Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Bẻ ra và trao đi

Bẻ ra và trao đi 8 years 2 months ago #61229

Đọc xong bài này, nhớ về Cha P. quá.
Ngày còn đi học, mình ở Nhà Chung Bùi Chu. Mỗi khi Ngài về Sai gòn đều ghé Nhà Chung dùng cơm và thăm các Cha
BC tại đó, phòng ăn Nhà Chung rộn ràng khi các Ngài thăm hỏi nhau, hỏi han về tình hình giáo dân, xứ đạo.
Chọn binh chủng KQ cũng vì gợi ý của Ngài " ....đi KQ cho nó khỏe ông tướng ạ, thả bom, ông cứ ... ị xuống là xong, dưới đất chọi lựu đạn mỏi tay, mệt bỏ bà ....."
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31, Hùng 33, Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện)

Bẻ ra và trao đi 8 years 2 months ago #61226

.
Bẻ ra và trao đi

TRUNG NHÂN

Gần 30 năm mỗi ngày thực hiện nghi lễ bẻ bánh trên bàn thờ trong thiên chức linh mục, cũng là từng ấy thời gian cha âm thầm “bẻ” chính đời mình trao tặng cho những người anh em…

“Quản nhiệm nhân dân”

Trong căn phòng khách ấm cúng và giản đơn, cha sở giáo xứ Chánh tòa Xuân Lộc Đaminh Ngô Công Sứ kể câu chuyện hành trình ơn gọi của mình nhẹ tênh, như một sự sắp đặt sẵn có của thiên ý, và cha đã mạnh dạn vâng lời bước theo. Cha bảo, ngày thi đậu vào Tiểu Chủng viện Phaolô Xuân Lộc, bản thân cha còn quá nhỏ, 12 tuổi chỉ biết yêu thích đời tu, nên bỏ gia đình vào Chủng viện. Nhưng nhờ sống trong mái trường Chủng viện, được các cha trong Ban Giám đốc, quý cha giáo, nhất là cha linh hướng Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật dìu dắt nên cứ ý thức dâng mình cho Chúa ngày càng sáng hơn với thời gian. Lớp đầu tiên của cha tại Tiểu Chủng viện Xuân Lộc có 88 chủng sinh, đến nay tròn 50 năm theo Chúa (1966-2016) được 1 giám mục và 5 linh mục.


su.jpg


Năm giúp xứ, cha ở với cha J.B.M Đoàn Vĩnh Phúc (thời ngài làm mục vụ ở khu vực rừng lá, hiện đang nghỉ hưu tại TGP. TPHCM) được học ở vị chủ chăn này sự nhiệt tình tông đồ hết lòng vì đoàn chiên. Cả vùng rừng lá di dân, những trại tạm cư của những người chạy chiến tranh từ miền Trung đổ về đều có bước chân phục vụ của các linh mục, và người chủng sinh trẻ Ngô Công Sứ được hình thành nhân cách tông đồ từ những con người và cuộc sống khốn khổ đó.

Trong những ngày tháng bom đạn nơi chiến trường Xuân Lộc lịch sử năm 1975, cha đang giúp Tòa Giám mục Xuân Lộc. Rồi những năm tháng tiếp theo, cuộc sống khó khăn đến độ những bữa cơm của các chủng sinh đếm từng con cá khô, thế mà họ vẫn kiên trì làm rẫy ban ngày, học hành ban đêm. Cha vừa lên Sài Gòn học Đại học vừa tranh thủ thời gian về giúp việc tại TGM Xuân Lộc. Cũng chính giai đoạn này đã cho cha cảm nhận rõ hơn những ý niệm về sự dấn thân của người mục tử.


