Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: CHÓ và PHÁP LUẬT - LS. Ngô Tằng Giao

Re: CHÓ và PHÁP LUẬT - LS. Ngô Tằng Giao 11 years 11 months ago #40128


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
dogb1.jpg


Quan phụ tá cho biết lai lịch chú chó như sau: “Đây là một con chó đen tên gọi Hắc Khuyển. Một con chó hoang, vô chủ, hấp hối, gần chết. Chó được một lão tiều phu cứu sống và mang về nuôi. Một ngày mùa đông tuyết bay tơi bời chủ và chó cùng đi ngang ngọn đồi này thì thình lình chủ phát bệnh nặng không đi nổi nữa, bị vùi thân trong tuyết gần chết. Chó bỏ chạy đi kiếm người cứu chủ. Chó chạy hết một ngày một đêm giữa băng tuyết mới kiếm được người đến cứu mạng chủ nhân của nó nhưng chính nó thì lại bị kiệt sức mà chết. Đó là câu chuyện Đại Hắc cứu chủ đền ơn. Người ta thương tiếc lập ra cái đình này và dựng tượng chó để thờ.”

dog8.jpg


Bao Công nghe xong bèn nói: “Không ngờ một con vật mà cũng biết báo ơn đền đáp, vậy cái bọn người vong ân bội nghĩa trên thế gian này không thấy hổ thẹn hay sao? Một nghĩa khuyển như vậy đáng để chúng ta đảnh lễ!” Sau đó quan tòa Bao Công và các thuộc hạ cùng thắp nhang đảnh lễ tượng chó.

Người ta cũng được biết thêm là ông quan tòa Bao Công này có một cặp cận vệ tên là Trương Long và Triệu Hổ luôn đứng hầu hai bên tả hữu cùng với ba cái “máy chém” là Long Đầu Đao, Hổ Đầu Đao và Cẩu Đầu Đao. Những thanh đao này tùy theo tên gọi của nó mà mang hình đầu rồng, đầu cọp hay… “đầu chó” để xử tử tội nhân theo các thứ bực sang hèn khác nhau.

Nhân dịp nói chuyện chơi về pháp luật, về quan tòa, về luật gia và nhân viên công lực mới thấy biết bao nhiêu hình ảnh chú chó thấp thoáng ẩn hiện. Nhiều khi chính con người lại phải nhìn vào chó mà suy ngẫm để rút ra những bài học cho chính mình.

dog4.jpg


Để chấm dứt câu chuyện phiếm này cần nhắc lại đây một câu tục ngữ của Ấn Độ: “Khi thấy chó thì không thấy đá. Khi thấy đá thì không thấy chó”. Tư tưởng này được giải thích là con người ta trong một đêm tối đen như… mõm chó, nếu tâm thần hoảng hốt thì khi thấy một tảng đá lù lù bên đường lại cứ tưởng là trông thấy một con chó và sợ nó chồm tới cắn thế là ba chân bốn cẳng ù té bỏ chạy, té sấp té ngửa.

Sáng hôm sau khi tỉnh dậy bình tĩnh tới nhìn lại mớithấy đó không phải là “chó”, chỉ là “đá” mà thôi. Thế mới hay con người khi “mê” thì chỉ thấy “chó”, nào còn thấy “đá”, khi “tỉnh” mới thấy “đá”, lúc đó nào còn thấy “chó” nữa đâu. Chi bằng ta cố gắng diệt trừ những “tâm sở” xấu, những ý nghĩ đen tối, những âm mưu gian xảo thì có lẽ lúc nào ta cũng thấy vui với cái “Tâm” thanh tịnh của chính mình.

Cầu chúc đại gia đình LKVN ta “thân tâm an lạc” quanh năm suốt tháng! Lúc nào cũng chỉ thấy toàn…“đá” mà thôi! Không hề bao giờ còn thấy “chó” nữa! Lành thay!

Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Virginia, USA, 7/2009)
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 11 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.

