Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Trái tim Mẹ sẽ thắng

Trái tim Mẹ sẽ thắng 7 years 6 months ago #61653

Đức Mẹ Măng Đen

  • Hôm nay cha Thomas Nguyễn Văn Thượng-Giám Đốc Chủng Viện Thừa Sai đưa mình đi kính viếng Đức Mẹ Măng Đen cách Pleiku khoảng 90 km về hướng Đông Bắc. Từ Pleiku phải lái xe qua thành phố Kontum khoảng 45 phút, rồi theo quốc lộ 24 khoảng một giờ nữa, sau đó rẽ trái lên đồi khoảng 15 phút sẽ tới Đức Mẹ Măng Đen. Gọi là Măng Đen vì đây là thôn Măng Đen thuộc xã Dak Long, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Trụ sở huyện Kon Plong được xây dựng ngay đối diện với tượng Đức Mẹ Măng Đen bên kia đường, cách thành phố Kontum khoảng 50 km.

    Năm 1971, cha Giuse Nguyễn Minh Công đưa tượng Đức Mẹ này lên thôn Măng Đen bằng trực thăng. Lúc bấy giờ việc xây dựng tượng đài Đức Mẹ ở đây có tác dụng như một tiền đồn heo hút giữa lòng VC, vì tất cả người dân tộc H’re ở quanh đây đều là du kích. Họ đã sống ở đây từ bao đời nên rất thông thạo đường rừng, con suối, núi cao, thung lũng sâu; họ du canh, du mục ở nơi rừng núi bạt ngàn này, mỗi nơi họ ở chừng vài ba năm rồi đi nơi khác, sau nhiều năm có khi họ lại trở về nơi cũ. Chính họ cùng với bộ đội chủ lực chủ động chiến tranh ở phần lớn vùng đất Tây Nguyên này, quân đội miền Nam phải hy sinh rất nhiều xương máu mới giữ được các khu vực ở thành phố và một số vùng giáp ranh. Từ thành phố Kontum nếu theo quốc lộ 14 đi khoảng 45 km về hướng Tây Bắc sẽ tới đồi Charlie, nơi trung tá Nguyễn Đình Bảo cùng hơn 400 sĩ quan, binh sĩ tiểu đoàn 11 nhảy dù đã hy sinh vào Tháng Tư năm 1972.Tượng Đức Mẹ ở thôn Măng Đen cao khoảng một mét, có dáng dấp như tượng Đức Mẹ Fatima: tay phải đưa cao trước ngực, tay trái hơi thấp xuống, xâu chuỗi mân côi treo giữa hai bàn tay. Tượng được đúc bằng bê tông cốt sắt đặt trên một cái đế bằng xi măng cao khoảng hơn một mét phủ đá cuội thô sơ.

    Năm 1974, trong một trận chiến khốc liệt giữa hai bên, tượng Đức Mẹ bị giật sập nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Tượng bị bỏ hoang giữa rừng Măng Đen suốt thời gian sau giải phóng!! Đến năm 1980 một số cư dân phát hiện tượng này nằm lăn lóc giữa rừng nhưng họ là những người ngoại đạo nên chẳng ai quan tâm! Khốn thay, vào năm 1987, không biết ai đó đã chặt đầu Đức Mẹ và chặt cả hai tay đến gần khuỷu tay! Tượng đã bị bỏ hoang, nay lại bị mất đầu, mất cả hai tay nên lại càng bị bỏ phế!

    Năm 2002, huyện Kon Plong được thành lập, trụ sở huyện được xây dựng ngay tại thôn Măng Đen, đối diện với tượng Đức Mẹ chẳng ai đoái hoài đến! Tượng Đức Mẹ lúc này vẫn mang thương tích vì chiến tranh, bị tàn phế vì những người vô tâm, nằm hiu quạnh giữa rừng vì những người nguội lạnh.

    Theo quy hoạch của tỉnh Kontum, quốc lộ 24 được nới rộng và nối liền hai khu căn cứ địa cách mạng: từ huyện Mộ Đức thuộc tỉnh Quảng Ngãi kéo dài tới thành phố Kontum. Trên bản đồ quy hoạch, con đường này vô tình đâm thẳng vào tượng Đức Mẹ đang nằm. Năm 2004 quốc lộ 24 thi công tới khu vực này. Theo người dân tại đây kể lại, khi xe ủi, xe máy xúc và các loại cơ giới khác thi công làm đường tới cách Đức Mẹ khoảng 500 mét thì các xe đều chết máy! Họ chẳng hiểu vì sao?! Toàn bộ sự việc được báo cáo về tỉnh. Tỉnh xuống xác minh vụ việc và đành vẽ lại con đường đi sát vào mặt tiền trụ sở huyện Kon Plong. Phải như vậy các xe thi công mới làm đường lại bình thường được!
    Cùng năm đó, một người công giáo tên Hoàng có lòng yêu mến Đức Mẹ, tìm thấy tượng này, đã cố công phục chế đầu và hai tay Đức Mẹ. Anh không phải là nhà điêu khắc, cũng chằng phải là một nghệ nhân, anh chỉ ra sức phục hồi tượng Đức Mẹ vì lòng yêu mến! Kết quả là, Đức Mẹ Fatima nay có khuôn mặt của một người phụ nữ dân tộc thiểu sốTây Nguyên bình dị, nhưng còn hai tay thì anh không thể làm được.