su1.jpg


Nồi cháo tình thương tại nhà thờ Chánh tòa Xuân Lộc

Ngày đó, còn là chủng sinh giúp Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, ngài đi đâu, đến nơi nào dâng lễ hay ban các bí tích cha cũng tháp tùng. Thường thì hai cha con di chuyển trên chiếc LaDaLat nhưng nhiều nhất là những chuyến đi bằng xe gắn máy để đến được những họ đạo vùng sâu, đường sá cách trở. Bởi Đức cha Đaminh rất ưu tiên nâng đỡ các giáo xứ, giáo họ xa trung tâm và vắng bóng mục tử. Cha Sứ kể: “Có những chuyến đi, hai cha con gặp muôn vàn khó khăn và thường phải ngủ lại đêm trong điều kiện thiếu thốn để sáng mai dâng lễ cho giáo dân, nhưng Đức cha Đaminh chưa bao giờ chùn bước. Khi có cơ hội đến với đoàn chiên là ngài bỏ hết công việc để đến với họ, dù chỉ là vài giờ thăm hỏi, hay dâng một Thánh lễ; có khi vất vả xin giấy phép đi đường và phải đi cả buổi mới đến nơi. Tôi đã học ở nơi ngài được phần nào sự cứng rắn, quyết liệt nhưng hết lòng vì giáo dân”.

Ngày 19.9.1987, cha được phong chức linh mục và bề trên giữ lại làm Văn phòng Tòa Giám mục. Đây cũng là giai đoạn Xuân Lộc thiếu mục tử, rất nhiều giáo xứ, giáo họ vắng không có linh mục coi sóc trong khoảng thời gian dài. Vì nhu cầu mục vụ, Đức Giám mục giáo phận lúc bấy giờ là Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật đã cử ngài làm quản nhiệm lần lượt nhiều giáo xứ lân cận như Suối Tre, Núi Đỏ, Duyên Lãng và Xuân Khánh. Ngoài ra, bên cạnh công việc ở TGM, ngài vẫn thường một mình rong ruổi đi đến các nơi vắng bóng chủ chăn lâu ngày để dâng lễ và thực hiện các bí tích. Từ chiến khu rừng lá cũ đến Xuân Thành, Tân Hữu “biên giới” với GP Phan Thiết … Đâu đâu cha cũng giữ cho mình và truyền cho dân lửa nhiệt thành và đức tin vững chãi. Cha đi nhiều và quản nhiệm cũng nhiều giáo xứ, đến nỗi Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật thường gọi đùa ngài là “quản nhiệm nhân dân”.


Mối dây nối kết

Những chuyến đi liên tục như vậy đã giúp cha có rất nhiều kinh nghiệm mục vụ và tinh thần cởi mở đối thoại với chính quyền và những tôn giáo bạn… Cha nói mỗi khi đến với những giáo dân nhiều năm không được tham dự thánh lễ họ đã rất vui và hạnh phúc. Chính lòng đạo đức của họ đã thôi thúc các linh mục dấn thân nhiều hơn. Cha kể về một lần đi làm mục vụ: “Giáng sinh năm 1990, tại giáo họ Tân Hữu thuộc xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc, nơi giáp ranh với địa phận Phan Thiết, tôi đã chứng hôn cho 42 đôi hôn phối trong một thánh lễ giữa Vườn Điều. Dù đã có mặt trước một ngày nhưng chỉ đủ thời gian giải tội cho 84 anh chị kết hôn, còn các người giáo dân thì xin họ thông cảm. Ngày đó, tôi và thầy giúp xứ là cha Giuse Lê Như Sắc hiện nay làm chánh xứ Trinh Vương - Biên Hòa ngồi ở ngoài gốc điều, để nhường phòng cho các cô dâu thay đồ bởi họ lấm lem do phải đạp xe rất xa để đến nhà thờ lãnh nhận phép cưới sau bao năm chờ đợi… Đó mãi là một kỷ niệm khó quên trong tôi”.

