Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Nói ngọng ba miền

Nói ngọng ba miền 7 years 5 months ago #61937



Nếu phải nói đến vùng nào hay miền nào ít nói ngọng nhất và phát âm tiếng Việt chỉnh nhất thì phải nói đó là người Hà Nội trước năm 1954 tại miền Bắc. Phải nêu rõ ra ở đây là người Hà Nội thực thụ, sinh đẻ và lớn lên tại Hà Nội chứ không phải người từ các vùng phụ cận chạy tản cư về như Thái Bình, Nam Định, Hưng yên, Hải Phòng, vv... Lý do phải xác định rõ như thế là vì những người sinh trưởng tại Hà Nội, tại cái đất thủ đô của nghìn năm văn hóa cũng có nhiều nét khác với những người dân quê lam lũ sống rải rác ở vùng châu thổ Sông Hồng và miền núi đồi phía Tây Bắc và Đông Bắc. Người Hà Nội vào những năm tiền chiến là những người có thể nói là được giao tiếp với nền văn hóa Âu Tây, những nhà tiên phong theo tây học và làm các công việc về văn hóa như nhà văn, nhà thơ, chủ bút báo, tạp chí nghệ thuật, vv... Họ cũng là những viên chức trong các công sở hành chánh của chính phủ Việt và Pháp thời bấy giờ. Do đó phải nhìn nhận một điều là với trình độ nhận thức và hiểu biết của họ về văn hóa và ngôn ngữ trong tiếng Việt có phần nào trổi vượt hơn so với những vùng và miền khác. Tôi tạm gọi cách phát âm này của họ là giọng của những người 'Hà Nội chuẩn'

Những người 'Hà Nội chuẩn' này một số đã lên tàu di cư vào miền Nam năm 1954, một số thành phần khoa bảng và có chức vụ đã sang các nước ngoài như Pháp hay các thuộc địa của Pháp như Tân Đảo (New Caledonia), hay Reunion Island trong vùng biển Ấn Độ Dương sinh sống. Số người Hà Nội chuẩn vào miền Nam lập nghiệp sau năm 1954 đều ở rải rác gần khu vực Sài Gòn. Họ là những nhà văn, nhà thơ, những nhà biên khảo, sáng tác âm nhạc (như nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Hiền,...) và làm báo. Họ mang theo cách phát âm khá chuẩn mực về ngôn ngữ Việt từ Hà Nội vào trong Nam. Họ phát âm ít khi sai như đại đa số các miền khác ngoài Bắc như khi nói chữ 'N' ra 'L' hay ngược lại. Họ cũng phát âm rất chỉnh khi nói 'TR' hay âm 'X' và âm 'S',vv...


Ca sĩ Thanh Tuyền có kể lại câu chuyện khi được nhạc sĩ Anh Bằng gọi đến để thu âm bài hát của ông thì Thanh Tuyền phát âm theo cách của người miền Nam chữ 'suốt' thành chữ 'xuốt'. Nhạc sĩ Anh Bằng không chịu và bắt cô tập cho đến khi nào phát âm đúng chữ 'SUỐT' thì mới thôi.

Đôi khi có một số ca sĩ khi hát vẫn hát sai các âm như thí dụ 'TRONG TRẺO' thì hát là 'CHONG CHẺO', 'MƯA RƠI' thì hát là 'MƯA DƠI', 'RUN RUN' thì hát là 'DUN DUN',... Có lẽ họ ngại uốn lưỡi nhiều nghe không uyển chuyển giọng hát nên dù phải phát âm sai nhưng giọng hát sẽ nhẹ nhàng và dễ hát ca từ đó hơn chăng ?

Hiện nay thì người Hà Nội ngoài miền Bắc cũng không còn cái giọng 'Hà Nội chuẩn' của ngày xưa nữa. Lý do sau năm 1954 và trong thời kỳ chiến tranh số người Hà Nội chính gốc ngày xưa thử hỏi còn lại được bao nhiêu người tại đất Hà Nội ? Có lẽ họ đã già và thế hệ của họ đã qua đi mất rồi ! Vả lại sau bao nhiêu năm bị cấm vận không được tiếp xúc với văn hóa và trào lưu của các nước ngoài văn minh tiến bộ, cộng thêm những người dân vùng quê làm lũ quanh Hà Nội kéo về để sinh sống và lập nghiệp đã tạo nên cái nét văn hóa, ngôn ngữ mới cho đất Hà Nội và cách phát âm khác xưa rất nhiều.


