu 150-220 mg% (hay < 5,2mmol/l). Cholesterol gồm các chất :

- HDL-C ( high density lipoprotein- cholesterol): có tỷ trọng cao.HDL-C là loại cholesterol tốt có tac dụng bảo vệ thành mạch máu. Chỉ số tung bình trong máu là: >35 mg% ,chỉ số này càng tăng thì tỉ lệ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não càng giảm hoặc mau phục hồi.

- LDL-C ( low density lipoprotein- cholesterol) có tỷ trong thấp. LDL-C là loại cholesterol xấu, có khả năng tạo mảng vữa xơ bám vào thành động mạch làm hẹp lòng mạch dễ dẫn đến cao huyết áp và đột quỵ. Chỉ số trung bình LDL-C trong máu là:<150mg%

TRIGLYCERIT :

Khi chất axit béo tự do được hấp thu qua gan sẽ được gan chuyển thành cholesterol, nếu lượng axit béo tự do dư thừa sẽ trở thành triglycerit. Gan tiết ra chất apoprotein để đưa triglycerit ra khỏi gan. Nếu lượng mỡ vào gan nhiều hơn mỡ ra thì gan sẽ bị nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ thì khó thực hiện các chức năng- kể cả chức năng sản xuất apoprotein, hậu quả là gan nhiễm mỡ càng nặng.

Chỉ số triglycerit trong máu trung bình từ 45-150 mg%.

Khi triglycerit và cholesterol máu đều tăng thì được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.

Nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn máu là: ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật, trứng, thịt đỏ, bơ, sữa… Tăng tryglicerit thường do béo phì, ít vận động, uống nhiều bia rượu, thuốc lá, rối loạn chuyển hóa…

Ngăn ngừa tăng mỡ máu:

Trong khẩu phần ăn hàng ngày nên thay mỡ bằng dầu thực vật, hạn chế ăn tinh bột,đồ chiên xào mà thay bằng luộc, nấu canh, hấp. Hạn chế ăn thịt, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng... Không nên uống nhiều rượu, bia.Nên ăn nhiều cá,rau, trái cây.Tăng cường tập thể dục, chống béo phì. Đi kiểm tra sức khỏe định kì 6 tháng hoặc 1 năm một lần để phát hiện và điều trị kịp thời.

III. TÌM HIỂU VỀ XÉT NGHIỆM CHỨC NĂNG GAN

Xét nghiệm chức năng gan bao gồm nhiều XN máu khác nhau để kiểm tra nồng độ men gan, bilirubin và protein gan. Kết hợp XN chức năng gan với một số XN chuyên sâu và chẩn đoán hình ảnh ( siêu âm gan, chụp cắt lớp cộng hưởng từ ) mới có thể đánh giá chính xác tình trạng của gan.

1-Men gan gồm 4 loại chính: ALT, AST,GGT, AP, là loại enzym nằm trong tế bào gan

Tham gia vào quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

*ALT (Alamine AminoTransferase) hay SGPT( Serum Glutamat Pyruvat Transaminase). Chỉ số trung bình ALT trong máu 0-45 UI/L( UI là đơn vị quốc tế). ALT chủ yếu có ở gan, khi tăng lên trong máu có thể coi là dấu hiệu đặc hiệu trong bệnh lí về gan.

*AST( Aspartate AminoTransferas) hay SGOT (Serum Glutamat Oxaloacetat Transaminase). Chỉ số trung bình AST máu từ 0-40 UI/L.

Khi AST máu tăng có thể gợi ý bệnh gan nhưng không đặc hiệu vì nó có thể tăng trong bệnh tim, cơ, thận.

ALT và AST tăng thường thể hiện tế bào gan đang bị hủy hoại do viêm hoặc do bị tổn thương. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng, có thể phụ thuộc vào thời điểm lấy máu XN. Ví dụ: bệnh nhân viêm gan mà mới uống rượu thì men gan tăng lên gấp nhiều lần, bệnh nhân sơ gan lâu ngày có thể men gan bình thường nhưng tế bào gan đã bị phá hủy từ nhiều năm trước đó. Lấy máu XN vào buổi sáng và trưa thì men gan có thể cao hơn buổi tối, men gan nam cao hơn nữ. Thức ăn ít làm thay đổi men gan.

Hầu hết trong các bệnh về gan thì mức tăng ALT(SGPT) cao hơn mức tăng AST(SGOT) , trừ xơ gan và nghiện rượu là ngoại lệ.

* AP- Alkalin Phosphatase ( hay ALP ). chỉ số trung bình 35-115UI/L.

AP có nhiều ở gan, xương, thai, ruột. AP tăng cao trong viêm gan tắc mật.

