Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1
  • 2

TOPIC: CÁC NGÀY LỄ CỦA MẸ TRONG PHỤNG VỤ

Re: CÁC NGÀY LỄ CỦA MẸ TRONG PHỤNG VỤ 12 years 2 weeks ago #3310


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Ngày 11 tháng Hai
LỄ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC
Lourdes.jpg


I. TÍCH TRUYỆN MẸ HIỆN RA TẠI LỘ ĐỨC

Tín điều "Đức Mẹ Vô nhiễm" mà Đức Piô IX tuyên tín năm 1854 như một ngọn đèn pha chiếu sáng vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu thế để củng cố đức tin dân Chúa trong thế kỷ XIX, khi mà làn sóng vô thần tại Âu châu từ nền văn minh khoa học nổi lên chống Thiên Chúa cứ mỗi ngày tràn lan. Đức Mẹ đã hiện ra tại Paris, La Salette, và Lộ Đức để cản ngăn. Nhất là tại Lộ Đức, Đức Mẹ hiện ra năm 1858 để chuẩn nhận tín điều "Mẹ Vô nhiễm" năm 1854.

Lộ Đức năm 1858 là một thành phố chừng 5,000 cư dân, nằm cạnh sông Pau, lối vào thung lũng dẫy núi Pyrénées phía đông nam nước Pháp, giáp ranh giới Tây Ban Nha. Đức Mẹ chọn Bernađetta Soubinous, 14 tuổi, con nhà nghèo, đau yếu, đơn sơ thật thà tuy chưa học giáo lý. Trưa ngày 11 tháng 2 là thứ Năm sau lễ Tro, Bernađetta cùng với em là Antoinetta và cô bạn Jeanna đi vào rừng kiếm củi đốt lò sưởi. Cô em và cô bạn lội qua sông nước cạn, Bernađetta chưa kịp trụt giầy lội theo, còn đang đứng trước hang Massabielle. Bỗng một cơn gió mạnh, Bernađetta nhìn lên thấy một áng mây vàng và một Bà Đẹp hiện ra. Bà mặc áo dài trắng, đội khăn lúp dài trắng, thắt lưng xanh lơ, đeo tràng hạt vàng ở cánh tay phải. Mỗi chân Bà có một bông hồng vàng. Bà nhìn Bernađetta, mỉm cười và làm dấu thánh giá lần chuỗi, môi không mấy máy. Bernađetta quì xuống lần chuỗi với Bà. Bà làm hiệu bảo Bernađetta tới gần, nhưng Bernađetta sợ không dám. Rồi Bà biến đi. Cô em và cô bạn không thấy gì, chỉ có Bernađetta được thấy sự lạ.

Lần thứ hai, trưa Chúa nhật ngày 14, mười người kể cả cô em và cô bạn cùng với Bernađetta ra hang. Bà hiện ra. Bernađetta vẩy nước phép để biết chắc không phải là ma quái. Bà chỉ mỉm cười, không nói gì.

Từ ngày 18-2 tới ngày 4-3, Bà hiện ra 13 lần và ban sứ điệp cho Bernađetta. Số người đi xem từ mấy người tăng dần tới 8,000 người.

Ngày 25 tháng Ba là lễ Truyền tin. Bà xưng mình: "Ta là Đấng Vô nhiễm thai" ("I am the Immaculate Con-ception"). Bà còn hiện ra hai lần nữa, ngày mồng 7-4 và ngày 16-7. Như vậy Bà Đẹp đó là chính Đức Mẹ. Người hiện ra tại hang Massabielle tất cả 18 lần. Đức Mẹ nói tiếng thổ ngữ Burgundian mà Bernađetta thường nói.

Năm 1866, Bernađetta nhập tu dòng Nữ tử Bác ái tại tu viện St. Gildard thành phố Nevers. Chị bị bệnh xuyễn và lao xương chân đau đớn và qua đời ngày 16 tháng 4 năm 1849, chẵn 35 tuổi. Lời nguyện cuối cùng trên môi miệng chị là: "Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho con là một tội nhân khốn nạn". Trong thời gian chịu bệnh đau đớn, chị viết một câu tóm lược đời sống của chị: "Vâng lời là yêu mến! Âm thầm chịu khổ vì Chúa Kitô là vui sướng. Chân thành yêu mến là hiến dâng mọi sự, kể cả nỗi đớn đau".

Chị Bernađetta được phong Á Thánh năm 1925 và Hiển Thánh năm 1933.

II. NHỮNG SỨ ĐIỆP ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC BAN


A. Sứ điệp riêng cho Bernađetta


Đức Mẹ nói với Bernađetta: "Con có muốn đến đây mỗi ngày trong hai tuần không? Ta không hứa cho con được hạnh phúc ở đời này nhưng đời sau". Đức Mẹ còn nói với Bernađetta ba điều bí mật mà Bernađetta không bao giờ tiết lộ.

B. Sứ điệp thống hối đền tội


Hiện ra lần thứ 8 ngày 24 tháng 2, Đức Mẹ nhắn nhủ: "Hãy ăn năn đền tội. Hãy ăn năn đền tội. Hãy cầu xin Thiên Chúa cho các tội nhân. Hãy quì lê vào hang và hôn đất để đền tội cho các tội nhân". Hiện ra lần thứ 9 ngày 25 tháng 2, Đức Mẹ chỉ bảo "bới dưới tảng đá để có mạch nước vọt lên và hãy uống. Hãy ăn một ít cỏ mọc chung quanh mạch nước".

C. Sứ điệp cho Giáo hội

Hiện ra lần thứ 13 ngày mồng 2 tháng 3, Đức Mẹ xin "xây một đền thờ tại đây và muốn hang Massabielle sẽ là nơi hành hương và những cuộc rước".

D. Sứ điệp vinh quang của Đức Mẹ


Hiện ra lần thứ 16 trùng lễ Truyền tin ngày 25 tháng Ba, vì Bernađetta khẩn khoản nài xin, Đức Mẹ xưng mình: "Ta là Đấng Vô nhiễm thai".

E. Sứ điệp của Mẹ âm vang Phúc âm:

1) Hãy tỉnh thức và cầu nguyện (Mt 26:41).

2) Hãy cải thiện đời sống, Nước Trời đã gần đến (Mt 4:17).

3) Ai uống nước Ta ban sẽ không bao giờ khát (Ga 4:14).

4) Con là Đá. Trên đá này, Ta sẽ xây Giáo hội của Ta (Mt 16:18).

5) Ta luôn ở cùng các con cho tới ngày tận thế (Mt 28:20).

III. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ


Ngày 7-12-1860, Đức Cha Laurence, Giám mục Giáo phận Tarbes-Lourdes, tổ chức một uỷ ban điều tra cặn kẽ và phỏng vấn tỉ mỉ sự lạ Bernađetta đã được thị kiến và các vụ bệnh nhân được lành nhanh chóng. Kết quả là ngày 18-1-1962, Đức Giám mục Tarbes-Lourdes tuyên bố là sự lạ Bernadetta đã được thị kiến là đúng sự thật đáng tin.

- Tháng 5 năm 1866, hang Massabielle được làm phép, và Thánh lễ đầu tiên được phép dâng tại đây.

- Ngày 15-8-1871, khánh thành nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm.

- Năm 1872, cuộc hành hương với cờ và biểu ngữ. Rước đuốc lần đầu tiên.

- Năm 1873, cuộc hành hương toàn quốc nước Pháp lần thứ nhất.
- Năm 1874, cuộc hành hương quốc tế do Giáo hội Hoa Kỳ và Bỉ được tổ chức lần đầu tiên.
- Năm 1876, Đức Piô IX đội triều thiên cho Thánh tượng Đức Mẹ Lộ Đức.

- Năm 1882, bàn giấy y khoa được thành lập để điều tra khám nghiệm các vụ phép lạ tại Lộ Đức.

- Năm 1888, khánh thành nhà thờ Rất thánh Mân côi.

- Năm 1890, Đức Lêô XIII ban phép mừng lễ Đức Mẹ Lộ Đức trong Giáo phận Tarbes.

- Năm 1907, Đức Thánh Piô X lập lễ Đức Mẹ Lộ Đức khắp thế giới.

- Ngày 25-3-1958, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ xưng mình: "Ta là Đấng Vô nhiễm thai", lễ cung hiến Vương cung thánh đường Thánh Piô X dung nạp 27,000 người.

- Ngày 25-3-1988, khánh thành nhà thờ Thánh Bernađetta dung nạp 5,000 người.

- Ba Hội nghị Thánh Thể quốc tế đã được tổ chức tại Lộ Đức năm 1899, 1914, và 1981. Và nhiều Hội nghị Thánh Mẫu cũng đã được tổ chức tại đây.

- Hằng năm có chừng 4 triệu khách hành hương kính viếng Lộ Đức gồm nhiều tổ chức quốc tế hoặc quốc gia.

IV. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ

Bài đọc I: Isaia 66:10-14

Cũng như Giêrusalem là nơi Đức Giavê tỏ ra tình thương của Người với dân Israel, Lộ Đức là nơi Đức Mẹ tỏ ra tình thương Hiền Mẫu của Mẹ cho mọi người, cách riêng cho con cái Mẹ, và cho toàn thế giới, đặc biệt cho dân tộc nước Pháp. Tình Mẹ dạt dào như sông cả. Lòng thương của Mẹ mãnh liệt như thác lũ. Con cái Mẹ sẽ được Mẹ cưng thương như trẻ bé, được nâng niu trên đầu gối Mẹ, được ẵm bế trên cánh tay Mẹ và được Mẹ cho bú mớm thoả thuê. Và tất cả cũng được vỗ về an ủi trong những nỗi khổ đau phiền sầu.

Phúc âm: Gioan 2:1-11


Mẹ Maria cùng với Chúa Giêsu đã đến dự tiệc cưới Cana. Tiệc cưới thiếu rượu, Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa làm phép lạ biến hoá nước thành rượu ngon để giữ danh dự cho đôi tân hôn và gia đình hai họ. Cũng thế, Mẹ Maria đã hiện đến Lộ Đức. Nhờ uy quyền của Mẹ Chúa, Mẹ đã biến hoá suối nước có thần lực linh nghiệm chữa lành bệnh cho những ai tin mà uống hay tắm rửa trong suối nước của Mẹ.

Cũng như tại tiệc cưới Cana, Chúa đã tỏ ra vinh quang của Người cho rất đông tiệc khách, tại Lộ Đức, Mẹ Maria đã tỏ ra vinh quang của Chúa cho thế giới, cách riêng cho dân tộc nước Pháp, đặc biệt trong thời đại làn sóng vô thần tràn lan khắp nơi.

L.m. Phêrô, CMC


11-2: ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC VÀ THÁNH NỮ BERNADETTE

Thánh nữ Bernadette Soubirous (1844-1879) được diễm phúc trông thấy Đức Mẹ MARIA hiện ra 18 lần tại Lộ Đức, miền Nam nước Pháp. Lần hiện ra đầu tiên vào ngày 11-2-1858 và lần hiện ra sau cùng vào ngày 16-7-1858.

Trước những hiện tượng lạ, người tin thì ít mà kẻ không tin lại rất nhiều. Có người nghi ngờ nói thẳng với Bernadette:

- Chúng tôi không hề tin vào những cuộc hiện ra này!

Bernadette điềm nhiên và đơn sơ trả lời:

- Con không có nhiệm vụ làm cho quý ông bà tin. Con chỉ có nhiệm vụ nói cho quý ông bà biết!

Câu trả lời biểu lộ đức tính ngay thẳng, hồn nhiên, khiêm tốn nơi một thiếu nữ đồng quê 14 tuổi. Những đức tính cao quý này theo sát cuộc đời Chị Bernadette cho đến khi Chị nhắm mắt từ trần ngày 16-4-1879, hưởng dương 35 tuổi, trong tu phục các Nữ Tu Bác Ái thành Nevers.

Một thời gian ngắn sau khi Chị Marie-Bernard (tên dòng của Chị Bernadette Soubirous) qua đời, người ta mở hồ sơ xin phong thánh cho Chị. Một Nữ Tu cùng dòng đặt tay thề hứa để làm chứng:
- Chị Marie-Bernard là mẫu gương nhân đức cho tất cả Chị Em trong dòng.

Lời chứng gồm tóm mọi nhân đức của Chị Bernadette: thanh sạch, khiêm tốn, nhân ái, hiền dịu, nhẫn nhục, ngay thẳng và tuân phục Bề Trên.

Trong các đức tính vừa kể nổi bật lòng thanh sạch. Hẳn Đức Mẹ MARIA - Trinh Nữ tuyệt vời trên mọi trinh nữ - có lý do khi chọn Chị Bernadette Soubirous làm sứ giả loan báo hồng ân ”Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Mẹ.