Re: CHÓ và PHÁP LUẬT - LS. Ngô Tằng Giao 11 years 11 months ago #40127


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Một câu chuyện tầm thường, không đáng để ý, cũng thường hay bị người đời gọi là “chuyện chó chết”. Ấy vậy mà chuyện chó chết sau đây lại đáng để chúng ta suy ngẫm, đó là đám tang một con chó anh hùng: “Tại thành phố Nữu Ước Hoa Kỳ, lực lượng cảnh sát ở đây đã cử hành một đám tang rất trang trọng cho một con chó tên Ace. Ace thuộc loại chó săn rất tinh khôn đã hỗ trợ đắc lực cho ngành cảnh sát truy lùng các tội phạm. Chính con Ace đã từng cứu mạng nhiều cảnh sát khỏi các đe dọa vô cùng nguy khốn từ các hung thủ.

dogb.jpg


Trong một cuộc truy lùng tội phạm tại Southold (New York) Ace bị hung thù dùng súng bắn vào đầu. Tang lễ của Ace được tổ chức rất lớn, hàng trăm cảnh sát yên lặng tiến sau xe tang. Nhiều vòng hoa điếu được đặt lên mộ. Khi làm lễ hạ huyệt có đọc điếu văn và đội kèn trổi khúc nhạc bi thương. Ace được vinh danh là con vật anh hùng. Lúc sinh tiền Ace đã lập được 50 thành tích lớn trong việc khám phá ra kẻ tội phạm và nhờ Ace mà cảnh sát New York đã bắt được một số lớn kẻ sát nhân hung hãn.

Không chỉ là bạn tốt của loài người, có chó còn học thuộc lòng một bài học về cách thức cứu chủ của nó. Chú khuyển Buddy đã bấm số khẩn cấp 911 khi thấy ông chủ bị co giật kinh phong, nằm thẳng cẳng trên sàn nhà. Cảnh sát tại Phoenix, Arizona nói đây không phải là lần đầu con Buddy biết cứu ông Joe Stalnaker. Nó thuộc giống chó bẹc-giê đực. Trong băng thâu âm 911 được ghi nhận, người ta nghe tiếng con Buddy kêu ư ử và sủa ăng ẳng sau khi một tiếp viên hỏi vài lần rằng người gọi có cần được giúp đỡ hay không. “Hello, đây là 911. Hello Bạn có nghe tôi không? Có người nào ở đó để bạn trao điện thoại cho họ hay không?” tiếp viên 911 hỏi.

Không nghe trả lời, tiếp viên liền thông báo cho cảnh sát đến nhà ông Stalnaker. Khoảng ba phút sau, tiếp viên nghe tiếng con Buddy sủa lớn ở đầu dây bên kia của điện thoại khi nó thấy cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà. Cảnh sát tại thành phố Scottsdale cho biết ông Stalnaker đã nằm bệnh viện hai ngày và hồi phục sau cơn kinh phong.

Cảnh sát cho biết thêm: “Thật khó tưởng tượng, ngay cả các tiếp viên làm việc lâu năm cũng chưa bao giờ nghe chó bấm số 911.” Cảnh sát vẫn thường đến nhà mỗi khi có người gọi số 911. Vì biết trường hợp bệnh tật của ông Stalnaker, hệ thống 911 địa phương có ghi thêm chi tiết nhà có chó được huấn luyện để giúp người bên cạnh địa chỉ nhà của ông.

Ông Stalnaker nhận nuôi con Buddy từ lúc nó được 8 tháng do “Paws with a Cause” mang đến. “Paws with a Cause” (Móng có Mục đích) là một cơ sở tại Michigan chuyên huấn luyện chó trợ giúp loài người. Con Buddy được huấn luyện để bấm số điện thoại mỗi khi thấy ông chủ có dấu hiệu của triệu chứng kinh phong. Buddy nay được 18 tháng tuổi. Cảnh sát nói rằng Buddy từng gọi 911 hai lần để cứu chủ. Ông Stalnaker bị co giật kinh phong sau khi ông bị thương tật ở trên đầu trong một cuộc thao dượt quân sự 10 năm trước đó.

dog5.jpg


Nhân nói chuyện phiếm về chó và pháp luật... đến giai đoạn “chó chết” này chúng ta cũng chợt nhớ đến một vị “quan tòa” thời trước rất ư là nổi tiếng. Đó là ngài Bao Công. Ngài quan tòa này xử án như thần. Những vụ xử kiện của Bao Công đã được in thành sách và rồi được quay thành “phim bộ”. Người ta coi hoài mà không chán. Vượt xa hơn các phim truyện của bà xẩm Quỳnh Dao trước đây. Có lẽ cũng thú vị ngang ngửa với loại phim truyện đầy ái tình ướt át kiểu “kim chi”… Hàn Quốc thời nay mà nghe nói nhiều khán giả phải ôm chén cơm ra phòng khách để tranh thủ vừa ngồi ăn vừa coi cho nó… đã! Một trong những truyện này nói về một chuyến đi công tác của Bao Công.

