Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc ?

Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc ? 3 years 9 months ago #63847


  • Posts:173 Thank you received: 403
  • Hùng 33's Avatar
  • Hùng 33
  • Gold Boarder
  • OFFLINE
.

Ưu Thế Của Chữ Quốc Ngữ



chQuocNgu_2020-07-20.PNG



Dưới bài viết:

“Tại sao Việt Nam cải cách thành công chữ viết, Trung Quốc thì không?” của Tác giả: Nguyễn Hải Hoành đăng trên Facebook của Hùng Nguyen Dang (www.facebook.com/hung.nguyendang.1048/posts/1462006070667326) có “comment” của Fb Quyen Vinh đặt câu hỏi như sau:

FB Quyen Vinh: Việt Nam có “đũa thần” chữ viết biểu âm, OK. Tàu “cải cách không thành công,” ở lại với chữ viết biểu ý, OK. Xin các giáo sư hãy dành thời gian nghiên cứu thêm: Vì sao với chữ viết biểu ý mà Tàu trở thành “nền kinh tế thứ hai thế giới,” tệ hại hơn là trở thành “mối de dọa bành trướng toàn cầu.”

Còn với “ưu thế tuyệt vời” của quốc ngữ-la tinh, khoa học kỹ thuật nước ta giờ đang ở đâu trên bảng xếp hạng. Và quan trọng hơn nữa, quý vị cần nghiên cứu thêm một vấn đề nhạy cảm mà không mấy ai để ý: Đứt gãy truyền thông văn tự dân tộc (con cháu không đọc được trực tiếp di sản viết của tổ tiên mấy nghìn năm) đã gây tổn thương như thế nào cho đời sống tinh thần/văn hóa người Việt?
*
Những câu hỏi của Fb Quyen Vinh đặt ra để “Xin các vị Giáo sư dành thời gian nghiên cứu thêm,” nhưng có lẽ không vị giáo sư nào cần “nghiên cứu thêm” để trả lời cho bạn – mà có lẽ cũng không có vị giáo sư nào có hứng thú trả lời một câu hỏi như thế đâu (!)

“Comment” của anh Quyen Vinh gồm ba câu hỏi chính:

Vì sao với chữ viết biểu ý mà Tàu trở thành “nền kinh tế thứ hai thế giới,” tệ hại hơn là trở thành “mối đe dọa bành trướng toàn cầu.”

Với “ưu thế tuyệt vời” của quốc ngữ-la tinh, khoa học kỹ thuật nước ta giờ đang ở đâu trên bảng xếp hạng?

Đứt gãy truyền thông văn tự dân tộc (con cháu không đọc được trực tiếp di sản viết của tổ tiên mấy nghìn năm) đã gây tổn thương như thế nào cho đời sống tinh thần/văn hóa người Việt?


Phần 1
Về câu hỏi thứ nhất:


Vì sao với chữ viết biểu ý mà Tàu trở thành “nền kinh tế thứ hai thế giới,” tệ hại hơn là trở thành “mối đe dọa bành trướng toàn cầu.”

Hiện tượng Tàu trở thành “nền kinh tế thứ hai thế giới” và “mối đe dọa bành trướng toàn cầu” mới chỉ xảy ra từ vài thập niên gần đây thôi. Chỉ sau khi Mỹ “bắt tay” với Tàu vào năm 1972, trong chiến lược của Mỹ, giúp Tàu thoát khỏi tình trạng “Đông Á bệnh phu,” nhằm làm đối trọng và tiến tối phá vỡ Liên bang Xô Viết, đầu não của chủ nghĩa Cộng sản, thì nước Tàu mới có cơ hội ăn nên làm ra.

Nhưng lúc đó nền kinh tế của Tàu vẫn còn ở tình trang gần như tự cấp tự túc, kiểu “tự cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống” như thời… Nghiêu Thuấn, và thua xa các nền kinh tế hiện đại và phát triển của các quốc gia “tí hon” chung quanh như Nhật, Hàn, Đài Loan, và thậm chí thua cả Singapore, cho nên ngoài khối thịt của “biển người,” Tàu chưa là cái đinh gì hết.

Mỹ phải kéo dậy nền kinh tế của Tàu, giúp Tàu có cơ hội giao thương với toàn thế giới với cái vốn ban đầu là sức bắp thịt giá rẻ của hơn một tỷ dân làm thuê, vừa lợi dụng cái thị trường tiêu thụ với sức mua của hơn một tỷ dân. Từ đó dần dân Tàu trở thành công xưởng sản xuất của thế giới.

Chỉ làm thuê với giá nhân công rẻ mạt, nhưng với sự “cần kiệm ăn mắm mút giòi” thì muôn năm Tàu chỉ đủ ăn thôi, không thể nào phát triển được bằng người – vì các nước Tây phương phát triển đã bỏ xa Tàu hàng nhiều thế kỷ. Để “đi tắt đón đầu,” Tàu bèn giở bí kíp gia truyền nhiều ngàn năm lịch sử là… ăn cắp các phát minh, sáng kiến công nghệ kỹ thuật của phương Tây, một mặt chế tạo đủ mặt hàng nhái hàng dỏm với giá rẻ tung ra tràn ngập thế giới. Mặt khác Tàu ra sức hiện đại hóa sức mạnh quân sự (cũng bằng công nghệ kỹ thuật sao chép của phương Tây) trước sự hờ hững (vì những lý do nào đó) của nhiều đời Tổng thống Mỹ.

Nếu kể từ cái mốc năm 1972, chỉ chưa tới 50 năm mà Tàu gần bắt kịp sự phát triển của phương Tây, ngoài ăn cắp phát minh sáng kiến, khối thịt đông dân của họ cũng là một yếu tố đáng kẻ. Nói một ví dụ thế này cho dễ hiểu:

Giả dụ Việt Nam muốn xây một cái cầu với phí tổn một trăm triệu đồng. Mỗi người dân góp một đồng, chúng ta chỉ mới có được 90 triệu đồng. Trong lúc đó, nếu mỗi người Tàu cũng góp một đồng để xây một công trình tương tự, họ có gần một tỷ rưởi đồng. Tức là họ có thể làm mười lăm lần nhiều hơn ta. Thế thì phải mất gần năm mươi năm để trở thành “nền kinh tế thứ hai trên thế giới” chỉ đứng sau nước Mỹ hơn ba trăm triệu dân” là như vậy đó, chớ không phải nhờ “ở lại” với cái thứ văn tự khối vuông biểu ý của họ đâu! Với bản tính dân tộc tàn bạo và giảo hoạt (như lịch sử đã chứng minh), nếu không bị sức nặng ì ạch của loại chữ vuông kềm giữ, có lẽ họ đã tiến nhanh, và vượt qua Mỹ để đứng đầu thế giới từ… khuya. Thật may cho nhân loại.

Tưởng cũng cần nói thêm: Đừng nghĩ với vị trí nền kinh tế hàng nhì thế giới, Trung quốc là một nước giàu có chỉ thua kém… Mỹ. Cái gọi là Nền kinh tế thứ hai thế giới là căn cứ trên tổng khối lượng quốc gia, tương tự như kiểu mỗi đầu người góp một đồng, mà một tỷ rưởi người góp được một tỷ rưởi đồng như nói trên, chớ bình quân lợi tức hàng năm của Trung Quốc năm 2017 chỉ có 8.827 đô la/đầu người, xếp thứ 72 trên 186 nước trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2017. Với vị trí này, Trung Quốc kém thua cả những nước “vô danh” như Nauru (thứ 71), một đảo quốc thuộc Nam Thái Bình Dương với diện tích 21 kilômét vuông, dân số 9.378 người, hoặc Saint Lucia (thứ 67), một quốc đảo núi lửa trong Đại Tây dương với dân số hơn 60 ngàn người, mà lợi tức /đầu người năm 2017 của họ là 9,715 đô la. Xếp hàng đầu trong danh sách này là Luxembourg với lợi tức bình quân đầu người năm 2017 là 104,103 đô la.
SO SÁNH DÂN SỐ, GDP, VÀ LỢI TỨC BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI GIỮA HOA KỲ VÀ TRUNG QUỐC:

HOA KỲ / TRUNG QUỐC
Dân số: 331.018.566 (2020) / 1.439.372.387 (2020)
GDP: 20,54 nghìn tỷ USD (2018) / 13,61 nghìn tỷ usd (2018)
Bình quân/người: 62.794,59 USD (2018) / 8.759 USD (2018)

Cứ xem các clip “YouTube” người Tàu giành giựt đồ ăn trong các nhà hàng, tắm rửa ở các công viên, xả rác và phóng uế ở những nơi công cộng khi họ đi du lịch trên thế giới cũng có thể hình dung được sự giàu có và trình độ văn minh của họ.

