Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Cá sông

Cá sông 6 years 3 months ago #63237

.
Cuối Năm nhớ mắm
mam-ca-linh.gif

.
Phú Tâm còn có tên là Phú Nổ hoặc Vũng Thơm là một xã đất giồng miệt Sóc Trăng trù phú, nơi người Tiều, người Khmer, người Việt đã và đang sống chan hòa với nhau hằng cả trăm năm.

Vũng Thơm nổi tiếng với lạp xưởng và mè láo không những chỉ trong nước mà còn bán qua tới tận Hương Cảng.

Độ ấy, đầu tháng Ba, năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, xe đò hãng Phi Long chở đồng bào mình chạy giặc xuống tạm cư tại trường Trung học xã Phú Tâm, cách ngã ba An Trạch trên quốc lộ 4 chừng 9, 10 cây số.

Cũng tại trại tạm cư nầy, tui được may mắn đứng từ xa nhưng vẫn thấy mặt được một người anh hùng của QLVNCH là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lịnh Quân đoàn IV& quân Khu 4.

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam mặc đồ trận, dây ba chạc, đội nón sắt, đeo súng Colt 45 được Đại tá Liêu Quang Nghĩa, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Ba Xuyên tháp tùng, đi ủy lạo đồng bào tỵ nạn CS.

Khi Tướng Nam và Đại tá Nghĩa rời trại tạm cư lên xe jeep trở lại Sóc Trăng, tui lại bận túi bụi phụ tiếp các sư sải Khmer phát bánh mì, sữa hộp hiệu Kim Cương cho bà con mình xong thì tới phiên mình đói bụng.

Dẫu chỉ là một giáo làng làng nhàng nhưng tui cũng được ông Trung úy Trưởng ban 5 Chi khu Kế Sách cho dựa hơi đi ăn ké thịt bò nhúng giấm chấm mắm bò hóc do một xì thẩu, thân hào, nhân sĩ ở chợ Phú Tâm thết đãi!

Prahok chow là mắm bò hóc sống làm bằng cá trê trắng, sền sệt màu đất sét với sả, ớt vắt thêm nước chanh để làm nước chấm, được người Khmer dùng đãi khách quý đến nhà.

Cầm đũa nhúng miếng thịt bò vào cái nồi nhỏ đựng dấm đang sôi, tui tính đưa ngay vô miệng vì đói bụng quá Trời rồi; thì ông Trung úy ngăn lại, kêu chấm vô cái nầy đã. Chưa thử lần nào, tui hơi ớn.

Úy trời đất ơi! Nó ngon thấu trời đi. Ngon đến nỗi gần 48 năm rồi, đêm nay quê người, tui cũng còn thấy nó phau trong miệng!

Do đó có một bậc thức giả vin vào câu nói: “Đến nhà qua chơi, có mắm ăn mắm có muối ăn muối, em đừng ngại!” là một cách nói khiêm cung, chứng tỏ lòng hiếu khách của người dân Lục Tỉnh Nam Kỳ.

Giờ thì tui lại hiểu rằng: Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối; một câu có hai vế đối nhau chan chát, tức là có món ngon cũng xin mời cầm đũa; mà chỉ muối hột cũng xin chớ có chối từ!

Nghĩa là mời khách ăn mắm là quý lắm đó nhe. Mắm cũng chứng minh được miệt Lục Tỉnh Nam Kỳ, thiên nhiên giàu có hào phóng cho cá dưới sông hay trên đồng, trong lung, đìa, bào nhiều đến nỗi bà con cô bác mình ăn không hết mới làm mắm phải không nào?

Như vậy xin đừng võ đoán là nghèo mới ăn mắm nhe quý anh!

Úc nầy cũng vậy. Đến nhà ai, thấy nhà to chưa chắc họ đã giàu. Vì có thể nhà chưa trả xong. Chạy Mercedes, chưa chắc họ đã là giàu, vì tiền nợ xe có thể chưa trả hết.

Muốn biết giàu hay nghèo chỉ cần mở cửa cái tủ lạnh ra… Nếu nó đầy nhóc; thì chắc chắn chủ nhà giàu rồi hè.

Riêng nhà tui là độc nhứt vô nhị, là không giống ai. Tủ lạnh luôn đầy nhóc vì khi siêu thị giảm giá, em yêu ham rẻ, rinh kình kình về, chất đầy một tủ! Tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy mà.

Xin cám ơn em yêu, người phụ nữ Việt Nam quá xá đảm đang; đã ghi thêm tên anh vào danh sách của những người Úc sắp bị bịnh béo phì!

***

Muốn làm mắm, cá phải làm sạch, cho cá thật khô rồi mới muối, đựng trong mái vú hay khạp da bò! Xong gài bằng những tấm vỉ tre và dằn lên những cục đá xanh để ép con cá muối nằm sát lại. Muối từ hai đến ba tháng!

Xong rang gạo lức cho chín vàng, xay nhuyễn ra làm thính, rắc vào cho mắm nó thơm.

Cuối cùng là chao mắm. Đường chảy thắng kẹo lên, trộn đều vào làm cho vị mắm dịu lại.

Sau vài tháng là mắm bắt đầu ăn được.

Tùy theo loại cá, ta có mắm cá lóc, mắm cá sặt, mắm cá rô đồng, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm cá thác lác, mắm cá chốt…

Mắm kho chỉ cần nửa ký lô mắm sặc, cho vô nồi nấu với hai lít nước lã để thịt con mắm rã ra. Lấy cái rây lược bỏ hết xương cá, nêm thêm bột ngọt, muối, đường gốc sả đâp hơi dập cột lại thành một nắm.

