Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1
  • 2

TOPIC: HOÀI NIỆM NGÀY CŨ

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 2 months ago #63962

NGƯỜI TA THƯỜNG COI BÓI ĐẦU NĂM. XIN GỬI BÀI VIẾT VỀ THÀY BÓI NGÀY XƯA.

Thầy bóI xưa


b.jpg



a_2021-02-08.jpg



Mỗi năm, hoa đào
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Năm nay đào lại nở
Chẳng thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ !

Hai đoạn thơ giản dị của Vũ Đình Liên không ngờ ở lại với đời lâu đến thế. Lâu đến nỗi, hầu như mỗi lần Tết đến, có dịp viết bài về xuân, là mỗi lần ‘các nhà văn’ lại nhớ đến hoa đào nở với ông đồ già như biểu tượng một cài gì đẹp đẽ nhất đã đi qua, và không bao giờ trở lại.

Ngày Tết, nhớ ông đồ già. Nhớ những ông đồ già, những cụ đồ già với mực tàu giấy bản, với ngọn bút lông. Đó là các cụ xưa kia đã ngồi bên lề đường để viết câu đối bán cho khách mang về treo trong ba ngày Tết. Nhưng không phải chỉ có thế. Hình ảnh ấy còn gợi cho ta nhớ đến các ông thầy, thầy đoán mạng, thầy coi số, coi tướng, gọi chung là thầy bói, đã hàng chục năm hành nghề ở quê hương xưa, đã từng tạo nên một phong trào vô cùng phát đạt, đặc biệt tại Sàigòn.

Ngày Xuân đi lễ Lăng Ông là một hình ảnh đẹp làm sống lại cảnh phồn vinh đã thực sự có một thời tại miền Nam thân yêu. Ghi lại đầy đủ, càng đầy đủ càng hay, về các vị thầy bói đã một thời tạo nên một phong trào phát đạt như đã nói trên, cũng là một đóng góp đáng kể vào ‘công cuộc bảo tôn văn hóa’ vậy.

Lăng Ông là lăng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định, còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Lăng không phải chỉ là một nấm mộ được xây thành chung quanh, mà là cả một dinh cơ rộng lớn, kiểu như lăng các vua nhà Nguyễn ngoài Huế vậy : lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức…Tại đây có rất nhiều thầy bói hành nghề. Có những người đi lại ngay trong lăng, giữa lúc thiện nam tín nữ nhân ngày xuân đi lễ đình chùa, và nhất là đến Lăng để xin xăm, gieo quẻ, cầu nguyện hôn nhân. Thường các thầy bói trong Lăng ngồi rải rác khắp nơi và tự động di chuyển. Trải ra một chiếc chiếu hoa và đặt ‘đồ lề’ lên trên. Có khi bày ra một chiếc bàn nhỏ với vài chiếc ghế nhẹ.

Phần đông các thầy bói đều thuộc lớp các cụ xưa, mặc áo dài đen và đội khăn đóng. Nhưng cũng có người muốn tỏ ra thuộc giới có tân học, mặc đồ tây và đeo kính ‘trí thức’. Cũng có người mặc bộ bà ba bình dân cho thoải mái và có vẻ ‘bất cần đời’. Tuy ăn mặc khác nhau, nhưng đã gọi là thầy bói thì vị nào cũng bày ra chỗ hành nghề các thứ giống nhau: một bộ bài tây, ít quyển sách chữ Hán, những xâu chân gà luộc phơi khô, cái mu rùa để bốc. Ngoài ra còn có đèn nhang, giấy màu đỏ và bút lông, mực xạ.

Các ông thầy này đón khách ngay cửa vào Lăng, trong khi các vị thầy khác đều có chỗ ngồi nhất định. Những chỗ ngồi này đều có đóng thuế môn bài hàng năm khoảng chừng một ngàn đồng cho chính phủ, và vì vậy họ có kê được bàn ghế đàng hoàng, có tấm ‘tăng’ để che mưa nắng, có khi còn có mái lợp như một phòng nhỏ, trên bãi cỏ. Bên hông trái Lăng Ông, trên một phía lề đường Trịnh Hoài Đức là nơi họ tập trung, chừng 20 vị. Thường là họ đoán vận mạng, tình duyên cho khách theo thẻ xăm rút được.

Lăng Ông nổi tiếng với vụ này đến nỗi trong một bài hát của ban hợp ca AVT có đoạn rất tếu :

Năm mới đừng để vợ la
Đừng chơi cờ bạc đừng ra bót nằm
Chi bằng đi lễ Lăng Ông
Đầu Xuân năm mới xin xăm cầu tài
Mồng một đi lễ Lăng Ông
Cầu anh đắc lộc bằng trăm ngày thường


Các Thầy Bói Người Tầu

Tại một số khách sạn sang trọng ở Chợ Lớn xưa kia như Bát Đạt, Phượng Hoàng, Đồng Khánh, có một số các ông thầy người Trung Hoa nổi tiếng đặt trụ sở hành nghề và cũng thu hút khách người Việt thuộc giới ‘tư sản mại bản’ ! Họ có những cái tên nghe thật quyến rũ (về phương diện huyền bí) như : Sơn Đầu Bạch Vân Đại Sư, Đại Lục Tiên, Hà Thiết Ngôn Đại Sư…

Các vị bốc sư người Trung Hoa này thường tự xưng là bốc sư đại tài từ Hồng Kông sang và tự tạo cho mình một vẻ tiên phong đạo cốt đặc biệt. Tuy vậy, một khi họ đã đặt trụ sở hành nghề thì điều trước tiên để đến với….các tiên ông vẫn là tiền! Các thầy này không biết nói tiếng việt nên tất nhiên phải có thông dịch viên nếu không phải là người Tàu. Ngoài ra, còn có mấy vị nữa cũng mang những đại danh rất là kiếm hiệp như : Sơn Đầu Mã Ngọc Long, Mã Cơ Sanh !

Vào khoảng năm 1971, 1972 quý vị thầy này chỉ coi tay tài lộc trong hai năm cũng đòi năm ngàn, chọn ngày làm ăn buôn bán thì mười ngàn, lấy số tử vi thì ba chục ngàn. Họ xưng danh đại sư từ bên ‘đại quốc’ qua, và dù chỉ một lần, họ cũng hấp dẫn được khách hiếu kỳ hay hữu sự tìm đến họ. Họ sống một cuộc đời sung túc, vương giả, bay từ nước nọ qua nước kia, suốt đời ở khách sạn, ăn cao lương mỹ vị tại các đại tửu lầu.

Thật ra các vị thầy Tàu này đến Việt Nam hay các nước vùng Đông Nam Á thì có thể bịp được, chứ riêng dân Trung Hoa ở Chợ Lớn thì không tin. Họ cho rằng đó chỉ là những tên vô tài bất tướng, không có nghề nghiệp gì để sống bên chính quốc nên mới phải đi tha phương cầu thực như vậy.

Thầy bói của các nhân vật chính trị

Vào khoảng năm 65-67 tại Sàigon, hễ dở những tờ báo ở trang quảng cáo ra, ai cũng phải để ý đến những dòng bốc thơm các vị thầy bói. Nào là ‘giáo sư thần học’, ‘chiêm tinh gia’, ‘maitre’, ‘quỷ cốc đại sư’…Họ làm ăn phát đạt, có uy thế mạnh mẽ, được trọng vọng nể vì bởi chính các nhân vật hàng đầu của quốc gia.

Không ai không biết chuyện đầu năm Nhâm Tý, đại tá Trần Văn Lâm giám đốc Việt Tấn Xã đã long trọng mời ba ông thầy Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn lên đài truyền hình nói trước dân chúng về vận mạng quốc gia. Cũng không ai quên (nếu đã được biết) thầy Vũ Hùng ở đường Nguyễn Trãi Sàigòn đã treo tại phòng khách của thầy một bức tranh sơn mài tuyệt đẹp, có khắc hàng chữ :’Ông Nguyễn Bá Lương, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, kính tặng nhà tướng số Vũ Hùng’

Người ta cũng được nghe nhiều giai thoại về những cuộc tiếp đón các nhân vật lớn của chính quyền miền Nam của một ông thầy nổi tiếng ở Cao Nguyên. Ông thầy Chiêm còn trẻ và không mặc áo dài, đội khăn xếp như ai. Ông mặc Âu Phục đúng mốt nhưng kiểu trẻ và luôn luôn diện kính ‘mát’, trông rất ‘bô trai’ .Nếu không biết ông từ trước thì khó ai trông thấy ông đi bát phố (khu Hòa Bình) mà lại ngờ được đó là một ông thầy bói! ông tỏ ra là một người khôn ngoan lanh lợi. Tuy vậy, với tư cách thầy bói, ông đã xử sự như người đời xưa, như trong chuyện Tàu. Người ta đồn rằng chính ông đã được hân hạnh đón tiếp các nhân vật lừng danh : Cụ Phan, ông Nguyễn, ông Hà… và đã làm một cử chỉ rất điệu là là sụp xuống lạy và nói : ‘Ngài quả là có chân mạng đế vương !’ Người ta cũng ghi nhận rằng do lời tiên đoán và sự xuất khấu đầu đảnh lễ của ông thầy, trong một năm nào đó , tại miền Nam, đã có tới 11 vị có chân mạng đế vương ra tranh chức tổng thống! chừng đó, đủ chứng tỏ uy tín của ông thầy Chiêm lớn lao như thế nào.

Cũng không phải chỉ riêng ở nước ta, mà hình như ở đâu thì chính khách cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề bói toán. ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.’ Không tin hẳn, nhưng nếu cứ bói thử thì vẫn còn hơn là tự quyết định vận mệnh quốc gia. Có lẽ ở quốc gia nào, dù Tây phương hay Đông phương, thì mỗi chính khách đều có riêng một ông thầy, cũng như một ông bác sĩ tư, một bà bí thư riêng nữa vậy!

Với các chính khách, các thầy không những bấm độn, coi tướng, mà còn đưa ra những lời khuyên để thay đổi tướng mạo cho được ông thành danh toại hơn. Ví dụ, một vị tướng có một khuôn mặt quá ngắn và lưỡng quyền cao, thì được ông thầy cho hay như vậy phúc đức sẽ từ lưỡng quyền trôi tuốt luốt hết. Muốn cho công danh phát triển được lâu bền thì phải làm cho khuôn mặt dài ra, bằng cách để một chòm râu thòng xuống. Quả nhiên khi để râu dài như vậy, khuôn mặt tướng quân thon hơn, tướng mạo đổi khác nhiều lắm. Cũng có trường hợp một chính khách đầu đã bạc phải nhuộm, nhưng ông thầy cho biết nếu nhuộm tóc sẽ ảnh hưởng xấu đến cái tướng đang phát rất tốt đẹp. Vì vậy nhà chính khách đành buộc lòng để nguyên đầu tóc bạc phơ, trong lòng buồn vô hạn !

Những anh em, phần lớn là văn nghệ sĩ, nhà báo, hay ngồi ở quán Givral ngày xưa còn nhớ chuyện người ta kháo nhau rằng đáng lẽ cuộc đảo chánh hay ‘cách mạng’ năm 1963 phát động sớm hơn, nhưng vì các thầy đã bấm độn thấy là không được, nên đã phải dời qua ngày 1/11/63 đấy !

Cũng có vị chính khách được thầy bói khuyên là nên luôn luôn thắt cà vạt màu xám có sọc màu hồng, và ông đã âm thầm làm như vậy trong bao nhiêu năm trời. Những giai thoại trên chứng tỏ rằng ở một giai đoạn lịch sử đã qua, các vị thầy bói đã có ảnh hưởng thật lớn, nếu không nói là đã đóng những vai tro quan trọng trên chính trường.



cr.jpg
Last Edit: 3 years 2 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 3 months ago #63955

LAI RAI VÀI CHUYỆN LAI RAI


133682592_10217072082509048_582173394875831011_o.jpg


133132637_10217072081909033_6248793916981226960_o.jpg



[b]Dân Sài Gòn biết nhậu nhẹt từ khi nào? Rượu gạo có từ ngàn xưa theo người Việt đi khai phá dần về phương Nam mấy trăm năm trước vẫn song hành với dân nhậu Việt trên vùng đất mới. Đến thời Pháp thuộc, lại có rượu “Ty”(do nhà máy rượu của chính phủ thuộc địa sản xuất, rượu công ty nên gọi tắt là rượu Ty) nên phong trào nhậu không thể không phát triển.