Mẹ Bề Trên Forestier của các Nữ Tu Bác Ái Nevers nói về Chị Bernadette:

- Chị Marie-Bernard là một thiên thần .. trong trắng như cành huệ.Trước khi nhận Chị vào dòng, tôi nghe đồn thổi rằng Đức Mẹ MARIA đã ban cho Chị hồng ân giữ nét đơn sơ trong sạch của một trẻ thơ. Sau này, khi nhận Chị vào dòng và có dịp quan sát thật gần, tôi phải công nhận rằng lời đồn thổi quả đúng sự thật!

Đức Cha Bertrand-Sévère Laurence (1790-1870), Giám Mục Lộ Đức lúc bấy giờ, khi cho gọi Chị Bernadette đến để tra hỏi thực hư về câu chuyện ”Một Bà Đẹp xuất hiện nơi hang Massabielle” đã tin ngay lời tường thuật của Chị. Sau này, Đức Cha thú nhận:

- Chính nét đơn sơ, sự trong trắng và lòng khiêm tốn của cô thiếu nữ khiến tôi phải tin là Bernadette đã nói thật.

21 năm sau biến cố ”Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức”, trước linh cữu của Chị Bernadette Soubirous, một vị Giám Mục khác - Đức Cha Étienne-Antoine-Alfred Lelong - Giám Mục Nevers, tái lên tiếng ca tụng nét đẹp trong trắng thiên thần của Chị:

- Toàn thể con người Chị chiếu tỏa nét trong sạch, lóng lánh như viên kim cương vẹn tuyền. Nét trong sạch đặc biệt phản chiếu trong cái nhìn sâu thẳm và trong suốt của Chị.

Chị Marthe du Rais, Nữ Tu cùng dòng làm chứng về Chị Bernadette:

- Chị thường giữ đôi mắt nhìn xuống. Và khi nào Chị ngước lên thì đôi mắt trông thật trong suốt và tinh sạch. Tôi có cảm tưởng là ánh mắt Chị vẫn còn vương tỏa các cuộc Đức Mẹ MARIA hiện ra tại Lộ Đức.

Một Nữ Tu khác, Chị Eugénie kể lại:

- Ngày tôi vào Thỉnh Viện thì Chị Bernadette đang làm tập sinh năm thứ nhất. Tôi chưa một lần gặp mặt cũng chưa hề trông thấy hình của Chị. Tôi tự nhủ: ”Nhất định không hỏi ai hết, thử xem mình có nhận ra được Chị Bernadette ở giữa các tập sinh khác không”. Thế rồi tôi để ý quan sát các chị tập sinh. Khi ánh mắt tôi chạm ánh mắt của Chị Bernadette, tôi nghĩ ngay: ”Chắc chắn đây là đôi mắt đã được diễm phúc trông thấy Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA”!

Tất cả các Nữ Tu sống gần Chị Bernadette đều đồng thanh làm chứng:

- Cái nhìn, dáng điệu, lời ăn tiếng nói, ngay cả những lúc Chị tinh nghịch đùa chơi, nhất nhất biểu lộ một con tim trong trắng. Sự có mặt của Chị như có sức mạnh ngăn cản chúng tôi nói những lời đùa cợt vô ích.

Sau cùng là lời chứng của một thần học gia tên tuổi, Linh Mục Jean-Claude Raffin. Cha Raffin là Bề Trên Tổng Quyền Hội Đức Mẹ MARIA. Cha nói về Chị Bernadette:
- Điều nổi bật nhất nơi Chị chính là toàn thể nét hồn nhiên, sự thơ ngây, lòng khiêm tốn và tính dè dặt, biểu lộ trong cái nhìn, trong cử chỉ và dáng đi của Chị. Mọi người đều nhận thấy và đồng ý rằng Chị Bernadette giữ được nét ngây thơ vô tội của Bí Tích Thanh Tẩy và đã không phạm một tội nào chống lại nhân đức khiết tịnh. Chị đã bảo tồn nguyên vẹn nét đẹp, sự tươi mát và hương thơm dịu dàng của cành huệ trinh khiết.

... Kinh cầu cùng Đức Mẹ MARIA

Lạy Mẹ MARIA, Nữ Trinh Vô Nhiễm, THIÊN CHÚA đã nhìn Mẹ: Ngài cúi xuống trên Nữ Tỳ khiêm hạ của Ngài và chúng con chúc tụng Mẹ thật diễm phúc.

Mẹ nhìn Đức Chúa GIÊSU với niềm âu yếm vì Mẹ là Mẹ Ngài. Dưới chân thánh giá, Chúa nhìn Mẹ để trối giao toàn thể nhân loại.

Tại Lộ Đức, Mẹ đã nhìn Chị Bernadette với tư cách là một con người.

Xin Mẹ nhìn chúng con đây với bao nỗi khốn cùng, những tiếng kêu than cùng bao niềm hy vọng.

Xin Mẹ nhìn thế giới đang bị xâu xé và tìm kiếm tương lai.

Xin Mẹ nhìn Hội Thánh mà Mẹ chứng kiến ngày sinh ra vào Lễ Hiện Xuống và đang cần Linh Mục để chu toàn sứ mệnh.

Xin Mẹ ban cho chúng con cái nhìn thơ trẻ, một ánh nhìn trong sáng, minh bạch như nước nguồn để chiêm ngắm Con Mẹ.

Xin Mẹ ban cho chúng con chính ánh nhìn của Mẹ hầu cho đôi mắt chúng con không bao giờ nhắm lại không nhìn tha nhân.

Xin Mẹ ban cho chúng con biết tự nhìn chúng con và giúp chúng con luôn luôn sống đúng tư cách Kitô-hữu và sống trung thành với Phúc Âm.

”Lạy Mẹ MARIA, không hề vướng mắc tội lỗi, xin cầu cho chúng con đang chạy đến cùng Mẹ”.


(Mgr. Francis Trochu, ”SAINTE BERNADETTE, LA VOYANTE DE LOURDES”, Lyon 1954, trang 470-474)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nguồn: dongcong.net
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.