Chờ nồi mắm sôi lên, cà tím cắt khúc dài chừng ba, bốn phân, chẻ đứng, thả vài khứa cá ba sa vào (cá ba sa là nhứt hạng), thêm vài lát thịt ba rọi xắt nhỏ,

Nhắc nồi xuống rưới nước mỡ tỏi phi lên mặt.

Nồi mắm thơm phức quyết liệt tấn công vào khứu giác ai mà không ứa nước miếng cho được chớ?

Mùa gió chướng, sa mưa giông, người ơn ớn lạnh; khỏi cần aspirin, chỉ cần em yêu chơi cho một nồi mắm kho là giải cảm.

Ông bà mình đã dạy: “Đói ăn rau! Đau uống thuốc!”

Món mắm kho là tổng hợp các vị thuốc Trời cho như rau càng cua, rau đắng, cải trời, rau má, rau muống chẻ, rau diệu, rau mát, rau muống, rau ngổ, rau dền, cải trời; lá lốt, lá chùm ruột, lá vông nem, bông bí rợ, bông so đũa, bông lục bình, bông điên điển; đọt bầu, đọt bí rợ, đọt bí đao, đọt mướp, có đầy dẫy trong vườn hay ngoài ruộng.

Nhưng có ba loại không thể nào thiếu cho được! Đó là rau ngổ, cọng bông súng và hẹ ruộng.

Rau ngổ mọc dưới ao, ruộng, đìa, láng ngập xăm xắp nước ở Miền Tây mới có. Thân rỗng giống rau muống, lá nhỏ và dài giống lá rau răm nhưng có răng cưa xung quanh. Vị đắng nhẫn nhẫn, dai dai giòn giòn Khi ăn chỉ lấy phần cọng rau, tuốt bỏ hết lá đi.

Ca dao cũng có câu: “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm!”

Mắm kho không thể nào thiếu cọng bông súng cho được. Cọng bông súng khi tước vỏ rất giòn dễ gãy, dùng dao tước mỏng, rồi chỉ cần bẻ thành từng khúc.

Cuối cùng là Hẹ. Hẹ có hai loại: Hẹ rẫy và hẹ ruộng.

Hẹ rẫy lá dầy, bề ngang hẹp, màu xanh sẫm ăn với hủ tiếu hoặc mì hay hoành thánh của mấy chú Ba người Quảng.

Còn hẹ ruộng lá mỏng, có gân trắng chính giữa mỏng, mềm, xanh nhàn nhạt như lá sả, xốp và giòn.

Mùa nắng ruộng khô rang, nứt nẻ, không có cây cỏ gì sống được. Vậy mà mưa xuống, ruộng đầy nước, không cần gieo, không cần trồng gì hết, như lúa ma trên đồng nước nổi tới đâu nó đua tới đó, thì hẹ ruộng nói có em đây!

Lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, thò tay tìm cái gốc hẹ mà lắc lắc vài cái cho đất nhão ra rồi nhổ lên cả bụi lẫn gốc rễ.

Nhổ về, ngâm trong thau nước khoảng một giờ đồng hồ để rửa phèn và sình. Xong xếp ngay ngắn đầu theo đầu, đuôi theo đuôi trong cái rổ lớn cho ráo nước. Lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi, cuộn nó lại cỡ ngón chưn cái, chấm với mắm kho, rồi bỏ vô miệng nhai rau ráu, vừa giòn tan, vừa mềm, vừa ngọt, vừa mát lạnh trong cổ họng, thiệt không có thứ rau nào có thể chiếm được ngôi bá chủ võ lâm trong các giống rau dùng ăn lẩu mắm.

Bưng chén đầy rau, gắp thêm miếng cá ba sa chấm muối ớt, ngon nhứt phần ức có mỡ hoặc thịt hai bên má của cái đầu cá, gắp vài miếng thịt ba rọi, miếng cà tím, múc mắm kho chan ngập vào, ớt sừng trâu chín đỏ xắt miếng xéo xéo (cho miếng ớt được lớn) vừa nhai rau ráu vừa húp rồn rột.

Ăn no mà không bao giờ sợ cái vòng số hai, tức cái bụng phình lên như cái trống chầu bao giờ. Một cách “diet” hiệu nghiệm của phụ nữ Việt Nam mình.

Chính vì vậy từ trẻ tới xồn xồn tới già, dù ăn như xáng xúc mà phụ nữ chúng ta ai cũng đẹp bóng lẫn hình mà không cần đi hút mỡ bụng.

Sau này, món lẩu mắm là mắm kho trong cái cù lao, đỏ rực than hồng! Món mắm kho luôn luôn sôi ục ục đã chễm chệ ngồi vào thực đơn nhà hàng ở cái đất Footscray nầy!

Cá, tôm, mực, nghêu ướp gia vị, gắp nhúng vào mắm nhưng tui lại thấy không ngon. Vì đồ biển nhúng vào mắm cá đồng là trật chìa, là trái bản họng hết trơn; như ca sĩ chuyên xuống xề nhạc muồi mà buộc phải chơi nhịp chỏi của “Rock and Roll”’!

***

Chiều cuối năm, gần Tết tới, lấy hai tuần lễ nghỉ thường niên vì cày suốt năm oải quá. Đi làm quen, ở nhà mà mấy thằng bạn nhậu, hình như tụi nó chết hết rồi sao mà không có ai kêu tui đó; nên cái mặt tui chảy xệ như cái bánh bao chiều; cứ trước sân anh thơ thẩn đăm đăm trông nhạn về!

Em yêu thương quá; bèn chơi cho chàng một cái lẩu mắm để chàng nhậu với rượu đế, trong như mắt mèo của Nga, là rượu vodka.