    Chuyện các xe cơ giới bị chết máy khi thi công làm đường và chuyện anh Hoàng gắng công phục chế đầu và hai tay Đức Mẹ nhưng không thành công nhanh chóng lan truyền trong dân gian. Tháng 8 năm 2006, một người công giáo khác tên Lâm vô tình nghe được câu chuyện hào hứng này, anh nhất quyết tìm đến tận nơi để nhìn thấy tận mắt tượng Đức Mẹ và con đường làm lại này. Biết được mọi việc, anh bèn về trình bày lại tất cả với Tòa Giám Mục Kontum. Ngày 28 Tháng 12 năm 2006, đoàn Giám Mục Giáo Phận Kontum do chính Đức Cha Michae – Giám Mục Chính Tòa dẫn đầu đã đến tận nơi xem xét bức tượng và quan sát toàn thể khu vực; và cho người xây dựng một bệ nhỏ thô sơ khoảng chừng 7 mét vuông có hai cầu thang 4 bậc lên xuống và dựng tượng lên. Trở về, hội thảo và cầu nguyện, bàn bạc và tĩnh tâm, đúng một năm sau, ngày 09 Tháng 12 năm 2007, Đức Cha Michae Hoàng Đức Oanh, các linh mục, tu sĩ cùng hơn 2000 giáo dân đồng loạt đến Măng Đen. Đức Cha Michae dâng Thánh Lễ tạ ơn Đức Mẹ và thành lập Trung Tâm Hành Hương; ngày 09 Tháng 12 hằng năm trở thành ngày Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen!

    Số người đến cầu nguyện ngày càng nhiều, hơn một nửa là người ngoại giáo. Các quan chức chính quyền cũng thường hay đến đây khấn vái vào các buổi chiều sau giờ làm việc. Việc phục chế khuôn mặt và hai tay của Đức Mẹ đối với các nhà chuyên môn thì chỉ là chuyện vặt, thế nhưng quan trọng hơn lại là tấm lòng của những người đến khấn và nhất là tâm tình của đông bào các sắc tộc: họ muốn Đức Mẹ inri vậy. Họ thích ngắm nhìn Đức Mẹ có khuôn mặt bình dị giống họ! Họ thích Đức Mẹ mang thương tích giống như họ! Họ thích Đức Mẹ cụt hai bàn tay giống như con cháu của họ đang bị bệnh cùi! Họ nhìn Đức Mẹ như nhìn thấy chính họ: đau xót, bệnh tật, áo và chân lem luốc! Đức Mẹ Măng Đen gần gũi với họ: có thể chia sớt, cảm thông với họ những thiếu thốn, những nghèo đói, những tật nguyền, những cô đơn của thân phận con người; đối với đồng bào các sắc tộc thiểu số, Đức Mẹ Măng Đen là hiện thân của chính họ vì bị bỏ rơi và khinh rẻ!

    Xin Đức Mẹ tiếp tục ra tay để nơi Đức Mẹ ngự được đẹp đẽ, khang trang hơn!

  • Chủng Viện Thừa Sai Kontum, ngày 16 tháng Tám, năm 2016

    Đứa Con Trở về
    Gioan Baotixita Vũ Mạnh Luân
    Last Edit: 7 years 6 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
    The administrator has disabled public write access.
    The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 33, Dương Văn Hoằng (Don Bosco)

    Trái tim Mẹ sẽ thắng 7 years 6 months ago #61651

    .
    "TRÁI TIM MẸ SẼ THẮNG…"


    Cách đây đã gần 30 năm, người dân đi rừng ở thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kontum, phát hiện ra một pho tượng Đức Mẹ bị cụt đầu và gãy tay, rồi những người dân nghèo đến với pho tượng đau thương này cầu nguyện, họ được ơn nên tin tức loan dần ra. Ngày một đông người đến viếng và xin ơn, Đức Cha Giáo Phận cùng các Linh Mục vào cuộc, giúp cho những người hành hương các Bí Tích cần thiết khi họ đến với pho tượng được gọi tên là Đức Mẹ Măng Đen kỳ lạ này. Lịch sử bản thân pho tượng đã là một chuyện kỳ thú, mà diễn tiến việc khám phá ra cũng như nỗ lực bảo vệ pho tượng lại càng nhiều tình tiết hấp dẫn. Khi nào có dịp chúng ta sẽ trở lại với những kỳ thú này…

    me.png

    Khi tổ chức các buổi lễ kính viếng Đức Mẹ Măng Đen, những ngưới có trách nhiệm lắp chiếc đầu bị cụt của tượng Đức Mẹ vào và lắp cả hai cánh tay bị gãy vào nữa, thậm chí còn sơn tượng cho tương đối đẹp và hoàn chỉnh. Nhưng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược, có người chỉ đồng ý lắp đầu của tượng thôi, còn tay cứ để gãy như vậy, ngay cả việc sơn lại tượng cũng bị phản đối.