* GGT- Gamma Glutamyl Granferase: là men trong tế bào của ống mật . Chỉ số trung bình GGT máu từ 3-60 UI/L. GGT tăng có thể do tắc mật, viêm đường mật gây tắc nghẽn lưu thông mật, nhưng có thể tăng ở người nghiện rượu hoặc dùng thuốc có độc cho gan.

Tại sao men gan tăng?: Bình thường, khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa, lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40 UI/L. Khi gan bị viêm thì tế bào gan bị phá hủy nhiều hơn bình thường làm cho lượng men gan tăng cao trong máu. Nếu men gan tăng từ 1-2 lần là mước độ nhẹ, tăng 2-5 lần là mức độ vừa, trên 5 lần là mức độ nặng.

2- BILIRUBIN :

Là sản phẩm thoái hóa của hemoglobin trong máu, có màu vàng do gan sản xuất ra, tham gia vào quá trình tái tạo hồng cầu già.

Bilirubin toàn phần (TP) < 17,7mol/l, trong đó bilirubin trực tiếp (TT) hay liên hợp (LH) được tạo thành khi bilirubin kết hợp với glucuronat ở gan, chiếm 30% ( <5,1mol/l), phần lớn còn lại là bilitubin tự do (TD) hay gián tiếp (GT) chiếm tới 70%.

Khi nồng độ bilirubin tăng lên sẽ tràn vào máu, thấm vào da và niêm mạc gây vàng da vàng mắt, nước tiểu vàng đậm như nước trà đặc, phân nhạt màu.

-Bilirubin TP tăng trong các vàng da do tan huyết,viêm gan, tắc mật.

-Blirubin TT tăng khi bệnh tại gan và sau gan: viêm gan, tắc mật, xơ gan.

-Bilirubin TD tăng phản ánh tình trạng vàng da trước gan: thiếu máu do tan huyết, sốt rét, truyền nhầm nhóm máu, vàng da ở trẻ sơ sinh.

Tăng bilirubin thường đi kèm với tăng GGT và AP hay gặp trong vàng da ứ mật. Nếu cả bilirubin và GGT, AP đều tăng cao có thể do tắc mật. Nhưng nếu, bilirubin bình thường mà GGP và AP tăng cao thì có thể ứ mật không vàng da.

3- PROTEIN GAN : Albumin, prothronbin, globulin là những protein chủ yếu được gan sản xuất ra. Khi có thay đổi bất thường các chỉ số protein này có thể cho biết mức độ bệnh gan.

* Albumin: bình thường trong máu vào khoảng 4g/dl. Khi gan bị tổn thương thì khả năng tổng hợp albumin sẽ giảm. Những người bị viêm gan mãn kèm xơ gan thì lượng albumin thường dưới 3g/dl. Tuy vậy, ở người suy dinh dưỡng lượng albumin cũng thấp nên khi albumin thay đổi không chỉ gặp trong bệnh về gan.

*Protronbin : là một trong các yếu tố đông máu do gan sản xuất ra. Thời gian để hình thành 1 cục máu đông gọi là thời gian prothronbin (PT) thường từ 9-11 giây. Khi gan bị tổn thương thì lượng prothronbin cũng giảm xuống do đó thời gian tạo cục máu đông kéo dài, nguy cơ chảy máu khó cầm.

* Globulin miễn dịch là những protein liên quan đến hệ miễn dịch do gan sả xuất ra( một phần do tế bào bạch cầu trong máu tạo ra ). Ở những người bị viêm gan mãn tính, một số globulin miễn dịch tăng lên.

Ví dụ XN máu để chẩn đoán một số bệnh viêm gan và ung thư gan:

- Viêm gan A: Kháng thể viêm gan A IgM và IgG.

- Viêm gan B: Kháng thể nhân viêm gan B (HbcAb).

Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HbsAg).

Kháng thể bề mặt viêm gan B (HbsAb).

Kháng thể e viêm gan B (HbeAb).

Kháng nguyên e viêm gan B (HbeAg).

DNA virus viêm gan B (HBV DNA).

- Viêm gan C Kháng thể virus viêm gan C (HCVAb).

- Ung thư gan: Alpha-Fetoprotein (AFP)> 400ng/dl.

Tóm lại, Gan thuộc cơ quan tiêu hóa, nó đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất bên trong cơ thể. Vì vậy, có khá nhiều XN để đánh giá về chức năng gan nói riêng và về gan nói chung. Nhưng nếu chỉ dựa vào một vài XN thì chưa đủ để đánh giá, phải kết hợp với các XN liên quan khác để xem xét gan có bệnh hay không, tiến triển bệnh như thế nào. Cần đi khám sức khỏe định kì hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ để được tư vấn, điều trị kịp thời.
As for me, living is Christ and death is a gift
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa, Nguyễn Quang Vinh (Lớp Út Đa-Minh)
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012