Nơi nào có làm ăn, nơi đó có quán xá. Làm ăn càng thịnh vượng thì quán xá càng xôm tụ. Sài Gòn cũng vậy, đến nay không thay đổi.

Thập niên 1930, trong các món đưa cay, nem Thủ Đức đã vang tiếng là ngon. Thi sĩ Tản Đà từ miền Bắc vào được mời đi ăn nem Thủ Đức, tắm suối Xuân Trường.

Nem Thủ Đức ngon nên bị lạm dụng tên tuổi. Thủ Đức ở thập niên 1930 có nhiều quán bán nem mở ra. Một vài quán muốn hút khách phải dùng gái bán hoa để cạnh tranh. Đến nỗi ai đi “ăn nem Thủ Đức” dễ bị nghĩ là đi tìm hoa biết nói, báo xưa nói vậy. Những hàng bán nem lâu đời và làm ăn đàng hoàng bị ảnh hưởng. Do vậy, một ký giả nhật báo Sài Gòn thời ấy phải đính chánh trên báo số 324 ra ngày 11 tháng 4 năm 1933: “Trước kia chúng tôi cũng có các quan niệm như thế. Nhưng mới đây, nhơn đi “Cap” (Vũng Tàu) về khuya, đói bụng, chúng tôi ghé lại hàng nem Nam Hưng Ký tục kêu là quán nem Dì Tám dùng thử một lần cho biết. Khi đã dùng nem và xem cử chỉ của bà chủ cùng mấy người bồi, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên hết sức. Nem thật ngon mà giá tính phải chăng, bồi khuôn phép lại thật thà vui vẻ. Hỏi lại mới biết hàng nem lâu nhứt, danh tiếng nhứt và bao giờ cũng lấy sự thật thà, lương thiện làm gốc.Vậy tôi xin đính chánh lại rằng nem Thủ Đức cũng có chỗ thiệt ngon và làm ăn ngay thẳng, còn sở dĩ nem Thủ Đức mà mang tiếng không tốt là tại một vài nơi làm quấy để tiếng oan cho nem Thủ Đức mà thôi. Vậy bà con nên lựa chỗ mà dùng”.

Thời kỳ này dân nhậu đã có rất nhiều chọn lựa. Sài Gòn còn là nơi đất rộng người thưa, kiểu quán nhậu lộ thiên được ưa chuộng vì không thiếu chỗ. Ở Cầu Bông có tiệm nem nướng của ông Lê Hai được tiếng là ngon, có bán lave, ngồi ngoài trời hưởng thanh khí mát mẻ. Đã vậy còn có dàn đờn ca ngâm tài tử từ thời đó đã có. Chuỗi quán ăn Đức Thành Hưng của bà Lê Thị Ngọc cũng vậy, khi nghệ sĩ Út Trà Ôn từ miền Tây lên Sài Gòn chơi năm 1937 đã nghe ca hát ở đó. Bar Quận Công ở đầu đường Frère Louis (Nguyễn Trãi) có sáng kiến bán nem chiên và bánh hỏi làm tại lò Thủ Đức để đáp ứng nhu cầu của khách Sài Gòn ngại lên Thủ Đức xa xôi. Bar này còn bán nem chua, chả giò cuốn cua, khô bò, bánh phồng tôm, bánh đập, vân vân.

Còn món thịt chó, món nhậu trứ danh gốc Bắc có ở Sài Gòn từ khi nào?

Chắc chắn phải sau 1954, cùng với làn sóng di cư vào Nam của người miền Bắc, thịt chó mới thành món ăn phổ biến. Qua bài báo “Ăn thịt chó sẽ có tội” trên báo Sài Gòn 11 Tháng Mười 1939, chuyện ăn thịt chó được xem là một tội ở Nam kỳ. Bài báo kể rằng cô Triệu Thị Lựu ở Phú Nhuận, xóm Thầy Đội Có (nay là đường Cô Giang, quận Phú Nhuận) có làm mất con chó rất cưng kiếm hoài không ra. Vài ngày sau, tình cờ đi ngang nhà của tên Tài tức Chiểu, cô nghe có tiếng cãi lẩy om sòm. Họ đang cãi về chuyện thịt chó thịt heo rùm cả tai. Sinh nghi, cô đi vòng ngả sau, xem thử và quả quyết rằng đùi chó là của con chó cưng của cô nên cầm nó luôn, đến nhà làng thưa với thầy Hương quản. Có lẽ có người nói lại, Tài và mấy người khác bỏ nhà trốn mất. Đến khi bài báo đăng, thầy Hương quản đến nhà đón bắt Tài cũng không gặp. Bài báo kết luận: “Ăn thịt chó là một tội, lại là chó ăn cắp của người ta, thế anh Tài bị thêm một tội thứ nhì nữa”. Luật lệ thuộc địa Nam kỳ là của người Pháp, cấm ăn thịt chó.

Món thịt dê du nhập theo người Ấn vào xứ ta từ lâu. Khi nấu món này, dân Ấn chế ra gia vị cà ri cay. Ký giả Tô Ngọc trên Chọn Lọc số Tết kể rằng nhà hàng Mỹ Cảnh ở bờ sông Sài Gòn có món ngọc dương tiềm thuốc Bắc. Món ăn được để trong một chiếc liễn sứ, nóng rộp miệng. Bên trong có một ngọc dương nấu với mộc nhĩ, thoáng ngửi biết ngay chất nước ngâm hòn ngọc dương đó có vị Đỗ Trọng là vị thuốc bổ thận. Nhà hàng Ngân Đình, được gọi là “mõm tán phét” bên cạnh thì có dê bảy món, món xào, món nước, món khô... ăn khá lạ miệng. Còn ở Chợ Lớn, trong vài nhà hàng khác có món dê bát bửu, thịt dê đực nấu với tám vị thuốc khác nhau. Ông kể thời đó có một món ăn thật kinh dị là ăn ngọc dương dê... sống vắt chanh. Người ăn nghĩ đó là một món ăn rất bổ. Dân nhậu thích món này sẵn sàng đợi cả giờ để mua được hai trái để về đánh chén. Họ mang về đặt trên dĩa sứ, vắt chanh hoặc đổ dấm lên, dùng rượu đưa cay và ăn hết sạch, tin là đã ăn món đại bổ cho chuyện kia. Vài người thích uống huyết dê. Dê cắt ra bỏ huyết đầu, lấy huyết cho vào tô, bỏ rượu vào và quậy lên. Thứ tiết dê pha rượu đó hơi tanh nhưng người uổng cho biết uống vào thấy ngọt trong họng.

Theo Tô Ngọc, món dê hầm cà ri được ưa chuộng, dân nhậu cho là thịt dê đã nóng, cà ri cũng nóng nên “dẫn” nhanh hơn. Cà ri là thứ làm “thang”, giúp tác dụng của món chính mạnh mẽ hơn, như trong thuốc Bắc người ta thêm ba lát gừng vậy. Một cụ già sành chữ Nho bảo: “Thuốc Tàu thị phụ tử phi can khương bất nhiệt, còn món ăn thì dương nhục phi cà-ri bất khoái” nghĩa là vị thuốc phụ tử mà không có gừng gió làm thang thì không nóng, mà thịt dê không có cà ri tẩm vào thì hết thích. Ông cho biết người ta làm thịt dê đực nhiều hơn dê cái, lý do không phải thịt dê đực bổ hơn thịt dê cái mà là dê cái có sữa để bán, dê đực thì chỉ thích đánh nhau, và một dê đực đủ cho năm chục dê cái nên số dê đục dư ra để tiêu thụ, nhờ vậy số ngọc dương có nhiều. Trong các món cà ri dê, món cà ri dê bao tử được chiếu cố nhiều.

Quán nhậu nào có tuổi đời dài nhất ở đất Sài Gòn này? Có thể đó là quán Ngân Đình, ít ra là tới 70 tuổi. Trong một bài viết, nhà văn Bình Nguyên Lộc có nhắc đến cái quán nhậu tồn tại rất lâu ở trung tâm Sài Gòn này, ngay cột cờ Thủ Ngữ chỗ doi đất đưa ra ở bến Bạch Đằng bây giờ. Hồi cuối thế kỷ 19, nơi đó là một cái trạm gì đó không rõ, tên là trạm Gia Tân, có tiếng thời đó nên được nhắc trong cuốn “Kim Gia Định Phong cảnh vịnh” do cụ Trương Vĩnh Ký xuất bản năm 1882. Đến năm 1900, có một ông người Pháp thấy doi đất đẹp nên thuê rồi sắm ghế sắm quầy, bỏ vốn ra khá nhiều để rào quán lại bằng một hàng rào sắt và mở cái quán nhậu. Quán chỉ mở cửa vào mùa khô từ tháng mười một ta đến cuối tháng năm, vì là quán lộ thiên và chỉ bán rượu, không có thức ăn, không có tiếp viên. Cái hàng rào sắt ông ta làm với mục đích ngăn không cho khách say rượu… lọt xuống sông. Vì quán mở trên một mũi nên được đặt tên là “Quán mũi đất của bọn đấu láo” (Bar de la Pointe des blageurs) hay nôm na là “mõm tán phét”. Đến năm 1961 một người Hoa thuê lại quán ấy, để lập ra quán Ngân Đình. Đến năm 1967, lúc tác giả Bình Nguyên Lộc viết bài về quán này, nó vẫn tồn tại. Trong sáu tháng đầu, quán Ngân Đình giữ truyền thống cũ, nghĩa là lộ thiên và chỉ bán rượu thôi. Họ còn trải sạn trắng trên sân đất, thắp đèn mờ giấu trong vỏ sò. Nhưng rồi họ lợp nóc, tráng xi-măng cái sân đất, bỏ đèn mờ, bán thức ăn nên bọn đấu láo rút lui lần lần. Các món dê bảy món, món xào, món nước, món khô… nhắc ở trên, được cho là lạ miệng có lẽ là món ăn nấu theo kiểu người Hoa.

Ông Bình Nguyên Lộc kết luận về quán Ngân Đình: “Kể ra thì Sài Gòn còn được cái quán 70 tuổi đó cũng là một chuyện đáng nói tới”.