Có lẽ bạn Quyen Vinh muốn hỏi loại chữ vuông chứa đựng tri thức quý báu của các “thánh hiền” với lịch sử văn minh 5000 năm làm sao lại cản trở sự tiến bộ của người Tàu được?

Bạn là người Việt, ngày đầu tiên bạn làm quen với “Internet,” trở ngại duy nhất của bạn là ngôn ngữ. Mạng “Internet” toàn tiếng Anh. Bạn chỉ phải học tiếng Anh thôi.

Người Tàu thì không thuận tiện như vậy. Trước khi học tiếng Anh như chúng ta – họ cũng phải học tiếng Anh để giao tiếp với thế giới – người Tàu phải vất vả làm quen với một hệ thống chữ viết mới là chữ cái La tinh a b c… trước đã. Bạn nhận ra chữ khối vuông truyền thống đã là một trở ngại đối với họ như thế nào chưa? Từ một hệ thống chữ viết hàng dọc từ trên xuống dưới, rồi từ phải sang trái, bước sang một hệ thống chữ viết hoàn toàn khác, được viết hàng ngang từ trái sang phải, lại không mang hình thù gợi ý gì hết, là một sự chuyển đổi lạ lùng lắm chớ. Bây giờ người Tàu đã có mạng Baidu toàn chữ Tàu cho người Trung quốc, nhưng dù số người dùng lên đến một tỷ thì cũng chỉ loanh quanh có một nước Tàu thôi, mà thế giới có đến hơn hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, và tất cả kho tàng tri thức văn hóa nhân loại được chứa trên mạng phần lớn bằng hệ chữ La tinh.

Có nhiều người Tàu thông thái đã nhìn thấy sự hạn chế nặng nề của chữ viết truyền thống, nên từ rất sớm (có lẽ cuối thế kỷ 19) họ đã lên tiếng kêu gọi cải cách chữ viết, thoát khỏi chữ vuông biểu ý, tiến tới dùng chữ biểu âm. Ngay sau khi chiếm được toàn bộ nước Tàu, Mao Trạch Đông cũng nhiều lần nỗ lực cảỉ cách theo hướng đó với hàng chục chương trình, kế hoạch mà… không tới đâu, cuối cùng đành bỏ cuộc, bằng lòng “ở lại” với loại chữ vuông giản thể – chỉ là bớt số nét vẽ, giúp dễ viết hơn một chút thôi chớ sức ý của ngôn ngữ đâu vẫn còn đó.

Nếu có một phép mầu nào khiến cho người Tàu thoát khỏi vòng kim cô chữ vuông biểu ý để chế ra được chữ ghi âm, tức khắc tri thức của một tỷ rưởi dân Tàu bùng nổ với những điều mới mẻ hiện đại mà họ mới học được của nhân loại cộng với bản tính gian và ác của dân Tàu, tôi e rằng nước Mỹ sẽ tụt hạng trong một thời gian ngắn, chớ không đợi 50 năm đâu. Nhưng tôi cũng tin là phép màu đó không bao giờ có.

Tạm kết luận phần này với câu hỏi thứ nhất của Quyen Vinh: Không phải “với chữ viết biểu ý mà Tàu trở thành “nền kinh tế thứ hai thế giới” như bạn nghĩ. Và tuy là nền kinh tế thứ hai thế giới, Tàu vẫn là một quốc gia nghèo.

Phần 2
Về câu hỏi thứ nhì:


Trong “comment” của anh Quyen Vinh, với ý thứ 2 anh hỏi:
“Với “ưu thế tuyệt vời” của quốc ngữ-la tinh, khoa học kỹ thuật nước ta giờ đang ở đâu trên bảng xếp hạng?
Anh Quyen Vinh đặt bốn từ “ưu thế tuyệt vời” trong ngoặc kép, chắc là không phải để nhấn mạnh cái “ưu thế tuyệt vời” của chữ quốc ngữ, hay để cười cợt, biếm nhẽ, mà chỉ tỏ ra hoài nghi. Tức là anh không tin chữ quốc ngữ-la tinh của chúng ta có ưu thế gì cả – chưa nói đến “ưu thế tuyệt vời.”

Mà chữ quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự La tinh thì có ưu thế gì? Và ưu thế đối với cái gì?
Trước hết có lẽ nên xóa bỏ sự nghi ngờ của anh và khẳng định với anh “ưu thế” của chữ quốc ngữ - Latinh đối với chữ Hán và chữ Nôm.

Hàng ngàn năm trước cho đến khi tiếng Việt được (các nhà truyền giáo Tây phương) ghi âm bằng mẫu tự Latinh, người Việt dùng chữ Hán làm phương tiện ghi chép, và dùng nó để sáng tạo ra loại chữ riêng ghi âm tiếng Việt: Đó là chữ Nôm.
Học chữ Hán là rất khó; đã vậy phải rất giỏi chữ Hán mới viết và đọc được chữ Nôm, nên cái khó của chữ Nôm được nhân lên nhiều lần. Vì vậy số người biết chữ trong nước rất ít. Số liệu trên Wikipedia cho biết:

“Khoa thi Hương năm Quý Mão 1903 có hơn 10.000 sĩ tử dự thí. Đến năm Bính Ngọ triều Thành Thái 1906 thì hơn sáu nghìn khóa sinh dự thí ở Nam Định. Đến năm Nhâm Tý triều Duy Tân 1912 thì chỉ còn 1.330 người đi thi, phản ảnh sự tàn lụi của Nho học ở Việt Nam, và theo đó khoa cử cũng chấm dứt.”

Dân số Việt nam vào đầu thế kỷ XX ước chừng vào khoảng 20 triệu người. Giả sử cứ 10 người đi học, có một người đi thi, thì số người đi học và biết chữ (Nho) vào năm 1903 ước chừng là 100.000 người, tức là có khoảng 0,05% dân số biết chữ. Sau 2000 năm tiếp xúc với chữ Hán, triều đình sử dụng chữ Hán như văn tự chính thức, người đi học thì học chữ Hán, mà số người biết chữ Hán trong nước chỉ có ngần ấy, trong đó số người viết và đọc được chữ Nôm, tiếng nói của dân tộc mình, càng ít hơn.

Kể từ khi Hàn Thuyên (Nguyễn Thuyên) viết bài văn tế cá sấu bằng chữ Nôm vào đời nhà Trần, thế kỷ XIII, cho đến kỳ thi nho học cuối cùng vào năm 1919 là khoảng 800 năm. Trong tám thể kỷ ấy đã có được bao nhiêu tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm? Và trong hơn một trăm năm nay, kể từ ngày Thống đốc Nam Kỳ Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dân Nam kỳ dùng chữ quốc ngữ với chữ cái La tinh thay thế chữ Nho, đến nay chúng ta có bao nhiều tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ được xuất bản? Đó không phải là ưu thế tuyệt vời của chữ quốc ngữ sao?

Khi cuốn “Từ Điển Việt Bồ La” (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của giáo sĩ Alexandre Rhodes ra đời vào năm 1651 thì thứ tiếng Việt ký âm bằng mẫu tự La tinh, sau này trở thành chữ quốc ngữ, còn đang trong dạng phôi thai, và vẫn còn giới hạn trong các nhà thờ và chủng viện đạo Công giáo, không phổ biến ra ngoài, do sự chống đối của giới nho sĩ,. Vậy mà đến năm 1865, nghĩa là chỉ hơn hai trăm năm sau, dân Nam Kỳ đã có một tờ báo chữ quốc ngữ (lúc bấy giờ gọi là “chữ Tây quốc ngữ”) là tờ Gia Định Báo, phát hành đầu tiên vào ngày 15.4.1865.