Re: CÁC NGÀY LỄ CỦA MẸ TRONG PHỤNG VỤ 12 years 2 weeks ago #3309


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Ngày mồng 2 tháng Hai
LỄ ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA
14_small_2012-04-13.jpg


I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Theo tập nhật ký hành hương của bà Egeria người Tây Ban Nha, thế kỷ IV, lễ này được mừng đầu tiên sau lễ Hiển Linh 40 ngày tại Giêrusalem khoảng năm 381-384 trong đền thờ Chúa phục sinh với tất cả vẻ long trọng như lễ Phục sinh. Đến thế kỷ V, lễ này lan ra khắp Đông phương và được gọi là "cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông già Simêon", đến thế kỷ VII lan sang Rôma gọi là "lễ Tẩy uế của Đức Maria" mừng vào ngày hai tháng Hai, sau lễ Giáng sinh 40 ngày. Phụng vụ chú ý đến biến cố Mẹ Maria dâng Ấu Chúa trong đền thờ, nên ý nghĩa phụng vụ ngày hai tháng Hai là Lễ Đức Mẹ dâng Chúa hay là Hiến lễ của Chúa Giêsu. Đức Thánh Sergiô I thành lập một cuộc rước cho ngày lễ. Về sau cuộc rước này có tính cách thống hối, nên trước năm 1960, áo lễ Linh mục chủ sự cuộc rước và làm phép nến là áo mầu tím. Lễ nghi làm phép và rước nến bắt đầu từ thế kỷ X tượng trưng Chúa Giêsu là "Ánh Sáng muôn dân" (Lc 2:32).

Năm 1969 lịch canh tân xác định hẳn lễ này là "lễ Đức Mẹ Dâng Chúa".

II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

1. Thánh Luca cặn kẽ trình thuật biến cố này đã diễn tiến theo luật (Lc 2:22, 23, 24, 39) để chú trọng đến việc Đức Mẹ và Thánh Giuse trung thành tuân hành luật Chúa truyền dạy và việc Chúa Giêsu là Trưởng tử tự hiến và thuộc về Chúa Cha: "Hãy hiến dâng cho Ta mọi con đầu lòng nơi con cái Israel" (Xh 13:2) và "Từ Ai cập, Ta đã gọi Con Ta" (Hs 11:1). Khi dâng Hài Nhi cho Chúa, Đức Mẹ và Thánh Giuse nhận biết Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa đã tuyển chọn (Lc 9:35) và thuộc về dân Do Thái đã được tuyển chọn và hiến thánh (xem Đnl 7:6). Hai sự kiện này ẩn chứa hai mầu nhiệm: Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể theo dòng giống Israel, được tuyển chọn và hiến dâng để cứu chuộc loài người.

Chính Chúa Giêsu tự hiến dâng mình cho Chúa Cha. Ngài nói: "Hy sinh và lễ vật Người chẳng màng, nhưng Người đã nắn nên con một thân xác" (Dt 10:5) để rồi vâng theo thánh ý Chúa Cha, Ngài hy hiến mạng sống để nên giá cứu chuộc loài người, nên Ngài nói: "Này con xin đến" (Dt 10:7). Do đó, Hiến lễ của Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem mở màn cho lễ Hy tế của Ngài sau này trên đỉnh đồi Canvê. Thánh Anphong suy luận: "Mẹ Maria ý thức rõ ràng Chúa Giêsu mà Mẹ dâng hôm nay làm lễ vật, một ngày kia sẽ chịu sát tế trên thánh giá ... Chúa sẽ không phải chịu chết trên thánh giá, nếu Mẹ không ưng thuận tự tình hiến dâng Con."

Chúa Thánh Linh mạc khải cho ông già Simêon (Lc 2:25-26) biết và tiên báo sứ mệnh Cứu thế của Chúa Giêsu: "Mắt tôi đã thấy ơn Người Cứu độ. Người đã dọn sẵn trước mắt muôn dân ánh sáng mặc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người" (Lc 2:31-32). Sứ mệnh Cứu thế của Chúa Giêsu cũng đã được tiên tri Isaia loan báo 7 thế kỷ trước: "Ta sẽ đặt Người làm ánh sáng các dân tộc, để ơn Cứu độ của Ta đạt thấu khắp cùng cõi đất" (Is 49:6). Ông Simêon cũng biết và tiên báo sứ mệnh Đồng Công cứu chuộc rướm máu của Mẹ Maria: "Một mũi gươm sẽ đâm thâu lòng bà" (Lc 2:35). Từ đó, nỗi bi đát luôn dày vò tâm can Mẹ, nhất là trong cuộc khổ nạn bi hùng của Con Mẹ diễn ra giữa dân Người. Hiệp với hiến lễ của Chúa Giêsu, Mẹ Maria khiêm hạ vâng giữ luật tịnh tẩy như hiến lễ dâng lên Chúa. Là Mẹ Chúa Cứu Thế, Mẹ được đặc ân Vô nhiễm và toàn trinh cả sau khi sinh Con, Mẹ được miễn giữ luật tịnh tẩy. Nhưng Mẹ khiêm hạ tiến dâng hiến lễ danh thơm tiếng tốt đó mà giữ luật tịnh tẩy như tất cả các bà mẹ sinh con. Đức Khiêm hạ của Mẹ cũng như của Chúa Giêsu khởi đầu ơn Cứu rỗi, đối lập với tính kiêu ngạo của con cựu xà hỏa ngục và nguyên tổ là đầu mối sự đoạ trầm của loài người. Hiến lễ Khiêm hạ của Mẹ cùng với Hiến lễ Mẹ dâng Ấu Chúa Giêsu để Người chuẩn bị hy tế cứu đời, đã khởi đầu sứ mạng Đồng công cứu thế của Mẹ. Thánh Anphong nói: "Mẹ Maria hiến dâng Con chịu chết, không phải chỉ có một lần trong đền thờ, nhưng là ở từng giây phút trong cuộc đời".

Lạy Mẹ Maria yêu dấu! Con xin dâng mình con như hiến lễ hợp với Chúa trên bàn tay Hiền Mẫu trinh trắng của Mẹ, cũng để đồng công với Chúa và Mẹ trong việc cứu rỗi chính mình con và các linh hồn.

2. Lễ Mẹ dâng Chúa cũng gọi là Lễ nến, vì cây nến cháy tượng trưng Chúa Kitô là "Ánh Sáng muôn dân." Chủ tế làm phép nến rồi cộng đồng rước nến. Giáo dân dùng nến đã làm phép để thắp trong những trường hợp khó khăn hay bệnh hoạn. Rước nến thì trước năm 700, Đức Giáo hoàng tại Rôma thường phát nến cho giáo dân tham dự lễ Mẹ dâng Con và tổ chức cuộc rước nến, vừa để tôn vinh Chúa Kitô là "Ánh Sáng muôn dân", vừa để cải hóa hủ tục dân ngoại Rôma thường tổ chức hai cuộc rước đuốc linh đình:

* Cuộc rước đuốc rất dâm đãng tại Lupercal trên đồi Palatina gọi là Lupercalia từ ngày 2 tới 15 tháng 2 để kính thần Faunus là thần phong phú của người và súc vật.

