Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: TCV Phao Lô - Dấu Ấn Tuyệt Vời

TCV Phao Lô - Dấu Ấn Tuyệt Vời 7 years 5 months ago #61860

Cứ cụ Lý xuất hiện là có 1 áng văn kiệt xuất :respect

Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện) wrote:
Chứa Chan, Núi Đỏ chẳng có sương,
Núi Tung hơn tí với mặt đường.
Quanh năm nắng gắt cùng bụi đỏ,
Thi sĩ ngỡ rằng "giống Meo Bơn"? (Melbourne)
:grin

Tháng rồi thằng em từ San Jose qua Melbourne chơi, nó nói sao Melbourne không giống như em tưởng tượng ! Hỏi mày tưởng tượng sao ? nó nói em tưởng phải có sa mạc bụi đỏ và Kangaroo nhảy đầy đường kkk... Đúng là Mẽo con !

Còn nhà zăng Tư Ếch thì em phải nói là "Đúng là Căng gìa" kkk... :smile :smile
The administrator has disabled public write access.

TCV Phao Lô - Dấu Ấn Tuyệt Vời 7 years 5 months ago #61858

Chứa Chan, Núi Đỏ chẳng có sương,
Núi Tung hơn tí với mặt đường.
Quanh năm nắng gắt cùng bụi đỏ,
Thi sĩ ngỡ rằng "giống Meo Bơn"? (Melbourne)
:grin
The administrator has disabled public write access.

TCV Phao Lô - Dấu Ấn Tuyệt Vời 7 years 5 months ago #61855



Chủng viện năm xưa dưới mái trường.

Thương thương nhớ nhớ vẫn còn vương.

Tinh mơ tiếng kẻng chưa tròn giấc.

Tối nguyện kinh chiều núi phủ sương.
Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
The administrator has disabled public write access.

TCV Phao Lô - Dấu Ấn Tuyệt Vời 7 years 5 months ago #61848


Nhớ về năm tháng mái trường xưa

Lời lẽ bao nhiêu để diễn vừa

Cuộc sống đong đưa bao trải nghiệm

Nỗi niềm cảm tạ, một lời thưa
The administrator has disabled public write access.

TCV Phao Lô - Dấu Ấn Tuyệt Vời 7 years 5 months ago #61847





Nếu bỗng dưng có người hỏi tôi lúc nào trong cuộc đời của bạn là khoảng thời gian thánh thiện đạo đức nhất, chắc chắn tôi sẽ trả lời không đắn đo: đó là những tháng ngày sống tu trong TCV Phao Lô XL. Chắc đây là câu trả lời chung không phải riêng tôi mà có lẽ tất cả các anh em, kể cả những người tu sĩ hay giáo dân xuất thân từ TCV đều đồng ý điều đó. Quãng đời hoa niên ở TCV, chúng ta đã sống những phút giây đầy thánh đức, xác hồn chúng ta ngày ấy thật "trắng trong như ánh quang rạng ngời".
Đó cũng là quãng đời vô tư lự, đằm thắm tình huynh đệ, với bao kỷ niệm hồn nhiên tươi đẹp nhất của một đời người!

Chúng ta thật tự hào khi nói về xuất xứ của mình: TCV Phao Lô XL; một ngôi trường đào tạo chủng sinh gương mẫu, thánh thiện và xuất chúng bậc nhất tại VN thời bấy giờ.

Những yếu tố nào đã hình thành nên những người con của TCV Phao Lô đạo đức và giỏi giang:

1. Phương pháp xét duyệt thật ưu tuyển:

Kỳ thi vào TCV XL đã áp dụng những thể thức công phu và khoa học nhất để tuyển chọn được những chú bé tiểu chủng sinh toàn diện. Sau lựa chọn vòng một cho các môn thi văn hóa bắt buộc, vòng tuyển chọn lần hai tại TCV là kỹ lưỡng và tỉ mỉ nhất.Tất cả các trường đại học danh tiếng hay chuyên ngành đều chọn lựa học sinh theo phương thức này. Vòng ngoài họ sẽ lựa những học sinh có học lực xuất sắc qua học bạ và qua kết quả của những bài thi để tiêu chuẩn hoá học sinh (standardized tests) chẳng hạn như SAT, ACT... cho học sinh trung học ở Mỹ. Họ cũng cần những lá thư giới thiệu của thầy cô giáo dậy những lớp quan trọng cho các học sinh này. Những học sinh này phải trải qua một cuộc phỏng vấn và có một bài luận văn nói về bản thân mình. Hội đồng xét duyệt đánh giá những đức tình tốt đẹp của ứng viên dựa trên tiểu sử (resume), bài luận văn, kỳ phỏng vấn để chọn lựa những học sinh xứng đáng nhất.