Vậy mà thằng Úc sát bên nhà, hửi hửi mùi mắm thơm nức mũi như vậy lại hỏi xỏ tui là: “Bộ nhà có người chết hả?” “Ờ có! Ông nội mầy!”

Nghe nói vậy, nó bèn ôm mặt khóc hu hu… làm tui cũng hoảng. E mình xài xể nó quá nặng lời làm tan vỡ cái tình chòm xóm, ít khi có trên nước Úc nầy, với nó bấy nay.

“Ờ! Anh nhắc, tui mới nhớ ông Nội tui chết trong niềm cô độc! Cả tháng mà hổng ai hay! Hu hu!”

Tui hối hận, bèn an ủi nó rằng: “Ôi cái xã hội bây giờ tệ như vậy đó chú em ơi! Buồn mà chi!”

“Anh nghe nói chú em mầy đang rắp ranh, bắn sẻ, ve vãn một em Việt Nam bán cá ở chợ Footscray thì phải?

Nhưng chú em mầy chỉ khoái ăn cheese, (hôi mùi xà bông tắm), và cá lăn bột với khoai tây chiên mỗi bữa, lại không ngửi được mùi thơm của nồi mắm kho trên bếp thì anh thành thật khuyên chú em mầy hãy từ bỏ niềm hy vọng bấy nay là chiếm được trái tim em! Vì đó chỉ là ảo vọng mà thôi!”

Thằng Úc nầy là thằng dại gái! Thấy con gái là mặt nó khờ căm thấy thương luôn.

Nghe tui hù như vậy nó bèn xuống nước nhỏ: Bắt đầu từ ngày mai nó sẽ ráng tập. Hãy mua dùm nó trước hết là chai nước mắm hiệu ba con cá cơm cái đã.

Từ từ nó sẽ ráng bịt lỗ mũi mà mần thêm cái món mắm kho!

Bằng không, em Việt Nam nầy sẽ tuyệt tình ca vì tui không ăn được mắm kho! Tim tan vỡ làm sao sống; chỉ còn cách đâm đầu xuống dòng sông Maribyrnong mà chết! Anh hai ráng giúp em nhe! Thank you very much!

Chiều cuối năm nhớ mắm!


Happy New Year!

Đoàn Xuân Thu - Melbourne
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 33

Cá sông 6 years 8 months ago #62905

Ngày đó tôm cá tràn đìa,những năm cuối thập niên 70 về vùng Bạc Liêu lo chuyện vượt biên. Vùng đó gọi là Gòi, xã Lịch Hội Thượng, con kênh trước chòi có anh cụt hai chân, mưu sinh bằng cây cần câu tre dài ngoằng, chèo ghe dọc con kênh, những con cá lóc nặng 1-2kg anh giật luôn tay. Ốc leng to bằng ngón cẳng cái, chèo xuồng vào rừng đước ven biển, nước lên chúng leo bám đầy cây đước, chỉ cần lùa ghe vô và .... rung cây, ốc leng rớt đầy xuồng bò lổn ngổn .... Ở tù tại Vĩnh Châu, lúc được ra ngoài lao động mới thấy Thiên Chúa ưu đãi miền đất lành. Theo con nước, cá tôm "chạy" đầy mương, cá kèo nghển cổ, vùng vẫy chen nhau phóng về phía trước rồi chui tọt vào rọ, mỗi lần kéo rọ, năm sáu anh lực lưỡng kéo bở hơi tai, tép to bằng 2 ngón tay cũng "chạy", to cỡ nào mà không càng cũng không được làm tôm. Trại tù cả ngàn người ngày nào cũng có cá, có tôm... Cá kèo chỉ cần bấm vào dưới cổ móc ruột ra, ngoắng ngoắng mấy cái là bỏ vào nồi, cọng sen, cọng súng, bông so đũa với một cục me là có nồi canh thơm phức.

Bây giờ nước cũng thiếu nói gì tôm cá, bà vợ mua cá kèo về rửa năm lần bảy lượt, lăn tro lăn trấu vẫn tanh, vẫn không hết nhớt. Ra đồng thiên hạ xịt thuốc sâu mù trời, những tay chích điện cần mẫn bắt từng chú lòng tong, lìm kìm ... chỉ có ốc bưu vàng là mong sống sót. Hôm nào theo bạn vào trường đua Phú Thọ xem đua ngựa, vé hạng bét nên phải kiễng chân nghển cổ miết mới nhìn thấy ... ngựa. Vé hạng "cá kèo".

Cám ơn Bác Thái, cháu thấy lại những ngày bĩ cực, đầy ắp vui buồn với miệt sông nước.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 33, Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện), Bác Phan T. Thái

Cá sông 6 years 8 months ago #62899

.
Cá sông tác giả Hoàng Châu

Gió đưa gió đẩy về Rẫy ăn Còng

Về Sông ăn Cá về Đồng ăn Cua
.

                                (Ca Dao)

song.PNG

        Ở miền Nam Việt Nam sông rạch như mắc cưởi. Mấy ai mà không qua cầu qua bắc một lần, mấy ai mà chẳng gọi đò, mở miệng quá giang một chuyến ? Trẻ em quanh sông, trai gái hầu như đều biết lội và biết mò nghêu mò hến, biết cách “bắt cá sông”. Đó, đăng, chài, lưới, nò, vó, te, xiệp, chong, cào, đóng đáy, rộng bè, tháo đập xả mươn, giở chà…là các cách bắt cá tép quen thuộc ở dưới sông. Ca dao tục ngữ nói về cá sông nhiều không kể xiết. Cá với nước hay cá với sông nói lên nhièu ẩn dụ:

- Sông dài cá lột biệt tăm
Phải duyên phu phụ ngàn năm cũng chờ.
- Anh về bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em.
- Sông Trúc Giang nhiều hang cá ngát
Đường Ba Vác gió mát tận xương
Anh có thương em thì nôi sợi chỉ hường
Chớ bán rao cho lắm, hãy chừa đường cho em đi !