Thú uống rượu trong Chợ Lớn, giữa người Hoa với nhau hay giữa người Hoa với người Việt, hoặc khách từ xa tới, được thực hiện trong bữa ăn ở mức độ khai vị. Nhà báo Pháp Jean-michel de Kermadec trong cuốn sách “Aspect Chinois de Cholon et Saigon” (Góc cạnh Trung Hoa của Chợ Lớn và Sài Gòn) viết về thú thưởng thức này trong Chợ Lớn với cái nhìn tinh tế: “Từ rất lâu, người Hoa hiểu rõ nguyên tắc của y khoa hiện đại rằng không tốt khi vừa ăn vừa uống, và rằng nếu đã nhấm nháp suốt ngày một lượng lớn trà thì thức uống quốc hồn quốc túy này sẽ không xuất hiện trong bữa ăn nữa. Thức uống duy nhất xuất hiện trong các bữa yến tiệc là rượu Tàu, được hâm nóng và uống bằng tách nhỏ. Rượu này kích thích sự ngon miệng và trung hòa chút ít lượng mỡ lớn dường như là cần thiết để hỗ trợ sự thịnh soạn của bữa ăn. Tập tục duy nhất mau chóng trở nên không thể chịu đựng được đối với người Châu Âu là thói quen thách thức và khiêu khích uống, hoặc kan-pei (uống cạn một hơi), đó là chưa kể đến trò chơi đố ngón tay ầm ỹ trong đó các đối thủ cố đoán chữ số kết hợp bởi các ngón tay của hai đối thủ bất thình lình và đồng thời xòe bàn tay ra. Bên thua bị phạt không thương tiếc một ly rượu. Rượu Tàu, theo nguyên tắc, luôn luôn phải được uống nóng, và là thứ rượu được làm bằng ngũ cốc. Loại rượu nổi tiếng nhất được làm bằng hạt bo bo gọi là pai-kan, đôi khi được thêm phụ gia khác nhau tạo mùi thơm, giống như rượu hoa hồng mei-kouei-lou (dịch theo từ “sương-hoa-hồng”), là thứ rượu bo bo trong đó có cánh hoa tầm xuân dại hãm lại. Còn có một loại rượu gạo nữa, được gọi là rượu vang vàng, nồng độ yếu hơn nhiều so với loại trước vì nó được chế, không phải bằng cách cất nhưng bằng cách để lên men. Chẳng may loại rượu này khó xuất cảng vì nó không giữ được lâu, và bây giờ hầu như không còn hiện hữu nữa. Rượu Châu Âu, vốn gợi hương vị, là rượu sherry (rượu thuộc xứ Xérès rất được người Anh ưa chuộng) và khá giống với rượu saké của người Nhật. Cho dù là bất lịch sự khi không hồi đáp một lời khích bác thách uống, dẫu gì cũng hoàn toàn hợp pháp khi từ chối uống cạn một hơi (kanpei) và (từ chối) chỉ được dùng môi ngậm ly. Khi chủ nhà khư khư khoái điều mà bạn uống cạn ly mình, người ta vẫn luôn luôn yêu cầu một trong những người bạn hiện diện thế chỗ bạn hoặc thay thế bạn gỡ bỏ lời thách thức.

Các loại rượu này rất hài hòa trong bữa ăn Tàu, vốn hơi nhiều mỡ, cần thiết cho việc “làm vài ly” trong bữa ăn. Thiếu các loại rượu vốn khó tìm này, ngày nay người Hoa có thói quen lớn là dùng cognac hoặc whisky không pha. Tuy nhiên vừa ăn vừa uống, whisky hoặc cognac soda, chắc chắn là một sai lầm ẩm thực quái đản dưới mắt họ”.

Dân miền Nam nói chung không quá vất vả cho việc kiếm miếng ăn, nên chuyện nhậu nhẹt phổ biến, có người lai rai chút ít cho vui đời, dễ kết thân bạn bè và trong số đó hình thành những bợm nhậu. Số đông thích ra quán khỏi phải phiền vợ con phục vụ hay rầy rà, nhiều gia đình lại thích ăn uống ở nhà vừa rẻ vừa sạch, nhất là dịp tết lễ thì tụ tập nhậu ở nhà. Ngày Chủ nhật, ngày Tết chỉ cần rảo một vòng Sài Gòn - Chợ Lớn là có đủ các món nhậu như lạp xưởng, vịt quay hiệu Xảo Ích hay lạp xưởng Nam Vang, khô nai Biên Hòa, vịt lạp chợ La Kai, khô cá thiều Phú Quốc, bánh phồng tôm Sa Giang... Rượu thì ngoài rượu Tây như rượu vang hiệu Bordeaux, cô nhắc như Martel hay Bisquit Dubouché hiệu Ông Già, còn có Ngũ Gia Bì, Mai Quế Lộ của Tàu… hoặc vô hãng Quảng An Thành số 30 đường Paul Beau (nay là đường Trần Bình), Chợ Lớn mua rượu Hổ Cốt Cọp Đen, rượu Huyết Bò, rượu Bìm Bịp, rượu Hồ Huê Lộ, vân vân. Tuy vậy, ngồi quán xá ăn nhậu luôn vui hơn, hấp dẫn hơn và cũng dễ… sinh chuyện hơn. Câu thơ phổ biến của ai không rõ: “Một ly nhâm nhi tình bạn/ Hai ly uống cạn lòng sâu/ Ba ly mũi chảy tới râu/ Bốn ly ngồi đâu gục đó/ Năm ly cho chó ăn chè/ Sáu ly vợ đè cạo gió” rất Nam bộ căn cứ ngôn ngữ, tuy hài hước nhưng nội dung khuyến cáo rất rõ về các mức độ nhậu nhẹt và hậu quả của nó. Dù vậy, nhậu còn là thú vui, nên vẫn được duy trì từ ngàn xưa, miễn là nhậu ít nghĩ nhiều, và biết lo xa nhiều hơn nữa khi đối diện với men cay.
[/b]

PHẠM CÔNG LUẬN

133567604_10217072081789030_7359023616922076877_o1.jpg
Last Edit: 3 years 3 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 3 months ago #63948

Hoài niệm taxi “con cóc” những năm 60 – 70 tại Sài Gòn


j.jpg


k.jpg


iu.jpg


Taxi bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn – Chợ Lớn khoảng cuối những năm 40 và thịnh hành những năm 50 của thế kỷ 20, khi ấy người dân Sài Gòn vẫn quen miệng gọi là xe “cóc” hoặc “con bọ”.

Cụ Trần Mẫn (79 tuổi) một dân gốc Sài Gòn “chính hiệu” cho biết: “Đến giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của chiếc taxi cóc có màu xanh dương và màu vàng kem. Những năm 1960 – 1970 đường phố Sài Gòn tràn ngập loại xe này, ngày đó chỉ có những người giàu có mới sử dụng phương tiện này, vì giá cũng khá đắt đỏ. Sau giải phóng, những chiếc taxi này hầu như bị “tuyệt chủng” không còn xuất hiện trên đường nữa”.

Những chiếc taxi lúc đó khá nhỏ và có kiểu dáng như con cóc. Chú Hòa (65 tuổi, ở quận 1), một tài xế taxi năm 1970 chia sẻ: “Tôi lái taxi lúc đó 21 tuổi, cũng vào những năm tháng huy hoàng cuối cùng của những chiếc xe taxi con cóc. Lúc đó, bến Bạch Đằng là điểm đậu rất nhiều taxi, thời đó taxi không được trang bị bộ đàm, không có tổng đài như bây giờ, nên phải chạy lòng vòng để đón khách.

“Hằng đêm, chúng tôi hay đậu xe gần các rạp hát cải lương để đón khách. Những chiếc taxi thời kỳ này đa phần là của tư nhân nhập từ Pháp về Việt Nam, sau đó được đăng ký và cấp phát số hiệu. Số hiệu được in lớn hai bên cửa, khách muốn đi taxi phải ra đường chờ xe chạy ngang qua rồi vẫy tay để gọi, hoặc ra tận những nơi đậu xe. Đi taxi thời bấy giờ chỉ tính tiền km, không tính tiền chờ như hiện nay”, chú Hòa kể.

Taxi “con cóc” thời đó đặc trưng nhất là những chiếc xe mang tên Renault 4CV, do Pháp sản xuất đại trà từ năm 1947. Đây là chiếc Renault 4CV mang số hiệu Taxi – 1541, một trong số ít những chiếc taxi còn sót lại tại Sài Gòn và đang được phục chế sau hơn 30 năm “mất tích”.

Theo một thợ chuyên phục chế lại xe cũ, sau một thời gian bị lãng quên, hiện nay một số chiếc taxi xưa đang được phục hồi nguyên trạng, để phục vụ du lịch và dành cho những người muốn tìm lại chút hoài niệm về Sài Gòn xưa.

Anh Dũng, một nhà sưu tầm đồ cổ đã tìm và phục dựng thành công chiếc taxi Renault 4CV này. Anh cho biết sẽ đưa chiếc xe đến những địa điểm mà nó đã từng đậu và đón khách.

Cũng theo anh Dũng, chiếc taxi xưa hiện anh đang sở hữu được người bán lại cho biết, nó được cấp lại biển số sau 30/4 75.

Đồng hồ tính tiền, đây là một loại đồng hồ cơ học cũng sản xuất từ Pháp, được trang bị trên taxi thời đó hiện vẫn còn nguyên vẹn trên chiếc xe đang được phục chế.

Một nét văn minh Sài Gòn xưa, hầu hết các xe taxi thời đó đều viết khẩu hiệu tuyên truyền “Không bỏ rác xuống đường” để giữ đường phố sạch đẹp.

Thời đó, chủ nhân của xe được khắc tên, địa chỉ lên một tấm bảng gắn trên xe. Chiếc xe này thuộc về người chủ tên Lê Thị Mười, đường Lê Văn Duyệt, nay là đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1.

Tại Sài Gòn hiện nay đang có một số chiếc taxi cóc được phục chế nguyên trạng và phục vụ cho thuê chụp hình, du lịch tại nội thành TP.HCM. Giá thuê những chiếc xế này còn đắt hơn cả giá thuê xế mới hiện đại, khoảng 2-3 triệu cho 3 giờ chụp hình



o.jpg


p.jpg


l.jpg
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 3 months ago #63944

Hoài niệm xe đò.


Z.jpg


N.jpg


M.jpg



Xe không chạy trên sông sao gọi xe đò? Có lần tôi hỏi nhà văn Sơn Nam khi gặp ông ở quán cà phê vỉa hè trước Nhà Văn hóa quận Gò Vấp cách nay hai mươi năm. Trong chiếc áo sơ mi cụt tay, khuôn mặt ốm nhăn nheo màu bánh ít, mắt đăm chiêu sau cặp kiếng dày, ông thủng thỉnh trả lời theo kiến giải của mình. Đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện.

*
Nghe vậy thôi, sau này tôi tìm hiểu thêm chút ít, biết rằng người Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam. Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện. Và rồi câu chuyện sôi nổi hơn khi nhà văn nhắc tới kỷ niệm thời học sinh trung học từng đi xe đò từ Rạch Giá về Cần Thơ mà ông có nhắc lại trong tập “Hồi ký Sơn Nam”:
“…Tiền xe từ Rạch Giá đến Cần Thơ là một đồng hai (120km) nhưng nhỏ tuổi như tôi chỉ tốn có 6 cắc. Tôi lên xe ngồi để người phụ xế sắp đặt chỗ ngồi cho gọn, khép nép, chung quanh xe là nhiều người rao hàng để hành khách ăn buổi sáng vì buổi trưa mới đến bến Cần Thơ. Tôi còn nhỏ, ba tôi cho riêng tôi 2 cắc, rất tủi thân vì trong khi ấy gia đình khá giả dám trả 1 đồng hai (hai chỗ dành cho trẻ con rộng rãi hơn) lại dành cho con một cái bánh bao to để ăn dọc đường. Xe khách bóp kèn inh ỏi, chạy vòng quanh để tìm kiếm khách…”.

*
Nhưng điều thú vị nhất là ông kể hồi thời kỳ đầu xe đò do người Pháp làm chủ toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người. Nhưng chỉ một thập niên sau, người Việt mình giàu có tham gia mở công ty lập hãng, nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh ác liệt trong giai đoạn đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ. Giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, tạo thành thời vàng son của xe đò. Chiến tranh Ðông Dương nổ ra, Nhật vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên liệu cho xe hoạt động. Sơn Nam kể: “Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn”.

*
Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến 1985, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên đều biết rõ. Tôi từng đi loại xe sử dụng nhiên liệu này, mỗi lần chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy nóng được treo dính ở đuôi xe. Thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ – tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50. Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than. Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Vô phúc cho chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe. Xe đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn – Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An, còn xe đò dài vẫn chạy bằng xăng dầu, nhưng không còn nhiều như trước. Trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa, xe gắn máy, xe đạp cho khách buôn chuyến và khách đi tỉnh xa.

