Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Kính Mẹ Mân Côi

Kính Mẹ Mân Côi 10 years 6 months ago #50093

.
Mẹ Maria truyền lệnh cho ta
dùng phương pháp cứu rỗi là lần hạt Mân Côi

Có người chê đó là phương thế tầm thường và dễ dàng. Suy luận ấy nhắc lại câu truyện tổng tư lệnh Naaman mắc bệnh cùi được Ngôn sứ Elisê bảo : muốn được lành chỉ tắm 7 lần ở sông Hoà giang. Ông tướng khinh phương thuốc quá tầm thường, đùng đùng nổi giận ra về. Bộ hạ can: "Giá vị tiên tri bảo ngài làm một điều khó, ngài cũng phải làm, huống chi đây là một việc quá dễ." Nghe phải, ông tướng đã không cho đây là một việc quá dễ. Nghe dễ và đã được cứu hai phần hồn xác. (II Vua 5, 1-19)

Tắm sông 7 lần là việc tầm thường và hơi chán, nhưng được người của Chúa chỉ dạy đã trở nên thuốc thần. Thiên Chúa đã thường dùng nhan nhản những phương tiện quá tầm thường để làm vô số công việc tuyệt diệu.
Romano Guardini, văn hào lỗi lạc nước Đức đã viết : « Trong việc lần hạt Mân Côi, tác động lặp đi lặp lại làm cho người ta dễ rơi vào hành động máy móc và nhàm chán. Nhưng có phải bản chất của tràng hạt Mân Côi là đem đến nhàm chán không? Trước hết, nếu xét các kinh đọc, ta sẽ thấy tái hiện cả một lịch sử cứu độ... Tất cả những mầu nhiệm ấy đang được áp dụng vào ta. Ta trông ơn Chúa giúp đỡ khi sống và trong lúc chết. Rồi ta hợp với các Thiên Thần ngợi khen danh Chúa Ba Ngôi. Lời kinh nguyện của ta không bi lạc lõng trong giây phút này, nhưng cùng hoà âm với muôn vật từ khởi thủy trời đất. Và đây, cả cuộc đời Chúa Cứu Thế được tái diễn trong 20 suy gẫm vắn tắt. Ta sẽ được làm chứng cho lịch sử Cứu Độ và thông phần vào ơn Cứu Chuộc. Cách cầu nguyện cao trọng ấy mà bị ta coi thường sao ?. .. »

Khi hai người thương nhau, người ta không đem khoe tình yêu nơi công cộng. Họ không bắt nhau phải ăn ở cao sang rồi tìm những lời hoa mỹ xưng tụng lẫn nhau. Những loại tình yêu ấy, nếu có, chỉ là những thứ tình yêu giả tạo, ích kỷ và hướng về sự tan rã. Trái lại những tình yêu chân chính, họ âm thầm sống với nhau. Họ không chán phải lặp lại chữ yêu. Càng nói đến chữ yêu bao nhiêu, họ càng say sưa bấy nhiêu.

Đối với Đức Maria là Mẹ ta, một người Mẹ yêu thương và quyền thế, làm sao ta có thể nhàm chán khi nhắc đến tên Mẹ, đến tước hiệu của Mẹ và tình yêu Mẹ? Vậy lý do sâu xa làm ta không quí trọng lối cầu nguyện do Mẹ chỉ dạy đúng là vì ta thiếu tình yêu đối với Mẹ, ta chưa học hiểu đủ về Mẹ, ta chưa hiểu được bản chất cao sang đích thực của con người được tiêu biểu nơi Mẹ và nơi Con Mẹ.

Giai thoại
Hai Ấn kiều thọ ân Mẹ La Vang


Cha Giuse Trần Văn Trang là một linh mục nhân đức và học biết rộng. Ngài là tác giả nhiều sách tương đối giá trị, một trong những vị đã từ đầu có công lưu bút tích về Đức Mẹ La Vang. Sau Giáo Sĩ Bomin, tác giả những dòng lịch sử La Vang đăng trong Niên sử Truyền Bá Đức Tin năm 1901, cha Trang đã viết cuốn « Tự tích tôn kính Đức Mẹ La Vang », xuất bản năm 1923 tại Qui Nhơn. Ngài đã kể lại nhiều ơn lạ mà Đức Linh Mẫu ở Núi Đồi Việt Nam, đã ban cho nhiều người. Theo ngài, sau đây là những ơn lạ đã được ban cho hai người Ấn Độ.
Đầu năm 1922, ông Lesages, quán ở Pođichéry thuộc Ấn Quốc, được bổ nhiệm đến Sở Quân Thuế An Thành, gần Huế. Hai vợ chồng Lesages rất đạo đức, ngoài tập quán lần hạt Mân Côi hằng ngày còn có thói quen mời các linh mục Việt Nam và ngoại quốc lân cận đến dùng cơm tại nhà.

