Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Thực hư chuyện "nàng thơ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Re: Thực hư chuyện "nàng thơ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử 12 years 2 months ago #2139


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Thực hư chuyện "nàng thơ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử (2)

hmt32.jpg

Phần Mộ Hàn Mặc Tử


[/b] Mối tình đầu với Kim Cúc thì nàng đã quy y, còn Mộng Cầm đã có một mái ấm gia đình, chỉ còn lại Hàn Mặc Tử với cái án tình đau đớn và sự dày vò của bệnh tật.

Nhưng trong thời khắc cô đơn ấy, nàng Mai Đình đã bất chấp căn bệnh của Hàn Mặc Tử, dành cho chàng một tình yêu say đắm. Tình yêu ấy đã sưởi ấm tâm hồn vốn mong manh, yếu đuối của thi sĩ.

Hàn Mặc Tử từng “trốn” Mai Đình

Mai Đình không chỉ là “nàng thơ” đơn thuần qua vọng tưởng như Thương Thương, mà nàng còn là một người bạn, một người si mê thơ Hàn và yêu chàng say đắm. Nàng được những người yêu thơ Hàn Mặc Tử ví như nàng tiên có tâm hồn nhân ái khôn cùng, bởi nàng đến và dành tình yêu cho chàng đúng vào thời điểm mà không ít người xa lánh bởi căn bệnh cùi quái ác.

Mai Đình vốn gốc Thanh Hóa, vào Sài Gòn lập cư. Gia đình đã tạo cho nàng nghề dạy nữ công gia chánh. Làm cô giáo nữ công ở các trường tư thục, giàu sang không nói tới nhưng đồng lương của nàng cũng đã gấp đôi, gấp ba đồng lương công chức trung cấp. Cho nên cái chuyện ra vô Quy Nhơn – Sài Gòn để thăm Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử) là chuyện “êm xo” với nàng.

Mai Đình và Hàn Mặc Tử


Mai Đình đã mê thơ Trí từ lâu nhưng chỉ đến khi được Quách Tấn giới thiệu, Mai Đình mới quen Trí. Khi ấy, Trí đã bắt đầu có biểu hiện bệnh cùi. Tuy biết thế nhưng Mai Đình vẫn chẳng sợ sệt gì. Nàng vẫn tới Quy Nhơn mong gặp Trí. Song, cái lần đầu tiên ấy thật buồn. Trí đã lánh mặt nàng do mặc cảm về bệnh tật. Thi sĩ chỉ gửi tặng nàng tập thơ “Gái quê” và bài thơ “Lưu luyến”. Nàng lần giở sổ ra, nét chữ Trí vẫn còn nguyên đây, như có cả hình ảnh Trí đang ngâm thơ:
“Chưa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
Hồn anh đã nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì...

Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu
Những áng mây lam cuốn dập dìu
Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả
Những niềm run rẩy của đêm yêu.
Anh đứng cách xa hàng thế giới
Lặng nhìn trong mộng miệng em cười0
Em cười anh cũng cười theo nữa
Để nhắn hồn em đã tới nơi”.


Nhưng, có lẽ sự trốn tránh của thi sĩ và bài thơ đắm đuối ấy khiến nàng thực sự đem lòng yêu Trí chứ không chỉ dừng ở tình yêu qua những vần thơ. Tiếng sét ái tình đã đánh gục nàng. Nàng như cô gái của một thời mới được yêu.

Cuối cùng rồi nàng cũng gặp được Trí. Con đường Odend’Hael của thành phố biển nhỏ xinh đã chứng kiến bao lần cuộc hội ngộ của một người đàn bà si mê với chàng thi sĩ đang phát chứng bệnh nan y. Mai Đình bất chấp tất cả. Chỉ cần được gặp anh, gần anh, nghe anh ngâm thơ, thế là đã quá đủ. Nàng không cần nhìn thấy cái bề ngoài tật nguyền đang dần che khuất anh. Nàng đơn sơ thành thật, không hề khách sáo, không hề tự ái. Cuộc đời “phiếm thủy đào hoa” của nàng đã quá nhiều trôi nổi, nên đến với mối tình này, nàng không thấy có gì phải e dè cả. Nàng đã mở hết lòng mình với Trí. Mùa hè năm 1938, sau khi từ Sài Gòn trở vào Gò Bồi, Quy Nhơn, nàng ở lại trong chòi tranh chăm lo thuốc thang, cơm nước cho Trí. Mai Đình không hề ngần ngại bệnh tật hay điều tiếng dư luận mà hết lòng chăm sóc Trí.

