Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: 08-12 Lễ Đức Maria VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Re: 08-12 Lễ Đức Maria VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 10 years 4 months ago #51191

Unknown_2013-12-08.jpeg


Chiều thứ bảy ngày 2 tháng 12 năm 2006, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI chủ sự giờ kinh chiều I Chúa Nhật I Mùa Vọng và đã nhắn nhủ các tín hữu: “Mùa Vọng vang lên lời kêu gọi hãy tỉnh thức... Chúng ta bắt đầu Mùa Vọng mới này bằng tâm hồn tỉnh thức chờ đợi Thiên Chúa ngự đến. Trong đợi chờ này, chúng ta hãy để cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Thiên Chúa ngự đến, Mẹ của niềm hy vọng hướng dẫn chúng ta. Trong vài ngày nữa chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta được ơn sống trong tình trạng thánh thiện và không tỳ ố trong tình yêu, khi Chúa Giêsu, Chúa chúng ta ngự đến.”
Mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm vào đầu Mùa Vọng, chúng ta nghe vọng lên lời chào của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” “Bà đẹp lòng Thiên Chúa.” (Lc 1:28.30) Lời kính chào “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” bày tỏ cách thâm sâu mầu nhiệm Vô Nhiễm nơi Đức Mẹ.

Vào năm 1377, Đức Mẹ nói với thánh nữ Brigitta: “Đúng sự thật là Mẹ đầu thai vô nhiễm. Hỡi ái nữ của Mẹ, con hãy tin và thấy rằng những ai tin và tuyên xưng Mẹ đã được gìn giữ khỏi vết nhơ tội tổ là họ nghĩ đúng. Ai nghĩ ngược lại là sai, nhất là họ nghĩ càn rỡ.” Năm 1830, Đúc Mẹ dạy thánh nữ Catarina Labouré lời nguyện vắn tắt: “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng Mẹ.”

Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Thánh Cha Piô IX công bố thông điệp “Ineffabilis Deus” và tuyên tín: “Với quyền của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và của chính chúng tôi, chúng tôi minh xác, công bố và định tín rằng Đức Trinh Nữ hồng phúc Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai (trong lòng thân mẫu), do một ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa dành riêng cho Người, nhờ công đức của Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu độ nhân loại, đã được giữ gìn khỏi mọi tì ố của nguyên tội: đó là một giáo lý do Thiên Chúa mặc khải và mọi tín hữu phải tuyên xưng niềm tín ấy.”

Đức Thánh Cha công bố Đức Mẹ ngay từ phút đầu tiên được thụ thai đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ, Đức Mẹ được tràn đầy ân sủng, Mẹ luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa cách hoàn hảo và suốt đời Mẹ không bao giờ có một giây phút nào Mẹ sống xa lìa Chúa.

Sau bốn năm, vào năm 1858, Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadetta ở Lộ Đức, miền nam nước Pháp, Mẹ xưng mình “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội”, xác nhận điều tuyên tín của Đức Piô IX.
Mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội là kết quả tràn đầy viên mãn của ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang đến cho Mẹ để Mẹ “làm Mẹ Đấng Cứu Thế.” Hồng ân Vô nhiễm như được tóm tắt trong kinh tiền tụng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm: “Chúa đã gìn giữ Đức Trinh Nữ Maria rất thánh khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, để chọn Người đầy ơn phúc xứng đáng làm Mẹ Con Chúa, và chỉ cho chúng ta thấy nơi Người là khởi điểm Hội Thánh xinh đẹp, không vết nhăn, là bạn Con Chúa.”