* Cuộc rước đuốc rất thần thoại kỷ niệm thần Céres cùng với thủ hạ cầm đuốc băng qua núi đồi tìm ái nữ Proserpina đã bị Pluton là diêm vương cưỡng đoạt. Proserpina trong câu chuyện thần thoại này là hình bóng loài người đã bị diêm vương Satan cướp đoạt. Céres tượng trưng Thiên Chúa không nỡ bỏ con, liền đốt đuốc là Chúa Kitô tận tình tận lực đi tìm con.

Lạy Mẹ Maria dấu yêu! Chúa Kitô là Ánh sáng đã giãi chiếu chan hòa trên khắp thế gian, nhưng chưa tỏa chiếu được vào mọi tâm hồn. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa bật sáng bừng lên trong tâm hồn con và những người tội lỗi để phá tan bóng tối tăm mù mịt tội lỗi, tính hư nết xấu bao phủ tâm hồn chúng con; cho chúng con mặc lấy ánh sáng, biến đổi chúng con trở thành con cái sự sáng, trở thành ánh sáng. Được thông phần ánh sáng của Chúa, chúng con mới được thông phần sự sống của Người. (xem Ga 1:4 và 2 Tm 1:10)

* Theo ý nghĩa Phụng vụ Đông phương, lễ Mẹ dâng Chúa là cuộc trùng phùng gặp gỡ của Chúa Giêsu với loài người mà trung gian là ông già Simêon và nữ tiên tri Anna. Trong suốt cuộc đời công chính đạo hạnh, ông Simêon hằng ngóng đợi niềm an ủi của Israel cũng là ơn Cứu độ của muôn dân. Khi cuộc đời xế chiều, ông được linh cảm đến đền thờ gặp gỡ Ấu Chúa, được ẵm Chúa trên tay, nên ông được toại nguyện và chúc tụng Chúa là Đấng Cứu Thế, là Ánh Sáng muôn dân và là vinh quang của Israel (Lc 2:25-32). Bà Anna cũng gần một thế kỷ đêm ngày kiêng chay cầu nguyện trong đền thờ. Giờ đó, bà cũng được trùng phùng gặp gỡ Ấu Chúa. Bà tán tạ Chúa và nói về Ngài cho mọi người ngóng đợi sự giải thoát của Giêrusalem (Lc 2:36-38).

Thực ra, sau khi nguyên tổ loài người sa đoạ, Thiên Chúa đã mở cuộc đối thoại với loài người qua các tiên tri và sau hết qua Chúa Kitô (Dt 1:1-2) về chính mình Ngài và về thánh ý nhiệm mầu của Ngài liên quan tới phần rỗi loài người. Cuộc đối thoại của Thiên Chúa như vậy gọi là mặc khải và đã ghi chép lại trong Thánh kinh. Nhưng mầu nhiệm Nhập thể Giáng sinh mới là diệu kế và là địa điểm để Thiên Chúa chính thức gặp gỡ loài người do biến cố Ngôi Lời bỏ quên chức vị Thiên Chúa của Ngài mà hạ cố xuống trần gian kết hợp với bản tính loài người để xe duyên đất với trời, Thiên Chúa với loài người. Chẳng những gặp gỡ loài người, Chúa ở cùng loài người trong cuộc ký thế 33 năm và còn tiếp tục ở cùng loài người trong Bí tích Thánh Thể cho tới ngày thế mạt. Đó chính là diệu kế toại nguyện của tình Thiên Chúa yêu thương loài người chúng ta đến tận cùng.

Lạy Chúa, nhờ lời Đức Trinh Nữ cầu bầu, xin cho chúng con được tới gặp gỡ Chúa trong sự thánh thiện và sự thanh trong của tâm trí (Đức Gioan Phaolô II). Lạy Mẹ Maria! Xin Mẹ giúp chúng con dọn lòng thanh sạch và sốt sắng tình mến mỗi lần chúng con rước lễ để gặp gỡ thân mật và liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu Thánh Thể như Người chờ mong.

III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ


Bài đọc I: Malakia 3:1-4


Bài này ám chỉ rằng Hiến lễ của Chúa Giêsu trong đền thờ tiên báo sứ mạng Hy tế sau này của Người trên đồi Canvê. Ngài sẽ thiết lập việc tôn thờ Thiên Chúa "trong tinh thần và chân lý" (Ga 4:23).

Bài đọc II: Do Thái 2:14-18


Bài này nói lên việc Chúa Giêsu là Thầy cả Thượng phẩm sẽ dâng mình hiến tế trên thập giá vì tội lỗi loài người cũng như nay Người dâng mình trong đền thờ.
Phúc âm: Luca 2:22-40

Bài Phúc âm này trình thuật hai lễ nghi:

a) Dù sinh Con mà còn đồng trinh, Mẹ Maria vâng giữ luật Maisen, khi hết ngày kiêng cữ, lên đền dâng lễ tẩy uế (Lc 2:22).

b) Cũng theo luật Maisen, Mẹ dâng Con Trai đầu lòng, với lễ tế là đôi chim bồ câu, vì Mẹ nghèo (Lc 23-24).

Tại đền thờ Giêrusalem, ông già Simêon ẵm bế Ấu Chúa.

* Ca tụng Ngài là "Ánh Sáng muôn dân" (Lc 2:32).

* Tiên báo: "Con Trẻ này là duyên cớ cho nhiều người dân Israel hư hỏng hay được rỗi và sẽ là dấu hiệu gây mâu thuẫn" (Lc 2:34).

* Tiên báo với Mẹ Maria: "Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng Bà" (Lc 2:35).

L.m. Phêrô, CMC

Nguồn: dongcong.net
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.

CÁC NGÀY LỄ CỦA MẸ TRONG PHỤNG VỤ 12 years 2 weeks ago #3308


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
CÁC NGÀY LỄ CỦA MẸ TRONG PHỤNG VỤ
Ngày mồng 1 tháng Giêng
LỄ MẸ THIÊN CHÚA

11_2012-04-13.jpg

I. TIẾN TRÌNH TÍN ĐIỀU MẸ THIÊN CHÚA

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Tín lý này đã được Phúc âm thánh Luca minh hoạ rõ ràng, và từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô Alexandria, Augustinô, Epiphanô diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetism. Thánh Gioan Tông đồ loan báo chứng thực rõ ràng rằng ngài đã từng mắt thấy, tai nghe và đụng chạm tới Chúa Giêsu là Ngôi Lời hằng sống đã xuất hiện , vậy mà các bè rối đó vẫn nói Chúa Giêsu chỉ là ảo tượng. Lạc thuyết này muốn phá đổ tự nền tảng công cuộc Cứu chuộc của Chúa Kitô. Vì thế, các Giáo phụ dựa trên tín lý phẩm chức Thiên mẫu của Mẹ Maria để phá tan lạc thuyết này rằng Đức Trinh Nữ không thể là Mẹ nếu không có Con. Và Người không có Con, nếu Chúa Giêsu chỉ là một bóng ma. Giáo phụ Tertulianô bác bỏ Marcion người lạc giáo: "Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Kitô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay là để chối bỏ việc Người sinh ra, ông phủ nhận thân xác Chúa. Thân xác và sự đản sinh làm chứng lẫn nhau: Không có sự đản sinh thì cũng không có thân xác. Hoặc là không có thân xác thì không có sự đản sinh.