Nhưng các bài luận văn (essay) hay cuộc phỏng vấn ngắn ngủi để tìm hiểu về các thí sinh vẫn chỉ là hời hợt nếu so sánh với kỳ thi lần hai tại TCV. Trong đó các chú bé được quan sát dài ngày từ học lực (Toán, La ​Tinh​...) đến cung cách ứng xử với bạn bè, bề trên và tinh thần đạo đức. Môn La ​Tinh được dậy trong thời gian ngắn ngủi nhưng cũng là phương thức thật hay để đánh giá một cách công bằng trí thông minh và khả năng ngoại ngữ của các thí sinh.

2. Đường lối giáo dục tuyệt hảo dựa trên nền căn bản đạo đức sâu xa:

Tất cả chúng ta đều hãnh diện khi có những người anh em là những nhà lãnh đạo tôn giáo xuất sắc như đức cha Hiệu, đức cha Long; các mục tử đạo đức và đầy năng lực của mỗi lớp. Các nhạc sĩ Công giáo được yêu mến và còn lại là biết bao người tông đồ giáo dân nhiệt thành. Tất cả thành quả ấy là nhờ vào đường lối giáo dục canh tân đạo đức của ban giảng huấn TCV.

Từ sớm mai thức dậy bắt đầu bằng câu kinh dâng ngày đến giờ cầu kinh trước khi đi ngủ, mỗi ngày tâm hồn chúng ta được hun đúc bằng những sinh hoạt đạo đức qua những giờ nguyện gẫm, cám ơn sau rước lễ, các bài huấn đức của các cha giáo, xen kẽ là những giờ viếng Thánh thể cá nhân. Nếu có gì sai trái lạc hướng lại được các anh em nhắc nhở trong buổi họp Chúa Hài đồng, hay được cha Linh hướng uốn nắn khi "bàn việc linh hồn" với ngài.
Việc giáo dục đặt nặng vào ban văn chương, nên trình độ Việt văn và ngoại ngữ của các chủng sinh hơn hẳn các bạn ở trường ngoài. Chúng ta cũng được học qua và bình luận từ truyện Kiều đến những tác phẩm của nhóm Tự ​Lực Văn Đoàn, hay của các nhà văn thời danh trước năm 75.
Các giờ rèn luyện thể thao và tập hát đã đem lại cho các tiểu chủng sinh thành những học sinh toàn diện.

3. Ban giảng huấn uyên bác và thương yêu học sinh:

Tất cả ban giảng huấn của TCV khi được chọn lọc đều có học thức cao, tâm hồn đạo đức và thương yêu con cái trong TCV. Thời bấy giờ với những phương tiện đơn sơ và cơ sở vật chất thiếu thốn, các ngài đã nỗ lực để đem lại cho các tiểu chủng sinh của mình những thành quả giáo dục tốt nhất. Dù không được đào tạo từ những ngôi trường sư phạm chuyên môn, nhưng các ngài đã cố gắng nghiên cứu những phương pháp giáo dục không những truyền đạt đầy đủ kiến thức, đồng thời giúp đàn con thăng tiến trên con đường tu đức. Những hoạt động dã ngoại, vui chơi giải trí, các câu chuyện kể đầy hấp dẫn của các thầy đã làm bao chú chủng sinh say mê, vơi đi nỗi nhớ nhà, và không bị buồn chán trong đời sống tu trì.