*
Tôi còn nhớ mãi lần đầu được đi xe lô về quê bên ngoại ở Càn Long, Trà Vinh. Năm đó tôi chín tuổi, đi cùng với người anh bà con. Xe lô có bãi xe ở Bến Bạch Ðằng và Bến Chương Dương. Bãi xe lô hay nhiều bãi bến xe đò khác khắp nơi trong thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đều nằm hai dãy dọc theo đường phố. Phòng vé là một cái quầy hay cái bàn gắn tấm biển to đề tên từng hãng xe, chạy lộ trình nào. Riêng xe lô không cần bán vé, khách đến bãi xe còn chỗ trống cứ lên, đủ người thì bác tài chạy. Loại xe này gọi đúng tên là “Location”, sơn màu đen, kiểu xe ô tô chở chừng bảy tám người nhưng bác tài cố nhét thêm hành khách. Xe lô chạy nhanh hơn xe đò vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ. Ðể gió lùa vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người ngồi phía sau ngó ra phố phường. Xe chạy ra khỏi Phú Lâm, nhìn cảnh đồng lúa xanh tươi hai bên đường, lòng cảm thấy phơi phới mặc dầu lâu lâu tôi phải nhấc mông trở cẳng vì bị ngồi bó gối.

*
Nói là đi xe lô thì hành khách không cần xuống bộ qua cầu tạm, chứ lần đó tôi vẫn phải xuống cuốc bộ như bao chuyến xe đò khác. Tôi mới ca cẩm, xe lô cái nỗi gì, có mà “lô ca chân” theo lời hát của một tuồng cải lương trên truyền hình. Sau năm 1968, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cầu đường nhiều nơi bị “mấy ổng” gài mìn phá hủy, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát. Ðường về Trà Vinh chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận. Ði xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ, huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường. Chỉ có xe thư tức là xe đò làm nhiệm vụ giao nhận thư từ bưu phẩm chuyển cho bưu điện tỉnh mới được ưu tiên, không phải lụy phà hay bị cảnh sát xét hỏi. Bây giờ xe đò tiến bộ hơn nhiều, xe có máy lạnh, ghế nằm thoải mái cho khách đường xa, duy chỉ không có phòng vệ sinh trong xe, lại còn tặng thêm nước uống, khăn ướt lau mặt. Xe chạy nhanh nhờ có cầu qua hai con sông Tiền và sông Hậu, tôi ngồi xe Mai Linh chạy một lèo về tới chợ Cà Mau chỉ mất sáu tiếng đồng hồ. Nếu không kể đến loại xe dù bắt khách dọc đường, thì xe đò là phương tiện đi đường xa tương đối rẻ tiền.

*
Trước năm 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân. Còn bến Miền Ðông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên đường Petrus Ký trước kia thì gộp lại với hai bến xe nhỏ là Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết, rồi sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến xe miền Ðông trên đường Ðinh Bộ Lĩnh hiện nay. Nhưng nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và Suối Tiên Q. 9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng tăng. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe An Sương, bến này đúng ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Ðăng, Bù Ðốp vùng Tây Trường Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe miền Ðông và miền Tây nhỏ hẹp.

*
Ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ./.

--Trang Nguyên


V.jpg


X.jpg
Last Edit: 3 years 3 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 4 months ago #63942

Đọc nhớ thời CV Phú Nhuận. Bốn chú lớp TÔ MA đi với 2 " thày" đệ Nhất sáng thứ năm hàng tuần được ra ngoài ( xuất du ) đều lội qua con đường sình lầy ướt át khu chợ này. Thời gian qua mâu thấm thoát đã 54 năm.


127774328_10216906269283821_4157200405158420727_o.jpg


127235488_10216906270083841_209104268656364914_o.jpg



KÝ ỨC CHỢ GA PHÚ NHUẬN

Có lúc tôi tự hỏi vì sao chợ Ga ở Phú Nhuận lại có thể tồn tại lâu như vậy? Nó không là ngôi chợ có truyền thống như chợ Phú Nhuận (xưa là chợ Xã Tài), chợ Gò Vấp, hay chợ Tân Định. Cho đến giờ, nó vẫn là cái chợ ọp ẹp, xập xệ che chắn bằng những mái tôn cũ ngay góc đường. Cách mấy chục mét là đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ to đẹp, ngôi chợ vẫn cứ quê mùa, lao xao y hệt như ngày xưa. Ngày mà má tôi bắt đầu ra bán hàng ở giữa thập niên 1950.

Những người trên bảy mươi tuổi gọi chợ này là chợ Di Cư vì được lập nên năm 1954, nằm lọt thỏm trong một cộng đồng người miền Bắc vào Nam thời gian đó. Chợ rất gần cổng xe lửa số 9 cắt ngang đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Ngồi bán trong chợ vẫn có thể nghe tiếng còi xe lửa hú. Nơi đó, là thiên đường của tuổi nhỏ với chén chè khoai hay dĩa bánh cuốn má cho ăn, cũng là nỗi ngán ngẩm của tuổi mới lớn khi phải lui tới giúp mẹ dọn hàng sau giờ học.

Sạp của má tôi sang được chỉ ít năm sau khi chợ lập nên, lúc đầu ngó ra con đường Trương Tấn Bửu nối dài (nay là Đỗ Tấn Phong) dẫn tới đoạn đường rầy xe lửa cắt xéo qua. Đường này đi ngang qua mấy tiệm đúc tượng Chúa và Đức Mẹ của người Bắc. Chục năm sau, các sạp phải quay vào phía trong chợ. Đến giữa những năm 1980, Ban quản lý sợ hoả hoạn nên cho giở hết các sạp hàng đóng kín, người bán phải bày hàng trên cái sạp trống chung quanh, ngó mặt ra đường.

Chợ có hầm trữ chuối của người bán buôn đưa chuối từ miền Đông về bỏ sĩ. Tháng 4 năm 1975, có mấy người sợ pháo kích nên chui vô hầm. Một trái pháo rớt ngay trên đó, chết cả đám. Sau này, cô bán bánh cuốn nhân thịt đặt bàn và lò bếp tráng bánh lên trên nắp hầm xi măng. Khách ăn dĩa bánh cuốn thơm ngon không ai biết dưới ghế ngồi của mình đã xảy ra một cảnh tượng kinh hoàng.

Giống như tất cả các chợ, mùi phổ biến nhất ở đây là mùi mắm cá, dưa chua ngâm, thịt heo hay thịt bò sống. Cuối chợ, hàng tôm cá luôn có thứ mùi đặc trưng, sàn luôn ẩm ướt vì nước rửa. Người bán đa dạng, có người hiền, có người đanh đá. Má tôi khéo léo giao thiệp với tất cả mọi người, biết sợ mồm miệng của các bà, nhất là khi họ ế ẩm.

Có điều lạ, hầu như các bà bán thịt ở chợ này đều hiền lành, toàn người Bắc di cư. Bác Đối bán thịt bò, răng nhuộm đen, cười suốt ngày. Bác có con gái gả về tận Tây Ninh. Khi lính Pôn Pốt tràn qua biên giới, cô bé cháu ngoại của bác bị chúng bẻ gãy tay đến ngất xỉu, nhờ thế mà thoát chết, được đưa kịp vào nhà thương cứu chữa. Đến khi lành lặn về chợ thăm bà ngoại, cái tay nó đã lên sẹo, cong quẹo. Khi má tôi đóng cửa sạp, cô bé luôn giúp bà, chuyền từng mảnh ván cửa. Còn cô Điện bán thịt heo, có hàm răng phô nướu đỏ au rất dễ nhận ra, luôn càu nhàu đủ mọi chuyện nhưng không hề to tiếng với ai. Cô bán thịt lành nghề, tay dao chặt thịt côm cốp miếng nào ra miếng đó. Mấy chục năm sau, khi đi ngang chợ, tôi vẫn thấy cô bươn bả ngoài chợ, tóc bạc phơ, vẫn vóc dáng nhỏ thó nhưng chắc lẳn, lanh lợi.
Ngày Noel, chợ rất nhộn nhịp vì đa số người bán và người mua là dân có đạo. Ra chợ những ngày này vui lắm. Dọc dãy phố gần chợ, nhà nào cũng trang trí cây thông với đèn chớp tắt và quả cầu. Có một ngôi nhà sơn tường màu hồng tro, cây thông trang trí quá đẹp khiến tôi mê mẩn nhưng không dám nhìn thẳng vào, giả bộ đi ngang qua lại để ngó. Nhiều nhà có máy dĩa hay dàn AKAI xài băng magnetic, phát nhạc Giáng sinh nghe đầy náo nức. Chị Tư tôi khi ấy đang học trường Luật, tìm cách kiếm tiền mua cho được cái xe đạp mi ni và cái máy cassette nhỏ nghe nhạc Giáng Sinh. Lúc đó có phong trào làm mành sáo bằng ống hút nước ngọt. Từ Chợ Lớn, người Tàu nhập máy móc từ Hồng Kông sản xuất ống nhựa nhiều màu sắc có sọc dọc theo thân ống. Có người mua loại ống này về, thuê phụ nữ con nít rảnh rỗi cắt ra đan kết từng sợi dài xuống làm mành ngăn phòng. Ống hút đan hình trái tim, con cá, con ngựa… Nhà bình dân chuộng kiểu mành sáo ống hút này vì màu mè, lại rẻ tiền, tuy dùng một thời gian thì xuống màu, bám bụi. Có khi chị cùng chị Sáu làm hoa vải, thú nhồi bông. Hoa hay lá cắt bằng vải, dán trên khung xương bằng kẽm bọc giấy mỏng. Làm được, chị mang ra sạp má gửi bán. Noel thì làm hoa Trạng nguyên đỏ chói. Làm một thời gian, chị mua được một chiếc xe đạp mi ni của Nhật, loại xe bây giờ không thấy nữa. Còn máy cassette, chưa kịp mua thì đến sự kiện 1975.

Đến ngày Tết, con cái trong nhà đều thích ra phụ má dọn hàng. Chợ nghèo nhưng bán đủ thứ, phục vụ cho ngày Tết gia đình. Bình bông nhỏ chưng hoa vạn thọ, bông cúc cành. Bếp dầu hôi, bếp than làm mứt. Đến đầu thập niên 1980, một số gia đình bị lùa đi khu Kinh tế mới chịu khổ không nổi chạy về thành phố, sống lê la ngoài chợ. Má tôi lo số hàng để lại ngoài sạp nên mang về nhà gần hết. Mỗi ngày con cái ra chở về hai ba lượt, gần chục cái giỏ. Những người tạm cư, buổi sáng toả ra đi kiếm sống, đàn ông mướn xích lô đạp chở khách, con nít đi xin ăn, phụ nữ đi làm mướn lặt vặt, trưa tụ về nấu cơm ăn trên các sạp dọn sớm. Ngày Tết họ nấu một nồi thịt kho nước dừa to. Giáp Tết, trong khi chờ má dọn hàng, tôi ngồi quan sát họ. Rảnh họ đánh bài, vợ chồng chửi nhau, mấy đứa nhỏ toàn không bận quần. Mấy ông nhậu “bia lên cơn”, một thứ nước pha cồn và hương liệu, có gaz. Một cái bình sứt chưng cành mai nhỏ xíu nép trong góc sạp.

Bạn hàng quý má vì có đàn con mà họ coi là hiếu thảo. Mấy anh em, từ ông anh lớn là Hiệu trưởng một trường cấp hai, đến mấy đứa em đã ra trường trưa nào cũng thay nhau ra dọn hàng. Anh nào chưa vợ, các bà nửa đùa nửa thật đòi làm mai mối. Má chỉ bán tới buổi trưa. Sạp đóng lại bằng những ván gỗ có rãnh hai mép âm và dương, lắp ghép với nhau xong rồi xỏ một cây sắt xuyên ngang theo những khoen sắt gắn ở mỗi miếng ván, đầu thanh sắt có lỗ xỏ một ổ khoá to tướng. Sáng, các miếng ván được giở ra, nhét vào khoảng hở dưới sạp. Khi lôi ván ra thế nào cũng kéo theo nhện và gián dưới hầm. Mùa mưa, ván nở, khó gài vào nhau. Mùa khô, ván co lại, bị hở, trộm thò cây vào móc đồ. Từ đó, hàng họ mang về nhà hết.