Gần bốn năm sau đó, ngày 22/2/1869, Thống đốc Nam Kỳ là Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier, ký nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ bằng chữ cái La tinh thay thế chữ Nho trong các công văn của chính quyền ở Nam Kỳ.
Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam Kỳ, lần này là Chuẩn đô đốc Louis Charles Georges Jules Lafont, ký Nghị định 82 ấn định “Kể từ mồng một Tháng Giêng năm 1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị… sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ.”

Đến lúc này nhiều người đã thấy cần phải học chữ quốc ngữ. Tuy vậy, chữ viết mới vẫn bị các nhà nho thủ cựu phản đối quyết liệt. Vào tháng 9, năm 1931, ông Hồ Duy Kiên, một thành viên lão thành trong Hội đồng thuộc địa Nam kỳ, đưa ra nhận xét rằng thứ tiếng Việt này như một thổ ngữ mường mọi, phải mất năm trăm năm hoặc thậm chí một ngàn năm nữa mới đạt được trình độ như tiếng Pháp. (David G. Marr, Vietnamese tradition on trial, 1920-1945, University of California Press, 1981 edition)

Hồ Duy Kiên không tin tưởng tiếng Việt, dù đã có chữ viết mới cùng hệ La tinh như tiếng Pháp, sẽ có được sự phát triển nào để bắt kịp thứ ngôn ngữ văn minh như tiếng Pháp.

Chính trong năm 1931 này Hội Khai Trí Tiến Đức cho xuất bản bộ Việt Nam Từ Điển, và năm sau, 1932, sự xuất hiện của Tự Lực Văn Đoàn, mà tác phẩm của họ với văn chương trong sáng đẹp đẽ, xác nhận chữ quốc ngữ với mẫu tự La tinh không kém khả năng phô diễn của tiếng Pháp.

Từ Từ điển Việt Bồ La (1651) đến Việt Nam Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) là khoảng thời gian 280 năm, nhưng từ Nghị định đầu tiên của Thống đốc Nam Kỳ Marie Gustave Hector Ohier đến cuốn Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) chỉ là 26 năm, và đến khi Tự Lực Văn Đoàn ra đời (1932) là 63 năm. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi như thế chữ quốc ngữ đã đưa tiếng Việt đến bước phát triển thần kỳ so với chữ Hán và chữ Nôm. Đáng lẽ lúc bấy giờ ông Hồ Duy Kiên phải nhận ra đó là một ưu thế, có thể nói là tuyệt vời của chữ quốc ngữ, chớ không phải đợi đến năm trăm năm hay một ngàn năm nữa.

Trong tác phẩm Văn phạm và Ngôn ngữ Việt Nam của hai tác giả Tu Dinh và Vo Cao (bản in lần thứ 3 của SEACAEF, California, 2008) ghi nhận tiếng Việt có 930 từ đơn (tác giả gọi là “chữ chiếc”) nguyên âm, và 26.970 từ đơn phụ âm. Số từ này kết hợp với nhau thành 403.527.744 từ đôi (tác giả gọi là “chữ đôi”) quốc ngữ, mà theo tác giả, nếu in hết số từ này ra giấy “và đóng thành những cuốn sách bằng với tự điển Le Petit Larouse Illustré, mỗi cuốn có 1.885 trang, số cuốn sách để chứa trữ lượng chữ đôi quốc ngữ sẽ là 824 cuốn!”

Tuy lượng chữ nhiều như vậy, nhưng số chữ thực sự được dùng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, và con số hàng trăm triệu chữ chưa được dùng đến được tác giả gọi là “chữ chờ.” Bất cứ một người Việt nào “biết đọc biết viết” cũng có thể viết ra những “chữ chờ” đó mà chỉ cần miệng mình phát âm được chớ không cần phải thấy trước hay học trước chữ đó. Có lẽ đây là một trong những lý do vì sao người Việt ít dùng từ điển tiếng Việt. Nếu các từ điển Anh, Mỹ phải in lại hàng năm với số lượng lớn, từ điển tiếng Việt chỉ in vài ngàn bản phải bán nhiều năm mới hết.

Chữ quốc ngữ ghi âm chính xác tiếng Việt, nói sao viết vậy, viết sao đọc vậy, giúp cho tiếng Việt được dễ học, dễ viết, và học được rất nhanh. Nếu với chữ Hán người học chỉ đọc và viết được chữ nào mình đã học; những chữ chưa học đến thì không đọc được, cũng không viết được, thì với chữ quốc ngữ người ta viết được tất cả chữ nào miệng mình có thể phát âm.

Chữ quốc ngữ ghi âm chính xác đến nỗi nếu người ta viết sai thì do họ nói sai. Ví dụ, nếu người ta viết “nặn xuống đái đại dương,” hay nếu người ta viết “Ốc nuộc, Tiết nuộc, Chứng Cút nộn, Lem Trua dán, Cháo Chai, Chà đá…” thì do người viết đã phát âm sai như thế.

Có lẽ tiếng Việt chỉ có một từ duy nhất mà chữ viết không theo âm đọc. Đó là chữ QUỐC, trong khi âm đọc là QUẤC. Sự sai biệt này chỉ mới có về sau, chớ cuốn Tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (xuất bản 1895) đã ghi rõ Đại Nam QUẤC Âm Tự Vị.

Không có sự sai biệt trong âm đọc và chữ viết cũng là một ưu thế tuyệt vời của chữ Quốc ngữ.
Nên biết tiếng Anh không có được sự ăn khớp trong chữ viết và phát âm như tiếng Việt. Mà đó là một trong những trở ngại cho người học tiếng Anh. Ví dụ, chỉ để ghi âm một âm /ai/ (như “ai” trong tiếng Việt), người ta phải dùng nhiều tổ hợp các chữ cái như thế này: aye, by, buy, die, hi, Thai, height, và guide.

Chữ quốc ngữ giúp người Việt học mau biết đọc biết viết. Nếu hồi đầu thế kỷ XX, chỉ có khoảng 0,05% người Việt ”biết chữ” (bấy giờ là chữ Hán-Nho), và đến thập niên 30 – 40 chỉ có khoảng 10 – 15% người Việt biết chữ quốc ngữ, thì ngay từ những thập niên 60 – 70 thế kỷ trước số người mù chữ còn lại rất ít, có thể coi như không có. Đó cũng là một ưu thế tuyệt vời của chữ quốc ngữ mà so với suốt hai ngàn năm học chữ Hán (Nho) số người biết chữ đã không bao giờ đạt được 10% dân số.

Ưu thế quan trọng hơn hết của chữ Quốc ngữ là giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi văn tự Hán 100%, điều này làm cho nhiều người Tàu rất cay cú.

Có lần, tiến sĩ Nguyễn Hải Hoành nhắc lại khoảng 100 năm trước, Hồ Thích, một trong những học giả Trung quốc quan trọng mà ngày trước các nhà cách mạng Việt Nam thường nhắc nhở và đề cao, từng chế giễu chữ quốc ngữ của ta: “Chữ viết Việt Nam hiện nay xem ra giống như chữ Pháp bị nước mưa xối tan ra, giống như phiên bản Latinh của chữ hình vuông, vừa không thanh thoát cũng chẳng mỹ quan.”

Hồ Thích cho rằng chữ quốc ngữ của người Việt Nam vừa không giống chữ Hán, không giống chữ Nôm (đã đành!) lại không giống chữ Pháp, mà cũng không giống cả chữ La tinh, “nghĩa là không đâu vào đâu, chẳng ra cái giống gì.”
Còn Quý Tiễn Lâm, một học giả Tàu được người Tàu tôn là Học giới Bắc Đẩu cũng chê chữ quốc ngữ: “Chữ viết của Việt nam sau khi phiên âm, đầu đội mão, chân mang giầy trông rất buồn cười.” (“Việt Nam văn tự bính âm hóa chi hậu, đầu đái mạo tử, cước xuyên hài tử, ngận hoạt kê” – theo Ts Nguyễn Hải Hoành).