Bao Công trên đường đi công tác có lần đi ngang một ngọn đồi mang tên là “Đồi Nghĩa Khuyển”. Bao Công truyền dừng kiệu bước xuống ngắm nhìn thì thấy trên đồi có một cái đình mang tên là “Báo Ân Đình”. Bao Công hỏi quan phụ tá là Công Tôn tiên sinh thì quan phụ tá trình rằng đình này được dựng lên để kỷ niệm một con chó trung thành. Cả đoàn ghé vào thăm đình. Trong đình có dựng tượng một con chó đen thui, đó là chó Đại Hắc.
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 11 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.

Re: CHÓ và PHÁP LUẬT - LS. Ngô Tằng Giao 11 years 11 months ago #40126


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
dog2.jpg


Thi hào Nguyễn Du trong một bài thơ bằng chữ Hán với nhan đề là “Hành Lạc Từ” đã từng đặt bút viết:

“Hữu khuyển khả tu sát,
Hữu tửu khả tu khuynh.
Nhãn tiền đắc táng dĩ nan nhận,
Hà sự mang mang thân hậu danh?”

Xin chuyển ngữ sang tiếng Việt thành thơ “lục bát”, mà người thích xổ Nho hay nói là loại thơ “thượng lục, hạ bát” như sau:

“Sẵn cầy, làm thịt ta sơi,
Rượu đây hãy rót, xin mời cùng say.
Mất, còn, trước mắt nào hay,
Huống hồ danh hão sau này mà lo?”
(Tâm Minh dịch)

Thi hào Nguyễn Du may mắn là có... quốc tịch Việt Nam chứ nếu lại là công dân một tiểu bang nào trên đất... Mỹ thì sẽ gặp rắc rối với pháp luật ngay. Dân Việt ta (nhất là các quý vị luật khoa “khả kính” thời trước) sống lưu vong nơi xứ lạ quê người, những ai trót khoái món… “cầy tơ” nếu có nổi hứng cần ka-ra-ô-kê bản… “gợi giấc mơ xưa” thì chắc cũng nên đổi khẩu vị, nên… “nhập gia tùy tục” bằng cách chuyển qua sơi một món ăn khác của địa phương có tên gọi hơi tương tự là món... “hot dog” thì an toàn trên xa lộ hơn, kẻo mang vạ và ở tù vì tội “cruelty to animals” đấy nhé!

Nhiều triết gia cùng đưa ra nhận xét rằng muốn biết một xã hội có đạo đức nhiều hay ít ta hãy xem cách họ đối xử với súc vật. Điều này đối với các súc vật khác không rõ ra sao nhưng đối với chó quả rất đúng, nhất là chó ở Mỹ. Súc vật tại Hoa Kỳ được bảo vệ. Các hội bảo vệ súc vật mọc lên nhan nhản khắp nơi. Ngược đãi, hành hạ, hay giết hại chó là một tội phạm hình sự. Mấy chú khuyển tại Mỹ được bảo vệ tối đa. Ta hãy nghe vụ án sau:

dog1_2012-05-12.jpg


Floyd Bertran Sterling, một chàng đưa thư ở California, vào mùa Giáng Sinh năm 1989 bỗng dưng nổi tiếng. Được biết trong khi đi đưa thư tại một nhà kia, chàng được chủ nhà thân ái mở cửa trao tặng một chai rượu Vodka làm quà. Nhân dịp này, chú chó của chủ nhà cũng lẹ chân lẻn ra theo. Chàng mailman lật đật móc súng và nhanh tay (kiểu bắn chậm thì chết) tặng chú chó săn giống Đức này mấy viên kẹo đồng. Chó chết. Không hết chuyện.

Chàng mailman… “vác chiếu ra tòa”. Chàng không phủ nhận tội “cruelty” nhưng vẫn cãi: “Chó hăm dọa tôi nhiều lần lắm rồi, đây không phải lần đầu”. Chủ nhà cãi: “Chó nó thân mật chào đón anh mailman, chứ có gì khác đâu!” Tòa án nghiên cứu hồ sơ thấy ghi mấy tiền án của chàng mailman: nào là ngược đãi đánh đập vợ, nào là trộm cắp, nào là mang vũ khí bất hợp pháp v.v... Kết quả tòa tuyên án phạt chàng mailman 6 tháng tù ở cùng với 3 năm quản chế! Chuyện chưa hết! Sở Bưu Điện Hoa Kỳ phải lo việc ma chay cho chú chó hết tất cả là 685 đô la. Bưu Điện tức quá lập thủ tục định sa thải chàng mailman. Chàng bèn từ chức...

