Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Sức mạnh của tiếng Việt

Sức mạnh của tiếng Việt 4 years 11 months ago #63523

ngnnguw.jpg



Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh: ngôn ngữ Việt Nam đã chuyển tải không ngừng dòng sinh mệnh văn hoá dân tộc, đã trở thành cơm nuôi dưỡng dân tộc tính Việt Nam, đã trở thành máu nuôi dưỡng nhịp đập của mọi trái tim người dân Việt trong những vui buồn, hào khí tình tự dân tộc. Những nổi khổ cực đắng cay “máu chảy ruột mềm” mà dân tộc Việt Nam đã phải chung vai đấu cật, cũng đã nhờ những mệnh lệnh ngôn ngữ:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy dân tộc Việt Nam bao giờ cũng tìm cách đứng dậy, vươn mình đi tới, xong pha vào hiểm nguy để bảo vệ từng tấc đất, quê cha đất tổ, bảo vệ sự sống còn của dân tộc cũng đã nhờ những mệnh lệnh ngôn ngữ. Một minh chứng là bài “Nam quốc sơn hà”:

Nam quốc son hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẵng hành khan thủ bại hư


Nguyễn Trí Tài đã dịch ra như sau:

Sông núi nước Nam, vua nước Nam ở
Phân vị rạch ròi đã ghi trong sách trời
Cớ sao lũ giặc bạo ngược đến xâm phạm
Chúng bay rồi xem, sẽ chuốc lấy thất bại tan tành


Và cụ Trần Trọng Kim dịch như sau:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời


Lý Thường Kiệt đã loan truyền bài “Nam quốc sơn hà” cho toàn quân của mình cũng như quân nhà Tống trong trận chiến với quân nhà Tống năm 1076. Quân Lý Thường Kiệt lên tinh thần xong pha đánh bại quân nhà Tống, còn quân nhà Tống nghe vậy đâm ra hoảng sợ bỏ chạy (1).

Một ngàn năm dưới sự đô hộ của giặc Tàu, dân tộc Việt Nam không nao núng, vẫn luôn luôn tìm cách đánh đổ ách đô hộ. Người Tàu đô hộ Việt Nam lâu như thế nhưng không đồng hoá dân Việt được. Chúng chỉ đào tạo giới quan lại trong các triều phủ học chữ Hán chỉ việc vâng lời lo triều cống vàng bạc đồ quí báu. Cho nên tiếng Việt vẫn dùng rộng rãi trong toàn dân ở các làng xã. Nhờ giữ gìn được tiếng nói trong toàn dân mà dân tộc tính Việt vẫn tồn tại. Mặc dầu các triều vua vẫn chủ trương dùng chữ Hán và đào tạo nho sĩ. Trái lại, ngày nay, Trung cộng xâm lược Việt Nam theo chính sách tằm ăn dâu trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, lãnh thổ …Qua cuộc biểu tình (protest), lớn chưa từng thấy, triệu người dân Việt từ Bắc chí Nam đã dùng tiếng nói “không” để phản đối “luật đặc khu”. Quốc hội, mặc dù bù nhìn, nhưng cũng phải lắng nghe tiếng nói của người dân yêu nước, đã ngừng thông qua luật đặc khu.

Mặc dù chế độ độc tài độc đảng đã nắm giữ quân đội, công an nhưng vẫn muốn bóp miệng người dân. Họ không muốn nghe, không muốn hiểu những ý nguyện của toàn dân, cho nên mới có luật an ninh mạng. Họ muốn kiểm soát tiếng nói người dân. Đó là ý muốn lổi thời. Họ thừa hiểu thời đại ngày nay là thời đại của internet, youtube, blog cá nhân . . .làm sao kiểm soát được nguồn thông tín đại chúng?

Chữ Quốc Ngữ ra đời và chính thức dùng trong các chương trình giáo dục và trở nên văn tự chính thức của dân Việt.