Cha Giám đốc là hoa tiêu hướng dẫn đường lối giáo dục tại TCV. Ngài muốn chúng ta "đi trên con đường hẹp và chông gai để đi đến núi Sọ" (tạp chí Sáng, trang 20). Đây là một chọn lựa đúng đắn để đào tạo nên những linh mục đạo đức, khó nghèo và thánh thiện. Nhìn lại Olympic Rio 2016, chúng ta thấy những người lực sĩ nào rèn luyện gian khổ sẽ đạt được thành tích tốt nhất. Sống trong môi trường đơn sơ, với ý chí và tinh thần đạo đức cao; những người chủng sinh khi trở thành linh mục sẽ coi thường vật chất, từ bỏ thói quen hưởng thụ và chỉ đi tìm những giá trị đạo đức trong tâm hồn qua việc phục vụ Chúa và giáo hội. Cha giám đốc còn đưa vào giáo trình môn "Lịch sự": "môn lịch sự căn cứ vào nền tảng bác ái Công giáo, để chủng sinh biết xử thế theo tinh thần Phúc âm" (Sáng, trang 20). Một con người lịch sự và cư xử với mọi người trong tinh thần bác ái Phúc âm thì quá hoàn hảo. Cha Giám đốc còn tự học ngoại ngữ (La ​Tinh, Anh văn) để dạy lại cho đàn con, còn nhạc lý ngài cũng mày mò học lấy mà sáng tác nên những bài thánh ca bất hủ và bao nhiêu bài hát cho thiếu nhi khác nữa.
Dù ngài rất bận rộn nhưng đích thân cha đã dạy Anh văn cho lớp út, để lấy lại căn bản ngoại ngữ cho các chú út vì trình độ ban đầu khác biệt do xuất thân từ các trường học khác nhau, với những chương trình ngoại ngữ và sách giáo khoa khác biệt. Ngoài ra cha còn tỉ mỉ chỉ dậy uốn nắn chúng con từ lời ăn tiếng nói, cung cách bái gối cúi đầu trong nhà nguyện giữa thánh lễ hay trong giờ chầu Thánh thể.



Cha Lâm văn Thế là một cha giáo thật đặc biệt. Trước hết ngài là cha giáo trẻ và đẹp trai nhất thời bấy giờ. Con người ngài văn võ song toàn, từ ngoại ngữ, thể thao, văn nghệ... môn nào ngài cũng tinh thông hết. Nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ có lần viết về ngài với tâm tình thật cảm động: "cha giáo đã dầy công huấn luyện đức-trí-thể-mỹ cho chúng con nên người, cuộc đời chủng sinh không có cha chắc sẽ ảm đạm hơn..." Âm nhạc và thể thao là những đam mê muôn thuở, cha giáo đã đem lại cho đời sống người tiểu chủng sinh phong phú và tươi đẹp thêm biết bao!
Nhớ lại buổi tối thứ bẩy văn nghệ lần họp mặt hải ngoại ​tại Santa Ana ​năm trước, đã gần nửa đêm, anh em chắc cũng thấm mệt sau một ngày dài sinh hoạt bên nhau. Cha Tân có sáng kiến soạn sẵn những bài du ca ngày xưa thường hát bên nhau tại TCV. Anh em say sưa hát những bài du ca cha giáo tập cho ​thuở ấy, mọi người như chợt bừng tỉnh qua những giai điệu trầm hùng và chúng ta như sống lại quãng thời gian ấm cúng ngày trước, khi còn ngồi bên nhau hát nghêu ngao trong căn hội trường TCV.
Đến nay như một truyền thống tốt đẹp, cha giáo mời gọi đàn con đến sum họp và chung vui với cha vào ngày lễ bổn mạng hằng năm. Tình nghiã thầy trò vẫn thật sâu đậm dù qua bao năm tháng dãi dầu.

(Em chỉ xin​ ​kể đến hai ​cha giáo điển hình trong ban giảng huấn​ mà ấn tượng ghi đậm tâm can đứa học trò 8 tháng này, còn bao nhiêu cha thầy khác, xin anh em khác bổ sung cho. Riêng đức cha Linh hướng Phaolô Maria đã có các anh Tuyết Hầy, Mai Nguyên Vũ tường thuật đầy đủ hơn trong các bài viết trước đây.)

4. Chúng ta có những bạn đồng niên và huynh trưởng thật tốt:

Sau khi được tuyển chọn, hầu hết các bạn đồng trang lứa trong cùng lớp đều hiền lành và đức độ. Tục ngữ Việt nam có câu: "gần ​mực thì đen, gần đèn thì sáng", chính vì tất cả anh em chúng ta đều thông minh sáng láng, nên dễ dàng cùng nâng đỡ giúp nhau thăng tiến trên con đường tu trì.
Cha Giám đốc đã áp dụng phương pháp giáo dục mới tại TCV: không có giám thị, mà chỉ có anh em giúp đỡ rèn luyện lẫn nhau, các anh lớp lớn hướng dẫn nâng đỡ cách em nhỏ. "Học thầy không tầy học bạn", anh em bạn bè dễ dàng tận tình hướng dẫn chỉ dậy cho nhau hơn nhiều.
Truyền thống yêu thương đùm bọc ấy còn được gìn giữ mãi đến hôm nay, anh em trong cùng một lớp thương mến nhau và tình cảm liên kết đậm đà giữa các lớp với nhau.