Lạy Mẹ là kỳ công tuyệt diệu của Thiên Chúa, là thành quả trọng đại công trình sáng tạo của Đấng Toàn Năng. Mẹ tiếp nhận nơi cung lòng trinh khiết rất thánh của Mẹ Con Đấng Tối Cao. Nơi Mẹ, không hề có bóng dáng tội lỗi, Mẹ thật là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội. Ôi Mẹ rất tốt lành, thánh thiện, rất dịu hiền trìu mến, Me không bỏ rơi ai, cho dầu loài người chúng con vô ơn tệ bạc, Mẹ vẫn cầu xin lòng Thương xót của Chúa cho chúng con. Xin chúc tụng và tôn vinh “Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội.”
“Ai có thể hiểu được Mẹ Maria ân cần chăm sóc chúng ta thế nào không? Mẹ rộng mở tấm lòng ái tuất ra đón nhận toàn thể nhân loại, trao tặng và cấp phát cho nhân loại tình thương lai láng của Mẹ” (Thánh Antôninô)


Lm. Phaolô Nguyễn Văn Thạch, C.Ss.R.
Last Edit: 10 years 4 months ago by Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa

Re: 08-12 Lễ Đức Maria VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 11 years 4 months ago #44092


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
:musicband :boat :boat :boat

... Mừng lễ mẹ vô nhiễm nguyên tội trùng với Mùa Vọng, chúng ta hãy nhớ tới ơn huệ tuyệt hảo Thiên Chúa dành cho mỗi người là có mẹ vô nhiễm, do đó chúng ta phải có lòng sám hối, ăn năn để sống xứng đáng là Con của Mẹ Maria vô nhiễm.

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này vì lời Đức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con, được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa”
(lời nguyện Nhập lễ, lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội).

LM J. NHL
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 4 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco)

Re: 08-12 Lễ Đức Maria VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 11 years 4 months ago #44082


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
:musicband :musicband :musicband

MẸ Maria, ĐẤNG VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

1. Đức Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội

Đức Ma-ri-a được một ơn hết sức đặc biệt hầu xứng đáng làm Mẹ của đấng Cứu Thế, đó là ơn không mắc tội tổ tông. Trong nhân loại, nghĩa là trong tất cả đám con cháu Ađam và Eva, ngoài Đức Giêsu vốn cũng là Thiên Chúa ra, thì chỉ duy nhất một mình Đức Maria được ơn ấy. Chúng ta biết được điều ấy qua giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn ấy đã được chính Đức Ma-ri-a xác nhận khi hiện ra nhiều lần với cô Bec-na-đét tại Lộ Đức (Pháp) năm 1858. Tuy nhiên, Đức Maria vẫn là con người, vẫn phải chịu những đau khổ, lo lắng, sợ sệt và cũng bị cám dỗ y như chúng ta. Nếu có khác thì chỉ khác chúng ta ở chỗ Ngài không bao giờ phạm tội mà thôi.

2. Tâm hồn trong sạch, một vẻ đẹp trước mặt Thiên Chúa

Việc Thiên Chúa gìn giữ Đức Ma-ri-a không mắc tội tổ tông cho thấy Thiên Chúa rất yêu quí sự trong sạch tâm linh, nghĩa là không bị nhơ bẩn vì tội lỗi, không bị thần ô uế thống trị, không nhượng bộ trước sự ác. Vì thế, để có giá trị trước mặt Thiên Chúa, chúng ta cần giữ tâm hồn mình cho trong sạch. Chúng ta tuy không được ân đặc biệt như Đức Ma-ri-a là không mắc tội tổ tông, nhưng chúng ta đã được rửa tội để xóa bỏ tội ấy. Vấn đề còn lại là chúng ta hãy cố giữ tâm hồn cho trong sạch, không phạm tội trong tư tưởng, lời nói cũng như việc làm, và cả những tội thiếu sót, do không làm những việc mà lương tâm buộc phải làm.

Để giữ cho tâm hồn trong sạch không vướng mắc những tội riêng, Mẹ Ma-ri-a cũng phải cố gắng thắng lướt những cơn cám dỗ, những khuynh hướng tự nhiên có thể lôi kéo con người xa Thiên Chúa. Chẳng hạn khi phải chọn lựa giữa hai điều tốt, bản tính tự nhiên của con người có khuynh hướng chọn lựa điều có lợi cho mình hơn, điều đỡ vất vả khổ cực hơn, điều đỡ gây thiệt hại hơn, thay vì phải chọn lựa điều tốt hơn,

3.Làm sao giữ được tâm hồn trong sạch?