Ngày kia, trong số thực khách có cha già Luận. Ông bà Lesages đến cúi đầu xin cha đáng kính cầu nguyện cho được sinh con vì là vợ chồng son, trên mười năm rồi. Cha Luận hứa sẽ cầu nguyện và khuyên ông bà nên cầu cùng Đức Mẹ La Vang ban cho ơn ấy. Hai ông bà hành hương đến nơi linh địa cầu xin ban cho ơn lạ. Đức Mẹ nhậm lời... Độ nửa tháng sau, một người đồng hương và bạn thân Lesages là ông S. Sanjivy đến thăm. Bấy giờ ông này giữ chức lục sự Toà án Đà Nẵng. Ông bà kể cho khách ơn lạ Đức Mẹ La Vang đã ban và ca ngợi sự linh ứng của Đức Trinh Nữ ở chốn Núi Đồi Việt Nam.

Ông S. Sanjivy chăm chỉ nghe. Hiện ông đang phải bối rối như tơ vò, vì đang là nạn nhân của một vụ kiện lớn. Nếu ông không được trắng án trong vụ tố tụng này, ông phải mất chức, bị nhục nhã và tương lai sẽ vô cùng đen tối. Chính ông chánh án cũng bảo trước: «Nếu ông bạn không khéo biện bác và để người ta chứng minh đủ bằng cớ thì dù tôi là bạn đồng nghiệp cũng không cứu nổi ».

Ông S. Sanjivy liền nài nỉ bạn lần hạt cầu nguyện và dẫn mình đến La Vang để xin ơn cứu thoát đại họa.
Một toán 5 người Ấn Kiều và đoàn tùy tùng ăn mặc sang trọng đã đến nơi linh địa. Cha Bạch và cha Chuyên đã tiếp đón phái đoàn hành hương ngoại quốc này. Phái đoàn đến quì dưới chân Đức Mẹ xuất hiện và cầu nguyện rất sốt sắng. Vài ba tháng sau, ông Lesages, ông bà S. Sanjivy đem vô số đèn nến tới nhà thờ thắp sáng choang để tạ ơn Đức Mẹ.

Ngày hôm sau, ông S. Sanjivy thân hành đến gặp cha Trang, bấy giờ làm chánh xứ Phú Ngấn, xin dâng 5 đồng làm lễ tạ ơn Đức Mẹ La Vang (5 đòng năm 1922 có lẽ mua được 2 lượng vàng).
Người Ấn thuật lại đầu đuôi sự việc cho cha nghe như đã kể trên và kết luận :
- Thật con đã nhờ ơn Đức Mẹ La Vang mà khỏi bị án một cách lạ lùng. Nếu không, con đã bị thải hồi và phải vô cùng nhục nhã. Vậy xin cha dâng lễ tạ ơn Đức Mẹ cho con.
Sau đó ông S. Sanjivy xin cha Trang một bản lịch sử La Vang để phổ biến bằng ngoại ngữ.


Lời nguyện

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, xin giữ trong con một tâm hồn trẻ thơ tinh tuyền trong suốt như một dòng suối. Xin đem đến cho con một tâm hồn đơn sơ, không vướng mang chất chứa sầu muộn. Một tâm hồn cao đẹp để hiến dâng, luôn rộng mở cho cảm thông nhân ái. Một tâm hồn trung tín quảng đại, không hay quên bất cứ việc thiện nào, không oán hờn dẫu mảy may sự ác. Xin cho một tâm hồn dịu hiền, khiêm nhượng, biết yêu thương không mong chờ đáp trả. Vui sướng để được xoá mờ nơi con tim bằng hữu, trước tình yêu Con Chí Thánh Mẹ. Một tâm hồn bao la và bất khuất, không một vô ơn nào đóng lại, không sự thờ ơ nào làm chán nản. Một tâm hồn say đắm vinh quang Chúa Kitô, nứt rạn vì tình yêu Ngài, và vết thương chỉ được hàn gắn khi lên đến trời.


ST gđ LâmBích
Last Edit: 10 years 6 months ago by Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

Kính Mẹ Mân Côi 10 years 6 months ago #49824

Luôn luôn đọc kinh Mân Côi
cả khi thấy khô khan hay chia trí.

Như đã trình bày ở trên, phương thức đọc Kinh Mân Côi là :
• Phải cố gắng đọc Kinh ngoài miệng.
• Đồng thời suy niệm các mầu nhiệm trong chuỗi Mân Côi.