Cũng cần nói lại việc hình thành chữ Quốc Ngữ là do công lao của các giáo sĩ người Tây phương gồm cả Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha …và tất nhiên có công lao của các người Việt theo đạo Thiên Chúa và các cố đạo người Việt. Có sự nhầm lẫn cho rằng Alexandre de Rhodes là ông tổ sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ. Sở dĩ có sự hiểu lầm như thế vì ông có công lớn xuất bản ba công trình: Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionnarium Annamiticum Lusitanum et Latinum), Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đông Kinh (Linguae Annamiticae seu Tunkinensis Brevis Declaratio) và Phép giảng tám ngày (Cathechismus proiuo qui voluat sulcipere baptisnum in octo dies divisus) trong năm 1651 ở Rome.

Thực ra người đầu tiên dùng mẫu tự Latin ghi âm tiếng Việt và là người thầy dạy tiếng Việt cho A. De Rhodes là giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina (1585-1625) (2). Tiếng Việt thuở ban đầu dùng trong nhà thờ nhằm mục đích truyền đạo, đến khi người Pháp đô hộ Việt Nam, người Pháp có chính sách ngôn ngữ (Colonialism and language policy in Vietnam) (3). Chủ đích của người Pháp là dùng tiếng Việt để đánh đỗ ảnh hưởng tiếng Hán và văn hóa Tàu khỏi đầu óc trí thức Nho sĩ thời bấy giờ (removing Vietnam from the political influence of China) (3).

“Nhờ có chữ Quốc Ngữ viết bằng mẫu tự La Tin cho nên dễ học, dễ viết. Từ đó, tiếng Việt, văn học Việt Nam được phát triển mạnh mẻ, phải kể đến các học giả, các nhà Việt học đầu tiên như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh. . .và cũng nhờ tiếp xúc với tiếng Pháp, với nền văn hoá Pháp đã dễn đến sự hình thành nền báo chí Việt Nam bằng chữ Quốc Ngữ, nền văn xuôi hiện đại, sự đổi mới trong thi ca. Lần đầu tiên tiếng Việt đã trở thành phương tiện truyền thông trên báo chí. Thể văn chính luận, truyện ngắn truyện dài bằng tiếng Việt đã xuất hiện. Phong trào thơ mới ở Việt Nam ra đời. Trên cơ sở đó, tiếng Việt đã tiếp thu và Việt hoá hàng loạt từ ngữ gốc Pháp” (4).

Từ những tác phẩm văn chương thời tiền chiến cho đến ngày nay đã tạo dựng sức mạnh những giá trị nhân bản, chân thiện mỹ, nung đúc tâm hồn dân tộc, dù tiếp cận nhiều nguồn văn hoá thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc, dân tộc tính. Như trong thời “phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, các sĩ phu yêu nước đã nêu dùng chữ Quốc Ngữ đã nêu lên hàng đầu trong sáu biện pháp của bản sách lược gọi là “Văn minh tân học sách” (1907) và lên tiếng kêu gọi đồng bào vì tương lai củ đất nước mà nên dùng chữ tiện lợi ấy” (5).

Cuộc vượt thoát chế độ Cộng Sãn Việt Nam của hàng triệu người Việt yêu chuộng tự do qua biển đông mênh mông cuồng nộ, đã đánh thức lương tâm nhân loại, đã nói lên hào khí, lòng can đảm vô biên của người dân Việt không chịu khất phục bạo lực, không chịu làm nô lệ. Từ đó đã tạo nên các cộng đồng người Việt khắp năm châu. Hơn bốn mươi lăm năm qua, đi qua các khu vực phát triển của người Việt định cư như ở Úc, Cabrramatta (Sydney) footscray, Springvale (Melbourne); Ở Mỹ, khu Wesminster, Houston, Washington D.C.; Ở Canada, Toronto, Montreal …Ở đâu có cộng đồng người Việt vài ba chục ngàn người cũng thấy tiếng Việt và người Việt ở đó dùng tiếng Việt thoải mái. Nếu có một số ít người có đầu óc đố kỵ, kỳ thị thì cảm thấy khó chịu, còn đa số khác khi đi qua những khu vực nầy đều ngạc nhiên về sự trù phú sầm uất thay đổi nhanh chống của các khu vực nầy mà trước đây họ được biết là những khu vực nghèo nàn không được phát triển. Dù khó chịu hay ngạc nhiên thán phục, cả hai đều phải công nhận một điều thực tế là cộng đồng người Việt ở đâu cũng sớm định cư ổn định đời sống một cách nhanh chóng và thành công rất nhiều mặt trên nhiều lãnh vực khác nhau, đóng góp không ít cho quê hương thứ hai. Hơn thế nữa nhiều người nước ngoài thích món ăn Việt Nam lại thích hay lui tới thưởng thức nhiều món ngon Việt Nam, đặc biệt món Phở được nhiều người biết và thích ăn. Hiện nay, những người ngoại quốc, điển hình như người Nga, Tàu, Nhật, Hàn quốc, Úc, Mỹ, Pháp, Canada …thông thạo tiếng Việt khá đông. Họ lập gia đình hay làm việc với người Việt họ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc.