Ông học giả Tàu này coi các dấu nguyên âm và dấu giọng của chữ quốc ngữ như đội mũ mang giầy. Cũng hay đấy. Nhưng ông học giả Tàu chỉ rê đuốc vào chân người mà không rê vào chân mình: Tiếng Việt có sáu thanh (giọng) nên chữ quốc ngữ - Latinh dùng năm dấu sắc huyền nặng hỏi ngã. Tiếng Tàu có 4 thanh, nên chữ bính âm của Tàu (nghĩa là cũng phiên âm bằng mẫu tự La tinh) cũng mang các dấu tương tự. Chỉ có điều họ không có dấu nặng. Trong bài viết “Chữ quốc ngữ và hội chứng nhảy cừu” (www.art2all.net/tho/tho_tk/chuquocnguvahoichungnhaycuu.htm) tôi ví chữ bính âm của Tàu không có dấu nặng cũng giống các ông bà Táo quân mặc áo đội mũ mà không mặc quần, chớ đẹp đẽ gì hơn đâu! Họ cũng nhiều phen tìm cách La tinh hóa để thoát ra khỏi hệ chữ viết nặng nề rối rắm của mình nhưng không thành công được như người Việt, mà lại đi chê thành tích “thoát Trung” tuyệt vời về mặt văn tự của người Việt.

Năm 1942, học giả Hoàng Xuân Hãn cho xuất bản cuốn sách Danh Từ Khoa Học dùng cho các ngành Toán, Lý, Hóa, Cơ và Thiên văn, tức là tiếng Việt với chữ quốc ngữ – Latinh không chỉ ghi được các ý tưởng về văn học, triết học, tôn giáo, nghệ thuật… mà còn có thể đề cập và giảng dạy cả các ngành khoa học của nhân loại hiện đại một cách đầy đủ và chính xác.

Ngay sau khi thiết lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ Ngô Đình Diệm gạt bỏ tiếng Pháp ra khỏi các giáo trình giảng dạy ở đại học. Tất cả các ngành học đều được dạy và học bằng tiếng Việt. Ta thấy sao? Ta thấy khả năng của tiếng Việt với chữ Quốc ngữ hệ Latinh là ngang tầm với khả năng diễn giảng của tiếng Pháp ở mọi ngành và mọi cấp độ tri thức. Nếu bạn nào nói miền Bắc Việt Nam dưới chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng đã làm như thế, tức là bạn đã hiểu và cùng xác nhận ưu thế của chữ quốc ngữ rồi đó.

Anh Quyen Vinh hỏi: “với “ưu thế tuyệt vời” của quốc ngữ-la tinh, khoa học kỹ thuật nước ta giờ đang ở đâu trên bảng xếp hạng?”

Bảng xếp hạng nào? Chữ quốc ngữ là phương tiện giúp người Việt tiếp cận tri thức của nhân loại, trong đó có các tri thức khoa học, và phát biểu tư tưởng của mình một cách thông suốt trong tất cả các lãnh vực tri thức nhân văn và khoa học, đưa mình hòa đồng vào cùng một tầm mức với nhân loại, và để cả nhân loại hiểu mình. Còn trình độ khoa học kỹ thuật cụ thể thì cần có nhiều yếu tố khác: văn hóa, kinh tế, và chính trị. Nhất là chính trị, khi nó giữ vai trò thống soái, điều khiển hướng phát triển của tất cả văn hóa, kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Từ những năm 1960, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu mơ ước Singapore được bằng như Sài Gòn. Hơn nửa thế kỷ sau, các nhà lãnh đạo của ta xem Singapore như một mục đích cao mà nước ta mơ ước đạt tới. Trong suốt nửa thế kỷ đó ta vẫn dùng chữ quốc ngữ chớ có dùng chữ viết nào khác đâu. Chỉ có thể chế chính trị là khác.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, hàng loạt quốc gia nghèo khó hơn miền Nam Việt Nam đưa quân lính của họ đến Việt Nam làm lính đánh thuê và, như chánh quyền miền Bắc hồi đó tuyên truyền, “làm bia đỡ đạn cho Mỹ.” Chỉ hai thập niên sau khi chiến tranh Việt nam chấm dứt, đất nước họ thành rồng thành cọp về kinh tế, còn Việt Nam vẫn tiếp tục chạy đi khắp thế giới xin viện trợ, xin vay ODA, và xuất khẩu người sang làm thuê cho họ cho đến nay. Trong thời gian đó ta cũng vẫn dùng chữ quốc ngữ. Mà đâu phải vì ta đoạn tuyệt với văn tự khối vuông của người Tàu chuyển sang dùng chữ viết với mẫu tự La tinh nên phải chịu thua thiệt như thế đâu. Đó là do thể chế chính trị. Có vô số ví dụ như thế.

Thế thì câu hỏi của bạn Quyen Vinh là một câu hỏi đố không… khéo lắm.
Last Edit: 3 years 9 months ago by Hùng 33.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc ? 3 years 9 months ago #63846


  • Posts:173 Thank you received: 403
  • Hùng 33's Avatar
  • Hùng 33
  • Gold Boarder
  • OFFLINE
Phần 3
Về câu hỏi thứ ba
:


Cả ba câu hỏi trong “comment” của anh Quyen Vinh đều nhất quán một điều: Anh tiếc nuối văn tự cổ Hán Nôm, như một sự hoài cổ, với tâm trạng của người thủ cựu, tiếc nhớ một kỷ niệm, và dường như không có nhận định chủ ý nào chắc chắn và rõ ràng. Về chuyện chữ Hán – Nôm bị đẩy lùi vào dĩ vãng, anh viết:

“Và quan trọng hơn nữa, quý vị cần nghiên cứu thêm một vấn đề nhạy cảm mà không mấy ai để ý: Đứt gãy truyền thông văn tự dân tộc (con cháu không đọc được trực tiếp di sản viết của tổ tiên mấy nghìn năm) đã gây tổn thương như thế nào cho đời sống tinh thần/văn hóa người Việt?”

Có lẽ phải nói ngay cho anh Quyen Vinh yên lòng: Không phải là “không mấy ai để ý,” nhưng cũng không có một sự đứt gãy truyền thống nào xảy ra do sự “chuyển đổi” chữ viết này cả! Sự thay đổi chữ viết đúng là một sự kiện lớn, nhưng tự nó không gây ra sự đứt gãy nào hết. Chữ viết là một phương tiện lưu trữ văn hóa nhưng không phải hễ đổi phương tiện lưu trữ thì văn hóa mất đi. (Sự “đứt gãy,” nếu có như anh cảm nhận được, nó xảy ra ở chỗ khác, và vào lúc khác).

Chữ Hán là một loại văn tự thiếu chặt chẽ và có phần… phi “logic.” Nhiều bậc thâm nho lắm khi bối rối không biết nên dừng lại ở đâu cho hợp lý trên một câu văn vừa đọc. Chữ Hán không có cấu trúc câu rõ ràng, hoặc người viết dành cho người đọc… quyền chấm câu. Người đọc muốn dứt câu ở chỗ nào tùy theo cách hiểu cá nhân của mình nên không ít khi câu văn bị hiểu sai lạc, mỗi người hiểu một cách. Đã vậy, do phương tiện và kỹ thuật khắc chữ trên xương thú và tre nứa vào thời thượng cổ, cấu trúc câu chữ Hán được “nén” tối đa, càng ít chữ mà mang được nhiều nội dung càng tốt, nên nhiều lúc câu văn thành ra thiếu sự minh bạch và tối nghĩa.

Nhà nhân chủng học người Anh nổi tiếng Jack Goody của đại học Cambridge có lần tuyên bố rằng chữ viết của Trung Quốc (…) là một hệ thống chữ viết bị hạn chế, không có khả năng diễn đạt trọn vẹn các ý tưởng, và cản trở áp dụng các tiêu chuẩn của logic thông thường. (Jack Goody and Ian Watt, The Consequences of Literacy, Cambridge University Press.)

Chỉ với một ví dụ nhỏ này thôi để thấy chữ Hán thiếu “logic” và tính chặt chẽ đến mức nào:
Đạo Đức Kinh được coi là tác phẩm triết học uyên áo của Lão tử, được nhiều thế hệ học giả Trung quốc đánh giá rất cao, nhưng chỉ một câu mở đầu gồm vỏn vẹn 6 chữ: “Đạo khả đạo phi thường đạo” mà suốt hơn hai ngàn năm qua các nhà nghiên cứu còn chưa thống nhất với nhau về cách hiểu. Mỗi người giải thích một cách cao siêu. Và cách nào cũng… thuyết phục!

