Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1
  • 2

TOPIC: HOÀI NIỆM NGÀY CŨ

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 5 months ago #63914

Tiệm cho thuê sách, dấu ấn một thời


thue.jpg



Ở Sài Gòn, không biết chắc khi nào có các tiệm sách, nhà sách cho thuê nhưng chắc chắn là trước 1954 đã có loại hình này rồi.

Các tiệm cho thuê sách tồn tại song song với các nhà bán sách, đáp ứng rất tốt nhu cầu của người mê đọc sách nhưng ngân quỹ eo hẹp. Theo ước tính trên báo Thời Nay ra ngày 7.9.1974, đến thời điểm đó đã có khoảng 2 đến 4 ngàn tiệm cho thuê sách riêng ở Sài Gòn.

Trong một bài viết cũ thời blog còn phổ biến, một bác kể rằng trước phong trào di cư (tức năm 1954), việc cho thuê mướn sách đọc chỉ xuất hiện trước các cổng trường. Thuê bữa nay, ngày mai trả, giá chỉ vài cắc. Đến năm 1954, trên đường Nguyễn Kim có mở một tiệm cho thuê sách là dịch vụ chưa từng có ở vùng này. Tiệm cho thuê sách hiệu Thái Bình, do một phụ nữ người bắc trạc ngoài 40 làm chủ. Muốn thuê sách phải đặt tiền thế chân, khoảng 10 đồng một cuốn, tiền mướn 5 cắc.

Một tiệm cho thuê sách được cho là lâu đời có từ giữa thập niên 1950 tại Sài Gòn là tiệm Đức Hưng ở đường Trần Quang Khải, quận Nhứt. Tiệm này đáng nhớ vì có sáng kiến cắt các kỳ truyện kiếm hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Từ Khánh Phụng đăng phơi-ơ-tông trên báo, đóng thành từng tập để cho thuê khi các truyện này chưa xuất bản thành sách, nên độc giả rất thích… Lúc đó, chỉ có khoảng 10 tiệm cho thuê sách ở cả Sài Gòn.

Tuy nhiên, tiệm cho thuê sách lớn nhất Sài Gòn có lẽ là tiệm Cảnh Hưng, ở đầu đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), có tới năm tầng lầu chứa sách. Chủ tiệm sách là ông Huỳnh Công Đáng, một người Việt gốc Hoa rất am hiểu về sách. Đến năm 1971, số sách ông cho thuê đã lên tới 20 ngàn cuốn, đủ các thể loại.

Ở Phú Nhuận trước đây có hai tiệm sách trên đường Nguyễn Minh Chiếu (Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay) ngay khu chợ Lò Đúc. Tiệm Tân Dân cũ kỹ từ các dãy tủ kệ đến diện mạo từng cuốn sách giấy đen ngòm vì mồ hôi tay bao độc giả thấm qua sau bao lần đọc. Chủ tiệm là một phụ nữ lớn tuổi không lập gia đình gốc miền Bắc, luôn nở nụ cười có nét móm duyên như Đức Mẹ. Tiệm Toàn Hiệp có chủ nhân là hai vợ chồng già là dân có học cùng ba người con, ai cũng hiểu biết về sách. Anh Hai của tôi khoảng năm 1961 đang học Trường Sư phạm, mỗi buổi chiều đều phải ra sạp báo gần trường học Chánh Tâm cũ của người Tàu góc đường Trương Tấn Bửu – Nguyễn Minh Chiếu (Trần Huy Liệu – Nguyễn Trọng Tuyển) để mua báo có đăng phơi-ơ-tông truyện chưởng Kim Dung cho ba tôi. Sau đó anh vọt xe ra mướn sách ở hai tiệm trên. Rõ là nếu không thuê sách để đọc thì cả nhà tôi không thể xem được nhiều sách như vậy. Sách về mỗi ngày, từ các cuốn trong bộ Z.28 của Người Thứ Tám, truyện chưởng Kim Dung cho hai ông anh. Tiểu thuyết của Bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân, Bà Lan Phương cho má tôi đọc khi ngồi sạp ở chợ. Tiểu thuyết Quỳnh Dao như Xóm vắng, Bên bờ quạnh hiu, Hải Âu phi xứ, Dòng sông ly biệt cho bà chị đang học Luật. Phần tôi thì đọc truyện tranh Lucky Luke, Xì trum, Lữ Hân Phi Lục và truyện trong tủ sách Hoa Đỏ, Hoa Xanh… Với tốc độ đọc như vậy thì mua sách là điều nan giải. Chỉ có đi thuê như mọi người.