Điều kiện 1 tương đối dễ, vì chỉ cần đọc khoan thai, rõ ràng và ý thức ý nghĩa. Tuy nhiên linh mục Cangardel, tác giả tập sách Bệnh Nhân Đến Lộ Đức xác định : « Tư tưởng ta không cần tiến theo nhịp của làn môi ».

Điều kiện 2 tương đối khó vì đòi phải cầm trí suy nghĩ những mầu nhiệm và quyết noi theo gương Chúa và Đức Mẹ đã nêu lên.

Việc suy niệm này tùy hoàn cảnh, khả năng và trình độ của mỗi người. Chúng ta nhớ lời Thánh Tiến Sĩ Bônaventrua : « Một bà già quê mùa có thể yêu mến Chúa hơn một tiến sĩ thần học ». Có người khi thấy khô khan, có kẻ không thể cầm trí, liền ngã lòng không đọc Kinh Mân Côi nữa, vì nghĩ rằng có đọc cũng uổng công vô ích. Nghĩ vậy thật lầm. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XIII trong Hiến chế Pretious ngày 13.5.1727 đã tuyên bố: «Đối với những người không có khả năng suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi thì lần chuỗi sốt sắng cũng đủ ».

Thêm một tiếng nói có thẩm quyền nữa của người thừa hưởng gia nghiệp Thánh Đaminh, linh mục Alain de Rupert, ngài viết : « Có một người ngoan đạo, đã bỏ đọc Kinh Mân Côi trong một thời gian, vì thấy mình khô khan đãng trí, không thể suy niệm những mầu nhiệm như ý muốn. Đức Mẹ hiện ra cho đương sự và minh giải cho ông đừng lầm nghĩ như vậy và cứ tiếp tục đọc Kinh Mân Côi dù thấy khô khan hay đãng trí. Trường hợp đọc kinh không sốt sắng như vậy mà cố gắng đọc, công đức lại càng lớn hơn. Vì Đức Mẹ càng lưu ý đến lòng thành thực và sự cố gắng của ta ».

Giai thoại
Các danh nhân lần hạt Mân Côi

Có rất nhiều danh nhân hết sức tôn sùng Kinh Mân Côi, dù bị cám dỗ có rất nhiều giai thoại về niệm châu của vô số danh nhân, nhưng xin hạn chế sau đây một ít mẫu điển hình.

• Đức Lêô XIII, một vị Giáo Hoàng vĩ đại, mỗi khi thư thả, cầm chuỗi lần hạt ngay. Ngài khẳng định: «Muốn được ơn soi sáng để điều khiển Giáo Hội, phương phán linh nghiệm hơn cả là đọc Kinh Mân Côi ». Có ai bù đầu cho bằng ông vua của thế giới đạo? Thế mà Đức Piô XI cũng tìm ra được thời giờ để mỗi ngày lần 3 chuỗi. Bởi vậy Ngài phải thức ngày nào cũng quá nửa đêm. Ngài tuyên bố: «Ngày nào không đọc hết Kinh Mân Côi, ngày đó coi như vô ích ».

• Đức Piô XII khi đi dạo trong thượng uyển Vatican, được Đức Mẹ Mân Côi cho thấy phép lạ cả thể mặt trời liên tiếp trong 3 ngày. Vị Giáo Hoàng được toàn thể thế giới khâm phục này nhiều lần qui tụ cả thiếu nhi La Mã đến điện Vatican quỳ chung quanh Ngài đọc Kinh Mân Côi. Khi Ngài băng hà, người ta quấn tràng hạt Ngài thường dùng vào tay để nói lên ý chí dù sống dù chết, Ngài không rời tràng hạt thân yêu.

• Ông Franco, quốc trưởng Tây Ban Nha, trước khi giải quyết một vấn đề quan trọng, đến lần hạt trong nguyện đường riêng.

• Ông Nguyễn Hữu Bài, Thượng Thư Bộ Lại, tương đương với thủ tướng Việt Nam, ngày nào cũng lần hạt Mân Côi.

• Tổng Thống Ngô Đình Diệm, khi còn là Phủ Trưởng Hải Lăng, thường đi chân không hành hương đến La Vang, lần nhiều chuỗi mới về.

• Thi sĩ Hàn Mặc Tử, tại nhà thương phung Qui Hoà luôn luôn lần hạt và đã ca tụng Mẹ bằng một kiệt tác Ave Maria.

• Thánh Tôma và Bônaventura là 2 vị tiến sĩ lừng danh thời Trung Cổ ngày nào cũng trìu mến lần chuỗi. Thánh Phanxicô Khó Khăn, bạn thân của Thánh Đaminh cũng vậy.