... Nói chung thời chó luôn luôn được coi là… “bạn thân nhất” (best friend) của con người. Bên trời Tây y sĩ Pommery đã chứng minh trong một tác phẩm của ông rằng chó là vật trung thành nhất đối với chủ nhân vì đó là tính nô lệ bẩm sinh, chó lại có lòng nhân ái, hay cứu người dù phải hy sinh đến tính mạng. Trong tác phẩm Illiade, một tác phẩm cổ Hy Lạp của Homère, kể chuyện con chó Arqus, sau 20 năm lưu lạc vì chiến tranh, tình cờ tìm gặp lại chủ cũ là Ulysée, chó mừng quá nên… lăn ra chết.
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 11 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.

Re: CHÓ và PHÁP LUẬT - LS. Ngô Tằng Giao 11 years 11 months ago #40125


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Tại Birmingham, Alabama, luật cấm các công dân cột chó vào gốc cây có bóng mát, dù cho chó có tỏ vẻ muốn nằm trong bóng râm đi nữa. Tại Wesport, Massachusetts, luật cấm chở chó trên xe cấp cứu, dù cho chủ nó đang được xe chở cấp tốc vào bệnh viện. Nhưng ta sẽ gặp rắc rối lớn nếu làm như trên tại Springfield, Illinois, vì luật tại đây lại cấm không cho phép ai bỏ bê chó, bất cứ trong hoàn cảnh nào.

dog3.jpg


Tại Kentucky, luật cho phép chó có “quyền tự vệ” chống trả lại các chó khác nếu bị tấn công, nhưng luật cấm chó rượt mèo. Trong khi đó tại Madison, Wisconsin, luật lại cấm chó rượt các chú sóc trong công viên bên cạnh trụ sở quốc hội. Tại Denver, Colorado, luật buộc các người bắt chó phải treo bảng niêm yết tại các nơi công cộng trước khi mở cuộc bố ráp chó hoang.

Luật với lệ dù chỉ liên quan tới chó thôi, cũng rất là... “cà kê dê ngỗng”, nói hoài không hết, vậy xin tạm ngưng ở đây để chuyển qua chuyện... chó chết. Người ta thường nói: “Chó chết là hết chuyện”, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nhớ lại hồi trước kia tại Việt Nam ta mỗi khi báo chí không có tin tức gì thêm về những chuyện giật gân (kiểu ăn chè Nhà Bè) hay chỉ có những chuyện tầm phào xảy ra như cơm bữa (kiểu chuyện dài “nhân dân tự vệ”) thì thường thường dân ngồi ghếch chân đọc báo tại các quán cóc cà phê lại bĩu môi nói rằng: “Báo với chí! Chẳng có cái quái gì cả! Toàn tin tức “xe cán chó không à!”. Tin “chó chết” quả thật bị loài người coi chưa bằng... nửa con mắt, không đáng nói tới.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Làm người thì khó, làm chó thì dễ”. Có lẽ lý do giản dị vì làm người thì phải giữ tư cách của con người đối với con người. Phải làm sao cho đừng bị tiếng là tham ăn, tục uống, là giành nhau cướp nhau, là ra luồn vào cúi, là bán nước buôn dân, là lừa thầy phản bạn, là bất trung bất hiếu, bất thuận bất hòa, bất liêm bất tín, bất trung bất sỉ và đón gió, trở cờ v.v... “Đồ chó chết” thường là một câu dùng để nhục mạ, chửi bới những hạng người này!

dogg.jpg


Nhưng đôi khi chuyện… “chó chết” lại được dùng để răn đời. Tục truyền có một vị quan võ thời xưa tên là Ông Ích Khiêm. Ông này ghét các quan văn võ khác của triều đình vô cùng vì dưới mắt ông, tất cả đều là một lũ ăn hại nên phải đi mượn quân nhà Thanh sang đánh Pháp, đánh đã không được còn làm khổ dân chúng khắp nơi. Để chửi vào mặt bọn quan lại này, một bữa nọ ở kinh đô Huế, ông thết tiệc, mời các quan đại thần văn, võ đến sơi. Các quan đến đông lắm. Bàn trên cỗ dưới đều ăn toàn... thịt chó cả. Có người không quen ăn thịt chó, hỏi món khác, ông Khiêm xoa tay cười đáp lại:
- Xin lỗi, trên chó dưới chó, tất cả đều chó, thành không có gì khác nữa!