Sau này, khi biết nhà ai có tủ sách lớn từ trước 1975, tôi biết họ thuộc gia đình trung lưu trở lên mới kham nổi. Sài Gòn tuy được nơi khác xem là thành phố mải mê “làm ăn”, “ăn chơi” thâu đêm suốt sáng nhưng nhu cầu đọc sách báo thì ai cũng biết là rất lớn và đặc biệt là giới bình dân thích xem sách xem báo không thua ai.
Loại sách nào được ưa thích nhất ?
Đó là truyện chưởng Kim Dung. Các bộ truyện của ông không có tác giả nào của VN so nổi về số lượng độc giả hâm mộ. Theo tác giả An Phong tường thuật trên báo Thời Nay, riêng bộ bảy tập tiểu thuyết kiếm hiệp Cô gái Đồ Long (sau này dịch tên chính xác là Ỷ thiên đồ long ký) của Kim Dung, tiệm Cảnh Hưng đã mua tới 100 bộ để cho thuê. Riêng các truyện khác như Tiếu ngạo giang hồ, Lục mạch thần kiếm, mỗi tựa mua trên 10 bộ. Xếp sau truyện chưởng là loạt tiểu thuyết gián điệp Z.28 của Người Thứ Tám. Xếp sau sách gián điệp, có lẽ khó phân loại cho chính xác. Tuy nhiên, căn cứ vào số lần mướn nhiều thì nhà văn Việt được đọc nhiều nhất là Duyên Anh, rồi đến sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn

Tuy nhiên, có khi hạnh phúc của người này là nỗi đau của người kia. Giới nhà văn cho là mình đang bị xâm hại quyền lợi. Một nhà văn gọi đích danh nghề cho thuê sách, hay cho mướn sách tùy theo người gọi là “hút máu văn sĩ”. Một nhà văn khác in thẳng lên trang sách đầu tiên của mình, cuốn Giờ ra chơi, hàng chữ “cấm cho thuê”.
Đến năm 1971, ước tính tiệm Cảnh Hưng thu được mỗi tháng khoảng 150 ngàn đồng thời ấy, một số tiền lớn. Các tiệm cho thuê sách tồn tại đến năm 1975 thì chấm dứt. Lúc đó, ngành làm ăn này đã phát triển tới hồi thịnh nhất. Đến chiến dịch thu gom văn hóa phẩm chế độ cũ khoảng tháng 6.1975, các nhà bán lẻ sách và tiệm cho thuê sách của tư nhân ngưng hoạt động, sách bị thu gom.

Trên báo Tiền Phong ra ngày 24.6.1975, tác giả Kim Nguyên cho biết tiệm Cảnh Hưng đã nộp cho đội công tác sinh viên, học sinh Trường Trí Đức 36 ngàn cuốn sách các loại. Hai tiệm sách ở chợ Lò Đúc gần nhà tôi cũng bị dẹp. Lúc đó, người dân mới biết tiệm Tân Dân lâu nay chính là cơ sở hoạt động bí mật của chế độ mới.
Khoảng đầu thập niên 1990, loại hình kinh doanh cho thuê sách hoạt động trở lại và tồn tại cho đến ngày nay nhưng không còn trở lại thời hoàng kim như trước kia nữa.
Phạm Công Luận
Trích Sài Gòn, chuyện đời của phố, tập 3
Last Edit: 3 years 5 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 5 months ago #63913

Tư Ết vẫn thích nhất truyện Hồn bướm mơ tiên
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 5 months ago #63912

Hà Mai Anh & Tâm hồn cao thượng




HMA2.jpg



Nhà giáo Hà Mai Anh là vị thầy đáng kính của rất nhiều học trò trước năm 1975. Trong dịch thuật, những tác phẩm của ông hầu hết đều chọn lọc nội dung hướng thượng, mang những lời dạy bảo của các bậc sinh thành.