- Xưa kia biển rộng sông dài
Lưới kia không bủa sao chài không vung ?
Bây giờ biển cạn sông cùng
Lưới ta đang bủa xách chài vung làm gì ?

- Tháng ngày thông thả làm ăn
Khỏe quơ chài kéo mệt quăng câu dầm
Nghêu ngao nay chích mai đầm
Một bầu trời đất vui thầm ai hay
                          (Thơ Nguyễn Đình Chiểu)

        Sông nước hữu tình, cá tôm bơi lội. Có mùa có những loại cá gần như đặc cả một khúc sông. Chim cò, ráy cá, cá sấu tha hồ bắt ăn. Ngoài cá tôm còn nghêu hến, cua rạm. Bãi sông sình lầy thì có cua biển, cua đinh, con lịch (như con lươn nhưng đuôi dẹp). Nơi cuối rạch cùn, lục bình rau mác mọc dày đặc, kéo lên có cả tôm, cá bống dừa bám theo rễ. Có loại cá thường trực, có loại phải theo mùa, theo con nước theo từng đợt. Có loại chờ tới mùa gió chướng, nước mặn tràn vào sông mới có. Có loại phải chờ nước Biển Hồ bên Cao Miên đổ về mới có. Mùa gió chướng thì có cá gần giống như cá biển. Mùa nước nổi thì có cá linh, cá ba sa. Có những loại cá mà người dân tin tưởng gắn liền với vận mệnh quốc gia như “cá cháy” miệt Hậu Giang và “cá duồn” miệt Tiền Giang. Năm nào cá cháy về đặc sông là mưa hòa gió thuận trúng mùa, hoa mầu thu hoạch cao. Năm nào cá duồn bán đầy chợ là dân cư an ổn, giặc có đánh cũng xa xa không gây nhiều tang tóc. Cá duồn rọng trong thau phải quậy cho nước xao động luôn, nếu nước đứng yên thì cá chết. Cá duồn kho mẳn ăn cả vãy cả ruột rất ngon. Còn cá cháy kho lạt ngon ngọt không con cá nào bằng. Nhưng hiện hai loại cá nầy vắng bóng trên cả Sông Tiền Sông Hậu. Trước đó người ta tin là Nhựt Bổn mượn dòng Cửu Long lưu thông mà tìm cách tiêu diệt loại cá nầy. Có người lại tin là tai trời ách nước khiến dân còn phải khổ vì nạn Cộng Sản nên loài cá nầy bỏ đi. Cũng như Vườn Cò ở Bảo Tiền Bảo Hậu Long Thắng bỏ đi mà Tỉnh Sađec bị mất tên, loài chim hạc bỏ đi mà Việt Nam Cộng Hòa bị rơi vào tay Cộng sản…

Những ai có dịp đi theo dòng Cửu Long từ Tiền Giang qua Hậu Giang, mới thấy cảnh sông nước hữu tình. Tàu quốc tế ống khói đen ngòm xả tốc lực chạy dập dìu lên hướng Nam Vang. Cũng như vào Cảng Sàigòn tàu đi trên sông Cửu Long  phải cần hoa tiêu địa phương hướng dẫn để tránh đá hàng và các cột đáy trên sông. Đá hàng trên Vàm Long Hưng nước xoáy, nơi xưa kia Vua Gia Long ngăn sông để đánh thủy chiến với Nguyễn Huệ. Nếu ta có dịp đi đò máy hay ghe chài loại lớn thì mới thấy mặt sông Cửu Long như biển cả. Xa xa có những cột đáy lắc lư giăng hàng như cảng cả lối đi. Ban đêm những đèn bảo trên cột đáy dùng đánh dấu ghe tàu qua lại biết mà tránh lối, sóng gió đánh chập chờn như ma trơi. Có nơi đáy giăng cả giữa dòng sông, tàu bè phải lách qua lối phải hay trái mà đi. Các hoa tiêu rất tài tình, dù trời mưa bảo hay tăm tối họ cũng theo con nước mà lách qua cột đáy dể dàng. Còn đò máy loại nhỏ hay tắc ráng dĩ nhiên phải đi cập ven sông chỉ dám băng ngang sông khi sóng êm gió lặng.

        Tại Vàm Nao hay An Phú Châu Đốc có những bè cá lớn như cái nhà. Trên là nhà sàn dưới nuôi cá tôm đủ loại. Người ta dùng lưới bện sáo và thả cá vào nuôi. Có khi cho thức ăn có khi để vậy cho cá sống bằng phiêu sanh vật ở sông mà lớn. Nuôi cá bè rất lợi, không tốn kém nhièu, không tốn thức ăn cho cá. Có những cùm cá lớn như chiếc tàu nổi. Cá được rọng trong cùm và kéo đi khắp nơi để bán. Cá rất mập béo vì sống bằng phiêu sanh vật dưới sông. Có khi người ta chở cá trong ghe, thì bấy giờ gọi là cá ghe. Cá ghe thường ốm và hay có ghẻ, cá cạp dầu trét ghe ăn để sống nên khi làm ra có mùi hôi dầu không ngon, Con cá ốm đầu chờ vờ, sau đuôi có ghẻ như ngôi sao nên gọi là cá có sao.
        Cá tra cá vồ là loại ở hồ ao nhưng cũng có khi ra sông. Tới mùa nước nổi hay nước đổ cá tra từ Biển Hồ trôi đặc cả sông. Dân miệt Tân Châu Châu Đốc dùng lưới mùng để hứng cá tra con mà ấp. Họ chỉ lựa cá tra con mà thôi, các loài cá khác thì đổ đi, do đó vô tình tiêu diệt các loài cá khác. Nuôi và bán cá tra giống con là một mối lợi lớn. Cho nên đây cũng là vấn đề đặt ra cho Tòa Hành Chánh và Ty Ngư Nghiệp Châu Đốc phải giải quyết.