    Một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện, ngày hành hương đến, người ta bày hai loại hình, một bên là hình tượng Đức Mẹ được lắp đầu vào, không có tay và không sơn mới, một bên là tượng Đức Mẹ đã được lắp lại hết các phần bị gãy và sơn lại cho tương đối dễ coi. Kết quả bất ngờ: dân chúng, đa phần là anh em các dân tộc trong Giáo Phận đã chọn hình tượng chỉ có đầu, không có tay và không sơn mới. Anh em cho biết: “Đây mới chính là Mẹ của chúng tôi !” Họ là những người nghèo, những người không son không phấn, không quần áo bảnh bao, không lành lặn cơ thể vì tật nguyền, không mạnh khỏe vì bệnh tật, không ngẩng cao đầu được vì bị loại trừ khinh chê, họ cùi, họ lở, họ đói và họ khát…


    Măng Đen ngày một đông người kéo đến, dĩ nhiên là đủ mọi loại khách, nhưng đông nhất vẫn là những đoàn người anh em dân tộc lầm lũi gánh gùi đến với Mẹ, nhìn cái cách họ đi, cách họ ăn mặc và cả bữa cơm bọc lá chuối chấm với muối hột cả nhà quây quần cùng ăn, chúng ta nhận ra ngay tại sao họ lại chọn hình ảnh bức tượng gãy tay và không sơn mới lại. Họ nhận ra Mẹ ở với họ, chia sẻ với họ, giang tay đón nhận họ, gần gũi thân quen với họ, có thể nói họ nhận ra họ trong hình tượng Mẹ như thế. Người anh em dân tộc không lý luận quanh co, không “chẻ sợi tóc ra làm tư”, nhưng sống theo cảm xúc, chân thật và trong suốt. “Mẹ của chúng tôi”.



    Những nhận xét và suy tư trên đây cho chúng ta thấy, Đức Maria đươc ban cho nhân loại với tư cách là Mẹ của nhân loại, làm Mẹ của nhân loại, nên Mẹ thuộc về nhân loại, gắn bó với nhân loại, sống chết với nhân loại này.


    meFati.jpg


    Cách đây tròn một thế kỷ, năm 1917, Mẹ hiện ra ở Fatima với thông điệp: Ăn năn sám hối quay trở về với Chúa – Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ – Siêng năng lần hạt Mai Khôi, với lời hứa “Trái Tim Mẹ sẽ thắng và nước Nga sẽ trở lại”. Bầu khí chiến tranh dạo ấy bao trùm và nổ ra khắp nơi trên thế giới, thế chiến thứ nhất và thứ hai lần lượt nối tiếp nhau giết hại nhân loại, rồi sau đó là chiến tranh lạnh đối đầu giữa hai khối tư bản và cộng sản…



    Bọn trẻ chúng tôi được giáo dục cầu nguyện theo “mệnh lệnh Fatima”, không chỉ tiếng kinh cầu râm ran khắp các Xóm Đạo, nhưng những thực hành hãm mình hy sinh, những cuộc sám hối thật sự được thường xuyên nhắc nhở và thực hiện. Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam chia đôi, tiếng bom đạn thường xuyên vọng về qua các xóm làng, phố phường, từng lớp thanh niên lên đường cùng với từng chuyến xe tang lẳng lặng đi xuyên thành phố. Và rồi nước Nga đã trở lại thật, khối cộng sản Đông Âu tan vỡ hoàn toàn, các nước trong liên bang Xôviết được độc lập và theo đuổi chủ nghĩa phát triển.


    Còn chúng ta thì sao, tại sao chúng ta không tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa việc cầu nguyện và thực hành các “mệnh lệnh Fatima”, chúng ta có tin “Trái Tim Mẹ sẽ thắng” không ? Tại sao chúng ta không cầu nguyện cho những người vô thần được ơn trở lại ? Thứ Sáu Tuần Thánh, chiêm ngắm Chúa Giệsu trên thập giá, Hội Thánh chẳng cầu nguyện cho họ đó sao ? Tại sao chúng ta không tiếp tục một cách nhiệt thành lời cầu nguyện ấy trong đời sống hàng ngày của chúng ta ? Thiết tưởng đã đến lúc cần phải nhắc lại sứ điệp Fatima một cách cụ thể, hội nhập và thời sự, đã đến lúc phải nhắc nhau thực hành sứ điệp ấy.



    Năm 2017, đúng 100 năm sứ điệp Fatima được ban hành. Mẹ của chúng ta không thờ ơ, không đứng xa, không vô cảm với chúng ta, với thời cuộc, Mẹ đang chờ và mong muốn chúng ta thực hiện để “Trái Tim Mẹ sẽ thắng – anh em vô thần sẽ trở lại”. Hãy thực hành ngay “mệnh lệnh Fatima”.



    Lm. VĨNH SANG, DCCT,


    ngày Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, 15.9.2016
    The administrator has disabled public write access.
    The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 33, Dương Văn Hoằng (Don Bosco)
    • Page:
    • 1


    VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012