Năm 1938, quyển Công Dân Giáo Dục của nhà giáo Hà Mai Anh xuất bản tại Nam Định, được chấp thuận dùng làm sách giáo khoa. Rồi quyển Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch của ông, đoạt giải thưởng Văn chương của Hội Alexandre de Rhodes, Hà Nội 1943. Quyển ấy được xem như một dạng Luân lý giáo khoa thư của thế kỷ 20 và trở thành sách hay cho nhiều thế hệ thiếu niên Việt trong suốt nhiều thập niên. Sách được tái bản nhiều lần. (1)

Nên biết, có những tác phẩm mà bản dịch đã thể hiện rất tốt văn phong lẫn nội dung gốc, nên chính chúng cũng được nổi danh và lưu truyền qua nhiều thập niên. Điển hình như Thủy Hử, người ta phải nói đến bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải, hoặc The Godfather thì phải do Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ, thế thì Les Grands Coeurs (Hay tên gốc tiếng Ý Cuore) của Edmondo De Amicis, là phải qua bản dịch của Hà Mai Anh.

Nhà giáo Hà Mai Anh (1905-1975), bút hiệu Mai Tuyết và Như Sơn, là tác giả của nhiều sách giáo khoa và dịch giả nhiều tựa sách phổ biến trong các thập niên 1950-60 và giữa thập niên 1970 tại Sài Gòn. Năm 1954, ông di cư vào Nam, làm hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quý Cáp ở góc đường Trần Quý Cáp và Pasteur (Nay là trường Trần Quốc Thảo) rồi sang làm việc trong Ban Tu thư và Học liệu thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.

Ông đã được trao tặng Giáo dục Bội tinh VNCH, giải Nhất về Dịch thuật Pháp văn của Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa năm 1970. Ông đã dịch những danh phẩm hầu như chúng ta đều biết: Vô Gia Đình, Trong Gia Đình và Về Với Gia Đình đều của Hector Malot, 80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới và Thuyền Trưởng 15 Tuổi của Jules Verne, Gulliver Du Ký của Jonathan Swift, Em Bé Bơ Vơ (David Copperfield) của Charles Dickens, Chuyện Trẻ Em của Charles Perrault. Hầu hết các tác phẩm chọn dịch đều có nội dung trong sáng, hướng thượng.

Đáng để ý nhất, tác phẩm Cuore của nhà văn Ý Edmondo De Amicis (1846-1908) ấn hành năm 1886, được nhà văn A. Pazzi chuyển sang Pháp ngữ thành Les Grand Coeurs và Hà Mai Anh đã dựa vào bản Pháp ngữ này để dịch thành Tâm Hồn Cao Thượng. Edmondo De Amicis viết tác phẩm cho trẻ thơ này theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini (là An Di trong bản dịch của Hà Mai Anh), một cậu học trò 11 tuổi, học tiểu học. Câu chuyện dẫn dắt từ một ngày khai trường tại thành Torino, Tây Bắc nước Ý, vào thứ Hai ngày 17/10 đến chương Trang cuối cùng của mẹ tôi vào thứ Bảy, ngày 1/7. Tác phẩm tuy mỏng, gồm 60 tiểu mục (Từ 1 - Ngày khai trường) “Hôm nay tôi đi học…” (Đến 60 - Trang cuối cùng của mẹ tôi) với dòng kết: “Mẹ tôi tin rằng hình ảnh trường cũ sẽ in vào ký ức của con cho đến lúc tàn hơi thở cuối cùng, như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng của căn nhà cũ mà ở đó, mẹ đã nghe tiếng khóc ban đầu của con – Mẹ con”.
Từng mẩu chuyện ngắn ấy đã ghi lại trong lớp học bao vui buồn, những tinh nghịch, an ủi, chia sẻ cho nhau, là tất cả những hình ảnh trong tuổi học trò mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua như An Di. Tâm Hồn Cao Thượng được chuyển ngữ với lời văn trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị, khi đọc sẽ cho thấy rõ ấy chính là cảm tưởng và tâm tình của một cậu bé học lớp Ba với bậc sinh thành, với thầy cô và cả bạn bè. Lời thầy cô, cha mẹ nhắn nhủ, khuyên bảo từng cử chỉ, hành động nhỏ nhặt trong nhà, trong lớp đến ý thức và trách nhiệm người con dù còn bé với đất nước đều nằm cả trong đó.