• Linh Mục Olier sáng lập và tiên khởi Giám Đốc chủng Viện Xuân Bích, Đức Hồng Y Bác Học Bêruyn (Bérulle), đại danh Fénelon và nhà Hùng biện lỗi lạc Bossuet lần hạt hằng ngày để được thần lực và soi sáng.

• Các thân nhạc Haydn và Mozart tìm nguồn hứng trong bí quyết Mân Côi.

• Ông Bùi Tuân, Dân Biểu Quốc Hội trước đây, là 1 nhà văn thánh thiện. Sau khi trở lại là 1 tông đồ nhiệt thành bằng ngòi bút. Một hôm nhà thơ Ái Thần đến thăm ông ở Bồng Sơn. Hai bạn văn, để tỏ tình thân mật, cùng ngủ chung một giường. Ái Thần từ Huế vào mệt, ngủ giấc dài, thức dậy vẫn thấy Bùi Tuân quỳ trong mùng lần hạt. Đồng hồ điểm 12 tiếng.

Lời nguyện
Lạy Mẹ, những gương tôn sùng Kinh Mân Côi mãnh liệt quá, hấp dẫn quá, không thể không lôi kéo mạnh chúng con được. Chúng con nguyện luôn luôn dâng lời chào Mẹ.

Cả khi khô lá úa,
cả khi trí loãng mây trôi,
cả khi lòng bạc như vôi:
có Mẹ lưu ý đủ rồi !


*ST gđ Lâm Bích
Last Edit: 10 years 6 months ago by Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đỗ Thanh

Kính Mẹ Mân Côi 10 years 6 months ago #49795

Ngày 11-10
Phương thức lần hạt Mân Côi

Kính Mừng Maria hay Ave Maria, hay như Hàn Mạc Tử : « Tấu lạy Bà đầy ơn phước cả... »
Chúng ta Kính Mừng Mẹ :
Với Thiên Sứ Gabriel khi Truyền Tin : Kính Mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà.

Với Dì họ của Mẹ là Isave khi thăm viếng : Bà được chúc phúc hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà được chúc phúc.

Chúng ta kêu chức năng Mẹ đối với trái tim Con Mẹ: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời:

Chúng ta chắc chắn được Mẹ ân cần thương giúp : cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này.
Chúng ta hy vọng được hạnh phúc hứa ban về sau : và trong giờ lâm tử, Amen.

Đọc đi đọc lại những lời Kinh Kính Mừng đó, những Tấu Lạy Bà đầy ơn phước cả đó, làm sửng sốt một đôi người. Lời nguyện khiêm tốn, đơn sơ gồm những danh từ được tái tụng không nhàm chán, giống như đường canh, xuyên qua đó thốt lên tình yêu mến và tin cậy của ta, cả những khi ta thấm mệt hoặc quặn đau.

Niệm châu - đọc Kinh Kính Mừng cũng gọi là niệm châu, vì đọc những lời quí báu như phun châu nhả ngọc - niệm châu thôi, ta chưa cho là đủ. Ta còn suy gẫm các mầu nhiệm nghĩa là những biến cố trọng đại trong đời sống Chúa Giêsu và đời sống Mẹ Maria.

Như vậy, tràng hạt Mân Côi làm ta sống lại trong 200 Kinh (4 chuỗi, không cần đọc liên tục), sống lại những giai đoạn của đời Mẹ lẫn Con, từ những niềm vui Giáng Sinh đến vinh quang Thiên Đàng qua cuộc đời rao giảng và đau khổ Thương Khó. Vì cuộc đời Đức Trinh Nữ, do nhiều khía cạnh, giống như đời ta, lẫn lộn vui tươi và đau khổ. Chuỗi Mân Côi giúp ta bất cứ thống khổ nào cũng như bất cứ hoan lạc nào cũng có thể thánh hóa được. Với những mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, và Mừng, tiến từ đau khổ đến vinh quang, từ sự chết đến sự sống lại, từ đời sống chóng qua đến đời sống bất diệt, ta biết nhìn đời ta và những sự xẩy ra hằng ngày dưới ánh sáng kế hoạch của Thiên Chúa liên quan đến ta và liên quan đến thế trần.

Chúng ta phải lần chuỗi sốt sắng. Về vấn đề này, một ngày kia, Đức Mẹ tâm sự với chân phước Olali (Eulalie) : Ngài thích một chuỗi sốt sắng và lần khoan thai hơn là ba chuỗi đọc hấp tấp và không tâm thành. Bởi vậy, tốt hơn hết là quỳ gối mà lần hạt trước một ảnh Đức Mẹ. Cũng xin lưu ý là lần chuỗi chung tốt hơn lần riêng.