Khoảng thập niên 80, xe đạp chế bằng ống nước yếu xìu. Mấy anh em tôi chở má về bị gãy sườn xe hoài vì ngày nào cũng có ít nhất là bốn cái giỏ nặng treo ghi đông, một cái to má ôm trên tay. Mấy lần mẹ và con ngã chổng kềnh giữa đường nhựa. Không ai dám mơ một cái cửa sắt cho sạp hàng vì tốn kém.

Sát vách, có cô Bảy bán mặt hàng y hệt sạp của má tôi: kim chỉ, giây thun quần, vải, nữ trang xi mạ, xà bông thơm. Hàng hoá giống nhau nhưng bên đó luôn đầy ắp hàng, vải chất cả chục cây sau lưng vì cô mạnh vốn. Khách thích vào mua bên đó là điều dễ hiểu. Má chỉ có thể giữ khách quen bằng giá cả rẻ vì ăn lời ít, với gương mặt phúc hậu, mái tóc trắng như cước và nụ cười đầm ấm. Khách lạ vẫn thích mua hàng cô Bảy. Má không mấy khi than với đám con, nhưng mấy chị của tôi biết má buồn vì thua thiệt.

Chợ Ga Phú Nhuận bình thường như bất cứ ngôi chợ nào khác trên đất Gia Định. Má tôi nghỉ bán khi quá sáu mươi, nghỉ ngơi với con cháu được hơn hai mươi năm rồi mất. Chợ chỉ cách nhà vài trăm mét, vậy mà bao lần, tôi có ước muốn nhỏ là đi bộ vào phía trong chợ, muốn ngó lại khoảng không gian nhỏ trước sạp của má khi xưa, lúc tôi còn là đứa học trò mỗi ngày chở má ra dọn hàng, mở đóng sạp. Chỉ vậy thôi mà chưa bao giờ làm được điều đó. Chạy xe qua chợ, tôi đi thẳng, không ngoái lại nhìn. Cái chợ Ga nhỏ giờ như một căn phòng cấm trong tim tôi chưa hề dám mở, từ khi má không còn…

Phạm Công Luận
Last Edit: 3 years 3 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 31

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 4 months ago #63930

chương trình ĐẠI NHAC HỘI .....

Nhắc chuyện đời xưa ......
Ngày trước cải lương thì hàng ngày đều hát xuất chính vào lúc 19g30 . Riêng ngày Chủ Nhật , Ngày Lễ có khi ngày thứ Bảy có hát thêm xuất 15g30 chiều . Tức là ngày hát 2 xuất . Riêng mấy ngày tết cổ truyền thì tại các rạp Thủ Đô , Quốc Thanh ,Hưng Đạo có khi hát một ngày 3 xuất tức là xuất 8h30 sáng . Thông thường từ ngày mồng 1 đến mồng 7 . Theo thông lệ thời đó hát tết .

- Thanh Minh Thanh Nga hát Hưng Đạo .
- Dạ Lý Hương thì Quốc Thanh .
- Kim Chưởng hoặc Hương Mùa Thu thì hát ở Thủ Đô . Riêng cty Kim Chung thì đoàn 1 hát Olympic . Đó là các rạp lớn thời đó .

Chen lẫn vào đó là các chương trình Đại Nhạc Hội hát vào lúc rạp trống thông thường là xuất sáng Thứ Bảy (ít) Chủ Nhật , Lễ ( thường xuyên) hơn . Tại một trong hai rạp là Quốc Thanh hay Hưng Đạo có khi chơi thêm rạp Thủ Đô .

Ông bầu đại nhạc hội nổi tiếng lúc bấy giờ là ông bầu Duy Ngọc . Người thứ hai là quái kiệt Tùng Lâm . Đại nhạc hội thời đó thường qui tụ những nghệ sĩ , ca sĩ nổi danh nhiều bộ môn như :

Cải lương thì Thành Được , Thanh Nga , Tấn Tài , Hữu Phước , Hương Lan , Lệ Thuỷ , Mỹ Châu , Phượng Liên . Văn Hường , Hề Sa .

Tân nhạc thì : Chế Linh , Thanh Tuyền , Thanh Thuý , Duy Khánh , Nhật Trường , Elis Phương , Trung Chỉnh , Giao Linh thuộc dòng nhạc bolero . Kích động thì có : Hùng Cường , Mai Lệ Huyền , Tuý Phượng , cặp ca sĩ nhí bắt chước HC-MLH là Chí Hùng ,Ngọc Hoa .

Thổi kèn Harmonica thì có Tòng Sơn vừa thổi kèn vừa uống lade hay ăn chuối , hoặc nhạc sĩ saxophone Huỳnh Hoa . Dạo đó đờn Hạ Uy Di mới có thì Thanh Kim đờn biểu diễn 6 câu vọng cổ .

Nếu Tùng Lâm tổ chức thì có một số đệ tử của ổng như Trang Thanh Lan , Trang Kim Yến , Trang Mỹ Dung hoặc Giang Tử . Trong đó cũng có khi chèn thêm một số nghệ sĩ , ca sĩ trẻ như Minh Phụng , Minh Vương , Thanh Kim Huệ , Nguyễn Chánh Tín , Quốc Dũng , Thanh Mai .v.v...

Vui nhộn thì qui tụ các quái kiệt , vua hề như : Thanh Việt , Tùng Lâm , Khả Năng , Phi Thoàn , Thanh Hoài , Hoàng Mai , Xuân Phát và Văn Chung . Sau nầy thêm kép đẹp La Thoại Tân và nữ trạng hề Bé Hoàng Vân của đoàn Dạ Lý Hương .

Cái đinh hấp dẫn nhất trong mỗi chương trình đại nhạc hội là màn vũ sexy . Thời đó mấy ông bầu quảng cáo là cặp Thần vệ nữ XUÂN TRANG THU THUỶ . Nghe nói mẹ của ca sĩ Nguyễn Hưng cũng là một vx công nổi tiếng không biết là phải vậy không ? Màn vũ sexy là sôi động nhất và cũng là phần cuối của mỗi chương trình đại nhạc hội . Không có nó là khó mà bán được nhiều vé .

Sau 75 các chương trình Đại nhạc hội đổi cách xưng hô là chương trình ca nhạc tạp kỷ . Và màn vũ sexy ngày trước được biến tướng thành màn múa lửa cũng mặc đồ hai mãnh mà hơi nguy hiểm cho nữ vũ công mà thôi . (Sưu Tầm)


a_2020-12-08.jpg
Last Edit: 3 years 4 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 5 months ago #63926


Nhạc tờ trong ký ức



a.jpg



Nếu bạn đã kịp lớn để biết và yêu nhạc Việt Nam do các nhạc sĩ Sài Gòn (Và cả miền Nam) sáng tác hồi trước 1975, bạn chắc còn nhớ, ngày đó có nhiều nhà xuất bản thường chuyên in nhạc tờ, mà nổi bật trong đó là An Phú và Tinh Hoa (Về sau gọi là Tinh Hoa Miền Nam). Nhạc tiền chiến cũng không thiếu chỗ.

... Những bản nhạc tờ dễ thương này thường in trên giấy dày - Hình như là Bristol thì phải? Lúc đó tới thập niên 1970, kỹ thuật in offset đã bắt đầu song hành với kỹ thuật in typo - cho mỗi bản nhạc chỉ có 4 trang, khổ ngang ngửa A4 hay gia giảm một chút, phổ biến là kích thước 22x30cm. Phân biệt in offset và typo khá dễ, vì chỉ cần nhìn bìa. Bìa nào ít màu, thậm chí chỉ là một màu cho in trên một nền nào đó khác màu đen, bất kể màu ấy có sắc độ đậm nhạt thế nào tùy theo bản ảnh gốc, là typo.

Bản nhạc với năm dòng kẻ và lời hát nằm trọn vẹn ở các trang 2 và 3, còn trang 1 là bìa (Thường do họa sĩ sáng tác trong suốt 20 năm 1950 - 1960) và trang 4 là bìa cuối, để giới thiệu các bản nhạc khác sắp phát hành.
Nếu bài hát nào dài quá, người ta sẽ tận dụng bìa 4 để in hết tác phẩm - Ví dụ, bài Tình Hoài Hương của Phạm Duy. Lúc đó, có lẽ gần như mọi nhạc sĩ sáng tác từ nổi danh nhất cho đến người khẳng định được vị thế của mình trong làng ca nhạc miền Nam, đều có tác phẩm in trên nhạc tờ. Ngày xưa, nhà tôi có cả một collection nhạc tờ tới mấy trăm bài đóng tập, vì mẹ tôi là người rất yêu âm nhạc. Bà hát nho nhỏ suốt ngày, dù phải kiếm sống vất vả để nuôi gia đình. Bà thuộc làu rất nhiều bài tiền chiến, mãi từ các nhạc sĩ Hà Nội, may thay theo thời cuộc chúng cũng vào Nam theo, để in trên nhạc tờ.

Nhạc tờ đã có từ lâu lắm, tôi nhớ, xa xôi cỡ Bến Xuân của Văn Cao và Phạm Duy, với lời mới do Phạm Duy viết lại, trên nền bài nhạc gốc của Văn Cao là Đàn Chim Việt, cũng đã đi vào nhạc tờ miền Nam. Bài gốc của Văn Cao: "Về đây nghe gió mùa thơm ngát, ôi lũ chim giang hồ, bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô...". Bài Phạm Duy viết lại lời cho Bến Xuân: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim cùng họp đàn trên khắp bến Xuân…”. Những vị nào sành nhạc cũ chắc chắn biết câu chuyện này, Đàn chim Việt ở lại ngoài Bắc sau 1954, khi nó vào miền Nam, nhờ Phạm Duy, nó đã thành Bến Xuân. Hai tâm tình, hai nỗi niềm, hai ý tứ mà cả hai đều cùng đi vào lòng người. Họa sĩ nào vẽ bìa bài Bến Xuân, lâu quá tôi không nhớ có phải là ông Lê Minh (Hay Lê Trung) hay không, nhưng tôi nhớ cái nền màu xanh hy vọng của nó, một đàn chim trắng đang rũ cánh phơi phới trong ánh nắng Xuân bên một ghềnh đá nhiều sóng va đập vào, thật gợi cảm.

Nhiều. Nếu kể ra đây thì Đan Thọ, với bài Tình Quê Hương phổ thơ Phan Lạc Tuyên, và cả bài Chiều Tím trứ danh của ông, cũng có mặt: “Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa, nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ…” và “Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài, sầu lên phím đàn, tình vương không gian, mây bay quan san. Có hay?”. Có cả Đoàn Chuẩn và Từ Linh, không thiếu một bài nào, từ Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Gửi Người Em Gái, Lá Thư và tất cả những bài viết về mùa Thu khác. Ngay cả Ngọc Bích, Trăng Mờ Bên Suối, Việt Lang, Đoàn Quân Đi, Hùng Lân, Hè Về, Lê Thương với bộ ba Hòn Vọng Phu mà phần 2 là Ai Xuôi Vạn Lý và phần 3 là Người Chinh Phu về, đều có mặt. Tất nhiên, 5 tác phẩm để đời của Văn Cao, là Trương Chi, Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Suối Mơ và Cung Đàn Xưa, cũng đi vào nhạc tờ. Chỉ duy nhất có đề tài Người thiếu phụ Nam Xương, mà nếu không để ý lắm, chúng ta nhờ nhạc tờ Sài Gòn cũng có thể biết là bao nhiêu nhạc sĩ tài danh hàng đầu đều có tác phẩm từ đó. Lê Thương đã đành, mà Văn Cao thì với Buồn Tàn Thu còn có cái tên là Chinh Phụ Khúc: “Ai lướt đi ngoài sương gió, không dừng chân đến em bẽ bàng…” để cứ mỗi khi nghe Thái Thanh cất lên chữ “lướt”, lại nghe đến độc đáo rợn người. Và đến Phạm Duy thì có Chinh Phụ Ca: “Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y, mà hồn nương bóng quốc kỳ. Nàng dừng con thoi, có khi nhớ chàng, có muốn gì đâu, lệ thắm tơ vàng…”. Còn những phiên bản nào khác nữa, chẳng nhớ hết!