Trong bài viết Một Thuở Học Trò, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh ghi nhận: “… Những câu chuyện ở học đường và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An Di, những mẩu chuyện vui buồn trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thấm đẫm tình người. Đó chính là quyển truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha. Từ ngày theo trung học ở Hà Nội, và sau này là bậc đại học ở Pháp hay ở Mỹ, tôi đều phải tự mình mua sách vở giấy bút nhưng bao giờ khai trường, vào những hiệu sách và đi quanh quẩn ở giữa những chồng vở thơm mùi giấy mới, tôi lại nhớ đến thời thơ ấu đó. Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi…”.
Cây bút Lưu An viết từ Thụy Sĩ: “… Thầy Hà Mai Anh là vị thầy thứ tư của đời tôi, thầy đã dạy tôi năm lớp Nhì tiểu học, khi tôi 12 tuổi. Sau khi vào Nam, việc học của tôi bị gián đoạn khoảng hơn một năm vì bố mẹ và anh em tôi cùng ông nội phải theo gia đình nhà chủ lên Đà Lạt làm rẫy, lập trang trại. Mãi đến 1955, gia đình tôi mới trở về Sài Gòn. Vì thấy tuổi tôi đã lớn, ba tôi xin ngang cho tôi vào lớp Tư trường tiểu Học Chí Hòa. Nhờ đó tôi đã có một may mắn đầu tiên trong đời, năm 1967 khi lên lớp Nhì, vào được lớp của thầy Hà Mai Anh. Thầy đã ảnh hưởng rất nhiều đến hướng đi suốt cuộc đời tôi. Lương tâm tôi không bị ray rứt, xấu hổ với những tháng năm học hành và làm việc của mình, phần lớn nhờ vào những bài học đạo đức cũng như lời khuyên nhủ thấm nhuần từ vị thầy kính yêu. Với những bài học Sử, thầy dẫn tôi vào những cảm giác ngất ngây, đầy hào khí qua những chiến công vĩ đại của các vị anh hùng quê hương. Tất cả những dư âm oai hùng của Tổ quốc ngàn năm đó đã được thầy êm ả đưa vào tâm tư non nớt của hơn 50 đứa học trò lớp Nhì từ hơn 40 năm về trước, chẳng bao giờ tôi quên. Tôi còn nhớ rất rõ, trong một giờ Đức Dục vào buổi sáng, thầy dạy chúng tôi về bài học thương người tàn tật, nghèo khổ và già lão. Thầy đọc cho chúng tôi nghe một chuyện về lòng nhân đạo, rồi thầy kể chuyện vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lấy áo ngự bào đắp cho một người ăn mày trên đường đi tuần vào một ngày mùa Đông lạnh giá...".