Người đàn bà ghen cả với... trăng

Nhưng càng gặp gỡ Trí, linh cảm cho Mai Đình nhận thấy tình Trí với Mộng Cầm còn chưa nguôi. Nàng biết, dù có nồng nàn bao nhiêu, nàng vẫn là người ở sau Mộng Cầm. Và nàng đã kêu thốt lên đau đớn:
“Mộng Cầm hỡi, nàng là tiên rớt xuống
Hay là vì tinh tú giáng trần gian
Diễm phúc thay, sung sướng biết bao vàn
Đầy đủ quá nàng thương chăng kẻ thiếu
Tôi là kẻ thiếu nhiều và thiếu mãi
Đã ra người hành khất bấy lâu nay
Mà người đời toàn bao vị đắng cay…”.


Yêu Trí đến mù lòa, nàng không còn nhận biết ra Trí cũng yêu nàng biết bao nhiêu. Nàng chỉ biết mình yêu đến kiệt cùng tâm tư. Nàng biết ngoài Kim Cúc, Mộng Cầm, Trí còn vô cùng yêu trăng. Và Mai Đình ghen cả với trăng: “Hôm nay sáng tỏ cung Hằng/ Khiến lòng em nhớ đêm rằm bên anh/ Hãi hùng em sợ trăng thanh/ Vắng em, anh lại tự tình cùng trăng”.

Yêu thi sĩ đến kiệt cùng như vậy nên sau những lần đến Quy Nhơn thăm Trí càng khiến lòng nàng u ám. Hôm từ Quy Nhơn về đến Sài Gòn, Mai Đình chợt nhận thấy buổi sáng hôm ấy, Sài Gòn bỗng dịu mát khác thường. Chuyến xe đò đường dài từ Quy Nhơn về Sài Gòn khiến Mai Đình đau dừ cả người, nàng phải bỏ dạy lớp nữ công gia chánh mấy buổi. Vừa rời Quy Nhơn, vừa rời Trí có mấy tiếng đồng hồ, nhưng Mai Đình lại bắt đầu thấy nhớ. Nàng lẩm nhẩm, trời Sài Gòn mà dịu mát, mà mộng vui như tiết thu Bắc Bộ là dám chắc miền Trung có bão to. Nàng lo ở nơi xa xôi ấy, bên con ghềnh đơn độc, trong căn nhà tồi tàn, Trí sẽ xoay sở ra sao với cơn bão trời.

Trong lòng Mai Đình càng quặn đau khi thấy Trí đã có dấu hiệu khô chết lớp da bên ngoài. Tay chàng cầm muỗng ăn hay viết lách vô cùng khó khăn. Bàn tay như mang chiếc găng tay da khô cứng. Da dẻ Trí đen sạm đi nhưng không lở lói gì. Dù cho gia đình Trí rất quý trọng nàng, họ cảm động vì nàng đã đem cuộc đời đang phẳng lặng của mình đánh đổi lấy cuộc tình đầy bất trắc, đầy sóng gió, bão tố với Trí. Họ coi nàng như siêu nữ nhân. Điều đó đã phần nào an ủi nàng, nhưng không làm nguôi đi cơn bão đang gào xé trong lòng Mai Đình. Nàng yêu Trí, thương Trí một cách lạ hơn tất cả những gì ngỡ có được trong cuộc đời. Một tình cảm không thể viết ra được nhưng nó vô bờ, vô bến.