Rồi Hoàng Trọng, Dừng Bước Giang Hồ, Văn Phụng, Bức Họa Đồng Quê hay Trăng Sáng Vườn Chè, lại Lê Thương, Thằng Cuội, La Hối, Xuân Và Tuổi Trẻ, Chung Quân, Làng Tôi – “… có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vòng quanh, êm xuôi về Nam”. Kể cả Nguyễn Thiện Tơ, Giáo Đường Im Bóng một khi nhạc sĩ vẫn còn ở lại nơi xa đó rồi nhất là Hoàng Giác, Ngày Về từng gây bao rắc rối cho chính ông và Mơ Hoa. Tôi chỉ không rõ, tại sao các tuyệt phẩm hay đến thế của bao nhạc sĩ miền Bắc mà tất cả những người yêu nhạc miền Nam trước 1975 đều biết đến chúng không sót một nốt nhạc hay một lời nào, trong khi con đường ngược lại đã cắt đi một chiều rất lâu cho tới khi “nhìn lại”. Và tất cả Phạm Duy, và tất cả Phạm Đình Chương, và gần như tất cả Trịnh Công Sơn – Dù đã gây nhiều tranh cãi.

Rồi thế hệ trẻ hơn ít nhiều, rồi Tha La Xóm Đạo, rồi Lối Về Xóm Nhỏ, rồi Nắng Đẹp Miền Nam, rồi Chiều Làng Em. Gần hơn nữa thì Lưu Bút Ngày Xanh, Bài Ngợi Ca Quê Hương – Tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam, trên quê hương ta đó cố tìm đâu đây chút tình. Tình là đồng ruộng bao la tình là đình làng cây đa, thương tiếng ai ru bùi ngùi rót trên đất bồi phù sa... Bao nhiêu là tình tự quê hương, bao nhiêu là hơi thở âm nhạc, bao nhiêu là nỗi niềm khắc khoải vì hai chữ Việt Nam. Trên nhạc tờ, trên khuông nhạc có 5 dòng kẻ huyền hoặc, trên những đêm ngày mà bao nhạc sĩ đã gò lưng bên phím đàn và bên bàn viết.

Ai thích nghe loại nhạc nào, nhạc tờ cũng có cả. Sang trọng hết mực như Cung Tiến, đầy lãng mạn như Ngô Thụy Miên từ tiệm sách nhỏ Thanh Bình, da diết như Lam Phương, than khóc như các tác giả viết trên nền boléro mà có thời, ai đó đã vội vã kết luận nó là “nhạc máy nước” trong khi với thực tế sau 1975, ngoài Hà Nội người ta còn hát nó nhiều hơn cả Sài Gòn. Thành Phố Buồn, Tình Bơ Vơ, Duyên Kiếp, Chuyến Đò Vĩ Tuyến của Lam Phương – Người một thời từng thầm yêu trộm nhớ bà mẹ cơ cực của một người bạn tôi – đến Lâu Đài Tình Ái, Hẹn Em Cuối Tuần, Mùa Đông Của Anh, Hoa Trinh Nữ, Đám Cưới Đầu Xuân của Trần Thiện Thanh. Rồi cả đầy những rạo rực thầm kín như Hãy Yêu Nhau Đi, Tình Khúc Cho Em, Vũng Lầy Của Chúng Ta – “Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay, cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say, trên những đôi tay, trên những ngón chân bước về tình buồn, tình buồn…” – của Lê Uyên Phương.
Đó là nhạc tờ.
Phải. Từ Công Phụng với Trên Ngọn Tình Sầu hay Bây Giờ Tháng Mấy, rồi Vũ Thành An với những Bài Không Tên. Còn Trần Trịnh, Nguyễn Hiền, Xuân Tiên, Trúc Phương, Trịnh Hưng, cả Duy Khánh nữa. Tất cả đã đưa nền âm nhạc muôn màu ngày đó vào nỗi nhớ của chúng ta mà bất cứ khi nào – Tôi tin chắc như thế - chúng ta thấy xúc cảm bất chợt, sẽ khe khẽ hát lên cho chính mình một vài giai điệu nào đó từ những bài hát cũ. Nằm trên nhạc tờ.

Lật lại nữa, sau này, trên mỗi khuông nhạc ở 2 trang giữa, lại có nhạc sĩ chịu khó ghi cả từng hợp âm để giúp cho người mua tự biết đệm đàn ghi-ta hoặc piano. Người hiểu chuyện kể lại, “cha đẻ” loại nhạc tờ này là ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa. Ông tuổi Ất Mão, sinh năm 1915 tại Huế, cha người Quảng Đông, mẹ người Việt. Là người mê sách, thấy có nhiều người cần đọc sách tại Huế lúc ấy nên ông mở hiệu sách Tân Hoa ở đường Gia Long, sau chuyển sang 121 Trần Hưng Đạo. Cùng với thị hiếu công chúng, ông mở nhà in Tân Hoa rồi nhà xuất bản Tinh Hoa mà nơi bìa 4 mỗi tờ nhạc đều có in rõ: “Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật, NXB Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính, với một công trình ấn loát mỹ thuật để hiến các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý”. Có lẽ ông Duyệt đã áp dụng sáng kiến của báo Ngày Nay, từ tháng 9/1938, từng đăng những bài tân nhạc đầu tiên như Bông Cúc Vàng, Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên; Bình minh, Ðàn Xuân của Nguyễn Xuân Khoát; Khúc Yêu Đương của Thẩm Oánh; Bản Đàn Xuân của Lê Thương.
Với nhà xuất bản Tinh Hoa, đứng đầu mục lục xuất bản từ năm 1945 là bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và trong năm đó, chỉ in được 8 tác phẩm (Tính luôn cả Trên Sông Hương, Hương Giang Một Đêm Trăng, Dưới Bóng Cờ đều của Nguyễn Văn Thương, rồi Phạm Duy thì có Chiến Sĩ Vô Danh, Chinh Phụ Ca, Nợ Xương Máu và Dương Minh Ninh thì có Gấm Vàng). Sang 1946 là đến Phan Huỳnh Điểu với 4 tác phẩm và còn lại là của Ngọc Trai, Nguyễn Hữu Ba, Văn Đông. Ông Phan Huỳnh Điểu cho biết, một bài của ông năm đó được Tinh Hoa trả nhuận bút tới 800 đồng, khi giá một bản nhạc là 7 đồng.

Suốt 11 năm tồn tại, tới 1955 – 1956, Tinh Hoa đã tập hợp và xuất bản gần 500 ca khúc của hầu hết nhạc sĩ tiền bối từ trước đến lúc đó, có cả Thông Đạt, Ưng Lang, Nguyễn Mỹ Ca và Hoàng Thi Thơ. Nối chân nó có Sống Chung, Á Châu, An Phú, Hương Thu, Phương Mộc Lan (1949), Diên Hồng, Nguyên Thảo - Phạm Thế Mỹ, Tiếng Bạn, Sóng Lúa, Tinh Hoa Miền Nam (Hậu thân của Tinh Hoa do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo phụ trách), và Minh Phát, Lửa Hồng. Bìa nhạc lúc ấy chỉ dùng 2 màu do các họa sĩ Phi Hùng, Ngọc Tùng, Bạch Đằng Cát Mỹ vẽ theo lối tả chân. Về sau có thêm họa sĩ Duy Liêm với lối vẽ lập thể, đầy góc cạnh, tạo ra một diện mạo mới cho bìa nhạc. Rồi từ Diên Hồng, Minh Phát, lại xuất hiện thêm mấy họa sĩ vẽ bìa tài danh khác mà nổi tiếng nhất có Kha Thùy Châu. Ông Châu lúc ấy còn kẻ chữ và là họa sĩ thiết kế cho phim ảnh.
Từ đầu thập niên 1970, khi kỹ thuật in offset phát triển, bìa tờ nhạc đã là ảnh của các ca sĩ trẻ, người đưa nhạc phẩm tới công chúng bằng 2 con đường phát thanh - truyền hình như Thanh Lan, Khánh Ly, Nhật Trường, Duy Khánh, Giao Linh, Hoàng Oanh. Người không hát giỏi vẫn có thể mua nhạc tờ vào lúc này vì nó có in ảnh của thần tượng. Những người thích sưu tầm thì mua ngay khi nhạc phẩm mới phát hành rồi sau đó chính họ đi đóng lại thành tập, như mẹ tôi.
Cả nhạc nước ngoài được viết lời Việt như Chiều Tà (Serenade, nhạc Frank Schubert, lời Phạm Duy), Sầu (Tristesse, nhạc Frédérick Chopin, lời Phạm Duy), Cánh Buồm Xa Xưa (La Paloma, nhạc Sebastian Iradier, lời Phạm Duy) cũng góp mặt trên nhạc tờ.

Không hiểu sao khi viết kết bài này, bên tai tôi lại nghe văng vẳng đúng lúc những lời rất lạc quan của bài Hoa Cài Mái Tóc từ một đĩa CD nào đó từ nhà hàng xóm: “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc, nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình, lệ mừng nhòa đôi mắt long lanh, nghe tin con vẫn còn ngày xanh. Một cành hoa em cài mái tóc, anh đưa em qua quãng đường dài, về thành đô anh may áo cưới, ta thương nhau xây dựng ngày mai…”. Những lời thật mộc mạc từ tác phẩm của Thông Đạt và có lẽ giới trẻ Sài Gòn bây giờ chẳng còn ai hát nhưng với tôi, đó là kỷ niệm.( Sưu Tầm Trên Net)



c.jpg

c_2020-11-30.jpg
Last Edit: 3 years 5 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 5 months ago #63923

Mì Tàu trong nỗi nhớ

1.jpg


Chắc chắn bất cứ ai trong chúng ta, với đời mình đi qua, đều đã từng xơi mì Tàu. Nói chung là mì, hủ tíu, hoành thánh Tàu ăn riêng rẽ, hoặc gộp chung từng 2 thứ với nhau và thậm chí, một bát (1) có đủ cả 3 thứ của ngon đó...

Ngày tôi còn bé lắm, quãng 8 tuổi là cùng, một lần nào đó bố tôi có dẫn tôi vào Chợ Lớn. Ký ức lúc đó còn mù mờ, không nhớ rõ là đường gì, chỉ biết đó là phòng chẩn trị xương khớp của ông Trương Quốc Cường, lương y khét tiếng Sài Gòn thuở trước về chữa trật đả, bong gân, bầm tím xương khớp. Trong khi ngồi chờ bố tôi vào trong phòng mạch kín cửa cho ông ấy chữa, tôi tò mò nhìn lên tường, thì lần đầu trong đời mình thấy một bức tranh kính.

Hình như, nhà người Hoa nào trước sau, không 10 thì cũng phải 9, có treo tranh kính. Sự tích, điển tích, giai thoại, đồng dao hay ngụ ngôn, đủ - Mà nhiều nhất là trích từ truyện Tàu, Tam Quốc, Thủy Hử, Đông Chu, Tây Du, hoặc Hán Sở. Bức tranh hôm đó tại nhà ông Cường, đến giờ tôi vẫn nhớ như in: Câu chuyện Hoa Đà chữa cánh tay bị trúng tên độc cho Quan Công. Quan Công bình thản mỉm cười ngồi đánh cờ, không một lần nhìn Hoa Đà chữa gì cho mình. Còn Hoa Đà thì mổ phanh tay người hào kiệt, vì chất độc đã ngấm tới xương, phải dùng dao rất sắc nạo vét chất độc đó ngay trên xương Vân Trường. Ai từng đọc Tam Quốc chắc chắn phải biết giai thoại này.