Các học giả người Việt xưa dùng chữ Hán để tạo thành chữ Nôm cũng gây ra không ít sự phức tạp cho người đọc. Văn tự là một hệ thống hình vẽ có quy ước. Chữ Nôm cũng vậy, nhưng đôi khi người viết có những quyết định chủ quan khiến người đọc về sau bối rối.

Chẳng hạn, khi khảo dị Truyện Kiều, (bản Liễu Văn Đường Nghệ An, 1866), với câu thứ 8: “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh,” ông Nguyễn Quảng Tuân thấy hai chữ lâu nay quen được đọc là “cổ lục” với chữ cổ (固) được viết bằng hai chữ Hán: chữ cổ 古 trong chữ vi (固), nên suy luận chữ đó không có âm đọc là cổ. Ông giải thích, nếu từ đó là “cổ” thì chữ Hán đã có sẵn chữ 古 (cổ), người viết cứ việc dùng (nguyên tắc tá âm), việc gì phải đặt chữ cổ 古 vào trong chữ vi cho thành chữ 固. Vì vậy, ông Nguyễn Quảng Tuân cho chữ đó phải được đọc là CÓ.
"Phong tình CÓ LỤC còn truyền sử xanh."

Có lẽ vì chữ “có lục” nghe… không quen tai và có phần lấn cấn, nên từng có người phiên âm cả hai chữ nôm này thành … có lúc:

"Phong tình CÓ LÚC còn truyền sử xanh."

Cả hai giải thuyết, có lục và có lúc, dường như đều chưa cái nào thuyết phục.
Trước đây có lần trên báo chí xảy ra sự tranh luận về hai chữ “một trương” ở cuối câu Kiều 32:
"Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương."

Vì có người căn cứ vào một bản in chữ Nôm nào đó mà chữ 没 (một) trong 没 張 (một trương) được viết tắt và không có dấu chấm thủy, thành ra chữ
Last Edit: 3 years 9 months ago by Hùng 33.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc ? 6 years 4 weeks ago #63325

.
Cám ơn Bác Thái vì bài viết quá hay. Bọn Tàu còn nể sợ VN vì bao nhiêu lần chúng đem quân qua thôn tính nước ta đều bị quân ta đánh cho tan tành.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc ? 6 years 1 month ago #63323

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành


Tiếng ta còn thì nước ta còn!


Đồng hóa dân tộc (national assimilation) gồm:
1- Đồng hóa tự nhiên, tức quá trình dân tộc A trong giao tiếp với dân tộc B, do chịu ảnh hưởng lâu dài của B mà A tự nhiên dần dần mất bản sắc của mình, cuối cùng bị B đồng hóa; đây là một xu hướng tự nhiên trong tiến trình lịch sử loài người.
2- Đồng hóa cưỡng chế: sự cưỡng bức một dân tộc nhỏ yếu hơn chấp nhận ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán của một dân tộc lớn mạnh hơn; đây là một tội ác.

Đồng hóa dân tộc chủ yếu diễn ra dưới hình thức đồng hóa văn hóa, trong đó chủ thể đồng hóa thường là một nền văn hóa mạnh và tiên tiến (như đông dân hơn, kinh tế phát triển hơn, đã có chữ viết, có các hệ tư tưởng), đối tượng đồng hóa thường là nền văn hóa yếu và lạc hậu hơn. Đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa văn hóa thông dụng nhất, quan trọng nhất, hiệu quả nhất. Một dân tộc bị mất tiếng nói mẹ đẻ của mình và phải nói tiếng của một dân tộc khác thì không còn giữ được bản sắc dân tộc nữa.

Trong lịch sử, các nền văn hóa yếu thường bị nền văn hóa mạnh đồng hóa. Thời cổ, Trung Quốc là quốc gia đông người nhất và có nền văn minh tiên tiến nhất châu Á. Nền văn hóa Hán ngữ của họ có sức đồng hóa rất mạnh. Dân tộc Hồi ở phía Tây nước này, ngày xưa dùng chữ A Rập, sau nhiều năm giao lưu với người Hán cũng toàn bộ dùng chữ Hán và nói tiếng Hán. Ngay cả các dân tộc nhỏ nhưng mạnh về quân sự, sau khi thôn tính và thống trị Trung Quốc được ít lâu cũng bị nền văn hóa Hán ngữ đồng hóa.

Thí dụ dân tộc Mãn sau khi chiếm Trung Quốc và lập triều đại nhà Thanh đã lập tức tiến hành đồng hóa dân tộc Hán: cưỡng bức đàn ông Hán phải cạo nửa đầu và để đuôi sam, phải bỏ chữ Hán mà chỉ dùng chữ Mãn làm chữ viết chính thức trên cả nước. Nhưng đến giữa đời Thanh, tức sau khoảng 100 năm thì tiếng Mãn cùng chữ Mãn đều biến mất, từ đó trở đi người Mãn chỉ dùng tiếng Hán và chữ Hán, nghĩa là họ lại bị đồng hóa ngược bởi chính nền văn hóa của dân tộc bị họ cai trị lâu tới 267 năm!

Các nước đế quốc thực dân sau khi chiếm thuộc địa đều cưỡng chế đồng hóa ngôn ngữ dân bản xứ, quá trình này diễn ra khá nhanh, nhìn chung sau 5-6 thế hệ (mỗi thế hệ 25 năm), tiếng nói của người bản xứ đã bị thay bằng ngôn ngữ của nước cai trị. Đầu thế kỷ XV, Brazil bị Bồ Đào Nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức duy nhất của người Brazil. Nhiều thuộc địa Pháp ở châu Phi như Bénin, Togo, Sénegan… dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính duy nhất. Năm 1918 nước ta bắt đầu dạy tiếng Pháp ở lớp cuối tiểu học, 10-20 năm sau toàn bộ học sinh trung học cơ sở trở lên đến trường đã chỉ nói tiếng Pháp, giáo viên chỉ giảng dạy bằng tiếng Pháp. Nếu cứ thế dăm chục năm nữa thì có lẽ Việt Nam đã trở thành nước nói tiếng Pháp.

Thế nhưng sau hơn 1.000 năm bị bọn phong kiến người Hán thống trị và cưỡng bức đồng hóa, dân tộc Việt Nam vẫn không bị Hán hóa, vẫn giữ nguyên được nòi giống, tiếng nói và phong tục tập quán.

Đây quả là một điều kỳ diệu có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được. Đáng tiếc là chưa thấy nhiều người quan tâm nghiên cứu vấn đề này, một thành tựu vĩ đại đáng tự hào nhất của dân tộc ta (nói cho đúng là của tổ tiên ta thôi, còn chúng ta bây giờ thua xa các cụ).

Vì sao tổ tiên ta có thể làm được kỳ tích ấy ? Có người nói đó là do dân ta giàu tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, xã hội có cơ chế làng xã bền chặt, v.v… Nói như vậy có lẽ còn chung chung, nếu đi sâu phân tích tìm ra được nguyên nhân cụ thể thì sẽ giúp ích hơn cho việc phát huy các truyền thống quý báu của dân tộc ta. Thực tế cho thấy tổ tiên ta giành được thắng lợi chống đồng hóa không phải bằng đấu tranh vũ trang mà chủ yếu bằng tài trí.
Xin nói thêm rằng chính người Trung Quốc cũng rất quan tâm vấn đề này. Chúng tôi đã thử nêu lên mạng Bách Độ (Baidu) của họ câu hỏi “Vì sao Trung Quốc thống trị Việt Nam hơn 1.000 năm mà Việt Nam không bị đồng hóa?”
Từ hàng triệu kết quả, có thể thấy đa số dân mạng Trung Quốc đều có chung một thắc mắc lớn: Vì sao bị Trung Quốc thống trị lâu thế mà người Việt Nam vẫn không nói tiếng Trung Quốc? Nói cách khác, họ coi đồng hóa ngôn ngữ là tiêu chuẩn đồng hóa quan trọng nhất và đều thừa nhận Trung Quốc đã không đồng hóa nổi Việt Nam. Họ tỏ ra tiếc nuối về sự kiện Việt Nam sau hơn 10 thế kỷ từng là quận huyện của Trung Quốc, từng dùng chữ Hán hàng nghìn năm mà rốt cuộc lại trở thành một quốc gia độc lập, dùng chữ Latin hóa, ngày nay là nước chống lại mạnh nhất chính sách xâm lấn Biển Đông của Bắc Kinh.