        Đóng đáy là phương tiện chánh yếu để bắt cá tép ở sông. Cột đáy là những cây dầu cây sao hàng mười mấy thước đưọc xốc sâu xuống giữa lòng sông. Thợ lặn xốc đáy là những người phi thường vì phải dài hơi, lội giỏi, lặn giỏi. Họ uống cả nửa tỉn nước mắm biển hay nước mắm hòn trước khi lặn cho áp xuất nước không làm cho họ bị ra máu lổ tai. Họ cũng uống vài cốc rượu đế cho ấm lòng. Phải cúng vái khấn nguyện trước khi hành sự. Bên trên là hàng chục người với dây dọi để căng kềm cho cọc đáy xuống thẳng góc. Có những vụ xốc đáy mà người thợ lặn không trồi lên ! Họ cho là ma da kéo hay thuồng luồng nuốt. Nước giữa dòng Cửu Long không nói thì ai cũng biết là chảy siết như cắt. Mà đáy phải đóng ở những eo nước xoáy mới có nhiều cá tôm. Lưới giăng từ thưa tới nhặt và cuối cùng là một “cái đụt cá”, hình thù như thân phi thuyền rời ra trước khi trở lại quả đất. Đụt cá tép mỗi lần giở lên là vài ba thúng giạ. Tùy theo con nước, một miệng đáy mỗi đêm có thể giở vài ba lần, và mỗi lần vài ngàn tô tép hay năm trăm ký lô. Tính trung bình mỗi ngày có thể hơn cả tấn cá tép. Chưa kể có những miệng đáy vô toàn tôm hay loại cá đắt tiền. Đáy cũng thường vô loại cá kèo hay tép bạc. Có khi vô cá đuối và cá nược, hay có khi lọt cả ráy cá. Nếu cá nược vô đáy thì kể như xui xẻo, không đánh bắt nữa. Ban ngày, mỗi lần giở đáy là le le, còng cọc bay lượn đen trời để nhào xưống ăn cá tép. Đáy giở xong phải giặt và phơi bên sào cạnh bờ sông như râu rồng buông phủ. Lưới đáy đươn bằng “chỉ gai” thật chắc, nhuộm bằng “vỏ cây sắn”, một loại như cây bần, dẹt nhưng trái ăn chua chát như dâu rừng. Màu sắn là màu “nâu sòng” thanh bai mà người tu hay chọn.

        Xã thôn tự trị, ngoài thuế điền, viên, huê lợi công điền công thổ, thuế môn bài, thuế thổ trạch; quan trọng là thuế “hoa chi, thủy lợi”, bến xe, bến đò. Hoa chi là huê lợi do “đấu thầu” chợ và thủy lởi là huê lợi do đấu thầu huê lợi ở sông. Ở miệt giồng thì đấu thầu các “đìa lung” hay rừng tre, rừng lá. Trước năm 1975, những cuộc đấu thầu nào trị giá trên “một trăm ngàn đồng” phải thực hiện tại cấp Tỉnh. Còn dưới giá ngạch đó, Xã được quyền “khảo giá” và “gọi thầu”, dưới sự giám sát của Quận.

        Ở sông có những loại “cá trắng” như cá út, cá chốt, cá lăng, cá dứa, cá ba sa, cá sát bụng, cá bông lau, cá ngát. Nếu mưa tràn ngập ruộng thì có cá lóc, cá trê trắng, lạc ra sông. Về cá bống thì có bống cát, bống trân, bống tượng, bống mú, bống sao, bống xệ, bống dừa, bống nhảy, chưa kể thòi lòi, nóc nói. Tép tôm thì có tôm thẻ, tôm trăm, tôm lóng, tôm càng, tôm tích, tèn hen, tép bạc, tép bạc đất, tép chấu, tép bầu, tép chong, tép ruốc, tép riêu, tép rằn. “Cá đen” ở sông thì có cá rô biển, cá đuối, cá chạch lấu, cá nhám, cá lóc bông, cá đao. Chưa kể cua, rạm, còng, ba khía, nghêu, hến, rắn nước, con đẻn…Nguồn lợi ở sông phải kể đến những “ụ chà” chất nơi những nhánh sông sâu. Đợi tới khi nào nước thật kém, ròng thật sát thì “giở chà”. Giở chà được nhiều loại cá tôm. Chà là loại cây trâm bầu, nhưng thông dụng là cây bần, chặt nhánh bó lại và chất thành ụ như căn nhà. Cá tôm vào đấy ẩn náu và sanh sống, không đi đâu cả. Muốn giở chà thì dùng “đăng” bao bọc khi nước còn lớn đầy. Kiểm soát chưn đăng cho đừng có lổ hổng nào cá có thể thoát ra. Chờ cho nước ròng sát, kéo chà lên mà bắt cá tôm đủ loại. Một ụ chà lớn giở lên bắt cả ghe tôm cá. Bắt cá chà cũng ham như là bắt cá đìa hay “tháo đập”. Cá chà thường dùng lưới mà vợt, vì ít khi nào nước ròng sát tới đáy sông.