Cái giọng 'Hà Nội chuẩn' ấy thỉnh thoảng tôi có duyên cơ gặp được và nghe dìu dặt sướng cái lỗ tai. Như trước đây tôi có dịp nói chuyện nhiều lần với nhạc sĩ Xuân Tiên, một người dân Hà Nội chính tông và phát âm giọng Bắc rất chuẩn. Một vài chị vợ của người bạn (khá lớn tuổi, vào trà 70 trở lên) cũng là người 'Hà Nội chuẩn' do tôi tình cờ khám phá ra. Lý do là sau một lúc chuyện trò, tôi hỏi chị (đáng lý phải gọi là thím hay cô) có phải là người Hà Nội không ? Chị ngạc nhiên vô cùng và hỏi lại tôi 'Sao chú biết tôi là người Hà Nội ?'. Tôi tủm tỉm cười và nói 'Nghe giọng 'Hà Nội chuẩn' của chị em đoán ra ngay thôi'. Tôi không dám dũng cảm nói tôi không nói ngọng, nếu có thì cũng rất ít chữ bị nói ra ngọng nghịu nhưng tôi có một cái lỗ tai khá nhậy cảm với cách phát âm của người Hà Nội chuẩn xưa, thế có đáng gọi là 'tài còm' không nhỉ?

Mỗi miền đất nước Việt Nam có những thổ âm đặc biệt của miền đó, chẳng hạn như người miền Trung xứ Nghệ thì có rất nhiều chữ rất lạ tai khó hiểu được nếu lần đầu được nghe qua và không có người địa phương cắt nghĩa cho hiểu. Thí dụ như 'ở lố' là ở truồng, xe máy 'sộc' là xe máy nổ,...

Chuyện vui về một anh thương binh nọ đang đạp xe đạp về làng. Có cô gái làng đi bên đường nói 'Anh nớ có đi lên chợ đeo (đèo = chở) em cái'. Anh kia trêu ghẹo lại 'Tôi là thương binh không đeo được mô'. Cô này liền cự lại 'Đồ mất dai (mất dậy)'. Anh thương binh tròn mắt 'Sao cô biết tôi bị thương ở chộ đó?'







:)
Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Last Edit: 7 years 5 months ago by Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

Nói ngọng ba miền 7 years 5 months ago #61936

.
tieng.jpg


Đố tìm được vùng nào không nói ngọng

Lâu lâu có một quan chức hay một em hoa hậu á hậu nào đó xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia mà nói ngọng (ngọng thiệt chứ chẳng phải lỡ nha) là thiên hạ bò ra cười.

Kể cũng đáng suy nghĩ thật, nặng nhất là mấy quả "l", "n", cứ "noạn" (loạn) hết cả lên.

Kể ra cũng oan thật, vì nói ngọng cũng như đặc sản vùng miền, nó thấm vào tận gan ruột, ăn vào tận cơ lưỡi rồi, uốn lắm rồi mà bản năng nó trỗi dậy là thua, đâu phải muốn mà thoát... ngọng.
Kể cũng oan thiệt vì biết đâu chính mình cũng ngọng. Cả xứ mình, thử hỏi đố tìm ra vùng nào không ngọng xem nào?

Vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc bộ có vẻ ngọng nhiều nhất. Hải Phòng Nam Định hẹn nhau lên thủ đô nói thế này: "Mai đi Hà Lội mua cái lồi về lấu cơm lếp" (Mai đi Hà Nội mua cái nồi về nấu cơm nếp).

Cách nhau có vài chục cây số thôi mà sang Hải Dương, Bắc Ninh hình như lại ngọng ngược lại. Hồi tôi lên rừng Trường Sơn chơi với ông cậu đang phụ trách tuyến đường này, ổng kể có ông thủ trưởng đơn vị người Hải Dương chửi anh lính lái xe ẩu một trận tối mặt tối mày thế này: "Nàm thì nười. Nói thì náo. Đi xe thì nạng nách. Nao nên nề. Ngã nuôn" (Làm thì lười. Nói thì láo. Đi xe thì lạng lách. Lao lên lề. Ngã luôn").
Ngọng mà chửi duyên thế thì kém gì hề Xuân Hinh.