Khi thấy Chúa đi trên mặt biển và khi thấy Chúa hiện ra sau khi Người sống lại, các tông đồ tưởng Người là ma. Nhưng Người đã quả quyết: "Chính Thầy đây!" Như vậy Chúa Giêsu có thân xác thực sự sống động. Mà nếu thân xác Người là thân xác của Thiên Chúa bởi trinh huyết Đức Trinh Nữ Maria, thì Đức Maria phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một thân xác là thân xác của Thiên Chúa lúc hiệp với ngôi Con Thiên Chúa là Thiên Chúa thật như Chúa Cha.

Sang thế kỷ III và thế kỷ IV, các thánh Giáo phụ đều đồng thanh cao rao chúc tụng Mẹ Thiên Chúa. Năm 325, Công đồng Nicêa I (nay là Iznik, bắc Thổ nhĩ kỳ) lên án lạc giáo Ariô, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt kinh Tin kính (gọi là kinh Tin kính Nicêa đọc trong thánh lễ). Tín điều này chứng minh Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công đồng Ephêsô sau này.

Đến thế kỷ V, trong khi tín lý Mẹ Thiên Chúa đang được các Giáo phụ rao giảng rất minh bạch và phấn khởi, thì Nestoriô, thượng phụ giáo chủ thành Constantinopôli lên tiếng trong các bài giảng phản đối, vì ông chủ trương rằng: Chúa Giêsu có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa. Năm 430, một hội đồng tại Rôma lên án lạc giáo Nestôriô, và Đức Thánh Celestinô I viết một bức thư khuyến cáo Nestôriô. Nestôriô tâu xin hoàng đế Thêôdôsiô I triệu tập Công đồng Êphêsô năm 431. Nhưng Thánh Cyrillô, Thượng phụ giáo chủ thành Alexandria, được Đức Thánh Celestinô uỷ nhiệm chủ toạ công đồng gồm khoảng 250 giám mục Đông phương, một giám mục Tây phương và một phó tế thành Carthage cùng với ba đặc sứ của Đức Celestinô. Mặc dù sự phản kháng của 68 giám mục tán đồng lạc giáo Nestôriô và sự cản ngăn của Candidianô, sứ giả của hoàng đế Thêôdôsiô, Công đồng vẫn khai mạc ngày 22 tháng 6 tại đền thờ Đức Mẹ tại Êphêsô. Công đồng minh định Chúa Giêsu có hai bản tính nhưng chỉ có một ngôi vị duy nhất là Thiên Chúa. Mẹ Maria là Mẹ thật của Chúa Giêsu nên Mẹ thật là Mẹ Thiên Chúa. Rồi Công đồng long trọng tuyên tín: "Nếu ai không tuyên xưng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông". Đồng thời, các Nghị phụ ký giấy ra vạ cho Nestôriô: "Vì Chúa Giêsu Kitô bị Nestôriô xỉ nhục, Thánh Công Đồng này đã tuyên bố Nestôriô bị loại trừ khỏi chức phẩm giám mục và khỏi mọi hiệp thông linh mục".

Tại Công đồng, Thánh Proclô thẳng thắn chống lạc giáo Nestôriô. Và Nghị phụ Giám mục Thêôdôtê Ancyre (446) triệt để ủng hộ Thánh Cyrillô và gắt gao tố cáo buộc tội Nestôriô rối đạo. Trong khi Công đồng đang diễn tiến, Thánh Cyrillô viết cho Giám mục Acaciô Beroea có nói đến năm giáo phụ cũng lên án Nestôriô: Đó là hai Thượng phụ Alexandria là Athanasiô và Thêôphilê, hai Thượng phụ Constantinopôli là Grêgôriô và Atticô. Và vị thứ năm là Thánh Basiliô. Sau này, Nestôriô bị đày vào đan viện Euprépia gần Antiôkia, rồi tại một ốc đảo bắc Aicập cho tới chết trong sự cố chấp và buồn bực.

Ngay chiều hôm đó, toàn dân thành Êphêsô phấn khởi nô nức thắp đuốc tưng bừng, rực sáng, tổ chức một cuộc rước đuốc vĩ đại reo mừng sự vinh thắng của Mẹ Thiên Chúa, và hoan hô các Nghị phụ Công đồng Êphêsô. Họ cũng đem đuốc hộ tống các ngài về đến tận nhà.

Tín điều Mẹ Thiên Chúa do Công đồng Êphêsô long trọng tuyên tín, như một luồng gió xuân tươi mát dịu dàng trào thổi từ Êphêsô sang khắp các miền Alexandria, Constantinopôli, Antiôkia, sang Rôma, khắp Âu châu rồi dần dần ra khắp hoàn cầu. Lòng sùng kính mến yêu Mẹ Maria thêm muôn phần phấn khởi đã được biểu hiện ra nhiều việc sùng mến Mẹ Thiên Chúa: Nhà thờ Đức Mẹ nơi diễn tiến Công đồng Êphêsô đã trở thành Vương cung thánh đường Mẹ Thiên Chúa.

Năm 432, Đức Sixtô III xây cất lại và cung hiến Đền thờ Đức Bà Cả trên đồi Esquilinô tại Rôma mà Đức Liberiô xây cất năm 352 cho Mẹ Thiên Chúa, và nâng lên bậc Vương cung thánh đường.