        Ở những rạch nhỏ người ta dùng “cái chong đạp” để bắt cá. Miệng chong lớn bằng bốn bộ ván. Có bốn hay sáu kèo cong như kèo dù, có một cầu dài như đòn bẩy để đạp cái chong lên. Vì lưới nhúng nước nên rất nặng, phải đạp từ từ mới bẩy cái chong lên. Khi lưới vừa lên giáp mí nước thì cá tép nhảy soi sói thấy mà ham. Lưới chong đạp khỏi mặt nước, dùng cái rổ có cán dài mà xúc cá tép đổ vào thúng.

        Những sông lớn hơn, người ta dùng ghe để “te” hay “xiệp”; ghe được bơi đi nhanh và trước mủi ghe là miệng lưới để hứng cá tép. Có khi dùng ghe để “cào” cá hay nghêu sát đáy sông. Cào giống như một lưới kéo sau ghe.

        “Vung chài” là thói quen của nghề “hạ bạc”. Giải chài và giặt chài là một nghệ thuật. Người vung chài đứng trước mủi ghe, nhúng nhịp và tung chài ra như một rẻ quạt xòe tròn giáp vòng. Dưới cuối lưới chài là một gây lòi tói hay những hòn chì kết lại cho chài nặng chìm xuống. Cá tôm bị kẹt trong chài không ra được. Khi giở lên vừa giủ từ từ cho chài gom lại mà kéo lên. Vung chài có khi vướng chà hay kẹt đá, phải lặn xuống mà gở. Người giải chài, tay nổi bắp thịt săn cón như một thiên thần. Nếu không vung chài nổi thì “thả lưới bén” hay “câu cắm”, hay “câu giăng”, “câu ống”, “câu nhử”…nhẹ nhàng nhưng cũng được cá tôm.

        Mò nghêu mò hến cũng là thích thú. Ngược về thượng lưu ngòi rạch, theo các lạch nhỏ mà ngăn lại để bắt cá tép. Sau đó, cứ xả nước từng khúc sông mà bắt. Đi theo hai bên rặng dừa lá hay dừa nước, thò tay vào các bẹ bộp dừa mà bắt “cá bóng dừa”. Có bẹ hàng chục con cá bên trong. Có con mập và lớn bằng cườm tay trẻ thơ. Cá bống dừa kho tiêu hay nấu canh ăn rất ngon. Thịt cá bống dừa ăn hiền và ngon như cá bống cát.

        “Mò cá” là dùng hai tay không mò theo lạch sông dưới cột cầu, bên gốc bụi dừa lá mà bắt cá tép. Một “trái bầu thúng” cột ngang lưng thả lềnh bềnh trên nước, người thì trầm xuống mò cá tép. Trái bầu hình như cái thúng trẹt, nhưng rắn chắc, người ta móc ruột ra, trống bọng và nổi nhẹ nhàng. Mò cá sông cũng có những cặp trẻ thơ ngày nào cũng lặn hụp những khúc sông quen nên cũng xảy ra những “mảnh tình be bờ giữ nước” hồn nhiên. 

        Tôi không phải là chuyên viên ngư nghiệp hay nhà nghiên cứu về sông Cửu Long. Tôi nhớ sao viết vậy. Nhứt là những kỷ niệm “bắt cá sông”, trong dòng sông mà mình đã từng lặn hụp, từng uống nước; dòng sông đã nuôi mình khôn lớn. Đó là kỷ niệm “câu cá nhái” bờ sông Châu Phú Châu Đốc Hậu Giang và “câu cá lòng tong” bên bờ Sông Trúc, Sông Tra, Sông Vĩnh Hựu, Sông Bảo Định, Sông Pantra miệt Tiền Giang.

        Mặt trời chiều đã khuất sau các hàng dừa xanh tươi ở Cồn Tiên. Bến đò không còn nhộn nhịp vì học trò tan trường về đã lâu. Núi Sam còn le lói ráng chiều như hối tiếc ngày tàn. Thất Sơn xa xa thì sương mờ mây phủ. Tiếng súng biên cương Miên-Việt như tiếng trời gầm xa vắng. Tiếng Sấm Giảng Phật Giáo Hòa Hảo bắt đầu ngân lên. Còn gì buồn hơn thời hạ nguơn mạt kiếp. Ai về vùng “ba sông bảy núi” nầy nghe “sấm giảng” mới thấy lòng mình trầm xuống. Tiếng chuông Bồ Đề Đạo Tràng dìu dặt làm rộn lên bao nỗi hoài hương. Tây An Cổ Tự chắc cũng nện chuông chiều nhưng vì ngược gió, mình không nghe tiếng. Tuần nầy tôi không về Sàigòn được vì Cộng Sản gia tăng phá hoại Quốc Lộ 4, gài mìn, đấp mô ở nhiều đoạn. Pháo binh từ Tịnh Biên, Tri Tôn chừng văng vẳng. Ngồi trước cầu tàu Chợ Châu Phú Châu Đốc nhìn nước xoáy cuồn cuộn mà lòng nao nao. Từng đàn cá bơi lội thong dong như phản lực bay theo đội hình. Cá nối đuôi nhau nổi xanh cả mặt nước. Có con lớn hơn ngón tay cái và dài hơn ba tấc, lưng màu xanh đen. Đó là loại cá “lìm kìm” mà ở địa phương nầy gọi là “cá nhái”. Mỏ cá dài cũng hơn cả tấc, có răng nhọn hoắc. Nhìn cá lội mà tôi chợt nhớ câu ca dao:

Má ơi con vịt chết chìm

Thò tay xuống vớt, cá kìm cắn tay.
      