Dân Hà Nội cứ bảo giọng mình là chuẩn, là tiếng quốc gia, chính ra cũng ngọng "níu nưỡi" (líu lưỡi). Cứ nghe các cô phát thanh viên phát âm tròn vành rõ chữ "chong chẻo" với cả "dun dẩy" (run rẩy), rồi thì "xung xướng" (sung sướng) mới cả "dưng dưng heo may" (rưng rưng heo may) nghe sao mà... "dụng dời" (rụng rời).
Đọc nghe âm nhẹ đi thật, nhưng điệu quá có ngày gậy ông đập lưng ông, nghe nói có lần chị L. K. làm MC chương trình âm nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn. Chị K. thì nổi tiếng thanh lịch rồi, nhưng giới thiệu say sưa xong, đúng lúc cần giới thiệu nhan đề bài hát thì buột miệng: "Sau đây mời quý vị cùng thưởng thức ca khúc nặng nẽ lơi lày (lặng lẽ nơi này)".

Cô Nguyên Lê thì ám ảnh dấu sắc, ba dấu sắc mà đứng gần nhau là thảm họa. Hồi đi phỏng vấn các ông nhà văn, sau khi hỏi chuyện đời chuyện nghề xong thì chị cập nhật thông tin, bèn hỏi "Dạo này chú có sạng tạc mợi (sáng tác mới) nào không?".

Nhà văn nghe không thủng tai, hỏi lại "có cái gì?". Chị càng quýnh, càng líu lưỡi: "Dạ, sạng tạc mợi". Nhà văn càng nghe càng hoảng, gì mà mợi mợi?

Tôi dân khu Bốn cũ, cả một vệt Bình Trị Thiên ấy toàn ngọng hỏi ngã, sợ nhất là ba dấu hỏi đứng liền nhau. Ra Hà Nội học, cố uốn lưỡi cho giọng nhẹ đi, mềm lại, nhưng lâu lâu vẫn bị phản chủ. Có lần qua sạp báo Hàng Trống, lười gửi xe nên đậu bên ngoài, gọi với vô: "Lấy cho em tờ Tuỗi Trẽ chũ nhật(Tuổi Trẻ chủ nhật)".

Chị bán hàng đoán mồm một hồi không ra, hỏi lại, "Lấy tờ gì?" - Tuỗi Trẽ chũ nhật. Ối giời ơi là những ba dấu hỏi. Chị bán hàng vẫn không hiểu tờ gì, mắt trợn tròn làm tôi càng ngượng, xuống xe, cầm tờ báo lên: "Đây, làm gì còn có tờ báo nào có ba dấu hỏi mà cũng không biết".

Cả một vệt Nam Trung Bộ từ Quảng Nam Đà Nẵng vô tới Phú Yên Bình Định thì ngọng kiểu gì mà toàn tưởng... nói lái. Ai đời cái lốp xe đạp mà không ít người nói là cái... láp xe độp.

Ngọng kiểu nói lái thế mà thích đùa, thích nói chữ lắm nha. "Thôi rồi Lượm ơi" mà thế nào lại thành "thau rầu Lượm âu".
Nghe lăn ra cười, thế là bị chửi... thiệt: "Chưởi chơ không bằng phơ tiếng" (chửi cha không bằng pha tiếng).

Phải bóp mồm xin lỗi rối rít, xong tối lại rủ, "Đi hát kơ rơ ơ kơ giải sầu không", chịu không nổi lại lăn ra cười, thế là bị giận đến không thèm ngó mặt.
Rồi một vệt miền Nam Tây Nguyên ngọng kiểu miền Nam Tây Nguyên, không nói được chữ Q. Xuống Bến Tre, Đồng Tháp thì cứ kéo nhau "bắt con cá gô bỏ gổ" (bắt con cá rô bỏ rổ).

Ngọng đủ kiểu Bắc Trung Nam, vậy mà cơ bản ai cũng hiểu thế mới lạ! Ai dũng cảm kêu mình không nói ngọng giơ tay lên nào, kể cả... tôi?

* Lê Hồng Lâm *
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012