Năm 451, Công đồng Chalceđônia cũng tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Đồng thời, Thánh Pulcheria nữ hoàng Byzantin, kiến thiết hai đền thờ Mẹ Thiên Chúa tại Constantinopôli. Năm 534, Đức Gioan II tuyên nhận Mẹ Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa. Năm 553, Công đồng Constantinopôli II tái tuyên nhận tín lý chức phẩm Thiên Mẫu. Từ đó nhiều nhà thờ dâng kính Mẹ Thiên Chúa được xây cất tại Thụy sĩ, Hoà lan, Đức, Anh, và Pháp. Riêng Pháp có năm đền thờ Mẹ Thiên Chúa ở Reims, Coutances, Tours, Poitiers, và Toulouse. Ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa cũng được phổ biến khắp nơi, đặc biệt là ảnh Mẹ Thiên Chúa do Thánh Luca minh hoạ. Tới nay rất nhiều hoạ sĩ vẽ ảnh hay nghệ sĩ tạc tượng Mẹ Thiên Chúa với nhiều kiểu, theo nhiều văn hoá dân tộc tuyệt đẹp. Và các Thánh tiến sĩ các nhà thần học, các Đức Giáo hoàng liên tiếp rao giảng và chúc tụng Mẹ Thiên Chúa.

Năm 1215, Công đồng Lateranô IV tuyên nhận Chức phẩm trinh trong Mẹ Thiên Chúa. Năm 1427 trong một bài giảng, Thánh Bênađinô đọc lời cầu nguyện: "Ave Maria Jesus, Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis". Câu "Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử" được đưa vào kinh do các nữ tu Dòng Đức Bà Tình Thương (Our Lady of Mercy) năm 1514, các đan sĩ Dòng Camaldolesia năm 1515 và Dòng Phanxicô năm 1525. Năm 1568, Đức Thánh Piô V chính thức xác định như chúng ta thường đọc ngày nay.

Công đồng Vatican II (1962-1965) dạy: "Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa... Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo hội.. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô".

Nhờ Giáo huấn của Giáo hội và lời giảng dạy của các Thánh Giáo phụ, các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học, giáo dân trong khắp Giáo hội mỗi ngày thêm vững tin tín điều Mẹ Thiên Chúa và sốt sắng sùng mến Mẹ.

II. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ


Bên Đông phương, lễ Mẹ Thiên Chúa được mừng đầu tiên tại Giêrusalem ngày 15 tháng 8, quãng năm 428, rồi lan sang Armenia và Gethsemania năm 458. Giáo hội Byzantin mừng vào ngày 26 tháng 12, và Giáo hội Coptic mừng vào ngày 16 tháng Giêng.

Bên Tây phương, tại Rôma, thoạt tiên lễ Giáng sinh cũng là lễ Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì khi hạ sinh Con Thiên Chúa trong xác thể, Đức Trinh Nữ cộng tác vào việc Thiên Chúa sinh ra Con Một Người từ muôn thuở. Bởi vậy thế kỷ XII, lễ Giáng sinh ban ngày được mừng trọng thể tại đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma. Theo Dom Botte, khoảng từ năm 600, lễ Đức Mẹ đầu tiên chính thức trong Phụng vụ Rôma là lễ ngày mồng một tháng Giêng là ngày tuần tám lễ Giáng sinh, nên Đức Bênêđictô XIV ấn định mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép cắt bì. Và lễ Đức Mẹ được dời vào tháng Tám. Nhiều nơi mừng vào Chúa nhật IV mùa Vọng hay ngày 18 tháng 12.

Thế kỷ VII, Giáo hội Tây Ban Nha theo sắc lệnh Công đồng Toleđô năm 656 mừng lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 18 tháng 12 trước lễ Giáng sinh tám ngày. Giáo hội Milan mừng Mẹ Maria chịu thai trinh vẹn vào ngày thứ tư bốn mùa tháng 12. Năm 1751, tại Bồ Đào Nha, lễ Mẹ Thiên Chúa được Đức Bênêđictô XIV ban phép mừng vào Chúa nhật thứ nhất tháng 5. Năm 1914, nhiều giáo phận và nhiều dòng tu được mừng vào ngày 11 tháng 10.

Năm 1931, để kỷ niệm 15 thế kỷ Công đồng Êphêsô tuyên tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Đức Piô XI ban hành thông điệp "Lux Veritatis" diễn giải tín lý Nhập Thể, do đó Đức Trinh Nữ Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa. Đức Piô XI còn truyền dạy mừng lễ Mẹ Thiên Chúa trong khắp Giáo hội vào ngày 11 tháng 10.

Năm 1962, Đức Gioan XXIII khai mạc Công đồng Vatican II vào chính lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 11 tháng 10 để trao phó công cuộc đại sự này trong tay Thiên Mẫu vạn năng của Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ Giáo hội. Trước năm 1969 ngày mồng một tháng Giêng kính Chúa Giêsu chịu phép cắt bì. Năm 1969 trong chiều hướng canh tân Phụng vụ, Đức Phaolô VI đã đổi lễ Mẹ Thiên Chúa sang ngày 1 tháng Giêng.

III. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ

Đức Phaolô VI đặt lễ Mẹ Thiên Chúa vào ngày mồng một tháng Giêng đầu năm dương lịch, để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương thời gian, cũng như Đức Piô XII đã đặt lễ Mẹ Nữ Vương vào ngày 22 tháng 8 để tôn vinh Mẹ là Nữ Vương không gian.

* Về không gian,
Mẹ Maria là ngôi sao sáng soi khắp vũ trụ, làm bừng sáng các tầng trời và chiếu toả các âm phủ (Thánh Bênađô), vì Mẹ cao sang giáp giới tuyến vô biên Thiên Chúa (Thánh Tôma). Là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được tham dự quyền thống trị với Chúa. Là Mẹ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Mẹ được thông phần vương quyền của Người để được tôn phong là Nữ Vương vũ trụ. Mẹ hấp thụ tất cả các ơn Chúa. Ân sủng không nhỏ giọt trên Mẹ, nhưng trào đổ trên Mẹ như một trận mưa dạt dào (Thánh Tôma). Do đó, Mẹ Maria thật là Nữ Vương không gian.

* Về thời gian, Vương quyền của Mẹ Maria đã có trong thánh lệnh muôn đời của Thiên Chúa trước khi đất trời được tạo thành (xem Cn 8:22-29). Trong thời gian, Vương quyền của Mẹ bừng sáng ngay từ thuở ban sơ, qua lời Thiên Chúa tuyên án con Rắn già hoả ngục: "Người Nữ sẽ đạp giập nát đầu mày" (St 3:15). Qua các thời đại, Mẹ vẫn giao chiến chống lại các bè rối, và Mẹ sẽ chiến thắng con Rồng đỏ trong ngày thế mạt (xem Kh 12:1-17). Vương quyền Mẹ sẽ kéo dài vô cùng tận, vì là Mẹ Chúa Kitô, Mẹ được tham dự vương quyền vô tận của Ngài (Lc 1:33) và tham dự thế lực cầu bầu của Ngài . Do đó, Mẹ Maria thật là Nữ Vương thời gian.