Do hiểu biết Việt Nam rất ít, thậm chí hiểu sai, hầu hết dân mạng Trung Quốc không tìm được lời giải thắc mắc trên, kể cả người tỏ ra am hiểu lịch sử nước ta. Họ nêu các lý do:

– Văn hóa Việt Nam có trình độ Hán hóa cao(?), người Việt rất hiểu và không phục Trung Quốc;
– Việt Nam ở quá xa Trung nguyên, khí hậu nóng, quan lại người Hán ngại sang Việt Nam làm việc, đã sang thì chỉ lo làm giàu, không lo đồng hóa dân bản xứ;
– Các nhân vật tinh hoa Trung Quốc như Lưu Hy, Hứa Tĩnh, Hứa Từ, Viên Huy (劉熙、許靖、許慈、袁徽) chạy loạn sang Việt Nam đã giúp nước này có nền văn hóa không kém Trung Quốc;
– Người Hán di cư đến Việt Nam đều bị người bản xứ đồng hóa v.v…

Nói chung họ đều chưa thấy, hay cố ý lờ đi nguyên nhân chính là ở tài trí của người Việt.

Nhưng họ nói người Việt Nam hiểu Trung Quốc là đúng. Do sớm hiểu rõ ý đồ thâm hiểm của phong kiến người Hán muốn đồng hóa dân tộc ta nên tổ tiên ta đã kịp thời đề ra đối sách. Cụ thể là đã tìm ra cách giữ gìn được tiếng nói của dân tộc mình trong quá trình bị bọn thống trị người Hán cưỡng bức học chữ Hán.

Mấy nghìn năm sau, một học giả lớn của dân tộc ta tóm tắt bài học lịch sử này trong một câu nói rất chí lý: “Tiếng ta còn thì nước ta còn!”
Sau khi chiếm nước ta (203 tr. CN), Triệu Đà đã ép buộc dân ta học Hán ngữ, nhằm đồng hóa họ bằng ngôn ngữ. Có lẽ đây là thời điểm muộn nhất chữ Hán vào nước ta.[1] Sách “Việt giám Thông khảo Tổng luận” do Lê Tung viết năm 1514 có chép việc họ Triệu mở trường dạy người Việt học chữ Hán.[2] Về sau, tất cả các triều đại người Hán cai trị Việt Nam đều thi hành chính sách đồng hóa. Triều nhà Minh còn tìm cách tiêu diệt nền văn hóa của ta, như tiêu hủy toàn bộ các thư tịch do người Việt viết, bắt nhân tài, thợ giỏi người Việt sang Trung Hoa phục dịch.

Như vậy, dân tộc ta buộc phải chấp nhận học chữ Hán từ rất sớm (trước Triều Tiên, Nhật Bản nhiều thế kỷ). Do hiểu biết người Hán nên tầng lớp tinh hoa người Việt đã nhanh chóng nhận ra nếu cứ học như thế thì cuối cùng tiếng Việt sẽ bị thay bằng tiếng Hán, dân ta sẽ trở thành một bộ phận của Trung Quốc.

Vậy cha ông ta đã dùng cách nào để giữ được tiếng nói của dân tộc trong hơn 1.000 năm bị cưỡng bức học và dùng chữ Hán cũng như phải tiếp thu nhiều yếu tố của nền văn minh Trung Hoa?
Vấn đề này rất cần được làm sáng tỏ để từ đó hiểu được truyền thống quý báu của dân tộc ta. Dưới đây chúng tôi xin mạo muội góp vài ý kiến nông cạn, nếu có sai sót mong quý vị chỉ bảo.

Đọc chữ Hán bằng tiếng Việt: Một sáng tạo xuất sắc của tổ tiên ta

Chữ viết hình vuông là một phát minh lớn của nền văn minh Trung Hoa, được người Hán chính thức sử dụng từ đời nhà Thương (thế kỷ 16 đến 11 tr. CN), ngày nay phổ biến được gọi là chữ Hán.

Thực ra trong hơn 2.000 năm kể từ ngày ra đời, thứ chữ viết ấy chỉ được người Hán gọi là chữ 字 (tự) hoặc văn tự 文字. Đến đời Đường (thế kỷ VII) cái tên 漢字 (Hán tự, tức chữ Hán) mới xuất hiện lần đầu trong sách Bắc Sử 北史 do Lý Diên Thọ biên soạn.[3] Sau đó người Nhật và người Triều Tiên cũng gọi thứ chữ này là Hán tự: tiếng Nhật đọc Kanji, tiếng Triều Tiên đọc Hantzu. Cho tới nay Bộ Giáo dục Đài Loan vẫn chỉ gọi là Quốc tự 國字.

Vì thứ chữ ấy khi vào Việt Nam còn chưa có tên nên tổ tiên ta bèn đặt cho nó cái tên là chữ Nho, với ý nghĩa là chữ của người có học, bởi lẽ Nho 儒 là từ dùng để gọi những người có học. Dân ta gọi người dạy chữ là thầy đồ Nho, bút và mực họ dùng để viết chữ là bút Nho và mực Nho.[4]

Đây quả là một điều độc đáo, bởi lẽ Hán ngữ xưa nay chưa hề có khái niệm chữ Nho; tất cả từ điển Hán ngữ cổ hoặc hiện đại và các từ điển Hán-Việt đều không có mục từ Nho tự 儒字 với ý nghĩa là tên gọi của chữ Hán.
Có thể suy ra: Việt Nam thời xưa không có chữ viết (hoặc đã có chữ Việt cổ nhưng chưa hoàn thiện, chưa diễn tả được các khái niệm trừu tượng), vì thế khi tiếp xúc với chữ Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã nhận thấy đây là một phương tiện cực kỳ hữu ích dùng để truyền thông tin được xa và lâu, không bị hạn chế về khoảng cách và thời gian như cách truyền thông tin bằng tiếng nói, do đó họ đã sớm nghĩ tới việc mượn thứ chữ này làm chữ viết của dân tộc ta.
Muốn vậy dân ta phải biết chữ Hán, một thứ ngoại ngữ. Làm cho dân chúng học và dùng được một ngoại ngữ là việc hoàn toàn bất khả thi ở thời ấy. Hơn nữa chữ Hán cổ khó đọc (vì không biểu âm), khó viết (vì có nhiều nét và cấu tạo phức tạp), khó nhớ (vì có quá nhiều chữ), thuộc loại chữ khó học nhất trên thế giới.

Nói chung, mỗi chữ viết đều có một âm đọc; không ai có thể xem một văn bản chữ mà không vừa xem vừa đọc âm của mỗi chữ (đọc thầm hoặc đọc thành tiếng). Mỗi chữ Hán đều có một âm tiếng Hán; muốn học chữ Hán tất phải đọc được âm của nó. Viết chữ Hán khó, tuy thế tập nhiều lần sẽ viết được, nhưng do khác biệt về hệ thống ngữ âm, người Việt nói chung khó có thể đọc được các âm tiếng Hán.

Ngoài ra Trung Quốc là một nước rộng lớn, đông dân; cho tới trước nửa cuối thế kỷ 20 cả nước vẫn chưa thống nhất được âm đọc của chữ. Loại chữ này chỉ thể hiện ý nghĩa, không thể hiện âm đọc, cho nên nhìn chữ mà không biết cách đọc. Người dân các vùng xa nhau thường đọc chữ Hán theo âm khác nhau, thậm chí khác xa nhau, vì thế thường không hiểu nhau nói gì. Các thứ tiếng địa phương ấy ta gọi là phương ngữ, người Hán gọi là phương ngôn (方言); Hán ngữ hiện có 7 phương ngữ lớn, nhiều phương ngữ nhỏ (次方言).

Không thống nhất được âm đọc chữ Hán là một tai họa đối với người Hán. Với người nước ngoài học chữ Hán cũng vậy: khi mỗi ông thầy Tàu đọc chữ Hán theo một âm khác nhau thì học trò khó có thể học được thứ chữ này.
Để có thể học được chữ Hán mà không cần đọc âm tiếng Hán, tầng lớp tinh hoa của tổ tiên ta đã sáng tạo ra một giải pháp xuất phát từ ý tưởng: nếu người Hán khác vùng có thể tự đọc chữ Hán theo âm riêng của vùng, thì ta cũng có thể đọc chữ Hán theo âm riêng của người Việt.