Và không gì bằng đọc một đoạn sau trong Tâm Hồn Cao Thượng:

"Mẹ tôi
Thứ Tư, ngày 25 tháng Mười Một
Sáng nay, cô giáo Đan Cát Tiên lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôi. Vì thế, cha tôi răn tôi bằng lá thư sau đây, đọc rất cảm động:
“Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. An Di ơi! Lần sau không được thế nữa! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải bỏ con thì lại sụt sùi. Con ơi! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống. Con ơi! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là con mất mẹ con.
Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, vì dù lớn đến mức nào, khỏe đến mực nào, con vẫn thấy là 1 đứa trẻ chơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào dày xéo lên chữ Hiếu là kẻ khốn nạn. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn một điểm thành thực trong tâm; con người dù sang trọng tuyệt vui, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.
An Di ơi! Con xin lỗi mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xóa sạch vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quí báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!
Cha con”


(1) Sau 1975, Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh vẫn được tái bản rất nhiều lần tại Việt Nam, nhưng chưa lần nào thực hiện đúng nguyên tác. Lời NXB Thanh Niên: “Chúng tôi cũng có thay đổi, sửa chữa một vài chi tiết của bản dịch này cho phù hợp với tình hình hiện nay…”.
Last Edit: 3 years 5 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện)

HOÀI NIỆM NGÀY CŨ 3 years 5 months ago #63911

HÀN GIANG NHẠN

Bất cứ ai từng đọc truyện kiếm hiệp của các tác giả Hồng Kông – Trung Hoa trước 1975 như Kim Dung, Ngọa Long Sinh, Cổ Long hay Từ Khánh Vân thì phải cảm ơn các dịch giả từ Sài Gòn cũ như Phan Cảnh Trung, Từ Khánh Phụng và nhất là Hàn Giang Nhạn. Ông đã bằng công sức của mình đưa những tác phẩm khó quên này đến với nhiều thế hệ bạn đọc miền Nam…

Ngày tôi còn bé, có nhiều khi đón hai chị em một người bạn cùng trường đạp xe từ nhà họ ở đường Bà Hạt sang nhà tôi tại khu Phan Đình Phùng chơi. Thế nào trong những lần đó, tôi cũng dẫn họ đi ăn chè miền Nam hay mì Tàu trong một con hẻm lớn đâm vào hông chợ. Trên đường ba đứa chúng tôi đi ngang qua dãy nhà đó nằm ở đường Vườn Chuối, bao giờ họ cũng hỏi: “K có biết cái nhà có căn gác gỗ kia là của ai không?”. “Của ông giáo Trang đấy!”. “Ông giáo Trang là ai?”. “Ông ấy là Hàn Giang Nhạn”.

… Nếu tôi nhớ không nhầm, bởi vì lúc ấy mình mới 15 tuổi, bé thì ký ức có thể không chính xác, năm 1967 thì bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ đã đến với bạn đọc miền Nam rồi. Tôi có thể hồi tưởng việc đó đôi chút vì ngày ngày, mẹ tôi mua tờ Tiền Tuyến, thì cũng ngày ngày đã thấy phơi-ơ-tông ấy, qua bản dịch của ông Hàn Giang Nhạn. Đó là một Kim Dung của phơi-ơ-tông, một Kim Dung phải cày cuốc mỗi ngày khoảng 1.500 chữ để đăng từng đoạn truyện trên Minh Báo ở Hương Cảng, một Kim Dung có tác phẩm được leo máy bay đi từ Hương Cảng qua Việt Nam mỗi ngày. Truyện đó được dịch ra Việt ngữ và đăng cùng lúc trên nhiều tờ nhật báo Sài Gòn, trong đó có tờ Tiền Tuyến. Có báo đăng trước, có báo đăng sau, nhưng dường như Tiếu Ngạo Giang Hồ là đã chào đời từ gốc trước đó mấy năm, tới khi Tiền Tuyến đăng lại đã qua “mấy nước” rồi, mà vẫn còn ăn khách tới vậy. Có khi chỉ một loạt phơi-ơ-tông đó, đã cứu cho cả một tờ báo tránh khỏi cảnh thoi thóp chỉ vì toàn đăng những tin chiến sự buồn nản.