Thiên Chúa hằng hữu vô biên siêu thời gian. Ngài nâng Mẹ Maria là một thụ tạo hữu hạn lên, thông ban ưu phẩm siêu thời gian của Ngài để đem thánh lệnh cứu rỗi muôn thuở của Ngài vào thời gian, và do đó, đem Chúa Ngôi Hai hằng hữu siêu thời gian vào thời gian. Thiên Chúa thông ban cho Mẹ ưu phẩm siêu thời gian của Ngài, cho Mẹ được thông phần bản tính phong phú của Ngài, để Mẹ trở nên Mẹ Chúa Kitô, được thông phần bản tính tình yêu của Ngài và trở nên Mẹ các chi thể Chúa Kitô là chính chúng ta (Đức GM Bossuet). Mẹ Maria được Thiên Chúa vô biên ban cho chức phẩm Thiên Mẫu hầu như vô biên, để Mẹ kéo thiên tính vô biên xuống kết hợp với nhân tính hữu hạn. Mẹ trao nhân tính cho Chúa Ngôi Hai siêu thời gian để Người trở thành Con của Mẹ trong thời gian, và để Người thông ban cho Mẹ ưu phẩm siêu thời gian của Người. Thánh Tôma nói: "Vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria được chức phẩm như vô cùng do sự kiện Chúa là Thiên Chúa vô biên".

Được tham dự vào ưu phẩm siêu thời gian của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã đưa Chúa Ngôi Hai siêu thời gian vào thời gian là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để Người cứu chuộc chúng ta, làm cho chúng ta được thông phần ưu phẩm siêu thời gian của Người, được trở nên con cái Thiên Chúa, trở nên em Chúa Giêsu và trở nên con của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria yêu dấu! Phẩm chức Thiên Mẫu của Mẹ thật cao quí vì là do tác động của tình yêu: Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đã tiền định Mẹ là Mẹ Người, một chức phẩm rất mực cao sang. Thánh Bonaventura nói "Chức phẩm Mẹ Thiên Chúa là một ơn lớn lao nhất được ban cho một thụ tạo. Thiên Chúa có thể dựng nên một thế giới lớn hơn, một thiên đàng lớn hơn, nhưng không thể nâng một thụ tạo cao hơn Mẹ Người". Tình yêu nồng cháy của Chúa Thánh Linh đã làm cho Chúa Ngôi Hai hiện hoá hữu hình trở nên Con của Mẹ để yêu mến và được mến yêu. Tình yêu đặc biệt của Chúa Con đối với Mẹ là tình yêu thảo hiền từ muôn thuở và sẽ vô cùng tận: Chúa Giêsu luôn luôn là Con của Mẹ, và Mẹ mãi mãi là Mẹ của Chúa. Tình yêu duy nhất của Mẹ qua lời "tuân vâng" đã khiến Mẹ lãnh nhận làm Mẹ Chúa Cứu Thế và Mẹ loài người chúng con. Do đó, Mẹ yêu mến Chúa và yêu thương chúng con với tấm lòng Hiền Mẫu luôn luôn nồng thắm dịu êm và đậm đà, và khuyến khích chúng con phải hết tình thiết tha ngoan thảo yêu mến Chúa và Mẹ.

Chức phẩm Thiên Mẫu của Mẹ quả thật do tình yêu, vì tình yêu, và cho tình yêu, từ các tầng trời xuống khắp trái đất, từ muôn thuở tới muôn thế hệ. Do vậy, Mẹ rất xứng đáng được tuyên phong là Nữ Vương không gian và thời gian.

Trong bài giảng khai mạc ba năm chuẩn bị Đại Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II nói: "Khi làm người, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, đã nhận lấy thời gian của chúng ta trong mọi chiều kích và Ngài hướng thời gian về vĩnh cửu. Thực vậy, vĩnh cửu là chiều kích của Thiên Chúa. Khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng chấp nhận trọn vẹn thời gian của nhân loại, với nhân tính của Ngài, để dẫn con người qua mọi chiều kích của thời gian này hướng về vĩnh cửu, và cho con người được tham dự vào cuộc sống thần linh vốn là gia sản đích thực của Chúa Cha, Chúa Con, và Thánh Linh".

IV. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ


Bài đọc I: Dân số 6:22-27.


Sách này được chọn làm Bài đọc I lễ Mẹ Thiên Chúa vì hai lý do:
1. a) Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta được ba lời chúc lành của Chúa Cha (Ds 24, 25, 26);

b) Chúa Con phản ảnh vinh quang Chúa Cha (Dt 1:3);

c) Thánh Linh tỏ ra Chúa Con và chương trình muôn đời của Thiên Chúa (Ga 14:26; 15:26-27; 16:13-15).

2. Lễ Mẹ Thiên Chúa trùng ngày đầu năm. Người ta chúc mừng nhau mọi phúc lành.

Bài đọc II: Galata 4:4-7.

Thánh Phaolô trực tiếp nói về Đức Mẹ Maria. Câu 4: "Con Thiên Chúa được sai đến và sinh bởi người nữ" lược tóm lịch sử Cứu rỗi. Lý do là:

1. Để cứu chuộc những người ở dưới Luật, Con Thiên Chúa cho ta được quyền nghĩa tử của Thiên Chúa.

2. Thiên Chúa sai Thánh Linh Con Chúa đến trong lòng chúng ta, để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta không còn là nô lệ, nhưng là con, là thừa kế của Người. Thánh Phaolô cho chúng ta thấy rõ chương trình Cứu rỗi của Chúa nhờ Mẹ Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế.

Phúc âm: Luca 2:16-21.

Phúc âm trình chiếu cảnh Bêlem trong đêm Giáng sinh để cho thấy Đức Maria là Mẹ Đức Kitô là Thiên Chúa: Được các thiên thần hiện ra loan báo tin mừng Chúa Giáng sinh, các mục đồng hối hả đi tìm gặp Maria và Giuse cùng Hài Nhi nằm trong máng cỏ (2:16). Các mục đồng được loan áo tin mừng đầu tiên vì họ là hạng người hèn kém trong xã hội Do thái thời đó, nhưng tâm hồn họ đơn thật an vui. Họ đã đến, đã gặp gỡ Chúa Hài Nhi, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Họ hiểu được lời thiên thần loan báo. Họ đã loan báo tin mừng cho mọi người và vui mừng tôn vinh Thiên Chúa vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe (2:17-21).

L.m. Phêrô, CMC

Nguồn: dongcong.net
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 2 weeks ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1
  • 2


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012