Cũng cần nói thêm, khi nói tiếng Việt là bao gồm tiếng nói và chữ viết. Tiếng Việt được phổ biến cả hai hình thức tiếng nói và chữ viết. Một trong những thành công nổi bật quan trọng nhất mà cộng đồng chia sẻ, vui mừng và hãnh diện đó là sự thành công người Việt về mặt giáo dục. Hiện nay, nhìn chung, chúng ta thấy không có lãnh vực nào mà không có sinh viên Việt Nam tốt nghiệp và có không ít người trở thành chuyên gia, học giả, khoa học gia, thương gia lỗi lạc. Những cửa hàng, công ty, phòng mạch nha bác sĩ, luật sư… trong cộng đồng người Việt đều phải nói tiếng Việt mới có nhiều khách hàng. Riêng về ngành tiếng Việt, tiếng Việt đã và đang được giảng dạy khắp nơi, nơi nào có đông người Việt, ở đó đều có lớp tiếng Việt. Đa số do các tố chức cộng đồng, tôn giáo đứng ra tổ chức giảng dạy. Đặc biệt ở Úc và Mỹ, tiếng Việt được đưa vào chương trình giáo dục trong mạch chính (mainstream) từ tiểu học đến đại học. Và cũng đặc biệt hơn nữa tiếng Việt và văn chương Việt Nam được nằm trong chương trình thi tú tài quốc tế (Diploma of International Baccalaurate) mà hiện nay trên dưới 30 nước trên toàn thế giới có học sinh ghi tên học và thi (mà bản thân cá nhân tôi biết được qua việc chịu trách nhiệm chương trình nầy hơn 20 năm qua). Nhờ những trường tiếng Việt, nhờ báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình mà tiếng Việt được sử dụng rồng rãi.

Không phải đến bây giờ người ngọai quốc nhìn thấy tận mắt những con người Việt qua những thành công mà thán phục ngạc nhiên. Những người ngoại quốc hiểu biết lịch sử, văn hoá Việt Nam, mới cảm nhận được sức mạnh kỳ diệu, phi thường của dân tộc tính Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã nhờ sức mạnh của “dòng sinh mệnh văn hoá dân tộc”. Văn hoá dân tộc Việt Nam là thứ thuốc trường sinh cứu đỡ dân tộc Việt Nam qua những cơn nguy khốn, phong ba bảo táp để sinh tồn. Để nung đúc, duy trì và phát triển nền văn hoá đó, ngôn ngữ phải là chiếc chìa khoá. Ngôn ngữ còn, văn hoá còn. Ngôn ngữ mất, văn hoá không thể tồn tại (6). Nhớ lời cụ Nguyễn Văn Vĩnh in trên các bìa sách của cụ: “Nước Nam ta mai sau hay dở cũng ở chữ Quốc Ngữ” (7).

Một em bé Việt Nam không cảm nhận được tình thương yêu của cha mẹ qua tiếng nói, không thưởng thức được những câu ca lời hát Việt Nam, không biết gì về văn hoá, quê hương đất nước Việt Nam thì làm sao em có hiếu với ông bà cha mẹ, có nghĩa với đồng bào ruột thịt, có tình với quê hương đất nước. Ở nước ngoài, bất cứ ở đâu, người Việt thường bị nhầm lẫn với người Tàu, dù màu da, mái tóc khác với ngươi Âu Mỹ nhưng khó xác định được là người Việt Nam cho đến khi cất tiếng nói.