Cũng trong giai đoạn đầu thập niên 1990, với vai trò là giúp việc cho cha phụ trách Chủng Sinh giáo phận Xuân Lộc Đaminh Trần Thái Hiệp, cha đã thường xuyên liên hệ với các cha Hạt trưởng tìm cách nâng đỡ các thầy bị dang dở việc học do thời cuộc, hun đúc đời tu và đưa họ về TGM học tiếp để hoàn thành chương trình Đại Chủng viện. Xuân Lộc đã có nhiều linh mục đang làm việc khắp nơi được đào tạo trong thời kỳ khó khăn này, nhờ sự hy sinh của nhiều linh mục, trong đó có cha Đaminh Ngô Công Sứ.


suchanhtoa.jpg


Nhà thờ Chánh tòa Xuân Lộc

Ngày 11.11.2004, Tòa Thánh đặt cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, chánh xứ Chánh tòa Xuân Lộc làm Giám mục GP Xuân Lộc, cha Sứ được bài sai về làm chánh xứ Chánh tòa, tiếp tục công việc của vị tân giám mục tại đây. Tiếp bước chân người tiền nhiệm, cha vẫn luôn đặt việc giáo dục đức tin lên hàng đầu, từ việc tổ chức các lớp giáo lý căn bản, dự tòng, nâng cao…, quan tâm đến sinh hoạt của các đoàn thể, các giới trong giáo xứ; đến việc củng cố đức tin nơi mỗi gia đình bằng cách tổ chức thi đua học tập chủ đề mục vụ của giáo phận, thành lập các tổ cầu nguyện tại các giáo họ.

Cho đến nay, 4 giáo họ trong xứ đã chia thành 60 tổ cầu nguyện, mỗi tổ có từ 20-30 gia đình Công giáo. Họ tổ chức thăm viếng, tương trợ lẫn nhau, đọc kinh chung hằng tuần và rước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến từng nhà. Những tháng tôn vinh Đức Mẹ như tháng 5, tháng 10, các tổ đọc kinh gia đình hằng ngày. Mỗi tối có 60 đoàn rước nến cung nghinh ảnh Đức Mẹ tại khắp các nẻo đường trong giáo xứ. Ông Antôn Trần Minh Ánh, nguyên trưởng Ban điều hành họ Phêrô chia sẻ: “Tôi đã đi định cư ở nước ngoài. Nhưng không thể quên được những cuộc rước Đức Mẹ trong các tổ cầu nguyện. Việc làm này giúp các gia đình hiểu biết nhau hơn, đời sống đức tin của bà con được nâng cao, họ biết quan tâm giúp đỡ nhau, giảm bớt những thói hư tật xấu và hơn hết là xóm giềng dần dần ý thức gắn bó, sẻ chia…”.


suxehoa.jpg


Xe hoa Giáng sinh

Ngoài ra, hằng tuần cha còn cho ra bản tin của giáo xứ với rất nhiều thông tin bổ ích, gồm bài chia sẻ Tin Mừng, các thông tin về hoạt động diễn ra trong xứ, và cả những câu chuyện do cha góp nhặt hướng người đọc về chân - thiện - mỹ, sống theo tinh thần Chúa Giêsu Kitô. Hiện đã phát hành được 582 tuần tin với số lượng 3.000 bản mỗi tuần. Tờ “Chia sẻ Thông tin” này đang góp phần rất tích cực vào việc Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội mà HĐGM VN mong muốn. Cũng chính nhờ những bản tin này mà giáo dân nắm được tình hình của giáo xứ và của nhau để kịp thời chia sẻ, động viên khi ai đó có ma chay hiếu hỷ.
“Giáo phận Xuân Lộc có nhiều vùng dân cư gần như là toàn tòng như Hố Nai, Gia Kiệm, nhưng tại thị xã Long Khánh thì ngược lại, người giáo dân chỉ là một số nhỏ, lại rất đông người nhập cư nên lòng đạo của họ cần được vun tưới thường xuyên; ngoài ra, người mục tử còn phải tìm cách tạo sự gắn kết giữa mọi người với nhau”, cha nhận định như thế. Cũng từ suy nghĩ đó mà các linh mục, tu sĩ, quý chức Ban hành giáo cố gắng hiện diện trong các đám tang và theo ra Đất thánh để tiễn biệt người quá cố, dù người nằm xuống có là ai, để làm gương sống tình liên đới cho giáo dân. Khởi đi từ những người đứng đầu, cho đến nay, việc chung tay giúp đỡ những gia đình tang chế đã lan rộng và trở thành truyền thống tốt đẹp của giáo xứ Chánh tòa Xuân Lộc, nhờ vậy mà tình thân giữa các gia đình ngày thêm bền chặt. Bên cạnh đó, nồi cháo tình thương phát cho các bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Long Khánh vào sáng thứ Bảy, Chúa nhật hằng tuần từ nhiều năm qua cũng làm cho nhiều người lương giáo tại thị xã này gần gũi với nhà thờ Chánh tòa.