Giai thoại
Nghi chồng ngoại tình, tự sát

Câu chuyện thật lạ lùng sau đây do Thánh Anphongsô trích trong quyển Kho Tàng Mân Côi của Đaminh Riera. Các tác giả Auriemma và Andrađa cũng thuật truyện này.

Một nhà quí phái hết lòng sùng kính Đức Mẹ, đã thiết kính trong nhà (khu nhà rộng mênh mông) một nguyện đường nhỏ và chưng một tượng Đức Maria thật diễm lệ. Trước tượng Mẹ, ông mải miết cầu nguyện, không những ban ngày mà cả ban đêm, ông cũng gián đoạn giấc điệp để đến lần hạt, đọc kinh tôn vinh Nữ Vương vô vàn kính yêu.

Bà vợ ông - vốn là người thật nhân đức - nhận thấy những lúc đêm vắng canh chầy, đức lang quân thức dậy đi đâu và chỉ về ngủ lại sau một thời gian thật dài. Nàng nghi và ghen dữ dội. Ngày kia, để nhổ cái gai mãi châm chích mình, nàng đánh bạo hỏi chồng có yêu ai ngoài nàng không.

Ông mỉm cười đáp : « Em biết là anh có yêu một bà khả ái nhất thiên hạ. Anh đã dâng cả trái tim cho bà và thà chết chẳng thà không yêu bà ». Chàng muốn nói Đức Trinh Nữ và lòng trìu mến Ngài. Nhưng vợ chàng nghĩ chắc và muốn xác định cho rõ, hỏi thêm: "Có phải để đến với bà đó, mà đêm nào chàng cũng đi không?" Chàng trả lời phải, và không ngờ lời mình đã gieo thác loạn vào tâm can người đàn bà khổ đã lầm nghĩ, càng nghĩ càng mạnh hơn. Máu ghen sôi lên làm mờ ám, khiến một đêm kia, khi chồng thức dậy đi như thường lệ, nàng chụp lấy con dao cắt cổ chết tươi.

Anh chàng công tử sau khi đọc kinh lần hạt, về ngủ lại và thấy giường đẫm ướt. Chàng gọi vợ, vợ không đáp, chàng cầm vai lắc, vợ bất động. Thắp đền, chàng thấy máu me lênh láng, vợ bị cắt cổ chết. Chàng hiểu vì ghen, nàng tự sát. Chàng vội vã trở lại nguyện đường, khóc như mưa như gió và bập bẹ: "Lạy Mẹ, Mẹ biết con đau khổ biết chừng nào. Nếu Me không an ủi con, con biết chạy đến cùng ai ? Mẹ thấy rõ là nếu con không đến đây lần chuỗi, đọc kinh kính Mẹ, âu là vợ con đã không chết và mất linh hồn. Mẹ, Mẹ có thể bồi thường cho con tai ương khủng khiếp đó, Mẹ làm đi, Mẹ, con khẩn khoản xin Mẹ thương con ».
Người công tử chưa dứt lời nguyện, một tớ gái chạy đến bảo chàng trở về phòng vì bà nhà đang gọi. Nhưng ông không thể tin được diễm phúc đó và bảo người nữ tỳ :
- Em chạy về xem thật quả bà nhà có gọi anh không.

Thiếu nữ chạy đi và trở lại thưa :
- Ông về gấp, bà nhà đang đợi.

Chàng chạy, bay về phòng và bà vợ phủ phục xuống chân chàng, dầm dề châu lụy và rối rít xin chàng tha thứ và thêm :
- A, anh yêu dấu ! Đức Mẹ Chúa Trời vừa cứu em khỏi hoả ngục !

Hai vợ chồng giàn giụa nước mắt sung sướng và biết ơn, vội vã đến nhà nguyện phủ phục suốt đêm dưới chân « Bà khả ái nhất thiên hạ ».
Sáng hôm sau, họ mời thân bằng quyến thuộc đến dự tiệc. Bà chủ nhà kể lại đầu đuôi câu chuyện và đưa cổ để mọi người xem dấu sẹo khi tự sát.

Người nào cũng thấy lòng mình dạt dào tình mến yêu Đức Trinh Nữ và quyết đọc Kinh lần hạt nhiều hơn nữa để tăng trưởng lòng mến Mẹ.
Lời nguyện
Kính Lạy Mẹ Mân Côi, xin cho chúng con cũng có được quyết tâm như vậy.


*ST gđ LâmBích
Last Edit: 10 years 6 months ago by Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012