Mai Đình ngày đêm đau đáu nỗi lo về cơn bão sẽ ập đến bờ biển nơi Hàn Mặc Tử nương náu, chống lại bệnh cùi đang từng giây gặm nhấm vào số phận. Nàng muốn bay ngay tới bên chàng bằng một phép thần diệu để ôm ấp chàng, an ủi chàng bằng những câu thơ nũng nịu của một trái tim đa cảm. Chàng sẽ chịu để nàng chở che trong cơn bão tật nguyền và cơn bão trời đất. Nhưng trong lòng Mai Đình đâu có yên tĩnh gì. Miệng tiếng từng ngày đang dội vào nàng. Bệnh cùi của chàng như đang cắn sang cả tâm hồn nàng nữa. Nàng nguyền rủa trời cao sao không buông tha chàng, để chàng đủ sức làm lấy cả một đời thơ vạm vỡ. Để chàng được cùng nàng sẻ chia, ân ái. Để chàng thực sự trở thành một người đàn ông trước một người đàn bà.

Trong lúc Mai Đình ở Sài Gòn âu sầu lo lắng như vậy thì ở Quy Nhơn, Trí ngồi một mình, vẩn vơ. Còn nguyên trong tâm trí bóng dáng Mai Đình lúc chia tay. Người đàn bà nặng kiếp “khước tác phiêu bồng” này sao không trôi dạt vào ai mà lại trôi dạt vào mình. Biết bệnh tình, đầu tiên Trí đã tìm cách từ chối. Nhưng thấy nàng thật thà quá, si mê quá, Trí đem lòng cảm động. Trí chỉ buồn là Mai Đình đến lúc Trí biết mình khó cưỡng lại bệnh tật. Nhưng dù sao nàng cũng đã làm cho Trí có thêm bao bài thơ. Thi sĩ tặng Mai Đình những bài thơ da diết một mối tình lạ lùng:

“Cười cho lắm cho dầm dề nước mắt
Chết ruột gan mà ngoài mặt như không
Anh nhìn Mai chua xót một tấm lòng
Không biết nói làm sao cho da diết…
Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn/
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt…”.


Người đàn bà ấy từng khuyên Trí rời Gò Bồi (cách TP Quy Hòa 15km) để vào bệnh viện phong Quy Hòa điều trị, nàng sẽ đi theo và ở đó chăm sóc chàng. Nhưng Trí từ chối. Cuối cùng, hai người phải từ giã nhau. Và rồi một ngày cuối hè 1941, người đàn bà ấy lặn lội đến tận chân đèo Son để khóc nức nở trước nấm mồ người mình từng yêu dấu – người cùi số 1134.

Lã Xưa
(Theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 2 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.

Thực hư chuyện "nàng thơ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử 12 years 2 months ago #2138


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE

Thực hư chuyện "nàng thơ" của thi sĩ Hàn Mặc Tử
hanmactu1.jpg
Hàn Mặc Tử Và Các Nàng Thơ



Hàn Mặc Tử được xếp vào “tứ bất tử” của Thơ mới Việt Nam, nhưng ít ai biết được những câu chuyện tình bi thương của ông quanh mối tình đầu Kim Cúc, mối tình thứ hai sâu nặng với Mộng Cầm hay nàng Mai Đình lặn lội đến tận chân đèo Son khóc nức nở trước nấm mồ người cùi số 1134 – Hàn Mặc Tử.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, người đã có những nghiên cứu khá kỹ lưỡng về Hàn Mặc Tử sẽ chia sẻ những câu chuyện ít được biết đến này.

Huyền thoại tình yêu Mộng Cầm

Mãi tới 10 giờ khuya, Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử) mới mò về đến Sài Gòn. Căn nhà trọ đêm nay ngoài Thúc Tề, một người bạn đánh trần nằm dài ra sàn còn có Tín – em trai Trí ở Quy Nhơn vào. Trí chỉ kịp hỏi Tín vào bao giờ rồi ngã mình trên chiếc ghế bố độc nhất trong phòng. Mệt quá, Trí thiếp đi. Hình ảnh kinh dị của cuộc đi chơi đêm qua cùng Mộng Cầm ở Phan Thiết còn đè nặng trong ý nghĩ. Khi ấy, gần tối, hai người băng qua cánh đồng thì gặp phải cơn mưa giông dữ dội. Sợ hãi quá, họ ẩn trong chiếc chòi tranh đổ nát. Hồi lâu, mưa tạnh toan ra đi thì thấy nhiều quả cầu lửa xanh từ dưới đất phọt lên, bay lơ lửng. Bấy giờ mới nhận ra đang ở trong nghĩa địa, cái chòi gần bên mả mới. Rồi vội về Sài Gòn, Trí quên khuấy cả tắm rửa. Có một cái gì đó khác lạ mà Trí linh cảm thấy. Từ sau lần suýt chết đuối ở biển quê hương, lần này lại thêm một kinh dị nữa xáo trộn trong Trí. Tình yêu đã hút Trí về mãi một nẻo xa của cuộc sống. Lòng Trí dịu đi khi nhớ tới cánh rừng hoang nơi mình và Cầm nằm gối lên đám lá khô vun lại, thì thầm chuyện trò trong hơi thở. Không xác thịt mà sao đam mê mộng mị đến vậy. Trí chìm hẳn vào trong mộng mị đến khi có người lay gọi mới mở mắt ra. Một ý nghĩ trở lại Phan Thiết lại cuộn xiết. Trí hỏi Tín còn tiền không, Tín thật thà trả lời còn. Trí cười vui vẻ: Cho anh ít đồng. Tín vội vàng lấy đưa cho Trí, rồi Tín đi.