Nếu ta hiểu được tội lỗi là gì, thì ta sẽ hiểu ngay được cách gìn giữ tâm hồn trong sạch, không vướng mắc tội lỗi. Tội lỗi là một cái gì đi ngược lại bản chất của Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (xem 1Ga 4,7-8). Do đó, khi nào chúng ta có tình yêu của Thiên Chúa trong tâm hồn, nghĩa là ta thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, và sẵn sàng hành động theo sự đòi hỏi của tình yêu ấy, thì tâm hồn ta được kể là trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Ngược lại, nếu chúng ta không có tình yêu, chúng ta ích kỷ, đặt nặng cái tôi của mình, thì tâm hồn ta đã có khuynh hướng tội lỗi, và lúc nào sẵn sàng làm điều tội lỗi. Hễ có tình yêu đích thực – nghĩa là yêu Thiên Chúa và tha nhân – thì hành động nào do tình yêu đó thúc đẩy cũng đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, thánh Âu-Tinh nói: «Cứ yêu đi đã rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis).

Tâm hồn của Đức Ma-ri-a luôn luôn trong sạch vì Mẹ luôn luôn yêu mến Thiên Chúa và dành trọn tình yêu cho Thiên Chúa. Người yêu Chúa thật lòng như Mẹ thì không thể phạm tội được. Vậy để giữ tâm hồn mình trong sạch, không gì tích cực và bảo đảm bằng việc củng cố tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân. Và đã là tình yêu đích thực thì nó luôn luôn tự biểu lộ thành hành động.


NCK
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 4 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco)

08-12 Lễ Đức Maria VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 11 years 4 months ago #44079


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
:musicband :boat :musicband

Đức Maria VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Immaculata)

2_2012-12-03-2.jpg


Việc tôn thờ Đức Kitô sẽ không phù hợp chút nào nếu Mẹ của Người trong một giây phút nào đó đứng dưới ách thống trị của tội lỗi. Mẹ đã nhận được ân sủng thánh hoá không phải tạm thời, nhưng là thực chất của giây phút hiện hữu đầu tiên.

Tước hiệu Maria “được gìn giữ khỏi nguyên tội” vào thời trung cổ đã gây ra những cuộc tranh cãi kịch liệt giữa các nhà thần học, cuối cùng Đức Piô IX đã công bố thành tín điều vào năm 1854.

Tín điều “Đức Maria được gìn giữ khỏi nhiễm tội truyền” không thể nại đến chứng cứ Thánh Kinh cách trực tiếp, lý chứng của tín điều nầy đúng hơn được xây dựng dựa vào chứng cứ Kitô học. Khởi điểm của học thuyết về việc Đức Maria được giữ gìn khỏi vướng tội truyền bắt nguồn từ thời trung cổ về sự nhận thức về sự Đồng trinh của Đức Maria. Theo đó Đức Maria được giữ gìn khỏi vương nguyên tội vì Mẹ sinh ra Con Thiên Chúa. Hippolyt († 235) đã chứng thực rằng, Đức Maria không bị vướng mắc một tội riêng nào. Công đồng Trentô ủng hộ tư tưởng nầy (x. DH 1573) và trở thành nền tảng cho giáo huấn về Thụ thai tinh tuyền của Đức Maria (x. DH 2800).

Từ đó đòi hỏi một nghiên cứu thần học về bản chất của tội mà Đức Maria không bị vướng mắc. Người ta hiểu tội (theo truyền thống Do thái – Cựu ước) như là hành động xấu xa chung, sự gẫy đỗ chung trong mối tương quan giữa con người với con người và con người với Thiên Chúa, do đó học thuyết về sự tinh tuyền không vướng mắc tội của Đức Maria như là một cách trình bày về thái độ của Mẹ sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong Đức tin, Đấng thể hiện ý định tái lập lại mối tương quan đối với người tội lỗi trong Chúa Giêsu trong chiều kích cánh chung vào thời sau hết. Học thuyết về Đức Maria thánh thiện không vấn vương tội lỗi chủ yếu không nhằm chiều kích đạo đức, nhưng là nhằm nhấn mạnh đến khía cạnh chứng tá Đức tin đối với khả năng của con người có thể đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, và tạo nên mối liên kết với Người.