Một nắm gạo bỏ vào một thùng lúa mì đem lắc, trộn, xáo thế nào đi chăng nữa; Gạo vẫn là gạo. Hạt lúa mì vẫn là hạt lúa mì. Và lẽ tất nhiên gạo không thể thành bột mì để làm bánh mì. Ví von như thế, chúng tôi muốn nói người Việt chúng ta tìm cách hội nhập chứ không chập nhận sự đồng hoá và có muốn đồng hoá cũng khó mà có được. Vậy tiếng Việt ở xứ lạ quê người là yếu tố nói lên được cá tính/căn cước/identity mình là người Việt. Có một điều kỳ lạ là, người Việt ở đâu nơi xứ lạ, nghe một người nào đó nói tiếng Việt, tự nhiên tiếp xúc thăm hỏi dù chưa quen nhưng xem như thân thiết. Chính điều nầy dể hiểu tầm quan trọng của tiếng Việt trong việc kết hợp gặp gỡ giao tiếp đồng hương trên xứ người.

Ở Mỹ, Úc hay Pháp thường có những quán cà-phê người Việt. Những người Việt, phần lớn là đàn ông lớn tuổi, ngồi nhâm nhi bên tách cà-phê chuyện trò với nhau. Thật vui và thú vị. Ở những đất nước thanh bình dư ăn, dư mặc và được niềm vui đàm đạo với nhau bằng tiếng Việt không phải không có giá trị sao?

Qua mấy lần tổng thống Mỹ thăm Việt-Nam, ông nào cũng cố gắng nói lời chào bằng tiếng Việt. Dù là một lời chào ngắn ngủi nhưng không ít thì nhiều đã gây được cảm tình người dân Việt. Theo tôi biết trong số những nhà ngoại giao Mỹ và Úc nói thông thạo tiếng Việt, qua Việt Nam làm việc, có cơ hội tiếp xúc rộng rãi mọi tầng lớp từ chính quyền cho đến người dân bằng tiếng Việt. Họ rất thành công, được nhiều người quí mến.

Để tạm kết, tôi xin kể một chuyện vui cười. Người ta biết một cụ già sống thọ hơn một trăm tuổi, hỏi cụ: bà cho biết bà sống như thế nào mà được thọ như vậy? Bà cụ cười trả lời: Ai cũng nói trời kêu ai nấy dạ, với tôi, tôi giả điếc. Tiếng “dạ” có sức mạnh đến như thế!

Tiếng nói trong tình yêu nam nữ, tình yêu cha mẹ, anh chị em có mức độ quan trọng vô cùng.

Chỉ cần một tiếng “đi đi” là anh đi đường anh, em đi đường em. Hay chỉ cần một tiếng “dạ/yes” là kết chặt trăm năm. Đề tài nầy đòi hỏi nhiều nghiên cứu kỷ lưỡng hơn, xin hẹn một dịp khác.

Phan Việt Thuỷ


Tài liệu tham khảo:

Lý Thường Kiệt (Wikipedia)
Nguyễn Thiện Giáp, 2006: Lược sử Việt ngữ học, NXB Giáo Dục
Johns De Francis, 1977: Colonialism and Language Policy in Vietnam, Mouton, The Netherlands
Nguyễn Thiện Giáp, 2006: Lược sử Việt ngữ học, NXB Giáo Dục
Hoàng Tiến, 2003: Chữ Quốc Ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ XX, NXB Thanh Niên, Hà Nội.
Phan Văn Giưỡng, 1988: Giảng dạy Việt ngữ trong xã hội đa văn hoá Úc, Hội nghị giáo dục Việt ngữ liên bang Úc, South Australia
Hoàng Đạo Thuý, 1982: Người và cảnh Hà Nội, NXB Hà Nội


Phan Việt Thuỷ là bút hiệu của GS Phan Văn Giưỡng, nguyên chủ nhiệm chương trình Ngôn ngữ, Văn chương và Văn hoá Việt Nam tại Đại học Victoria, điều hợp trưởng chương trình tiếng Việt trường Ngôn ngữ Victoria, nguyên trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hoá học, Đại học Hoa Sen, tác giả nhiều bộ sách giáo khoa tiếng Việt dành cho người nước ngoài, cùng với GS Nguyễn Đình Hoà biên soạn nhiều bộ từ điển Anh-Việt và Việt-Anh, chủ nhiệm chương trình Ngôn ngữ và Văn chương International Baccalaureate, UK. Hiện là chuyên viên dự án, The National Foreign Languages Center, The University of Maryland, USA.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012