Khoảng mùa xuân năm 1935, vì đám tang người anh trai tên Mộng Châu mà Trí về Quy Nhơn, sống trong căn nhà trên con đường Khải Định cổ kính. Cùng năm đó, Mộng Cầm vào Quy Nhơn thăm Trí. Thời điểm ấy, Trí trắng trẻo đẹp ra, nhưng nhìn kỹ thì bên má trái có nhiều đám đỏ hồng hồng bằng đồng xu. Sau đó, cả lưng cũng nổi dát đỏ như vậy. Trông như bị dị ứng tôm cá độc mà Trí vốn không hề ăn được. Trí nói rằng bị dị ứng, một thứ phong máu, không can chi. Nhưng mấy tháng sau, những dát đỏ hơi sưng lên, như những đám ngứa sương sương mà người ta gọi là mề đay. Rồi lại thấy hai tai Trí, thuỳ châu bắt đầu sưng đỏ. Triệu chứng phong nhưng Trí không hề hay biết.

Ở căn nhà số 20 đường Khải Định, đúng hôm Mộng Cầm đến, Trí diện bộ đồ thật bảnh bao, áo chemise trắng, giày đen bóng loáng. Trí đang ngồi trên chiếc ghế bành bằng mây, tay khoanh trước ngực. Một thói quen cố hữu. Thấy Mộng Cầm, Trí vụt đứng dậy, tươi cười, mời vào nhà. Mộng Cầm chào Trí rồi chào người lạ trong nhà – có lẽ là Tín, em trai Trí, người đôi lúc phải cấp tiền cho chàng đến với nàng. Nhìn Trí, một niềm thương mến lạ kỳ trào lên. Nàng cố kìm. Thấy Trí đi xuống bếp, nàng khẽ hỏi chàng liệu có trở lại Sài Gòn không. Trí đáp rất nhỏ, chàng còn muốn có mặt ở Sài Gòn để in tập “Gái quê”. Nàng lại nhìn Trí, chợt xót xa. Hai tai Trí đã dày lên.

Trí vẫn không hề thay đổi thái độ. Ngồi khoanh tay thỉnh thoảng cười nhẹ. Lẽ ra nếu ở Phan Thiết, chắc nàng sẽ đến ngồi bên chàng. Nhưng đây là Quy Nhơn. Chắc mẹ chàng ở dưới bếp. Dù sao, nàng vẫn cố giữ được tự nhiên, thân mật của một người yêu vừa lịch sự, trang nhã. Nàng nghĩ đến Phan Thiết, đến Lầu Ông Hoàng - chốn đào nguyên của hai người - nhưng không nói ra. Nàng thấy Trí dù đã có Tín ở bên mà vẫn hồi hộp. Tình trong trắng của chàng, nàng thấu hiểu. Lúc ấy, Mộng Cầm muốn ứa nước mắt, muốn khóc thật to. Nhưng nàng đã kìm nén. Rồi đến lúc phải chia tay. Trí tiễn nàng ra cửa. Mắt chàng mờ đi. Mộng Cầm không dám ngoái đầu lại. Có thể đây là lần cuối cùng với người mình yêu dấu. Sau những làn nước mắt, Mộng Cầm đã khép vào thế giới kín đáo, nhỏ nhắn của một gia đình. Nhưng Mộng Cầm của huyền thoại tình yêu với Hàn Mặc Tử thì ở lại với đời sống và đã “hoá thân” thành con dốc nơi đường dẫn lên mộ Hàn Mặc Tử dưới chân núi Vũng Chùa vùng Ghềnh Ráng...