Muốn tìm một lý chứng thần học đối với học thuyết về sự tinh tuyền không vướng mắc tội nhơ của Đức Maria, cần phải nại đến giáo huấn về nguyên tội của Giáo hội: Đức Maria đã được gìn giữ khỏi những ô nhơ, khỏi thực tại bất hạnh của nguyên tội. Vì thế học thuyết nầy cần phải được phân biệt về ý định đích thật của truyền thống giáo huấn nhằm giải quyết hai vấn đề:

1. Ngươì ta phải nói về việc giữ gìn Đức Maria khỏi nguyên tội và về không vướng mắc tội nhơ hay sự thánh thiện của Mẹ như thế nào mà không gây nguy hại đến sự phổ quát và cần thiết của hành vị cứu chuộc nơi Chúa Giêsu Kitô dành cho mỗi một con người.

2. Giáo huấn nầy phải hiểu như thế nào trong việc lưu truyền tội tổ tông, đặc biệt theo chủ trương của trường phái Augustinô về việc lưu truyền nguyên tội qua những ước muốn nhằm thỏa mãn dục vọng thấp hèn, vì thế mỗi người đều mang trong mình caro peccati (x. Rom 8, 3).

Đối với Chúa Giêsu, Augustinô đã đưa ra giải pháp: Nơi Đức Giêsu không có dấu ấn của tội lỗi (Dt 4, 15), Ngài chỉ mặc lấy thân xác tội lỗi (similitudo carnis peccati – Rom 8, 3), vì Ngài được sinh ra bởi Đức Nữ Đồng Trinh mà không do hành vi giao cấu (theo học thuyết Augustinô: nguyên tội được lưu truyền qua hành vi giao hợp giới tính).

Aselmô Canterbury và học trò của ngài Eadner đã soạn thiên khảo luận: bản chất của Nguyên tôi được nhìn trong chiều kích khiếm khuyết ân sủng siêu nhiên, và yếu tố chất thể của nguyên tội được nhìn trong chiều kích hậu qủa mà nguyên tội gây ra. Độc lập với lý thuyết của Augustinô về lưu truyền nguyên tội qua việc sinh nở tự nhiên do cha mẹ, Anselmô bàn đến việc tồn tại hay không tồn tại của nguyên tội qua con đường sinh nở tự nhiên, như Đức Maria là trường hợp điển hình. Chủ trương như thế sẽ đưa đến vấn nạn về việc cứu chuộc phổ quát của Chúa Giêsu và việc giữ gìn Đức Maria khỏi nguyên tội được liên kết như thế nào? Thomas (Sth III q. 27 a 4) và Bonaventura thì quả quyết Đức Maria không có miễn trừ nguyên tội.

Theo Thomas việc sinh sản con người tự nhiên trong giây phút khởi sự đầu tiên chưa được phú bẩm linh hồn, mới đầu chỉ có giác hồn (hồn thực vật) và sinh hồn (hồn động vật) sau đó linh hồn mới được phú bẩm vào và làm cho bào thai mang đầy đủ nhân tính. Như vậy Đức Maria được thanh tẩy khỏi tội ngay trong lòng mẹ sau khi hồn được phú bẩm trong thân xác. Có như thế mới giải đáp được vấn nạn về sự cứu chuộc phổ quát của Đức Kitô.