Các quan biết ông chơi xỏ, nhưng vẫn ngậm cay, nuốt đắng để muối mặt mà ăn. Tưởng đâu chỉ có thế. Ai dè tiệc xong, gọi nước mãi mà không thấy quân hầu đưa lên (thật ra chủ nhà đã dàn cảnh trước như thế), chủ nhân lại lên tiếng quát tháo:
- Nước đâu? Nước đâu? Tụi bay định để chúng tao khô cổ chết khát hết phải không?
Một tên lính hầu đi lên thưa: “Bẩm quan lớn, nước chưa được!”

Ông Khiêm làm bộ nổi nóng, hét om sòm:
- Đồ chó chết! Chó chết! Chỉ biết vục đầu ăn, không lo nước non gì!
Các quan nghe la hét như thế ai nấy đều tím cả mặt mày lại vì biết bị chủ nhà chơi cú cay nữa. Nhưng cay thì ráng chịu, vì người ta mắng chửi người nhà người ta mà.

Nhân bữa tiệc… thịt cầy nói trên người ta mới thấy rằng “cầy tơ” có lẽ là một món ăn khoái khẩu của một số dân tộc, kể cả ở nước Việt ta.

Chính vì thế mà trong đại tự điển tiếng Việt nước ta chữ “chó” đã được định nghĩa như sau: “Súc vật thường được nuôi để giữ nhà hay đi săn hoặc lấy thịt ăn.” Tự điển cũng ghi thêm định nghĩa món ăn “chó nấu dựa mận” là: “Món ăn của người Việt Nam, nuớc sánh keo màu xám thơm mùi riềng mẻ, vị ngọt đậm, làm bằng thịt chó nấu nhừ với riềng mẻ, dùng làm món đặc sản trong bữa chính, thường ăn với bún, bánh đa nướng”. Không biết người nước ngoài khi… nghiên cứu tiếng Việt mà gặp định nghĩa này thời họ nghĩ sao đây về nền… văn minh ẩm thực mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc ta?
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 11 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.

Re: CHÓ và PHÁP LUẬT - LS. Ngô Tằng Giao 11 years 11 months ago #40124


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Còn ở Forpoint, Wisconsin, thì luật lệ địa phương ngoài việc cấm chó không được sủa bậy um xùm, còn cấm thêm “không được gầm gừ hoặc có những thái độ hăm dọa bà con lối xóm”. Và cấm chó “không được diễn xuất những vai xấu xa” khi tham gia các đoàn kịch.

Theo các luật lệ trên thì có lẽ chủ của chó phải dạy cho chó biết giữ yên lặng, biết phép lịch sự, và nhất là phải biết coi đồng hồ mất thôi! Nhưng chủ của chó sẽ gặp rắc rối lớn nếu sống ở Hartford, Connecticut, vì luật ở đây cấm không ai được dạy dỗ, giáo dục chó.

Về mặt... “lâu đài tình ái” thì phải kể đến luật ở Danburry, Connecticut. Luật định rằng: “Nếu một cậu chó lỡ làm cho cô chó hàng xóm mang… bầu thì người chủ của cậu chó sẽ chịu trách nhiệm”. Nếu người hàng xóm muốn phá bỏ cái “bầu tâm sự” của cô chó thì chủ của cậu chó phải chịu tất cả mọi chi phí tốn hao. Thật là cảnh... “quít làm, cam chịu”! Tại Eastlake, Ohio, luật ghi: “Ai có hành động tình dục với chó là vi phạm luật pháp”. Hình phạt là 25 đô la và 10 ngày tù giam, hoặc một trong hai hình phạt trên.

dog1.jpg


Người ta thường nói trong xã hội Hoa Kỳ ngày nay chó được xếp hạng cao hơn... đàn ông (điều này bị nhiều vị “mày râu” phản đối kịch liệt), nhưng có điều chắc chắn là thời xưa thì chó bị pháp luật cấm đủ chuyện cả. Ta hãy đọc cái luật này của Hartford, Connecticut: “Cấm dẫn chó đi rong hay chạy rong ngoài phố”. Cộng đồng nhỏ bé và yên tĩnh Pateros, Washington, có luật cấm chó không được phép gây rối và làm quẩn chân khách bộ hành ngoài đường phố. Tại Provo, Utah, luật cấm chó chạy rong ngoài phố sau 7 giờ chiều (Đâu có cấm... đàn ông! Quý vị cứ việc thoải mái thõng tay vào “bar” kiếm chút men say, phì phà chút khói, hưởng một chút “happy hour” cho vui đời tị nạn! Có sao đâu!).