Nàng Kim Cúc và bài thơ bất hủ “Đây thôn Vĩ Dạ”

Từ hôm Mộng Cầm về rồi đi. Trí như người ngẩn ngơ. Thi sĩ gào khóc trong thơ:
“Nghệ hỡi Nghệ, muôn muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan...”.


Ở Sài Gòn về Quy Nhơn, từ khi nhà chuyển về số 20 đường Khải Định, chỉ cách nhà Kim Cúc vài căn phố, Trí lại nhìn thấy tà áo ấy. Cái tình đầu đôi lúc lại xao xuyến trỗi dậy. Sau khi ở Sài Gòn, có Mộng Cầm ở cõi thực, thì bây giờ Trí lại có vẻ bạo dạn hơn với Kim Cúc ở cõi mơ. Nhìn Kim Cúc buồn gầy, Trí lại thốt lên:

“Đêm qua ả Chức với nàng Ngâu
Nhắc chuyện yêu đương ở dưới cầu
Kể lể một năm tình vắng vẻ
Sao em buồn bã suốt canh thâu”.

Có đêm không ngủ được, lòng Trí trào lên một cuồng sóng dữ dội. Chàng toan bước qua nhà cụ Thương để gặp bằng được nàng Kim Cúc, để nói với nhau cho thoả nỗi bấy nay. Nhưng chàng lại bị lễ giáo kìm ngăn lại. Và lại đành gào gọi trong thơ:
“Đêm nay ta lại phát điên cuồng
Quên cả hổ ngươi cả thẹn thùng
Đứng rũ bước trước thềm nghe ngóng mãi
Tiếng đàn the thé ở bên song”.


Nữ Sĩ Mộng Cầm

Mộng Cầm đã ra đi. Rồi Kim Cúc cũng theo gia đình về thôn Vĩ Dạ ở Huế. Trí nhận hai cái án tình một lúc. Năm 1936, năm Bính Tý mang mệnh Giản Hạ Thuỷ, Trí tròn 24 tuổi. Trí xin tiền mẹ in tập “Gái quê”, tập thơ không chỉ ẩn chứa khát vọng của một thứ tình nồng nàn, lơi lả, rạo rực mà hơn cả, nó lưu một dáng hình thân yêu mà Trí không cách gì xoá nổi trong tâm tưởng. Đó là Kim Cúc – bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ. Một lần ở hội chợ Huế, Trí gặp lại gia đình Kim Cúc. Tập “Gái quê” được Hàn Mặc Tử ghi tặng cho các em Cúc mà riêng Cúc thì anh không dám trao. Chiều đến lững thững men sông Hương về Vĩ Dạ, lá trúc rẽ ra đường nhắc Trí sực tỉnh, đã tới vườn nhà Kim Cúc. Trí lặng đứng, lại một cái gì ngăn bước thi sĩ. Trí đứng hồi lâu và hoàn toàn không biết Kim Cúc đang đăm đắm nhìn như chờ. Nhưng rồi Trí quay vụt, bước đi.

Chợt một ngày tình cờ, Trí nhận được một tấm ảnh Kim Cúc mặc áo dài lụa trắng đứng trong vòm cây. Trí không sao biết được ngoài tấm ảnh, Kim Cúc còn dành dụm một số tiền nhỏ, toan nhờ Ngân gửi tặng chàng thuốc thang nhưng gia phong nghiêm cấm. Trí càng không biết nàng đã quy y, dành riêng một căn phòng ngày đêm hương hoa tụng niệm khi chàng rời khỏi cõi đời, để tưởng nhớ mối tình chàng đã trao cho nàng. Mối tình đầu trong trắng. Chàng chỉ biết phải viết ngay ra cảm xúc trước bức ảnh:

“Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn tênh, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.

Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”.


Bài thơ bất hủ “Đây thôn Vĩ Dạ” đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Lã Xưa
(Theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha)
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 2 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012