suthutuong.jpg


Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng cha Đaminh

Không chỉ lo cho giáo dân, cha Sứ còn liên kết với chính quyền địa phương trao tặng quà, học bổng, sửa và xây nhà tình thương cho trẻ em hiếu học, người nghèo, neo đơn và bệnh tật trong vùng. Chính những việc làm thiết thực ấy đã giúp mối quan hệ giữa đạo đời thêm gần gũi và xóa tan những nghi ngại. Nói về việc tổ chức xe hoa Giáng Sinh, ông Phaolô Đào Văn Thanh, Thư ký giáo họ Trinh Vương cho biết: “Bốn năm qua, mỗi mùa Giáng Sinh đến, cha sở đều xin chính quyền địa phương cho tổ chức diễu hành xe hoa mừng Chúa Giáng sinh trong thị xã. Có khoảng 16 - 18 xe được trang trí thật đẹp đến từ các giáo xứ trong thị xã Long Khánh tham dự vào ngày 23 và 25.12. Đây không còn là lễ hội của người Công giáo mà là của cả thị xã vì người Công giáo tham dự chỉ bằng số nhỏ những người đi theo đoàn xe này. Ngoài ra, những việc đạo đời khác luôn được cha quan tâm và động viên Ban hành giáo, các hội đoàn cùng tham gia thực hiện”.

Vì là nhà thờ mẹ, lại cạnh Tòa Giám mục nên giáo xứ Chánh tòa Xuân Lộc luôn có nhiều hoạt động lớn nhỏ, và hầu hết được tổ chức chu đáo từ hình thức, nội dung đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự. Để có được như vậy, ngay từ đầu cha luôn giao có các Hội đoàn, các Ban ngành trong xứ cùng thực hiện để mọi người hiểu việc, biết trách nhiệm mà phân công và thực hiện... “Trong mọi sự, tôi đều mời gọi sự cộng tác của anh em linh mục, tu sĩ và giáo dân để làm sáng danh nước Chúa. Hơn hết, phải trao quyền cho giáo dân để thăng tiến họ qua từng công việc họ đảm nhận”, cha bộc bạch.
***
Xác tín lời Chúa : “Chính Ta sẽ ngự nơi miệng ngươi, và Ta sẽ chỉ cho ngươi phải nói gì” (Xh 4: 12) nên gần 30 năm mục tử, trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, linh mục Đaminh Ngô Công Sứ vẫn miệt mài dấn thân, miệt mài phục vụ, với khẩu hiệu đời linh mục: “Tôi sẽ loan báo Người cho anh em tôi, Giữa công hội, tôi sẽ ngợi khen Người” (Dt.2,12). Hiện nay tại nhà thờ Chánh tòa Xuân Lộc, ngài vẫn âm thầm làm việc như mối dây nối kết giữa mọi người với nhau, từ bà con giáo dân đến người không có đạo. Người mục tử hằng ngày vẫn bẻ nát cuộc đời mình trao cho mọi người là như thế đó.

TRUNG NHÂN
Báo Công Giáo và Dân Tộc
Last Edit: 8 years 2 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 31, Hùng 33, Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện)
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012