 Tôi buồn là tại lòng mình nhớ Sàigòn mà thôi. Chứ chung quanh tôi hàng mấy mươi người thả nhợ câu cá rất vui. Có người dùng cần câu, có người chỉ dùng nhợ mà thôi. Mỗi người đều có cái thùng nước đựng cá. Đặc biệt câu cá nhái không cần mồi. Lưỡi câu cột thành chùm ba hay bốn lưởi thả chìm dưới mặt nước. Cá nhái lội từng bầy ngang gần sợi nhợ thì giựt lên. Lưởi câu móc dính bụng cá mà kéo lên. Có khi dính một lúc cả hai ba con. Có thể nói là giựt lia lịa, ai đầy thùng thì xách về nhà. Thịt cá nhái cứng hơn thịt cá lòng tong. Cá nhái kho tiêu cũng rất ngon. Nhưng phơi khô để dành ăn quanh năm hấp dẩn như khô cá kèo.

        Lội theo các bầy cá nhái, có những con “cá nanh heo”, màu sắc sặc sỡ như móng trời. Mỗi lần giựt lưởi câu lên cả bầy cá nhái phóng tua tủa trên mặt nước như trận tuyến ngày xưa bắn dải đạn tên. Cá cũng nguẫy đuôi và lội tẻ nước như cá sấu con trườn mình.

        Mặt trời có lẽ lặn từ lâu rồi. Đèn đường Châu Đốc thì mờ mờ ảo ảo. Đèn cầu tàu không đủ sáng để thấy rõ từng đàn cá nhái dưới sông. Nhưng cứ liệu chừng mà giựt nhợ lên, cũng dính cá. Dân ở đây câu cá nhái là để giải khuây, chứ Châu Đốc là vựa cá thiên nhiên của Việt Nam, đủ loại cá quý cá ngon, đâu cần phải ăn cá nhái. Người câu cá nhái, có khi thả nhợ mà không cần giựt lên. Tôi chạnh nhớ cảnh “câu thời câu vận” của người xưa ! Hạ nguơn nghe sấm giảng mà buồn cho hoàn cảnh đất nước nội chiến triền miên. Cá ra vàm là xuôi về vạn nẽo. Bảy Núi Ba Sông, cá tha hồ bơi lội. Nhưng cá nhái không bơi đi đâu cả, lẩn quẩn quanh cầu tàu. Con vịt là loài lặn lội làm sao mà chết chìm. Cá nhái nhỏ thó, mỏ nhọn răng nhiều nhưng có cắn ai đâu ? Người con nào đó ngây thơ thấy vịt lặn mà ngở chết chìm nên thấy cá lìm kìm mới sợ nó cắn tay ! Gần bốn mươi năm qua tôi không trở lại dòng sông xưa và con cá nhái hay con cá lìm kìm mỏ nhọn răng bén chỉ còn như những mủi tên ghim rúng tim tôi mỗi khi nhớ về Châu Phú thân thương thuở nào !

        Rời “miệt thứ” bên kia Sông Hậu để trở lại Tiền Giang với các Tỉnh ven biển Đông Hải như Bến Tre Gò Công Trà Vinh Mỹ Tho, khi ngôi bên dòng Sông Trúc, Sông Tra, Sông Vĩnh Hựu, Sông Bảo  Định, Sông Pantra...vào mùa gió chướng có “nước pha chè” lờ lợ mặn để câu cá lòng tong.

Con cá “Lý Ngư” ẩn sĩ hoá long
Con cá “Lòng Tong” giởn móng ăn rong
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng
Bây giờ trời định đem lòng thương Em !

        Cùng loại với lòng tong nhưng nhỏ hơn, vi kỳ dài hơn còn gọi là “lòng tong bay” hay “cá bay”, vì nó lội rất nhanh và có thể bay khỏi mặt nước. Cá cơm hay cá lành canh cũng tương tợ nhưng cá cơm trắng và nhỏ hơn, lành canh cũng trắng nhưng bề ngang lớn hơn lòng tong. “Lòng tong đá”, con lớn cở ngón tay, dài cả tấc tây, lưng có sọc xanh đen. Lòng tong đá kho tiêu ăn rất hấp dẫn. Lòng tong là loại “cá bổi” ở miệt đồng. Lòng tong cũng có thể ở ruộng hay ở sông. Lòng tong sanh sản rất nhanh, lội đặc cả mặt nước. Nước chảy tới đâu là lòng tong tới đó. Nước chảy róc rách thì lòng tong bay bổng qua bờ qua mươn. Lòng tong hớp bọt nước mà sống và sống nhờ các phiêu sanh vật trôi theo nước. Nhìn bầy lòng tong ta chỉ thấy miệng há tròn với râu hai bên mép, lội kín mặt nước. Tiếng chép miệng của lòng tong như bản nhạc dịu kỳ rào rào như gió thổi qua truông lá. Như loại cá ăn bầy, lòng tong cũng vang lừng “ăn móng”, tức là vừa hớp bọt nước vừa lội tới như bay. Lòng tong đi qua ít khi trở lại. Bầy cá chỉ trở lại khi nào có mồi ngon hấp dẫn. Mồi hấp dẩn cho lòng tong là mỡ heo thắng nổi trên mặt nước. Cám rang hòa với ngủ vị hương cũng hấp dẫn lòng tong không kém.