Bạn có từng bao giờ thấy một đám đông đảo toàn chó tụ hội tại một địa điểm nào đó ở Shawnee, Oklahoma chăng? Nếu thấy thì cần phải kiểm soát xem chúng có giấy phép đặc biệt của ngài thị trưởng địa phương không vì luật lệ tại đây đòi hỏi rằng: “Từ ba chú chó trở lên mà muốn tụ họp nhau lại trong khuôn viên một tài sản tư hữu sẽ phải có giấy phép”.

Ngủ là một trong tứ khoái của người ta, nhưng cũng nên lựa nơi, lựa chốn. Tại Wallace, Idaho, luật triệt để ngăn cấm không cho phép ai được nổi hứng mà chui vào ngủ trong... chuồng chó (không rõ có phải là tội xâm nhập... gia cư bất hợp pháp không?) Tại Duluth, Minnesota, luật cấm không được để chó, ngựa, hay bất cứ súc vật nào khác ngủ trong lò bánh mì. Luật cũng cấm chó không được ngủ trong tiệm hớt tóc quý ông hay tiệm uốn tóc quý bà. Tại Indiana, luật cấm chó và các súc vật khác ngủ trong xưởng làm phó mát (cheese factory). Tại Kentucky, luật cấm chó ngủ trong tiệm ăn.

Trong đống luật lệ cũ về chó ta còn thấy cả lô những điều luật ngộ nghĩnh. Tại thành phố nhỏ bé Zion, Illinois, luật quy định: “Không ai được cho chó, mèo, hoặc các gia súc khác... hút xì-gà” (it is illegal for anyone to give lighted cigars to dogs). Không biết vậy nếu cho chó hút cigarettes hay ngậm ống vố thời có được hay không đây?

Tại Normal, Oklahoma, luật cấm không cho ai được “làm xấu” bằng cách nhăn mặt trêu chọc chó (making ugly faces at a dog). Kẻ vi phạm có thể bị bắt giữ, bị phạt tiền, bị phạt tù, hoặc bị phạt cả tiền lẫn tù. Tại đô thị nhỏ bé Beebe River, New Hampshire, luật cấm con nít chọc ghẹo hay hành hạ chó.

Cả Colorado lẫn Idaho đều có luật cấm không được đánh cá độ ăn tiền trong các cuộc vui đấu chó. Người ngồi coi cũng bị cấm luôn. Ở Chaseville, New York, không đàn ông, đàn bà, con nít nào được phép lái xe chó (a dogcart) chạy qua cửa nhà thờ khi đang có lễ hay đang có những lớp học đạo ngày chúa nhật.

Tại Madison, Wisconsin, khi hai vợ chồng ly dị thì không còn được phép nuôi chung một con chó nữa. Chó sẽ được trao cho người đang nuôi giữ nó lúc hai vợ chồng ly thân. Tại Shorewood, Wisconsin, có thời thành phố này quy định là mỗi gia đình chỉ được phép nuôi nhiều nhất là hai con chó mà thôi.
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 11 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.

CHÓ và PHÁP LUẬT - LS. Ngô Tằng Giao 11 years 11 months ago #40123


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Chuyện phiếm

CHÓ và PHÁP LUẬT


LS. Ngô Tằng Giao

Theo từ điển thì chó là một con vật thật đơn giản: có bốn chân, thường được người ta nuôi để làm bạn, để săn bắn, làm việc hay canh gác v.v… (a common four-legged animal, esp. any of the many varieties kept by humans as companions or for hunting, working, guarding, etc.)