Sau này tôi biết tới luật sư Nguyễn Văn Tầm, ngày ấy ông còn theo đại học Luật khoa và chính ông là người thư ký đã giúp ông Hàn Giang Nhạn dịch những tác phẩm Kim Dung. Trong căn gác nhỏ như đã nói trên đường Vườn Chuối, ông Hàn Giang Nhạn đọc tờ báo gốc đến đâu, là dịch ra đến đấy. Chàng sinh viên tên Tầm ngồi chờ sẵn, lót 10 tờ pơ-luya và 9 tờ giấy than, viết lời dịch miệng của Hàn tiên sinh bằng một cây bút Bic. Lúc đó dưới căn gác, cả chục người tùy phái của cả chục tờ báo đang ngồi kiên nhẫn đợi và mỗi người sẽ được phát cho một bản viết tay ấy từ chính ông Tầm. Ai may mắn lấy được những bản phía trên thì còn đọc ra chữ, ai vớ những bản phía dưới, càng sau cùng can ra nhạt thếch, thì càng chỉ còn cách xem chữ đoán ý. Sau đó là những cuộc đua thực sự, ai nấy thi nhau gò lưng đạp xe về tòa soạn mình, và thư ký tòa soạn cũng phải đọc và sửa cho thật nhanh, để còn kịp ném bài xuống nhà in, xếp chữ chì. Không ai muốn mình chậm chân cả, vì khi báo ra mà sót một kỳ đứt quãng, thì lỗ thủng nội dung ấy không thể vá nổi dễ dàng trong ngày và chỉ cần sót 2 ngày, người ta sẽ bỏ báo mình, mua báo khác. Tin tức nơi các lĩnh vực khác dù có hấp dẫn đến đâu, như chuyện “con ma vú dài”, “con gái bà Huệ là con ruột tổng thống Bokassa”, “vũ nữ Cẩm Nhung” thì dù có kéo dây tới đâu, cũng phải có hồi kết. Còn với mỗi truyện Kim Dung, nó có thể nuôi mỗi tờ báo tới cả năm.

So với những người khác cùng giữ một dạng việc là dịch truyện kiếm hiệp như mình, Hàn Giang Nhạn chắc chắn đã nổi tiếng nhất ở Sài Gòn và cả miền Nam từ trên dưới 60 năm trước. Ông tên thật Bùi Xuân Trang, sinh 8/5/1909, tuổi Kỷ Dậu, tại Thái Bình. Năm lên 9, ông bắt đầu theo học Hán ngữ với một ông chú họ, rồi học Quốc ngữ với chính bố mình, học cả tiếng Pháp với chú ruột. Tuy gầy yếu nhưng nói về cái sự học, ông đã không được gia đình nương tay chút nào.
Năm 21 tuổi (1930), ông đã đi dạy học tại Phú Thọ, một năm sau thì được chuyển về trường Đồng Trực, Quỳnh Côi, Thái Bình. Năm 27 tuổi, ông học được thêm tiếng Thái ở miền Bắc. Rồi chiến tranh, ông về vùng Trung du, dạy học tiếp ở Phương Lung, Kiến Thụy, Kiến An, sau đó lại quay về quê nhà. Người Pháp trở lại, 39 tuổi ông về Hải Phòng, làm việc ở Sở Công chánh. 1954, ông dẫn gia đình vào Sài Gòn, vẫn làm việc bên ngành Công chánh.