        Khi phong trào Việt Minh nổi lên hay có vụ thanh toán cho “mò tôm”, tức là cột đá dìm cho nạn nhơn chết đuối. Khi thây sình thúi thì nổi lên. Cá chốt, tôm tép và lòng tong là loại theo thây “thằng chỏng” để rỉa. Thây chết trôi sông gọi là “thằng chỏng” không phân biệt nam hay nữ, nam trôi sấp, nữ trôi ngửa. Thây vớt lên thường ộc máu tươi nơi miệng..Cho nên khi nào thây ma trôi vào sông rạch thì người ta không bắt cá lòng tong để ăn cả tháng trời.
        Nếu miệt Hậu Giang câu cá nhái là thích thú thì miệt Tiền Giang câu cá lòng tong càng thú vị hơn. Vì câu lòng tong không cần phải ngồi cầu tàu, ngồi bờ mà là ngồi trên bộ ván cái giường để câu ! Sông Tiền Sông Hậu hay tất cả các nhánh Cửu Long Giang kể cả kinh đào, rạch xẻo, hễ có nước ra vô là có lớn ròng. Có khi ròng sát thấy đáy sông. Có khi lớn tràn ngập cả bờ sông. Nước thấp hay “nước ương” gọi là “nước kém” vào những ngày “mùng” (mùng một đến mùng mười). Nước đầy hay “nước lớn” còn gọi là “nước dẫy” hay “nước rong” vào những ngày rằm hay ba mươi; nên có câu “Mười bảy nước nhảy khỏi bờ” hay vè nói ngược”nước kém ba mươi mùng mười nước dẫy, Ghe nổi thì đẩy ghe cạn thì chèo…”. Vào mùa nước đổ từ Biển Hồ xuống hay vào mùa “gió chướng” ngoài biển thổi vào, thì sông hầu như lúc nào cũng đầy nước, không thấy nước ròng. Nước cứ tiếp tục dâng lên cho tới khi ngập láng tất cả. Chỉ nhìn thấy cây cối hay nhà cửa ven sông mới phân biệt được đâu là bờ bến. Nửa đêm nghe tiếng gọi văng vẳng bên sông báo động nhà nầy trôi lu, nhà kia bị sóng đánh đứt dây cột ghe, nhà nọ sàn nước bị cuốn trôi. Sóng vổ lách tách vào vách vào phên. Mỗi lần nghe đò máy chạy qua là chuẩn bị đồ đạc sợ bị sóng kéo ra sông có khi sóng đánh sập cả vách lá. Có khi nước dâng cao mà thêm trời đổ mưa bảo thì mực nước càng dữ dội hơn. Nồi niêu thau thúng phải chất trên ván trên giường. Cơm canh nấu xong cũng bày trên giường ván. Thu xếp công việc xong đâu đấy, ai nấy cũng ngồi trên giường ván mà nhìn nước dâng cao. Chờ nước rút xuống cũng mất ba bốn hôm. Nếu có giông bão thì còn lâu nước mới rút xuống. Những ngày nước nổi, bất đắc dĩ mới thả chưn xuống nước. Lội trên mặt nước có những con xên gọì là “giời lửa” giống  như đĩa, màu sắc sặc sỡ, hễ đụng nhằm thì túa ra một vùng chất độc. Có những con chuột lội dợn sóng nhìn tưởng như con rắn nước hay con đẻn.

        Những ngày ngồi trên giường trên ván, không làm gì khác hơn là “câu cá lòng tong”. Lưởi câu là cọng cước trong dây điện thoại quân đội. Mài nhọn và uốn, không cần ngạnh. Nếu được nhợ nylon nhỏ mịn càng tốt. Cột nhợ trên cần câu, cọng dừa hay trên chiếc đũa cũng được. Móc vào lưởi câu nửa hột cơm thả xuống và giựt lên. Ngồi câu một buổi là cả thau cá lòng tong. Nếu nước dâng cao quá thì lòng tong bớt đi mà thấy cá bóng dừa cá út. Tép bạc cũng thấy lội vênh râu, có thể dùng rổ mà hớt. Lòng tong kho tiêu kho dừa đều ngon. Nếu nhiều quá thì làm nước mắm đồng hay phơi khô dùng bón phân mặn rất tốt cho cây cối. 

        Câu lòng tong là cách bắt cá bất đắc dĩ trong lúc tù túng vì nhà bị ngập. Mọi công việc bị tê liệt chỉ trừ ngồi câu lòng tong. Đây không phải là “câu thời câu vận” mà là câu cho qua ngày đoạn tháng, câu cho mưa tạnh nước ròng.
        Hơn nửa thế kỷ qua, hồi tưởng lại lúc chạy giặc Tây ngồi trên giường ọp ẹp trong nhà chòi vùng bưng rẩy nước ngập linh láng mà câu cá lòng tong. Tàu chiến chạy rần rần, đạn ô buýt nổ xa xa tay giựt cá lòng tong mà lòng còn kinh hoàng thảng thốt. Mạng mình còn chưa biết ra sao còn bắt cá làm chi thôi gở thả ra cho nó tha hồ bơi lội. Bây giờ nghĩ vậy chớ thuở ấy hỉ mủi chưa sạch mà tư tưởng nỗi gì !

        Sông nước Miền Nam hồi nhỏ tôi tắm tới “mọc râu”. Mấy lần thi lội đua và bao lần uống nước phù sa không thấy chát vị bùn mà mặn mòi nước mắt. Tôi sặc sụa hớp nước dòng Cửu Long. Giờ tìm đâu ra phù sa sông nước cũ? Bây giờ ăn cá “grunion” mà nhớ con cá nhái cá lòng tong quê nhà. Nhưng làm sao tìm lại được !

Luyến lưu là chuyện ngày xưa

Tình thơ lặn hụp nước đưa mất rồi


Hoàng Châu
Last Edit: 6 years 8 months ago by Bác Phan T. Thái.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012