Muốn vậy, mỗi chữ Hán được tổ tiên ta quy ước đọc bằng một (hoặc vài, tùy chữ Hán gốc) âm tiếng Việt xác định có gốc là âm chữ Hán — ngày nay gọi là âm Hán-Việt, nghĩa là mỗi chữ Hán đều được đặt cho một (hoặc vài) cái tên tiếng Việt xác định, gọi là từ Hán-Việt.

Thí dụ chữ 水 được đặt tên là chữ Thủy, âm đọc thủy khác với âm đọc shuẩy của người Hán. Chữ 色, tiếng Hán đọc sưa, ta đọc sắc. Thủy và Sắc là từ Hán-Việt, cũng là âm Hán-Việt của 水và色.

Âm/từ Hán-Việt được chọn theo nguyên tắc cố gắng bám sát âm Hán ngữ mà tổ tiên ta từng biết.[5] Như chữ 終, âm Hán và âm Hán-Việt đều đọc chung, tức hệt như nhau; chữ 孩, Hán ngữ đọc hái, ta đọc Hài, gần như nhau. Nhưng hầu hết chữ đều có âm Hán-Việt khác âm Hán. Như 集 âm Hán là chí, ta đọc Tập ; 儒 giú, ta đọc Nho. Có chữ âm Hán như nhau mà âm Hán-Việt có thể như nhau hoặc khác nhau, như 同 và 童, âm Hán đều là thúng, từ Hán-Việt đều là Đồng ; nhưng 系 và 細, âm Hán đều là xi, lại có hai từ Hán-Việt khác nhau là Hệ và Tế. Chữ Hán có hai hoặc nhiều âm thì có thể có một, hai hoặc nhiều âm/từ Hán-Việt, như 都 có hai âm Hán là tâu và tu, lại chỉ có một âm/từ Hán-Việt là Đô ; 少 có hai âm Hán shảo và shao, cũng có hai âm/từ Hán-Việt là Thiểu (trong thiểu số) và Thiếu (trong thiếu niên).
Thứ chữ Hán đọc bằng âm Hán-Việt này được dân ta gọi là chữ Nho. Vì đọc chữ bằng tiếng mẹ đẻ nên chữ Nho trở nên dễ học đối với người Việt: chỉ cần học mặt chữ, nghĩa chữ và cách viết văn chữ Hán mà không cần học phát âm cũng như học nghe/nói tiếng Hán. Vì thế thời xưa ở nông thôn nước ta không hiếm người 6-7 tuổi đã biết chữ Nho.[6] Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) 12 tuổi đỗ Cử nhân, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp (Tiến sĩ). Người không biết chữ cũng có thể học truyền miệng các tác phẩm ngắn có vần điệu, như Tam Thiên Tự.[7]

Người biết chữ Nho có thể xem hiểu các thư tịch chữ Hán, viết văn chữ Hán; tuy không nói/nghe được tiếng Hán nhưng vẫn có thể dùng bút đàm để giao tiếp bình thường với người Hán. Chỉ bằng bút đàm chữ Nho, Phan Bội Châu giao tiếp được với các nhà cải cách Trung Quốc và Nhật Bản, đưa được mấy trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật học quân sự chính trị, chuẩn bị về nước đánh đuổi thực dân Pháp.

Cần nhấn mạnh: vì âm/từ Hán-Việt không thể ghi âm hầu hết từ ngữ tiếng Việt cho nên cách đọc chữ Hán theo âm Việt hoàn toàn không thể biến tiếng Việt thành một phương ngữ của Hán ngữ,[8] và dân ta vẫn hoàn toàn nói và nghe bằng tiếng mẹ đẻ.

Chữ Nho chỉ dùng để viết mà thôi, và chỉ được giới tinh hoa (trí thức và quan lại người Việt) dùng trong giao dịch hành chính, ngoại giao, lễ tiết, chép sử, giáo dục, thi cử, sáng tác văn thơ. Còn ở Trung Quốc, những người nói một trong các phương ngữ tiếng Hán đều có thể dùng chữ Hán để ghi âm được toàn bộ tiếng nói của phương ngữ ấy, nghĩa là họ có thể dùng chữ Hán để ghi âm tiếng mẹ đẻ.

Dĩ nhiên cách đọc tiếng Việt chỉ có thể làm với chữ Hán, là loại chữ biểu ý (ghi ý), chứ không thể làm với chữ biểu âm (ghi âm). Ngày nay âm/từ Hán-Việt của mỗi chữ Hán có thể dễ dàng viết ra bằng chữ Quốc ngữ (một loại chữ ghi âm), nhưng ngày xưa, khi chưa có bất kỳ loại ký hiệu nào ghi âm tiếng nói, tổ tiên ta chỉ có thể truyền khẩu. Thế mà lạ thay, việc dạy chữ Nho đã được mở rộng, ở thời Nguyễn là đến tận làng, có thể suy ra tỷ lệ người biết chữ Hán của dân ta cao hơn Trung Quốc!

Chỉ bằng cách truyền miệng mà người Việt thời xưa đã tạo ra được một bộ từ Hán-Việt tương ứng với bộ chữ Hán khổng lồ — bộ chữ này trong Tự điển Khang Hy (1716) có hơn 47 nghìn chữ; Tiêu chuẩn Nhà nước Trung Quốc GB18030 (2005) có 70.217 chữ; Trung Hoa Tự hải có 85.568 chữ Hán.
Quá trình tiến hành Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán kéo dài trong hàng nghìn năm, là một thành tựu văn hóa vĩ đại. Có thể phỏng đoán đó là một quá trình mở, do nhiều thế hệ người Việt thực hiện, thể hiện sức sáng tạo bất tận của tổ tiên ta.

Nhật và Triều Tiên cũng mượn dùng chữ Hán, nhưng họ tự đến Trung Hoa nghiên cứu đem chữ Hán về dùng chứ không bị ép dùng từ sớm như ta. Họ cũng đọc chữ Hán theo âm bản ngữ của dân tộc mình — giải pháp do người Việt nghĩ ra và thực hiện trước họ nhiều thế kỷ.

Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Nguyễn Tài Cẩn nói: “Cách đọc Hán Việt là một tài sản của riêng dân tộc ta. Có dùng nó khi đọc Đạo đức kinh, Kinh Thi, Sở từ… thì mới phù hợp với thói quen dân tộc, tiện lợi cho dân tộc. Theo ý chúng tôi, dùng cách đọc Hán Việt ở những trường hợp này là một điều hết sức phù hợp với khoa học. Đọc theo lối Hán Việt thì dễ hiểu hơn, bởi lẽ ngay trong tiếng Việt đã có khá nhiều tiếng Hán Việt quen thuộc, chỉ đọc lên, nghe được, là hiểu được; đọc theo lối Hán Việt thì cũng thuận tai hơn… ”.[9]
Đúng thế. Thí dụ từ 社會, người Anh biết Hán ngữ đọc shưa huây, người Anh không biết Hán ngữ khi nghe âm đọc ấy sẽ chẳng hiểu gì; còn người Việt biết Hán ngữ đọc “xã hội”, người Việt không biết Hán ngữ nghe đọc sẽ hiểu ngay nghĩa của từ; âm “xã hội” thuận tai, dễ đọc dễ nhớ hơn âm shưa huây. Rõ ràng cách đọc Hán-Việt thật tiện lợi cho người Việt. Trong bài sau, chúng tôi sẽ nói thêm về vấn đề này.
Ngày nay mỗi chữ Hán trong tất cả các từ điển Hán-Việt đều phải ghi kèm từ Hán-Việt tương ứng. Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu có kèm Bảng tra chữ theo âm Hán-Việt, dùng tra chữ Hán rất tiện và nhanh hơn tra theo bộ thủ. Người có sáng kiến làm Bảng này là bà Nguyễn Thị Quy (1915-1992), em ruột Thiều Chửu, khi bà lần đầu xuất bản Tự điển nói trên tại Sài Gòn năm 1966.[10]

Như vậy, bằng cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt, tổ tiên ta đã thành công trong việc mượn chữ Hán để dùng làm chữ viết chính thức của dân tộc mình và gọi nó là chữ Nho. Sự vay mượn này chẳng những không làm cho tiếng Việt bị biến mất mà còn làm cho nó phong phú hơn rất nhiều, trở thành một ngôn ngữ cực kỳ linh hoạt, có thể tiếp nhận và Việt hóa hầu như toàn bộ từ ngữ mới xuất hiện trong tiến trình phát triển của loài người toàn cầu.