Ba năm sau, ông về dạy học tại trường Trần Lục, Tân Định. Từ đây đến cuối đời, bằng vốn liếng Hoa ngữ của mình, ông bắt đầu kiếm thêm bằng dịch sách. Ông nhận dịch cho Nha Tu thư, Sở Học liệu của Bộ Giáo dục Việt Nam. Bộ sách đầu tiên mà ông dịch là Thiên Long Bát Bộ, sau đó là Lãnh Nguyệt Bảo Đao (Phi Hồ Ngoại Truyện), Hiệp Khách Hành, Liên Thành Quyết, Tố Tâm Kiếm (Thư Kiếm Ân Cừu Lục), Tiếu Ngạo Giang Hồ và Lộc Đỉnh Ký – Tất cả đều là tác phẩm Kim Dung và không theo thứ tự mà nhà văn đã sáng tác bên chính quốc. Ngoài ra, ông còn dịch sách của các nhà văn khác – Cũng đều là võ hiệp – như Ngọa Long Sinh, Lương Vũ Sinh, Cổ Long và chính ông cũng sáng tác một số tiểu thuyết võ hiệp.
Lật lại, Hàn Giang Nhạn là người chí thú học hành nhưng gặp nhiều sự cố trong đường đời. Năm ông 17 tuổi, bà cụ thân sinh qua đời, ông đành phải bỏ học, kiếm nơi dạy kèm từ tuổi rất sớm như thế làm sinh kế mà vẫn tiếp tục theo học hàm thụ chương trình trung học. 19 tuổi, ông trúng tuyển kỳ thi vào ngành Sư phạm, cả tỉnh chỉ lấy có 40 giáo sinh, học tại Nam Định. Ra trường, ông tới Phú Thọ đứng lớp và chính những năm tháng gõ đầu trẻ khắp nơi như thế, đã giúp ông ngẫm ra rằng, nghề giáo tuy cao quý thật nhưng khi người ta đã có gia đình, thì lương bổng sẽ không đủ. Đó là lý do ông đi làm cho Sở Công Chánh ở Hải Phòng, thu nhập có cao hơn nhưng thời cuộc lại đẩy đưa ông vào Nam, vẫn nghề ấy mà lại vẫn phải quay về nghề giáo. Phải đến gần 50 tuổi (1957), ông giáo Trang mới có đất thực sự dụng võ với vốn liếng Hoa ngữ học từ ông chú họ của mình từ hơn 40 năm trước. Mảnh đất truyện kiếm hiệp Kim Dung, với Kiều Phong, Đoàn Dự, Mộ Dung Phục, Vương Ngọc Yến; với Yến Tử Ổ, Đại Yên, Đại Lý, Đại Liêu vây quanh Đại Tống, với chùa Thiên Long và với Nhạn Môn Quan bi hùng trong tác phẩm đầu tay mà ông đã dịch, chính là nơi giúp ông đã tìm được chỗ dừng chân cho đến hết đời.

Như lời từ bạn viết Vũ Hợi của tôi, tức “nhà Kim Dung học” Vũ Đức Sao Biển giải thích, ngay từ đầu ông giáo Trang đã lấy bút danh là Hàn Giang Nhạn chỉ vì trong lá số Tử vi của chính ông có cách “Nhạn quá Hàn giang”, hàm ý chim Nhạn bay qua sông Hàn từ phương Bắc rét mướt về phương Nam ấm áp, như chính đời ông đã vào Nam. Nhưng theo tôi biết, câu trả lời lại chỉ đúng một phần. Phần còn lại là vì ngay từ truyện đầu mà ông đã dịch, có hình ảnh tuyệt đẹp của Nhạn Môn Quan cứ bàng bạc ám ảnh suốt chiều dài tác phẩm. Đó là cảnh Kiều Phong đáo đi đáo lại nơi ấy nhiều lần để tự vấn trong khổ đau về gốc gác thực của mình, mình là người Đại Hán hay người Khiết Đan. Hình ảnh bao đàn chim Nhạn bay qua cái cửa núi ấy, mà cũng là mốc đánh dấu biên giới giữa 2 miền đất nghịch nhau như nước với lửa, khi tráng sĩ phát hiện đau đớn rằng mình là người Liêu, hẳn đã in sâu vào sự chọn lựa của ông. Thật ra, tôi biết thế là do khôn vặt chứ chẳng hơn gì người ta bao nhiêu cả, vì lúc đó mình mới 15 thì biết gì về Đại Hán với Đại Liêu; chẳng qua nghe lỏm chuyện người lớn thôi: Mấy lần ông giáo Trang sang nhà tôi uống trà với ông già tôi.
Sinh thời, ông giáo Trang có 3 bút danh. Bút danh Thứ Lang ký cho các tác phẩm dịch văn chương, khảo cứu, học thuật, lịch sử. Bút danh Vô Danh Khách để ký cho các bài dịch truyện hài hước hoặc các bài ngắn. Riêng bút danh Hàn Giang Nhạn để chuyên dịch những tác phẩm võ hiệp Kim Dung và các tác giả khác. Nổi danh nhất chính là bút danh Hàn Giang Nhạn, ra đời năm 1963, khi tác phẩm Kim Dung ngày ngày bắt đầu đổ vào Sài Gòn thông qua tờ Minh Báo Hương Cảng.