5. Hoàn cảnh địa lý của ngôi trường TCV:

Yếu tố ngoại cảnh của mái trường cũng phần nào tác động đến người học sinh. Long Khánh là một thị trấn nhỏ, TCV nằm biệt lập, xa những khu thị tứ náo nhiệt. Trong môi trường thiên nhiên vắng lặng, người chủng sinh sẽ hướng nội và có đời sống tâm linh phong phú hơn.
Trước năm 75 đa số giáo dân địa phận Xuân Lộc là những người lao động chân tay, cày bừa, trồng cấy hay đánh cá. Hầu hết chúng ta đều xuất thân từ gia đình lao động, hoặc tiểu thương nhỏ, mà theo lẽ thường thì con nhà nghèo hay có ý chí vượt khó và học giỏi hơn. Giáo phận XL có số lượng giáo dân đông đảo nhất nước, nên số nhân tài có lẽ cũng vượt trội hơn các địa phận khác.

Trên báo Người Việt có bài viết về LM Nguyễn Văn Tuyên làm chính xứ Westminster nói về tiểu sử của ngài, thi đậu vào TCV Á thánh Phụng, GP Long Xuyên, là một trong 120 người được chọn trong số 400 ứng viên.
(www.nguoi-viet.com/little-saigon/giao-dan-westminter-chao-mung-tan-linh-muc-chanh-xu/).
Không biết rõ có bao nhiêu thí sinh nộp đơn thi vào TCV XL, nhưng chắc chắn con số ấy phải nhiều hơn ở GP Long Xuyên. Nhất là sĩ số học sinh trúng tuyển chỉ bằng một nửa số của Long Xuyên, nên để được lựa chọn vào TCV ​Xuân Lộc phải khó khăn và ưu tuyển hơn nhiều.
Có những ​anh đã không thi đậu TCV XL nhưng lại dễ dàng trúng tuyển tại một TCV hay dòng tu khác và trở thành những tu sĩ nhiệt thành cho giáo hội. Hoặc là có những anh em dù "ra trường" rất sớm nhưng khi chuyển sang một trường lớp khác vẫn là những học sinh xuất sắc của ngôi trường mới.
​Các​ anh trong lớp Tô Ma cho biết nhiều anh ​như Hiểu Ba Tầu,Tấn Vổ, Chí Bễu, bác sĩ Cường, ​sau khi rời TCV đã học nhẩy lớp mà vẫn ​giỏi hơn học sinh ngoài đời. Năm 1973-1974 Hai lớp đầu đàn của Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc đi thi Tú Tài I, Tú Tài II đã đậu 100% trọn lớp. Trong đó có một số đông học trò Pháp Văn của cha Lâm Quang Thế được điểm perfect 20/20.

Ôn lại những đặc điểm của mái trường xưa để chúng ta không những tự hào vì xuất thân của mình, nhưng chúng ta cố gắng sống xứng đáng với truyền thống những gì đã được giáo dục từ tấm bé và tri ân bao công lao giáo dục của các cha thầy cũ.

Đã 50 năm qua rồi, những chú bé chủng sinh "đẹp trai, con nhà nghèo, học giỏi" ngày ấy đã dần trở thành những "lão niên" đạo mạo! Hầu hết chúng ta đã rời xa con đường tu trì và có một mái ấm gia đình riêng. Đảm nhiệm bổn phận làm cha mẹ và dưỡng dục con cái, chúng ta phải nhận chân một điều là: bây giờ thật khó kiếm tìm cho con cái chúng ta một ngôi trường dạy dỗ con mình đầy đủ "Đức-Trí-Thể-Mỹ", với học phí thật thấp như chúng ta được hưởng ngày xưa dưới mái trường TCV. Chúng ta chỉ có một vài đứa con trong gia đình, mà đã cảm thấy bổn phận dậy dỗ chúng nên người thật nhiêu khê vất vả. Thời điểm 50 năm trước các ân sư của chúng ta còn trẻ lắm, các ngài hơn học sinh của mình không bao nhiêu tuổi và chắc chắn là trẻ hơn chúng ta bây giờ rất nhiều. Các vị ân sư ngày xưa phải chăm lo dậy dỗ vài trăm tiểu chủng sinh đang trong lứa tuổi thiếu niên ngỗ nghịch ngang bướng với những hoàn cảnh gia đình khác biệt nhau. Dậy dỗ con cái thành người hữu dụng đã khó, hướng dẫn giáo dục con cái trở nên những mục tử thánh thiện còn khó hơn gấp bội phần. Chúng ta thật chân thành biết ơn bao công khó của các ngài.