Chó là một súc vật tầm thường, nhiều khi bị liệt vào loài quá hạ đẳng, có dính dáng gì tới pháp luật để mà nói! Vì pháp luật là cái gì nó có vẻ... cao siêu, dễ nể! Tượng thần công lý thời tuy bị… “bịt mắt” trông rất… “vô tư” nhưng trong tay vẫn còn lăm lăm cầm một thanh gươm có vẻ như muốn đe dọa tính mạng bà con cô bác! Còn các vị quan tòa thường “mặt sắt đen sì”, người dân đen ra trước “vành móng ngựa” ngước mắt lên trông thấy cái cảnh tượng rất… “hoành tráng” của chốn “cửa công” đó đều… khiếp vía!

dog.jpg


Thật ra không hẳn đúng như vậy! Người ta thấy có nhiều luật lệ lien quan tới… chú chó và các vị thẩm phán, các luật gia, kể cả các nhân viên công lực cũng thường hay liên hệ với những chàng khuyển này. Chúng ta thử liếc qua một vòng xem Chó và Pháp Luật có mối… “giao hảo” như thế nào!

Tại nước Pháp, theo tin các báo đăng vào cuối năm 2001 thì riêng thủ đô Paris ước lượng có tới 200 ngàn con chó. Tính trung bình cứ 11 người sinh sống tại kinh đô ánh sáng thì có một người nuôi chó và mỗi năm Paris phải dành ra một ngân khoản là… 10 triệu đô la để hốt phân chó. “Ông Tây Bà Đầm” dẫn chó đi chơi mà gây tốn kém cho ngân sách địa phương quá chừng nên hội đồng thành phố phải ban hành một lệnh là kẻ nào vi phạm không hốt “mìn” của chó sẽ bị phạt tới 400 đô la Mỹ.

Còn tại Hoa Kỳ thời về phương diện pháp luật, chó được Tòa Án Tối Cao phán bằng những lời như sau: “Chó thường được coi là gia súc, một loại động sản, nhưng chúng không hoàn toàn cùng loại với ngựa, cừu, hay bò. Chúng nên được xếp cùng loại với khỉ, vẹt, chim biết hót, và các súc vật tương tự khác được nuôi để giải trí, để thỏa mãn tính tò mò hoặc vì sở thích đặc biệt riêng tư”. Ngài thẩm phán Brown của Tòa Án Tối Cao trên còn phán thêm: “Chó khác biệt nhau rất nhiều, khó có thể nói chúng có những đặc điểm gì chung cho toàn giống. Trong khi có những loại chó cao cấp được xếp vào hàng những đại biểu quý phái nhất của vương quốc súc vật (the noblest representatives of the animal kingdom) và được đánh giá cao vì sự thông minh, lanh lợi, lòng trung thành, tính cẩn thận, tình cảm chan chứa, và nhất là mối thân hữu tự nhiên với con người (natural companionship with man), thì có những loại chó khác chỉ gây phiền toái và làm rối loạn trật tự công cộng (public nuisance)”. Vì lý do trên nên tại xứ Cờ Hoa đã có những luật lệ đặc biệt quy định riêng về chó. Những luật lệ này có từ thời xa xưa, không biết tới nay còn tồn tại nữa hay không?

Nói tới các luật lệ về chó, ta phải kể đến tài... chơi chữ của các luật gia ở Belvedere, California: “Không có chú chó nào được đi ra chốn công cộng mà không có chủ ở một đầu giây xích” (no dog shall be in a public place without its master on a leash). Thế này thì chủ cầm dây xích dắt chó hay chó cầm dây xích dắt chủ đi chơi phố đây?

Chó thường tỏ ra rất đắc lực trong việc phòng chống tội phạm. Tiếng sủa của chó càng to, càng hùng dũng, thì các kẻ trộm cướp càng... nể mặt chủ nhà mà né đi chỗ khác chơi. Ấy vậy mà luật lệ ở ananassa, New Jersey, lại cấm chó tru (howl) lớn tiếng. Tại Collingswood, New Jersey, thì lại có luật: “Chó không được phép sủa hay tru giữa khoảng thời gian từ 8 giờ chiều tới 6 giờ sáng”. Ở Smithtown, New York, luật cấm chó không được sủa quá 15 phút mỗi lần. Vi phạm lần thứ nhất sẽ bị phạt 50 đô la. Vi phạm lần thứ nhì tiền phạt tăng lên 100 đô la. Tái phạm lần thứ ba thì bị phạt gắt gao hơn: 500 đô la tiền phạt và 15 ngày tù giam (không rõ giam chủ hay giam chó?)
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 11 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012