Chữ Nho khác chữ Hán ở phần ngữ âm: nó là chữ Hán được đọc bằng âm tiếng Việt chứ không đọc bằng âm tiếng Hán như chữ người Hán dùng. Nói cách khác, chữ Nho là chữ Hán đã được Việt Nam hóa phần ngữ âm; còn về tự dạng và nghĩa chữ thì cơ bản như chữ Hán của người Hán. Vì thế có người gọi chữ Nho là chữ Hán-Việt.

Rõ ràng nó là chữ của người Việt Nam, đã Việt Nam hóa phần ngữ âm, không thể coi là chữ của người Hán. Chữ Nho là chữ viết chính thức của dân tộc ta trong hơn 2.000 năm, kể từ thời điểm muộn nhất là bắt đầu thời Bắc thuộc cho tới khi được thay thế bằng chữ Quốc ngữ cực kỳ ưu việt, được chính các nhà Nho tiên tiến tán thưởng và đi tiên phong ủng hộ sự phổ cập Quốc ngữ.

Cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt đã đáp ứng nhu cầu giao tiếp bằng bút đàm giữa quan lại cấp thấp người Việt với quan lại cấp cao người Hán, khiến cho bọn thống trị người Hán vẫn thực thi được quyền lực cai trị dân bản xứ. Hơn nữa, cách đó làm cho việc phổ cập chữ Hán trong người Việt trở nên dễ dàng, tức đáp ứng yêu cầu dạy chữ Hán của các vương triều người Hán. Vì vậy chúng không còn lý do cưỡng chế dân ta phải học nghe/nói tiếng Trung Quốc.
Cách đọc chữ Hán như trên đã có tác dụng không ngờ là làm cho người Hán dù có cai trị Việt Nam bao lâu thì cũng không thể tiêu diệt nổi tiếng Việt và Hán hóa được dân tộc ta. Có thể là khi bắt đầu sáng tạo cách đọc ấy, tổ tiên ta chưa nghĩ tới điều đó, nhưng rốt cuộc sáng tạo xuất sắc này đã giúp dân tộc ta tránh được nguy cơ bị người Hán đồng hóa. Đây là một thành công vĩ đại!

Đáng tiếc là hiện không thấy có thư tịch nào ghi chép ai nghĩ ra và thời điểm nào xuất hiện cách đọc chữ Hán bằng âm/từ Hán-Việt. Có thể cho rằng sáng kiến đó ra đời khi chữ Hán bắt đầu vào nước ta, tức muộn nhất là khoảng thế kỷ 2 – 1 tr.CN.

Có ý kiến cho rằng cách đọc Hán-Việt bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng hai thế kỷ 8, 9.
Nếu hiểu ý kiến này theo nghĩa đến đời Đường mới xuất hiện cách đọc Hán-Việt thì e rằng khó có thể giải đáp câu hỏi: vậy thì trong thời gian khoảng ngót 1000 năm trước đó người Việt đọc chữ Hán bằng cách nào? Đến đời Đường, người Hán đã thống trị Việt Nam được hơn 9 thế kỷ, quá thừa thời gian để họ hoàn toàn đồng hóa người Việt bằng văn hóa, ngôn ngữ, khi ấy tiếng Việt đã bị biến mất, sao còn có thể xuất hiện cách đọc Hán-Việt?
Phải chăng nên hiểu ý kiến trên theo nghĩa: đến thời Đường, cách đọc Hán-Việt được hoàn thiện nhờ học tập Đường âm dạy ở Giao Châu vào khoảng thế kỷ 8 – 9.

***

Có thể kết luận: dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.

Có những người Hán đã nhận ra bản lĩnh trí tuệ ấy của người Việt.

Năm 987, nhà Tống cử Lý Giác李覺 đi sứ sang Hoa Lư, Việt Nam, được hai vị Quốc sư Khuông Việt và Pháp Thuận đón tiếp, đàm phán các vấn đề quốc gia đại sự và họa thơ. Khi về nước, Lý Giác tặng vua Lê Đại Hành một bài thơ, trong có câu: “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu 天外有天應遠照”, nghĩa là: “Ngoài trời này còn có trời khác, nên nhìn thấy”. Nói cách khác, thế giới này đâu phải chỉ có một mặt trời Trung Hoa mà còn có mặt trời Việt Nam!
Câu thơ cho thấy Lý Giác đã bước đầu nhận ra bản lĩnh trí tuệ của người Việt. Đúng thế, tổ tiên ta thật vô cùng tài giỏi, nếu không thì còn đâu giang sơn tươi đẹp này!


Nguyễn Hải Hoành là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.
—————————
[1] Nói là “muộn nhất” vì còn có các quan điểm như: chữ Hán vào VN qua con đường giao thương hoặc truyền bá tôn giáo từ lâu trước khi nước ta bị Triệu Đà chiếm; VN đã có chữ viết từ đời Hùng Vương (Hoàng Hải Vân: Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động).
[2]宋代中越文学交流述论 có câu 黎嵩 “越鑑通考總論” viết : 趙佗 “建立學校,導之經義。由此已降,四百余年,頗有似類” .
[3] Bài 汉字名称的来由 (blog.sina.com.cn) và một số bài khác có viết: Từ Hán tự 漢字 xuất hiện sớm trong Bắc sử, quyển 9 [biên soạn xong năm 659]. 汉字一词早出自《北史》卷九本纪第九, “章宗一”:“十八年,封金源郡王.始习本朝语言小字, 及汉字经书,以进士完颜匡、司经徐孝美等侍读”. Từ Hán tự xuất hiện nhiều trong sách Kim sử 金史 (năm 1345) đời Nguyên. Ở đời nhà Thanh (1644-1911), thời kỳ đầu do chữ viết chính thức của chính quyền không phải là chữ Hán mà là chữ Mãn (满文) nên phải dùng tên gọi chữ Hán 漢字 để chỉ loại văn tự truyền thống của người Hán, nhằm phân biệt với chữ Mãn.
[4] Có ý kiến nói do thời bấy giờ thứ chữ đó được dùng để dạy dân ta học Nho giáo 儒教 nên dân ta gọi nó là chữ Nho. Nhưng Nho 儒với nghĩa “người có học” xuất hiện trước rất lâu, sau đó mới dùng chữ ấy vào từ Nho giáo để gọi học thuyết của Khổng Tử. Cùng lý do ấy, chữ Khổng có trước khi Khổng Tử ra đời.
[5] Khó có thể biết đó là âm tiếng địa phương nào ở TQ. Trong đó có những âm tiếng Quảng Đông, như nhất, nhì, shập, học chập khi đọc các chữ 一,二,十,學習 (âm Hán-Việt đọc nhất, nhị, thập, học tập).
[6] Thí dụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) 8 tuổi học chữ Nho, 13 tuổi văn hay chữ tốt, 24 tuổi đậu Giải Nguyên, 28 tuổi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ. Phan Bội Châu (1867-1940) 6 tuổi học ba ngày đã thuộc lòng 1440 chữ Nho trong Tam Tự Kinh. Trần Gia Minh tác giả sách Huyền thoại Kim thiếp Vũ Môn 5-6 tuổi đã học chữ Nho truyền khẩu từ người ông mù lòa.
[7] Do nhà Nho Đoàn Trung Còn sáng tác, là một bài vè dài, mỗi câu hai âm, đọc lên có vần điệu dễ nhớ.
[8] Năm 1867, G. Aubaret trong cuốn Grammaire annamite từng sai lầm nhận định: “Tiếng bình dân nói trong vương quốc An Nam là một phương ngữ của tiếng Trung Quốc” (trích dẫn theo Phạm Thị Kiều Ly trong “Ghi âm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ”, sách “Tiếng Việt 6”, Nxb Tri Thức, 2015).
[9] Nguyễn Tài Cẩn : Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt.
[10] Dẫn theo Lê Quốc Trinh, con trai bà Quy và là người trực tiếp tham gia làm Bảng tra này
Last Edit: 6 years 1 month ago by Bác Phan T. Thái.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012