Johannes Duns Scotus († 1308) trình bày lý thuyết về tiền cứu độ. Đức Kitô là Đấng Trung Gian cứu độ trọn hảo, tất cả mỗi người đều phải nhờ Người mới nhận được ơn cứu độ. Việc tôn thờ Đức Kitô sẽ không phù hợp chút nào nếu Mẹ của Người trong một giây phút nào đó đứng dưới ách thống trị của tội lỗi. Mẹ đã nhận được ân sủng thánh hoá không phải tạm thời, nhưng là thực chất của giây phút hiện hữu đầu tiên. Đức Maria cũng cần được cứu chuộc như bao người khác, nhưng trong giây phút đầu tiên hiện hữu Mẹ đã được cứu chuộc dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô và được giữ gìn khỏi ô nhơ nguyên tội (praeredemptio et praeservatio a macula peccati originalis).

1_2012-12-03.jpg


Ngày nay học thuyết Vô Nhiễm Nguyên Tội được nhìn trong một nhãn quan mới về thực tại “nguyên tội” – như là sự sắp đặt của cá nhân trong toàn thể nhân chủng xã hội, một biểu lộ của kinh nghiệm, từ một quyết định cá nhân về điều tốt hay điều xấu, thì quyết định đó luôn luôn đứng trong bối cảnh cuộc sống được ghi dấu bởi hậu qủa xấu xa do tội con người. Từ chỗ nhận thức nầy, rõ ràng Giaó huấn về việc Đức Maria được giữ gìn khỏi vương nhiễm tội truyền, không được hiểu nhằm đưa ra tiêu chuẩn để đạt tới đỉnh cao toàn thiện của con người – Maria vẫn ở trong một thực tại cuộc sống bất hạnh -, nhưng đúng hơn giáo huấn nhằm trình bày một ý định thần học trong ý nghĩa chặt chẽ: Thiên Chúa trong một giây phút đầu tiên lịch sử nẩy sinh sáng kiến cứu chuộc con người khỏi những vướng mắc bởi hậu qủa của tội gây ra. Duy từ ân sủng (sola gratia) Thiên Chúa tạo dựng nên một nòi giống nhân loại mới, nòi giống rộng mở đối với ý muốn của Người và sẵn sàng phục vụ cho chương trình cứu chuộc của Người.

Nội dung cụ thể của giaó huấn nầy qui chiếu về sự hiện hữu khởi đầu trong thời gian của Đức Maria, nhằm giải thích rằng, Thiên Chúa đã chọn Mẹ theo một một quyết định cá nhân, một sự phú bẩm, vì biết rằng Mẹ sẽ cộng tác với chương trình cứu chuộc trong sự tin tưởng phó thác của Mẹ (sola fide). Cho nên tín điều Immaculata năm 1854 có thể được nhìn lại về tước hiệu “Mẹ của những người tin”, về hình ảnh đối xứng “tiền Giáo hội – Maria”, về người phụ nữ trong Khải huyền như là hình bóng của Giáo hội … cho tới Eph 1, sự chọn lựa con người trước khi tạo thành vũ trụ, đưa tới nhận thức rằng, lòng nhân aí bao dung thì cao hơn mọi tội lỗi, ý muốn cứu độ của Thiên Chúa có từ ngàn đời, Ngài đã luôn ôm chặt lấy tất cả tội lỗi và biến đổi nó.

Tín điều 1854 đã nhấn mạnh rằng “dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô” (DH 2803) Đức Maria được gìn giữ khỏi nguyên tội, đã liên kết với công cuộc cứu cuộc phổ quát nhân loại trong biến cố Đức Kitô. Như mọi người, Đức Maria cũng cần được cứu chuộc, vì Mẹ cũng đã “tiến bước trong cuộc lữ hành Đức tin” (LG 58). Vì vậy việc tôn sùng Đức Maria như là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội đưa đến một nhận định: Mẹ như “người được cứu rỗi tiên khởi” được Chúa kêu gọi nhằm phục vụ cho ơn cứu chuộc, Mẹ phân biệt với chính Người Con của Mẹ không phải bởi thứ bậc, nhưng bởi bản thể, đời sống và số mệnh của Người Con là điều kiện của sự tồn tại Đức tin của Mẹ.

Lm. Hà Văn Minh
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 4 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa, Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco)
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012