Trên đường về - Bố con tôi đi taxi vì bố tôi bị trật khớp cổ tay từ mấy ngày trước, không cầm lái xe gắn máy được - trước khi gọi tài xế, bố tôi dẫn tôi đi ăn mì Tàu. Thành phố lúc đó đã lên đèn, ngồi vào cái ghế xếp mặt gỗ trước mặt chiếc xe mì lộng lẫy đó, lần thứ hai tôi lại thấy tranh kính, ngay trong cùng một ngày.

Tranh kính ở xe mì thì không lớn như ở nhà ông Cường. Nó lại nằm ngang, không phải tranh khổ đứng như trong ngôi nhà tôi vừa bước ra. Nhưng ở góc tranh, có chú mấy dòng chữ Nho như nhau. Bố tôi biết Hán văn kha khá, đã giảng giải cho tôi, đó là tranh kể chuyện Võ Tòng đánh hổ ở núi Cảnh Dương. À, bây giờ lại sang Thủy Hử rồi.

... Có một chi tiết mà ai cũng biết, mì Tàu hay hủ tíu Tàu bán tại xe nằm nơi vỉa hè - Hay trong tiệm thì vẫn thấy cái xe đó - buộc phải có tranh kính. Xe nào bây giờ, lạc quẻ đi, không treo tranh kính, có lẽ đã không còn bán mì Tàu chính cống nữa - Dù cái món ngon mà người ta dọn ra cho bạn ăn, trong bát, vẫn gọi là mì Tàu. Mì Tàu gốc thì phải là của xe treo tranh kính, hai cái phải đi sóng đôi với nhau. Trên dưới cả thế kỷ thì phải?

Nói về gốc, ngày xưa, một tô mì Tàu đúng nghĩa, cho tới tuổi thơ tôi vẫn thấy còn nếu không quá chủ quan, chỉ có thứ thịt duy nhất trong bát là xá xíu - Cùng lắm là thịt xay, hành hẹ, và một cái bánh chiên với con tôm "thiếu nhi" lặn sâu vào mặt bột vàng ươm nào đó. Những gì khác, sườn, gan, tôm luộc nõn, mực, cua xé nhỏ, tim cật... là về sau.

Mì Tàu còn một đặc trưng nữa: Người ta không mua mì vắt hay mì gói làm sẵn, mà chính tay người chủ xe mì ấy phải kéo sợi mì tự làm, thành từng vắt một, xếp thành nhiều hàng ngay ngắn và hấp dẫn trong một cái ngăn kéo nằm cạnh đùi mình. Khách muốn ăn bao nhiêu vắt, người bán sẽ mở hộc ấy, lấy ra bấy nhiêu. Từng vắt mì sống như thế, trong ngăn kéo đẫm bột trắng tinh, sẽ được ném vào một cái vá to, nhúng vào nồi nước sôi ùng ục.

Mì Tàu là phải có cải tam sại (Hay cải xá bấu) màu đỏ như màu vỏ tôm, cắt bé li ti, và tóp mỡ dòn tan, cắn nghe rau ráu dưới răng mới chí khoái. Không biết từ lúc nào, người ta đã nghĩ ra thành phần kế nữa, là thịt vụn. Sau khi tất cả đã nằm ngoan ngoãn trong bát, người ta xúc vào đó một hai thìa thịt xay ấy, chan nước dùng nóng bỏng môi vào, cuối cùng là một miếng bánh chiên. Gắp vài miếng ớt ngâm, thêm chút dấm Tàu, thiên đường thấy mở cửa.

Hơn sáu chục năm đời mình, tôi đã ăn mì Tàu trên khắp thế giới. Chỗ nào cũng có tranh kính cả, cũng có sự tích đó đây, cũng vẫn thịt xá xíu, cũng hành hẹ, cũng dấm đỏ dấm đen, cũng mì kéo tay tự làm lấy rồi xếp trong hộc tinh tươm, nhưng sao vẫn không thấy ngon bằng ở Việt Nam. Ăn tại Singapore, ăn tại Pháp, ăn ở Mỹ, thậm chí sang Thượng Hải và Hồng Kông cũng ăn, nhưng sao thấy thua mùi vị quá xa quê nhà. Chắc là vì, ký ức thì không tài nào xóa nhòa.
Ở Sài Gòn, tôi đã ăn ở những xe bình dân nhất, xe mì gõ, người bán rong vào một đêm mưa nào đó mình gọi họ trong giấc tối lúc mình ngồi chấm bài, trong cả những tiệm thanh lịch nhất, phong vị giàu có mỗi nơi mỗi khác, không thể tả. Mì Tân Lạc Viên nơi ngã tư Nguyễn Trãi - Trần Bình Trọng đã khác, mì Dìn Ký nằm gần nhà thờ Huyện Sĩ khác, mì trong tiệm Tân Hải Vân nằm đối diện chính Dìn Ký vào giấc tối cũng khác, mì Sanh Ký trên đường Nơ Trang Long, gần ngã tư Lê Quang Định càng khác - Tất cả đều ngon và cùng đều không hề rẻ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhớ cái xe mì trong con ngõ có quán cà-phê Chiều Tím, mà ở đầu ngõ ấy nam ca sĩ Duy Quang từng mở quán phở, trên đường Trần Cao Vân.

Không hiểu sao tôi càng nhớ đến xe mì chỉ thuần có những miếng xá xíu lạng mỏng như tờ giấy nằm trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật, khu chữ H, gần nhà bà ngoại tôi. Không hiểu sao tôi nhớ rất lâu cái xe mì nằm trong con ngõ hẹp trên đường Lê Đại Hành, và nhớ cả tiệm mì Huê Ký nằm số 59C Thuận Kiều bên lườn bệnh viện Chợ Rẫy - Con tôm ở đó người ta có thói quen róc đôi theo chiều dọc, đặt nằm xoè hoa ngay ngắn trên mặt. Không hiểu sao tô mì cật tại 62 Trương Định không hề tệ, ngược lại, nhưng tôi lại nhớ như in cái bát mì mà bố tôi đã cho tôi ăn ở đầu bài. Mì Chú Cao Nguyễn Thiện Thuật, mì Chú Tắc Kỳ Đồng, mì Phát Mập Calmette, xe mì không tên ngay góc Mạc Thị Bưởi - Hai Bà Trưng nay đã mất bóng, mì đầu ngõ 20 cũng Kỳ Đồng dẫn vào tiệm phở gà trứ danh. Tất cả những tiệm mì có tên kết thúc bằng chữ "Trà Gia" trên đường Nguyễn Công Trứ, mì Nam Lợi Tôn Thất Đạm, mì gà quay Bà Hạt, mì Tân Sanh Hoạt trước cửa rạp Olympic, mỗi nơi mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Nhưng mì xe, với tranh kính, đã ở lại. Nói không đùa, ngay tại gốc, người Tàu Bắc Kinh nấu mì vẫn ăn không vào, dù nó càng chính thức là mì của xe tranh kính.
Chỉ nghe thấm lại đây, tô mì tranh kính Sài Gòn từ trước 1975. Lạ thật lạ nhỉ?

(1) Người viết quê Bắc, Hà Nội 1954 di cư gốc, không quen gọi là "tô" được. Xin thứ lỗi.

3.jpg
Last Edit: 3 years 5 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 5 months ago #63920

REX – Rạp xi-nê tối tân nhất Đông Nam Á trước 1975


2WoXfzg.jpg


Tôi chợt nhớ một thời thơ ấu, bố tôi – tùy theo kết quả học tập của con trai mình – cứ nửa tháng một lần lại cho nó và em trai nó đi xem phim tại các rạp hát lừng danh một thuở của Sài Gòn, mà nhiều nhất là tại Rex và Eden ở khu trung tâm, hoặc Việt Long nằm trên đường Cao Thắng.

Bố tôi giảng giải: Thoạt tiên, trước khi dãy nhà cao tầng ấy biến thành một tổ hợp khách sạn – rạp hát và nhà hàng tráng lệ, chúng đã là một dãy garage lớn, chuyên bán xe Citroen trên hai tầng bê-tông cực lớn. Rồi tới đầu những năm 1960, khi ông bà Ưng Thi đầu tư vào, thay đổi công năng của cả tòa nhà, từ làm bạn với máy móc và sắt thép lạnh lùng, nó đã thành làm bạn với những dãy phòng nghỉ chân ấm cúng, rồi thành nơi người ta ăn uống, nhấm nháp cà-phê hay whisky trên tầng thượng, thậm chí xem phim ở một nhà hát hiện đại bậc nhất Đông Nam Á lúc đó. Nó còn hơn cả khu Cathay Mall ở khu Dub Mi Gaut (Singapore), hay tại ngay chính quốc Hồng Kông của huynh đệ Thiệu Thị: Run Run Shaw và Run Me Shaw.

Lúc ấy, ký ức ngây ngốc của một đứa trẻ chỉ mới hơn 10 như tôi, cũng đã vẫn kịp chụp ảnh lại về một rạp Rex sang bậc nhất đô thị khi đó với chiếc thang cuốn chạy nghe rì rầm phía tay phải sau cánh cổng soát vé – Mà Rex, ấy là những siêu phẩm phương Tây, như Cléopâtre của John Mankiewicz với cô đào Liz mang đôi mắt màu tím rồi sau đó, tạp chí Time khó tính đã phải in ảnh bà lên trang bìa với dòng phụ chú rằng đấy là Người đàn bà đẹp nhất thế giới dẫu rằng bà chỉ cao có 1,57m.

Rex, ấy cũng là Docteur Zhivago với Omar Sharif có hàng ria mép trứ danh ngồi đĩnh đạc giật cương ngựa trên nền giai điệu khó quên của bài Người tình Lara. Rồi Rex, về sau, khi tôi đã vào tuổi niên thiếu, là bóng hình Mặt trời đỏ với bộ tứ minh tinh huyền thoại, đúng nghĩa ấy vào thời điểm bừng nở bao nhiêu là siêu phẩm của nền Nghệ thuật thứ Bảy hồi các thập niên 1960 – 1970, như Charles Bronson từ xứ Cờ Hoa, Alain Delon từ xứ Cờ Tam tài, Toshiro Mifune từ xứ Phù Tang và Ursula Andress từ xứ sở lừng danh quốc tế về Đồng hồ.

Phải, Rex của một thời với biết bao những phim đúng nghĩa là inoubliable (Hay unforgettable) trong lòng người yêu điện ảnh. Nó rất ít khi chịu chiếu phim Tàu, và nếu có, thì phải ít nhất mang tầm cỡ của những cái tựa như “Độc thủ Đại hiệp đại chiến Hiệp sĩ Mù” với Vương Vũ và Shintaro Katsu. Phải là “Thập tứ nữ anh hào” với Lăng Ba, Lý Thanh, Hà Lợi Lợi, Điền Phong hay Nhạc Hoa. Phải là “Đường Sơn đại huynh” với Lý Tiểu Long và Hàn Anh Kiệt. Và nếu là phim thiếu nhi, thì cũng phải là Peau D’âne (Da lừa) của Jacques Demy với Jean Marais, Catherine Deneuve và Jacques Perrin. Nhớ danh hài Pháp Louis De Funès làm mình cười văng nước dãi trong các phim Thầy đội đi rông (Le gendarme en balade) hay Lơ lửng trên cành (Sur un arbre perché). Nhớ cả màn đua ngựa thần thánh của minh tinh Charlton Heston trong phim Ben Hur.

Nhớ quá cái cảm giác ngất ngây khi cầm tay bố tôi, chìa billet cho người soát vé và sung sướng lách qua khe cổng thép uốn nan hoa, bước vào phần sảnh trong, đi qua chiếc bàn gỗ có cái thùng đựng các tấm programme in ảnh và chữ đen trên nền giấy xanh, đỏ hay vàng, rồi vạch tấm màn nhung, mở căng mắt nhìn theo ánh đèn pin của người xếp chỗ, dò dẫm từng bước một trên nền gạch hoa cứ dốc xuống dần, tìm vào chỗ ngồi của mình.