Bản dịch truyện Kim Dung của ông được đánh giá là tự nhiên, phóng khoáng, tuy là văn phong võ hiệp mà lại thơ mộng. Một số đoạn văn vần trong truyện gốc khi được dịch sang tiếng Việt đã rất nhã, ví như đoạn mở đầu của Tiếu Ngạo Giang Hồ:
Gió Xuân đầm ấm, ngàn liễu xanh tươi,
Hoa phô sắc thắm, hương nức lòng người
hay bài thi Khiển Hoài của Đỗ Mục, trong Lộc Đỉnh Ký:
Lưu lạc Giang Nam đã bấy lâu
Cùng người nhỏ bé ở bên nhau
Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng
Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu

Để ý, niêm luật và quy thức bằng trắc trong đoạn tứ tuyệt này là không thể bắt bẻ vào đâu được.
Từ Hàn Giang Nhạn, trừ những tuyệt phẩm khác như Anh Hùng Xạ Điêu hay Thần Điêu Đại Hiệp và Cô Gái Đồ Long không do ông chuyển ngữ, những chi tiết hay đẹp trong tác phẩm Kim Dung đã đến với biết bao thế hệ bạn đọc thuộc nhiều tầng lớp xã hội ở Sài Gòn. Trên bình diện này, bất cứ ai cũng có thể tranh luận như nhau về truyện kiếm hiệp mà người ta đã đọc thấy trên mặt chữ, nếu không phải đào sâu kiến thức sâu xa hơn giữa từng dòng, và nếu không đứng trên nền tảng Triết học Đông phương để mở mang kiến thức giúp nhau. Người ta chỉ cần thấy Đoàn Dự và Du Thản Chi là những kẻ si tình bậc nhất thiên hạ là đủ rồi. Xa hơn chút nữa, người ta chỉ cần suýt soa khi biết ông bố hờ của Đoàn Dự là Đoàn Chính Thuần ngày xưa từng “ăn mặn” trong ái tình ra sao, để bây giờ con trai ông ấy (Mà thật ra là con của Đoàn Diên Khánh) phải quá “khát nước” để trở thành một kẻ thất tình vĩ đại cho đến phút chót, chỉ khi Mộ Dung Phục hóa điên. Người Sài Gòn ngày ấy chỉ biết ngỡ ngàng khi nghiệm ra, một bậc cao tăng đức cao vọng trọng như Huyền Từ, phương trượng chùa Thiếu Lâm đã có một “ngày xưa vụng dại” với người đứng thứ hai trong Tứ Ác là Diệp Nhị Nương, để nặn ra một đứa trẻ mồ côi xấu trai như Hư Trúc, xuất gia từ bé mà về sau, qua nhiều lần không thể giữ được giới luật do Trời định, sẽ trở thành phò mã và giáo chủ. Hàn Giang Nhạn không thể tự mình định ra chữ “duyên” khi vai của ông chỉ là dịch giả, nhưng ông đã giúp đưa chữ “duyên” ấy, từ Kim Dung, hoàn hảo đến với bao người.
Ông mất ở tuổi 72 và 6 năm cuối cùng của đời mình, ông đành gác bút mãi mãi.(Sưu Tầm)





120884758_2451548011813441_4967244926486526415_n_2020-11-17.jpg


120914312_2451547985146777_1361494620819685558_o_2020-11-16-2.jpg
Last Edit: 3 years 5 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1
  • 2


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012