Có thể nói thật sự là một hồng ân khi chúng ta được tuyển chọn vào TCV ​Thánh Phaolô, dù chỉ được sống ở đó trong thời gian dài hay ngắn ngủi, chúng ta đã được Chúa trao ban cho nhiều nén vàng hơn những bạn bè cùng trang lứa. Nên anh Mai Hữu Thể đã ví von so sánh chúng ta là những "cậu bé vàng" (www.tcvphaolo.net/index.php?option=com_kunena&view=topic&catid=21&id=50251&Itemid=109). Thời buổi ấy trong khi những bạn bè của mình sau vài giờ học ở trường về nhà là lang thang nghịch ngợm, chọc phá làng xóm, hoặc phải mưu sinh giúp đỡ cha mẹ, "nhiều đứa vất vả chân lấm tay bùn, làm quần quật trên những cánh đồng hay đen sạm với nắng gió của nghề đi biển" (MHT). Riêng chúng ta được có một thời khoá biểu học hành, tu đức, giải trí, và thể dục thật đầy đủ. Trước năm 75 có nhiều vùng quê của chúng ta còn không có điện, cha mẹ bận rộn cả ngày với công việc đồng áng, đám trẻ con thì học hành qua loa, quần áo lôi thôi nhếch nhác, còn chúng ta được ăn mặc chỉnh tề. Dù thực đơn của các Sơ Đa Minh không phải cao lương mỹ vị nhưng cũng "khác xa với những bữa cơm đạm bạc ở nhà, các món ăn trong ba bữa: sáng, trưa chiều đều lạ miệng và ngon ra phết" (MHT).

Những thói quen đạo đức từ thời thơ ấu trong TCV ít nhiều cũng ăn sâu vào tâm hồn chúng ta. Nhìn lại chính mình, mỗi người trong chúng ta ít nhiều phần nào còn giữ lại trong mình từ lối sống đến sinh hoạt thường nhật của những ngày ở TCV. Nhà văn Tư Ếch (Hoàng Văn) vẫn đọc kinh dâng ngày và cầu nguyện mỗi tối như những ngày còn trong TCV. Mai Hữu Thể (Sáu Nhái) có tấm lòng kính mến Đức Mẹ một cách đặc biệt nhờ vào những ngày cầu nguyện ngày xưa dưới chân Mẹ ở hồ bán nguyệt. Các anh em chắc cũng không quên những mẩu chuyện vui của Xuân Dung về ông xã Duy An vì chàng giữ nguyên cả phong cách ngủ nghỉ từ thời còn tu đến bây giờ.
Đa số chúng ta đã trở thành "tông đồ giáo dân", cam phận với vòng kềm toả "trong tay thánh nữ có đời ta". Lăn lộn với cuộc sống thường ngày để kiếm sống, chắc ai cũng bị "đời đóng cho vài vạn dấu đinh". Có những khúc quanh của cuộc đời, có thể chúng ta bị sa đà và tưởng như rơi xuống hố thẳm, nhưng nhờ những căn tính đạo đức ngày xưa còn sót lại đã giúp chúng ta vượt thoát khỏi những cạm bẫy sa ngã của cuộc đời.


Cảm tạ hồng ân Chúa đã dẫn dắt chọn con vào TCVPL-XL, đó là một dấu ấn tình yêu tuyệt vời không hề xoá nhoà trong tâm hồn con. Dù thời gian phôi pha, nhưng những ngày tháng thánh thiện tuyệt hảo cao quý ấy như một khúc ca êm ái ngọt ngào vẫn vang vọng mãi trong con đã bao năm rồi không dứt. Tâm hồn con đã vướng vào bao tục luỵ, lòng trí con đã lấm lem "vấn vương bụi đời", nhưng hương hoa thánh đức và giai khúc thanh khiết Ngài gieo vào lòng con năm xưa vẫn mãi theo con đi trọn con đường trần này.

(www.nhaccuatui.com/bai-hat/dau-an-tinh-yeu-lm-jb-nguyen-sang.mlL4AVHQ4Qob.html)

The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012