Nhớ cả dòng chữ Prochainement sur cet écran (nghĩa là “Sắp tới trên màn ảnh này”) chạy nghe lạo xạo trên màn ảnh, trước khi chính mình há hốc mồm theo dõi những cảnh phim hấp dẫn nhất của các phim sắp chiếu vào các tuần kế tiếp lao vun vút như không kịp ghi vào võng mạc. Nhớ cả mùi bắp rang bơ, mùi kem esquimeau hai mầu với lớp vỏ chocolat dòn tan bọc ngoài, nhớ những chiếc ly nhựa nhỏ đựng nước bạc hà mát lạnh. Nhớ cả khi mẹ tôi bị mất một chiếc giày, do cố nắm tay tôi kẻo sợ con bị lạc khi bị đoàn người đông chật cứng rạp xô đẩy, chen lấn nhau khủng khiếp trước một xuất chiếu phim Cléopâtre.

Nhớ cả khi bố tôi, dù rất nhiều khi không thích xem các phim con mình thích, vẫn kiên nhẫn đều đặn dẫn con đến rạp để thưởng cho nó sau khi nó vừa kiếm được một điểm 20 nào đó ở môn Toán hay Địa dư trong trường Pháp.

Nhớ từng họa tiết bằng thạch cao dán trên trần hay trên tường của Rex. Nhớ luôn cả những chiếc ghế bật bị hỏng, nhớ tiếng máy quay phim kêu nghe xè xè từ phòng chiếu nằm ở đâu đó sau lưng mình, hệt như trong chuyện phim Cinema Paradiso (Thiên đường điện ảnh) với Philippe Noiret. Nhớ luôn cảm giác chân mình thấy tê dại đi vì rạp đã hết chỗ ngồi rồi, và mình vào muộn nên phải đứng sau lưng hàng ghế chót.

Nhớ rạo rực những dòng phụ đề Việt – Anh – Hoa mà tiếng Việt và tiếng Anh dùng font chữ na ná font Couri bây giờ (Thứ font chữ huyền thoại của các tập kịch bản phim), mà lùn hơn và mập hơn. Nhớ cả cảm giác xấu hổ khi vô ý dẫm phải chân người khác trong bóng tối khi mình phải len vào hàng ghế đã gần kín người ngồi. Nhớ lời xin lỗi khi mình dẫm phải chân người ta và cả khi người ta vào sau mà dẫm phải chân mình.

Nên càng nhớ hơn khi đâu đó ở chốn xưa, bây giờ mọi thứ chỉ còn là dư âm, dư ảnh hay dư vị… Rạp, nay chỉ còn là một khách sạn nhiều sao quốc doanh hóa!

Trinh Anh Khoi


3KJqJtk.jpg


blDofb7.jpg


2WoXfzg.jpg
Last Edit: 3 years 5 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 5 months ago #63916

Giấc mơ khôn nguôi của ông Khai Trí

Ở trại cải tạo Hàm Tân (Tên nó là Z30C), hàng sáng, những người bị tập trung ở đó lại ngồi đợi đi lao động. Trong số họ, thấy có một ông trung niên quãng trên dưới 60 lúc nào cũng mặc bộ quần áo trắng đã ngả màu cháo lòng, lặng lẽ đẩy một chiếc xe cải tiến chứa đầy phân trộn của anh em bạn cùng trại đem đi tưới ruộng. Sáng nào cũng thế, và ít ai biết ông là ai.

... Trước quãng "đứt phim", người Sài Gòn thích đọc sách vẫn gọi ông là "ông Khai Trí" (Theo tên cái nhà sách - nhà xuất bản do ông làm chủ trước kia) - Người ta cũng còn nhớ, ông từng là chủ nhiệm một tờ tuần báo dành cho bạn đọc nhỏ tuổi rất nổi tiếng ngày trước là tờ Thiếu Nhi, với nhà văn Nhật Tiến (Thềm hoang, Thuở mơ làm văn sĩ, Chim hót trong lồng...) làm chủ biên. Tờ báo ấy đã có nhiều cây bút và cây cọ lừng danh lúc đó như Lê Tất Điều, Tú Kếu, Đỗ Phương Khanh, Nguyễn Đình Toàn, Minh Quân, Vũ Hạnh, Nguyễn Tài và cả họa sĩ Vi Vi góp mặt góp sức.
Đọc rất nhiều, ông lại rất ít nói về mình, nên ít người trong trại khi ấy biết ông chính là một tấm gương làm việc và cống hiến sống động: Từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam. Nhưng nếu trở ngược ra ngoài xã hội, lại khác.

Ông Nguyễn Hùng Trương sinh năm 1926 tại Thủ Đức (?). Thuở bé, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho hàng ngày để mua báo đọc. Lên Sài Gòn theo trung học ở Pétrus Ký, ông được gia đình sắm cho chiếc xe đạp cũ để mỗi cuối tuần đạp về nhà, sang đầu tuần lại trở lên với một món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong cả tuần kế tiếp. Nhưng cứ mỗi chiều thứ Hai, ông lại tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần đó lại chấp nhận nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã cho đỡ đói. Chưa thấy ai mê sách, và nghiện sách tới phát cuồng như ông.

Sách ông mua, hầu hết là sách báo nước ngoài, và chỉ trong thập niên 1940, khi mới 15 - 16 tuổi, ông đã kịp gầy dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay lại thường nhờ ông mua giúp. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 cuốn để được hưởng 30% hoa hồng. Số sách thừa ra, ông đem ký gửi ở một quán sách quen. Vài hôm sau, người chủ quán đã hỏi ông là tựa sách loại đó còn không, nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi hôm trước đã bán hết cả. Từ đó, ông nẩy ra ý định mua nhiều sách báo ở nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại sách có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không có. Lúc đầu chỉ mua thử mỗi thứ vài chục quyển, thấy bán chạy, ông mới tăng số lượng lên, có khi cả nghìn quyển!

Nhờ cố gắng làm việc không quản mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952, mới 26 tuổi (!), ông đã đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), mà đặt tên là Nhà sách Khai Trí (nay là Nhà sách Sài Gòn) trước khi nó lớn lên thành một tên tuổi khét tiếng. Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua gì cả và cũng chẳng có ai phàn nàn gì. Các nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục áo dài màu vàng hoàng yến ở đó, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom khách một cách kín đáo. Cái điều đang được áp dụng ở đa số hiệu sách ngay lúc này, vào thời điểm đó vẫn còn quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau đó, nhà sách mở rộng thêm thành 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu.

Nhà sách Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản với những đầu sách được chọn lựa kỹ càng và phong phú. Một thú chơi đặc biệt của ông chủ nữa là sưu tầm sách báo (Chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới ngày 30/4). Ông còn là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị, khi tuyển chọn và biên soạn khoảng 15 tựa sách: Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Quê em mến yêu, Làm con nên nhớ, Chánh tả cho người miền Nam, Huế mến yêu, Những bài thơ hay trong văn chương Việt Nam...

Nhà văn Nguyễn Thụy Long - Tác giả quyển tiểu thuyết nổi tiếng Loan mắt nhung, một tác phẩm rất gai góc mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 cũng từng dành nhiều cảm tình - có viết một bài nhan đề Vĩnh biệt ông Khai Trí, trong đó có nhắc đến hoàn cảnh đau thương của ông sau 1975: "... Ông Khai Trí qua đời lúc 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, sau nhiều năm luôn cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông khi nó bị nhà nước tịch thu trong đợt cải tạo văn hóa và thương nghiệp 1976 - 1977 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi bị "quản lý", nay mang tên Fahasa của nhà nước".

"... Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt giới văn nghệ sĩ sẽ bị đi sau, với bao tác phẩm của họ bị thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ đi ngược dòng chảy của dân tộc, đương nhiên đã bị bôi xóa, và kết tội là Biệt kích Văn nghệ. Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, bị liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị ném vào trại cải tạo, vì phía chiến thắng đã cho rằng ông là người kinh doanh và phát triển văn hóa đồi trụy".
"... Những người đã từng sống ở miền Nam trước 1975, ai cũng biết đến ông, người từng làm được nhiều việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, và cả đời ông đam mê công việc ấy. Ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Ông đã ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ tác quyền không thiếu một xu. Ngoài ra, ông còn tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tờ báo Sống của Chu Tử cũng có sự góp sức của ông về mặt tiền bạc".
"... Bao nhiêu lần tôi (Nguyễn Thụy Long) đi qua đường Lê Lợi, lại thấy ông buồn bã đứng ở một góc đường đó, nhìn sang hiệu sách cũ của mình đang mang tên mới là Fahasa. Một lần khác, trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi. Ông cười chua chát: "Phải đến năm 3000 thì may ra...". Ngày ông bị đưa đi, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn giấu biết bao kho sách của chế độ cũ mà không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, giờ chính họ lại tố cáo ông bao nhiêu là tội - Kể cả những điều không hề có - để lập công...".
"... Tại buổi lễ tang ông, ngôi nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hồng Thập Tự cũ), tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người thuộc chế độ cũ đến thắp cho ông những nén hương và chia sẻ sự thương tiếc với gia đình ông...".
Nguyễn Thụy Long đã ngậm ngùi: "...Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn sang hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, sao mà chua chát đến thế cho một người suốt cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau...".

Bản thân tôi (TAK), là kỷ niệm bao nhiêu lần được bố tôi - Nhà văn Lan Đình - dắt tôi và đứa em trai lúc đó chỉ mới trên dưới 10 tuổi, vào cái nhà sách quá nhiều kỷ niệm ấy để mua những quyển truyện của Alphonse Daudet, của Raoul Cauvin hay Michel Greg và mua cả những quyển sách tranh từ Tủ Sách Vàng hay Ánh Dương lừng danh ngày trước. Tôi biết đọc loạt truyện Tuổi Hoa của ông Chân Tín cũng từ đó, đọc Thiếu Nhi của chính ông Khai Trí và Thằng Bờm của ông Nguyễn Vỹ dù lúc ấy mình đã qua tuổi thiếu niên khá lâu cũng từ đó.

Đọc loạt Truyện tuyển dịch 15 cũng từ đó. Và đọc ngấu nghiến quyển Thành ngữ Điển tích Danh nhân Từ điển rất phong phú, tới mức vô biên của ông Trịnh Vân Thanh, cũng từ đó. Đọc Truyện cổ nước Nam của ông Nguyễn Văn Ngọc, đọc Chuyện giải buồn của Paulus Huỳnh Tịnh Của, đọc Thú chơi sách của Vương Hồng Sển, đọc cả Ben Hur hay Les trois mousquetaires bản dịch và bản nguyên tác cũng từ đó.

Đọc Những giọt mực của Lê Tất Điều, đọc bao nhiêu là tựa sách Tự Lực Văn Đoàn ở đó. Đọc Đất lề quê thói của ông Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, đọc Sherlock Holmes qua bản phóng tác của Vũ Hạnh, rồi trộm vía, đọc Ba người lính nhảy dù lâm nạn của Nguyễn Mạnh Côn hay Chuyện cấm đàn bà của Đặng Trần Huân cũng ở đó. Bố tôi chỉ không cho đọc Duyên Anh và Kim Dung mà thôi, nên tôi phải lẻn đọc chỗ khác.

... Tội cho ông. Từ lúc làm tờ Thiếu Nhi, nhiều người biết quá rõ là nó lỗ sặc gạch suốt nhiều năm liền nhưng ông vẫn cứ làm. Cho tới sát mí tháng 4/1975..


khaitr-1_2020-11-19.png


khaitr-3.png


khaitr-5_2020-11-19.png


khaitr-8.png


khaitr-11_2020-11-19.png


khaitr-12_2020-11-19.png
Last Edit: 3 years 5 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái
  • Page:
  • 1
  • 2


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012